Tết năm ấy trên chiến trường K

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bây giờ, mỗi khi gặp nhau, nhắc lại buổi tiệc mừng xuân Nhâm Tuất năm ấy trên đất Campuchia, chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ những kỷ niệm không thể nào quên của một thời làm quân tình nguyện trên đất bạn.

Tranh thủ những tháng mùa khô cuối năm 1981, thực hiện mệnh lệnh của Tư lệnh Mặt trận 579, Chỉ huy trưởng Đoàn 5503 liên tục tổ chức cho các tiểu đoàn thuộc quyền mở nhiều đợt tấn công truy quét tàn quân Khmer đỏ trên các địa bàn Siêm Păng, Siêm Pọt (Campuchia) và vùng giáp Lào, tiêu diệt tiêu hao một số binh lực và phương tiện chiến đấu của địch, đẩy đuổi chúng ra xa các vùng dân cư và khu hậu cứ của đơn vị.

 

Chiếc cầu treo bắc qua suối Ta Cô (Tây Bắc tỉnh Battambang) do công binh E812 làm vào thập niên 1980
Chiếc cầu treo bắc qua suối Ta Cô (Tây Bắc tỉnh Battambang) do công binh E812 làm vào thập niên 1980


Trải lòng rung cảm nhất

Cuối tháng 2, trời nhiều mây, chuẩn bị cho một mùa mưa thường lệ đón chào năm mới của đất nước chùa tháp (Chol Chnam Thmay). Riêng những cán bộ, chiến sĩ của quân tình nguyện Việt Nam lại đang háo hức đón Tết cổ truyền của dân tộc. Những lúc như thế, nỗi nhớ quê hương, nỗi nhớ nhà càng thêm da diết, cồn cào hơn. Mấy anh em đã có gia đình, vợ con thì tâm trạng bồn chồn thấy rõ.

Đây là thời điểm mà các câu chuyện của những ngày giáp Tết được trải lòng rung cảm nhất. Cùng làm nhiệm vụ chiến đấu ở chiến trường xa, chúng tôi thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, sẻ chia và ngầm hẹn nhau Tết năm sau và có thể là nhiều năm sau nữa sẽ cùng về ăn Tết ở quê nhà.

Cận Tết năm 1982 - xuân Nhâm Tuất, thượng tá Lại Nam Dương, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Đoàn 5503, quyết định phân công Tiểu đoàn 2 đang đóng quân ở huyện Thala Barivat (thuộc tỉnh Stung Treng, Đông Bắc Campuchia), bên dòng sông Sê San quanh năm cuồn cuộn phù sa, làm nhiệm vụ trực chiến cho đoàn. Số còn lại thì chỉ huy các đơn vị thu quân về hậu cứ để củng cố lực lượng, tổ chức bồi dưỡng chính trị và cho bộ đội nghỉ ngơi chuẩn bị đón Tết.

 

Sáng 3-5-1983, người dân thủ đô Phnom Penh (Campuchia) lưu luyến tiễn các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về nước. Ảnh: TTXVN
Sáng 3-5-1983, người dân thủ đô Phnom Penh (Campuchia) lưu luyến tiễn các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về nước. Ảnh: TTXVN


Tôi là trợ lý tổ chức động viên (nay gọi là quân lực), được cho là có "hoa tay" nên Ban Tham mưu đoàn giao nhiệm vụ trang trí phòng khách Sở Chỉ huy để đón Tết.

Ở sát rừng "khỉ ho cò gáy" này thì tìm đâu ra hoa đào, hoa mai để trang trí mấy ngày Tết? Thôi thì chế vậy! Hoa đào thì vẽ trên tấm phông lớn thường dùng để che trận địa cối 82 ly và 12 ly 7 bố trí ở hai hướng bảo vệ Sở Chỉ huy. Trên đầu phông nổi bật hàng chữ Chúc mừng năm mới. Dọc bên phông là hai câu đối vừa mang ý mừng Tết, đón xuân, vừa động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội, thêm mấy chú chim én tung cánh dưới tầng mây trắng.

Còn hoa mai? Chúng tôi chia nhau ra rừng tìm chọn nhánh cây có dáng giống cành mai, mang về hì hục cắt dán nắn uốn, cuối cùng cũng có một chậu mai hoành tráng trông khá bắt mắt, đặt giữa phòng họp của Sở Chỉ huy, sẵn sàng đón khách. Thủ trưởng Dương khen việc trang trí đẹp, đúng yêu cầu làm chúng tôi thêm vui trước những ngày đón Tết.


 

Phân đội bộ binh của dBB7/E31 làm nhiệm vụ sau khi đánh chiếm tổng hành dinh 3 phái của Sihanouk ở Caomelai (Campuchia), tháng 2-1985
Phân đội bộ binh của dBB7/E31 làm nhiệm vụ sau khi đánh chiếm tổng hành dinh 3 phái của Sihanouk ở Caomelai (Campuchia), tháng 2-1985


Đóng góp tùy khả năng

Chiều 30 Tết, xong mọi việc đơn vị giao, chúng tôi hội ý với nhau để tổ chức vui Tết cho riêng nhóm sĩ quan trẻ, không phân biệt quê quán, chẳng kể có vợ con hay chưa, theo tinh thần tự nguyện đóng góp tùy khả năng mỗi người. Vậy là đúng 17 giờ ngày 30 Tết, từng người lần lượt đến nơi sinh hoạt chung của đơn vị tại nhà sàn Ban 5.

Đầu tiên là Nguyễn Tấn Ba (quê xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), trợ lý chuyên gia quân sự tỉnh Stung Treng, với một két bia 333 Sài Gòn, vài gói thuốc Jet cùng một con gà nướng sẵn, thơm phức.

Tiếp đến là Trần Thanh Xuân (quê xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), trợ lý tuyên huấn thuộc Ban Chính trị, rồi lần lượt trợ lý thông tin Trương Hướng (quê huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đóng góp một két bia Sông Hàn, mấy gói thuốc của Lào cùng một chú vịt trống đang kêu quàng quạc; rồi Trịnh Thanh Sáu, trợ lý chuyên gia phiên dịch; Trần Huy Tiến (tức Tiến cò), chuyên gia huấn luyện... Cuối cùng là trung đội trưởng thông tin Phạm Lành (quê huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam).

Những sĩ quan trẻ quê Quảng Nam - Đà Nẵng bấy giờ làm nhiệm vụ tại các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ Chỉ huy Đoàn 5503 có mặt gần như đầy đủ. Tôi là người lớn tuổi nhất trong số đó nên được thay mặt toàn thể anh em nói những lời chúc tốt đẹp nhất đến mọi người, tất nhiên không quên nhắc "vui xuân không quên nhiệm vụ chiến đấu".


 

 Pháo 130 ly của Mặt trận 479 tăng cường cho F309 bắn chi viện cho bộ binh tiến công trong chiến dịch mùa khô 1984-1985 ở Tây Bắc tỉnh Battambang (Campuchia). (Ảnh tư liệu của Phòng Nghiên cứu lịch sử Quân đoàn 4)
Pháo 130 ly của Mặt trận 479 tăng cường cho F309 bắn chi viện cho bộ binh tiến công trong chiến dịch mùa khô 1984-1985 ở Tây Bắc tỉnh Battambang (Campuchia). (Ảnh tư liệu của Phòng Nghiên cứu lịch sử Quân đoàn 4)


Không thể nào quên

Theo ý tôi, mọi người cùng đứng dậy, hướng mặt ra khu rừng xa xăm bên kia sông, dành một phút tưởng niệm những đồng đội đã hy sinh trong năm, sau đó mới bắt tay vào cuộc vui mừng năm mới. Chẳng khác gì anh em một nhà, từng đứa kể cho mọi người cùng nghe chuyện đời, chuyện tình râm ran từng mẫu không đầu, không đuôi nhưng rất thật tình.


 

 


Thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng cười sảng khoái. Cứ thế, những làn điệu bài chòi, dân ca xứ Quảng lần lượt được cất lên làm cho không khí cuộc vui càng đậm đà hương vị Tết cổ truyền. Thời gian trôi thật nhanh, đồng hồ đã chỉ hơn 22 giờ mà bữa tiệc đón giao thừa của chúng tôi dường như mới hơn một nửa.

Bên kia dòng sông Sê San hung dữ, thỉnh thoảng xen lẫn tiếng súng cuối rừng xa là tiếng trống bập bùng theo điệu múa Apsara quen thuộc. Hình như ở dưới phum cũng tổ chức đón Tết để dân bạn cùng vui mừng năm mới với bộ đội ta. Tình đoàn kết gắn bó giữa người lính Cụ Hồ của Việt Nam và nhân dân Campuchia lại được dịp thổ lộ qua những điệu múa truyền thống.

Bây giờ, mỗi khi gặp nhau, nhắc lại buổi tiệc mừng xuân Nhâm Tuất năm ấy, chúng tôi bồi hồi xúc động nhớ những kỷ niệm không thể nào quên của một thời làm quân tình nguyện trên đất bạn. Vậy mà đã ngót 40 năm.

 


Những người lính năm ấy còn sống trở về như chúng tôi nay đều đã về hưu. Ký ức thân thương của cái ngày chung nhau trên chiến hào đánh giặc chắc chắn lưu mãi trong tâm trí.


Theo MAI MỘNG TƯỞNG (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.