Tết buồn của người dân vùng lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sẽ không có quần áo mới, cũng chẳng có bánh kẹo, mứt dừa hay những chậu mai chưng Tết, mà có lẽ chỉ có nỗi lo lắng chạy ăn từng bữa ngay cả trong những bữa ăn thường nhật của không ít người dân vùng lũ tại khu vực Đông Nam tỉnh.  
Cánh đồng thành… sa mạc
Nếu không phải tận mắt thấy dòng nước leo lên đến ngọn cây xoài, “nuốt chửng” cái chòi rẫy, có lẽ già Ksor Sim (trú tại buôn Jứ Ma Nai, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) cũng không thể tin được, cánh đồng mênh mông bát ngát cánh cò bay trong vài ngày đã biến thành sa mạc. Già kể, nghe tin thủy điện xả lũ đầu nguồn, người làng thấp thỏm ra bờ Tây ngó qua bờ Đông sông Ba. Người của buôn Jứ Ma Nai ngày trước đều cư ngụ tại khu vực cánh đồng bên Đông của sông Ba thuộc địa phận buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa. Sau nước “ăn” mất phần của đất, bờ sông sạt lở, mùa cạn, lũ làng kéo nhau vượt sông Ba qua bờ Tây lập làng trên vùng đất cao hơn. Lập làng ở nơi mới, nhưng hàng ngày họ vẫn lội bộ qua sông Ba hoặc đi đường vòng hơn 10 km để đến vùng đất phì nhiêu ven sông bao đời nay đã mang lại cho họ miếng cơm, manh áo. Vùng đất màu mỡ ấy trong buổi chiều nước lũ ở thượng nguồn về trở nên thê thảm. Những nương bắp, đậu, thuốc lá… lay lắt yếu ớt trước khi biến mất, ngụp lặn hoàn toàn trong dòng nước đục ngầu. 
 Già Reng cặm cụi dọn đá trên rẫy nhà mình. Ảnh: V.N
Già Reng cặm cụi dọn đá trên rẫy nhà mình. Ảnh: V.N
Trong 2 ngày, cánh đồng đắm chìm trong biển nước. Đó là 2 ngày buồn bã, lo âu với những chủ nhân của cánh đồng. Nước rút đi, nương rẫy lại hiện lên. Xơ xác và tàn tạ. Những cây thuốc lá hiếm hoi còn sót lại trên vườn cũng rũ lá úa vàng, chuẩn bị tiễn biệt sự sống. Những ruộng bắp đang kỳ ra trái đã bắt đầu bốc mùi. Phần lớn cánh đồng đã bị biến thành... sa mạc bởi cát ở lòng sông theo nước lên rồi đọng lại thành từng mảng dày. Người làng đùa, bảo đi làm rẫy mà như đi du lịch, đi trên ruộng nương nhà mình mà chả khác nào đi trên bãi biển. Trên nền cát, dấu chân cứ hằn lên chắc nịch đầy cay đắng. “Giờ cát lấp hết ruộng rồi, muốn làm thì phải thuê máy ủi về ủi cát đi, vừa mất công mà lại mất tiền. Ủi cát đi rồi mà đất ở dưới còn cứng thì cũng bỏ chứ không còn trồng cây được nữa”-già Sim nói. 
Ở cánh đồng đầu buôn Jứ Ma Uôk, dòng nước xiết đã cuốn trôi cát hoàn toàn nhưng lại để lại… đá. Đá ở đâu theo dòng nước về giờ ở lại la liệt trên cánh đồng, từ hòn đá to bằng vốc tay đến những tảng 3-4 người khiêng. Đã hơn 10 ngày kể từ khi lũ về, hai vợ chồng già Kpă Reng vẫn lụi cụi nhặt đá bỏ lên xe rùa chở đi nơi khác. Đôi tay gầy yếu ở cái tuổi lục tuần của hai ông bà mải miết bốc dọn đã mấy ngày rồi mà vẫn chưa hết. Già Reng chia sẻ: “Có mỗi đứa con trai nó đi lấy vợ rồi ở rể luôn, hai vợ chồng được mấy sào rẫy làm để kiếm miếng cơm ăn. Mà giờ lũ về, trồng được mấy cây thuốc lá cũng bị nước cuốn trôi cả, rẫy thì đá nhiều thế này đâu có trồng được nữa”. 
Tết gần hóa xa
Những ngày này, chị Kpă Phơ (trú tại buôn Jứ Ma Nai, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) đã không dám nghĩ tới cái Tết nữa. Bởi Tết, giờ đã là cái gì xa xỉ lắm. Hơn 1 ha bắp đến kỳ thu hoạch của chị đã bị nước ngâm trong mấy ngày trời. Bắp ẩm đã nhanh chóng thối và mọc mầm. Cũng với diện tích này, năm trước chị thu gần 100 bao bắp nhưng năm nay con số đó chỉ là 30. Nhìn thành quả của 1 ha bắp nằm gọn lỏn trên thùng xe công nông đã bốc mùi ẩm thối của bắp, mùi tanh của bùn, chị Phơ xót xa lắm. Nếu không có lũ, bắp được mùa, bán mẻ bắp này đi chị sẽ mua áo quần, bánh kẹo cho lũ trẻ, sắm lấy bộ váy để xúng xính trong những ngày Tết, sẽ đong lấy vài bao gạo chất ở góc nhà. Ngôi nhà sàn những ngày Xuân sẽ bao phủ bởi không khí đầm ấm, bởi tiếng cười rộn rã của lũ trẻ thơ. 
Lũ đã cuốn trôi tất cả những dự định đó của chị Phơ và của bao người nông dân chân lấm tay bùn trên vùng lũ này. Chị Rơ Lan HVeo (trú tại buôn Jứ Ma Hoét, xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) lại đang lo đến những ngày thiếu đói. 1 ha chị thuê nợ với giá 18 triệu đồng để trồng thuốc lá đã bị mất trắng vì nước lũ. Đã tốn tiền thuê đất, chị buộc phải thuê máy cày cày lại để trồng mới cho kịp thời gian trả đất. Ruộng đã cày, nhưng cây thuốc lá giống ở vườn nhà cũng đã bị nước lũ phá hại, chị đành phải bán một con bò nhỏ với giá 5,5 triệu đồng lấy tiền mua giống trồng gấp. “Giờ muốn trồng đủ lại phải có hơn 15 triệu đồng tiền giống, bán bò cũng mới được hơn 5 triệu đồng, chắc đành phải đi vay rồi trả lãi thôi. Chuẩn bị gạo trong nhà cũng hết, mình tính vừa phải đi vay vừa phải đi tìm xem có ai thuê làm công thuốc lá không để kiếm tiền mua gạo”-chị HVeo than thở. 
Tết đã đến thật gần trên những tấm lịch, nhưng lại ở xa quá với người dân vùng lũ. Họ, những ngày cuối năm này vẫn đang tất bật vật lộn với tàn tích mà cơn lũ để lại trong ngậm ngùi và cay đắng…
 Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.