Tạo sinh kế lâu dài cho người dân từ rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đang trở thành nguồn lực tài chính quan trọng giúp cho cộng đồng làng, hộ gia đình và nhóm hộ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập, ổn định sinh kế lâu dài.
Hưởng lợi nhờ tham gia bảo vệ rừng
Gần 10 năm nay, 163 hộ dân làng Đê Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) có thêm nguồn thu nhập trên 10 triệu đồng/hộ/năm từ việc tham gia quản lý, bảo vệ gần 2.100 ha rừng. Ông Đinh Sưr-Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng làng Đê Tar-cho hay: Dân làng ai cũng nhận thức được trách nhiệm để cùng nhau tham gia bảo vệ, không để xảy ra cháy và kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng. Các hộ dân chia thành nhiều nhóm, thay phiên nhau tuần tra, kiểm soát diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ. Nhờ đó, tình trạng lấn chiếm đất rừng làm rẫy không còn xảy ra, tình trạng khai thác gỗ trái phép đã dần được hạn chế.
Theo ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng: Toàn xã có 1.446 hộ với 6.622 khẩu, trong đó đồng bào Bahnar chiếm trên 90% tổng dân số của xã. Thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông-lâm nghiệp nên đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, hộ nghèo chiếm 21,23%; thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức 14 triệu đồng/năm. “Đây là chính sách thiết thực nhằm giải quyết việc làm, giúp người dân sống gần rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số tăng thu nhập, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát triển và sử dụng tài nguyên rừng bền vững. Bên cạnh đó, các hộ tham gia bảo vệ rừng có thêm nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo”-ông Huy khẳng định.
Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng, huyện Chư Păh tổ chức tuần tra (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Diệp
Lực lượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng xã Ia Kreng, huyện Chư Păh tổ chức tuần tra (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Nguyễn Diệp
Nhiều năm nay hầu hết diện tích rừng do UBND xã Kon Pne (huyện Kbang) quản lý đều được chính quyền xã hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng với các hộ dân. Với mức chi trả hàng năm trên 1,6 tỷ đồng, 386 hộ dân ở các làng: Kon Hleng, Kon Ktonh, Kon Kring “sống khỏe” nhờ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 2.761 ha rừng. Nhờ hưởng lợi trực tiếp từ chính sách chi trả DVMTR là 412.000 đồng/ha/năm cùng Dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng ở các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Gia Lai (gọi tắt là Dự án KfW10) với mức chi trả 456.571 đồng/ha/năm, thu nhập bình quân của các hộ hàng năm trên 10 triệu đồng. Chủ tịch UBND xã Kon Pne Dương Quốc Điệp nhận định: “Các hộ người Bahnar nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng theo mô hình cộng đồng làng nên ý thức trách nhiệm được nâng lên. Nhờ đó, diện tích rừng giao khoán luôn được bảo vệ, gìn giữ, ngoài ra còn góp phần tạo sinh kế cho người dân”.
Kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, phổ biến ranh giới rừng nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân làng Kon Ktonh, xã Kon Pne. Ảnh: Minh Nguyễn
Kiểm lâm địa bàn tuyên truyền, phổ biến ranh giới rừng nhận khoán bảo vệ rừng cho người dân làng Kon Ktonh (xã Kon Pne, huyện Kbang). Ảnh: Minh Nguyễn
Tương tự, nhiều năm nay đời sống của 374 hộ dân thuộc 12 cộng đồng làng và 13 nhóm hộ trên địa bàn xã Hà Ra (huyện Mang Yang) được cải thiện đáng kể nhờ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ hơn 6.421 ha rừng. Theo ông Nguyễn Văn Chín-Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Hà Ra, với nguồn chi trả DVMTR mỗi năm hơn 2,4 tỷ đồng, đơn vị đã chủ động hơn trong việc chi trả cho các hộ, nhóm hộ và cộng đồng tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng. Việc chi trả kịp thời không những giúp các hộ dân cải thiện thu nhập mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Tiếp tục cải thiện sinh kế bền vững
Theo Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng, lâu nay việc quản lý rừng dựa vào cộng đồng đã mang lại hiệu quả cao, chính sách chi trả DVMTR từng bước nâng cao đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Do vậy, thông qua kế hoạch giao đất, giao rừng trên địa bàn được UBND tỉnh phê duyệt, xã tiếp tục mở rộng diện tích rừng giao khoán. Hơn 1.636 ha rừng và đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng sản xuất do xã quản lý được giao cho 113 hộ dân của các cộng đồng làng: Đak Ó, Deng, Klah, Ktu và làng Thương. “Việc giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhằm mục tiêu quản lý bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng bền vững; đồng thời kết hợp sản xuất nông-lâm nghiệp dưới tán rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm và tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân”-Chủ tịch UBND xã Kon Chiêng nhấn mạnh.
Nhờ chính sách chi trả DVMTR, cộng đồng làng, hộ và nhóm hộ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn
Nhờ chính sách chi trả DVMTR, cộng đồng làng, hộ và nhóm hộ tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống. Ảnh: Minh Nguyễn
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Thưởng-Phó Giám đốc phụ trách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh-cho hay: Qua hơn 9 năm triển khai chính sách chi trả DVMTR, Quỹ thu được hơn 793,8 tỷ đồng và chi trả cho các bên cung ứng 708,8 tỷ đồng. Đây là nguồn lực tài chính quan trọng giúp các chủ rừng tăng cường cho hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời có điều kiện triển khai, mở rộng diện tích khoán để người dân hưởng lợi. “Với mức chi trả bình quân hơn 6 triệu đồng/hộ/năm góp phần bổ sung thu nhập, cải thiện đời sống cho 12.170 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng”-ông Thưởng khẳng định.
Ông Thưởng thông tin thêm: Giai đoạn 2021-2030, nguồn thu từ tiền DVMTR cùng với nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực khác sẽ bổ sung trên 900 tỷ đồng để góp phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đặc biệt là tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng. Đồng thời, từ nguồn tiền DVMTR hàng năm không xác định lưu vực chi trả (khoảng 500 triệu đồng/năm, giai đoạn 2021-2030 khoảng 5 tỷ đồng) Quỹ sẽ hỗ trợ cho UBND các huyện, thị xã trồng cây phân tán để hưởng ứng Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ; góp phần tăng tỷ lệ cây xanh, cải thiện môi trường, cảnh quan tại địa phương.
MINH NGUYỄN - XUÂN DZIN

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.