Sự thật cú lừa thế kỷ: Mua thần dược 'sâm cau' giả, trả tiền thật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Lâu nay người ta vẫn đồn thổi về bài thuốc được ví là thần dược tráng dương "sâm cau" của đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây. Nhiều người còn hay đùa là sâm "nhớ vợ". Để bạn đọc và người sử dụng có cái nhìn đúng hơn về thần dược "sâm cau", phóng viên Báo Quảng Ngãi đã vào cuộc tìm hiểu.
“Thần dược” giá rẻ
Sự việc bắt đầu từ một cô em họ ra trường chưa tìm được việc làm, lấy chồng rồi tập tành kinh doanh các loài dược liệu, đặt mua 1 tạ thảo dược như sâm cau, ba kích, đinh lăng, chuối hột rừng, dâm dương hoắc… để về bỏ mối cho các tiệm thuốc bắc và bán qua mạng. 
Ủng hộ em họ, tôi cũng mua 2kg "sâm cau" với giá rẻ  50.000 đồng/kg, lựa những củ to nhất có đường kính bằng cái cán rựa, màu đỏ au, củ rất to, thẳng đều, mua thêm lọ thủy tinh về ngâm với 5 lít rượu gạo để đãi khách dịp Tết. 
Một hôm, chị họ dẫn người quen là dược sĩ đến nhà chơi, thấy tôi cất hủ rượu "sâm cau" đỏ trong tủ kính, chị ấy nhìn hồi lâu rồi nói không phải sâm cau thật.
Chị bảo, sâm cau thật bây giờ rất hiếm, củ, rễ không to, đều, màu sắc đẹp mắt như thế, đấy là rễ cây phất dụ lá hẹp hay còn gọi là bồng bồng. Chị mở điện thoại tìm trên mạng hình ảnh sâm cau thật và cây bồng bồng, cây phất dụ lá hẹp để chứng minh. 
 
Những hủ rượu "sâm cau" được cho là rễ cây bồng bồng.
Nhìn ảnh chị đưa, tôi ngỡ ngàng vì loại cây này rất giống với một loại cây cảnh tôi đang chưng trong nhà. Tôi tiếc nuối mang hủ rượu “quý” đã ngâm hơn một năm rưỡi đổ đi.  
Vô tình, một lần đi theo xe ô tô một đoàn công tác ở huyện miền núi Sơn Tây. Đoàn nghỉ chân ăn trưa, mọi người ghé vào đại lý ven đường chọn mua đặc sản rừng làm quà về xuôi, một anh đi trong đoàn cầm vài rễ mà người bán cho là "sâm cau đỏ" lên ngắm ngía.
Là một kỹ sư nông nghiệp, gần 20 năm gắn bó với các dự án trong lĩnh vực nông nghiệp, anh nói: Hầu hết sâm cau đang bày bán ở huyện Sơn Tây, Trà Bồng, Sơn Hà cũng như các nơi khác là giả. Cây này rất hiếm. Nếu tìm được cũng rất khó khăn, không thể khai thác được với số lượng lớn.
Vì thế, không thể nào sâm cau tìm được dễ dàng và bán đại trà với giá rẻ bèo như hiện nay. Vả lại, cây sâm cau rất thấp, rễ nhỏ và ít. Còn bồng bồng cây to, có thể cao đến 3m, rễ to và nhiều nên mới khai thác được nhiều rễ.
 
Rễ cây người Ca Dong gọi là "sâm cau".
Cũng như vị khách dược sĩ hôm nọ, anh khẳng định: “Đây là rễ cây bồng bồng, nhiều nơi còn gọi là cây phất dụ lá hẹp. Cây này còn được nhiều người trồng làm cây cảnh. Chính người đi tìm cũng không biết về cây sâm cau thật nên nhầm lẫn đào về bán”.
Dạo một vòng trung tâm huyện và trung tâm các xã của huyện Sơn Tây, loại dược liệu mà người bán khẳng định chắc nịch là sâm cau đỏ, sâm cau trắng, sâm cau dây được quảng cáo là có tác dụng tráng dương bổ thận cho quý ông bày bán tràn lan, mua bao nhiêu cũng có.
Người dân đào về bán tại nhà là 35.000 đồng/kg, tư thương mua của dân bán lại với giá 60.000 đồng/kg, nếu mua số lượng vài kg giảm giá còn 50.000 đồng/kg. Nhiều đại lý còn ngâm rượu bán sẵn với giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/bình. Không chỉ các đấng mày râu mà các chị em ở dưới xuôi lên hay đi về xuôi cũng thi nhau vào hỏi mua. 
Đi tìm "sâm cau"
Bán tin bán nghi về thần dược phòng the "sâm cau" đang bày bán tràn lan với giá rẻ bèo, để tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc, xuất xứ của cây này, tôi đã về các bản làng của huyện Sơn Tây, tìm những người chuyên đi đào "sâm cau".
 
Rễ "sâm cau" bày bán tràn lan với giá rẻ.
Sau nhiều bận hỏi thăm từ người dân bản địa, tôi đến thôn Huy Em, xã Sơn Mùa. Người đầu tiên tôi gặp trên hành trình đi tìm sự thật về "sâm cau" là một thanh niên khoảng hơn 20 tuổi. Nghe tôi hỏi mua sâm cau, thanh niên này vào nhà lấy ra 2 rễ "sâm cau" màu trắng, khoe mới nhặt được lúc đi rừng hôm qua. Tôi bẻ làm đôi rễ cây toàn xơ.
“Sâm này không giống với sâm cau bán dưới kia, như rễ cây lồng mứt. Em có biết cây sâm cau không, lá giống lá cau không, cao hay thấp, đào lên củ, rễ như thế nào?”. Nhìn anh ta tôi hỏi. 
“Không biết. Em nghe mùi thơm thơm chắc là sâm cau. Sâm này là sâm cau trắng. Muốn biết sâm cau, chị qua nhà bác Lợi, vợ chồng bác ấy ngày nào cũng đi rất xa, qua tận Kon Tum, Quảng Nam tìm sâm cau”.
Theo chỉ dẫn của chàng thanh nhiên này, tôi mang 2 rễ "sâm cau" tìm đến nhà ông Lợi. Bà Đinh Thị Dưa, vợ ông Lợi ngồi trong nhà sàn, bên bếp lửa. Bẽ đôi 2 rễ cây đưa lên mũi ngửi, bà Dưa phán “Không phải!”. Nói rồi bà mang ra chai rượu ngâm rễ "sâm cau" cho tôi xem. Quả thật hai loại rễ khác nhau hoàn toàn.
Theo lời bà Dưa, hai vợ chồng bà đi đào "sâm cau" khoảng 5 năm nay. Thường vợ chồng bà ra khỏi nhà từ lúc 7 giờ sáng, chạy xe đến những cánh rừng già, để xe dưới chân núi, leo núi từ 3 - 4 giờ mới đến rừng già, rừng nguyên sinh tìm đào "sâm cau".
Tôi mở điện thoại cho bà Dưa xem hình sâm cau lấy từ “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” và các tài liệu khoa học, đó là cây cao khoảng 20 - 30cm, lá có hình giống lá cau, củ, rễ nhỏ, chia ra làm nhiều nốt, bà Dưa lắc đầu. Tôi chuyển sang hình cây, rễ bồng bồng hay còn gọi là phát dụ lá hẹp, bà Dưa gật đầu lia lịa.
Bà Dưa kể, cây "sâm cau" thường cao tới ngực bà, nhiều cây cao tới vài mét, khi nhổ lên, củ và rễ chìa ra như củ mì. Ngày trước, một ngày vợ chồng bà đào được hơn 10kg, nay giỏi lắm được 1 - 2kg, có bữa về tay không. 
Tiếp tục hành trình tìm sự thật về cây sâm cau, tôi tìm đội quân chuyên đào sâm cau ở xã Sơn Dung cũng “gà mờ” về sâm cau thật. Gặp Đinh Văn Si đang chờ bán chuối hột rừng cho tư thương. “Dạo này tìm sâm cau khó quá, đi cả ngày được có vài rễ, tìm chuối hột dễ hơn. Nghe mọi người nói cây này là sâm cau thì mình đi tìm đào về bán kiếm tiền chứ cũng không biết đúng hay không?” - Si cười bẽn lẽn nói.  
Tôi gặp thêm rất nhiều người đi đào "sâm cau" ở các xã Sơn Mùa, Sơn Bua, Sơn Dung, Sơn Long, nhưng tất cả đều lắc đầu khi tôi cho xem hình ảnh cây sâm cau thật.
Phân biệt sâm cau thật với các loại rễ cây khác
Theo “Bách khoa toàn thư mở Wikipedia” và các tài liệu khoa học, sâm cau hay còn gọi cồ nốc lan, ngải cau, nam sáng ton, soọng ca, thài léng, tiên mao (danh pháp khoa học: Curculigo orchioides) là một loài thực vật có hoa trong họ Hypoxidaceae. Các tài liệu về thực vật trên thế giới đề cập đây là loài bản địa của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Bangladesh.
Sâm cau là cây thảo, lá hẹp, cao 20 – 30cm, lá mọc tụ họp thành túm từ thân rễ, xếp nếp như lá cau. Phần thân rễ chính dạng củ, cắm sâu xuống đất. Ở dạng nguyên củ, sâm cau thường chia đốt rõ ràng, vỏ màu nâu đen, thân chỉ có 1 rễ chính, không phân nhánh, có các rễ con to bám quanh thân dễ chính. 
Sâm cau có tác dụng kiện gân cốt, cố tinh, trừ lạnh, giảm chân tay tê mỏi, đau nhức xương khớp cho cả nam và nữ. Rễ cây sâm cau còn có chất Curculigin A giúp tráng dương bổ thận.
 

Hình ảnh so sánh cây sâm cau thật và cây được cho là "sâm cau" ở Sơn Tây qua thu thập của TS Lê Hoàng Duy.

 
Sâm cau với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe và sinh lý nam. Tuy vậy, cần tỉnh táo lựa chọn để dùng được đúng loại Sâm cau. Tốt nhất nên tìm mua Sâm cau tại những đơn vị uy tín, có kiểm định rõ ràng. Tuyệt đối không nên mua dược liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc từ những thông tin không chính thống trên mạng, tránh gặp phải tình trạng “tiền mất tật mang” với nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Trong khi đó, cây Bồng bồng có tên khoa học là Dracaena angustifolia, thuộc họ Huyết giác (Dracaenaceae), là cây nhỏ, cao 1 – 3m. Rễ củ phân nhánh nhiều, màu hồng. Ở dạng nguyên củ, sâm cau thường chia đốt rõ ràng, vỏ màu nâu đen, thân chỉ có 1 rễ chính, không phân nhánh, có các rễ con bám quanh thân rễ chính.
Theo TS.BS Phạm Hưng Củng (Sức khỏe & Đời sống)
Mang những thông tin thu thập được từ cây sâm cau ở huyện Sơn Tây gặp TS Lê Hoàng Duy, nguyên Trưởng Khoa Hóa - Sinh - Môi trường, Trường ĐH Phạm Văn Đồng, chủ nhiệm đề tài khoa học “Nghiên cứu thành phần hóa học rễ cây “sâm cau” mọc tại huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi”.
TS Lê Hoàng Duy cho biết, tại huyện miền núi Sơn Tây, có một loài cây được người dân gọi là "sâm cau", rễ của loài cây này được dùng để ngâm rượu uống với tác dụng bổ thận, tráng dương, tăng cường sức khỏe. 
Tuy nhiên những tác dụng của rễ "sâm cau" chỉ được biết đến qua những lời truyền miệng của người dân, một số phương tiện thông tin đại chúng hoặc doanh nghiệp theo đó mà quảng bá cho "sâm cau", chứ chưa có cơ sở khoa học để khẳng định thành phần hoạt chất cũng như tác dụng dược lý của rễ loài "sâm cau" mọc tại huyện Sơn Tây. 
Vì những lý do đó, năm 2017, anh đã lựa chọn thực hiện đề tài: “Nghiên cứu thành phần hóa học rễ cây “Sâm cau” mọc tại huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi” là đề tài khoa học cấp trường, nhằm bước đầu làm sáng tỏ thành phần hoạt chất có trong rễ cây "sâm cau" tại Sơn Tây.
 
 
Cây và rễ cây mà người dân Sơn Tây xem là "sâm cau" thật ra là cây phất dụ lá hẹp.
Đối tượng mà đề tài nghiên cứu là cây, rễ “sâm cau” thu hái tại huyện Sơn Tây. Kết quả nghiên cứu ban đầu về thực vật học, nhận thấy loài "sâm cau" mọc tại huyện Sơn Tây là cây tiểu mộc, khác hoàn toàn với “sâm cau thật” được công bố từ các tài liệu khoa học.
Thân cây “sâm cau” ở huyện Sơn Tây cao từ 1 - 3m, to 1cm, không nhánh, rễ mọc dài, phình to thành củ màu cam, có mùi thơm, lá chụm 4-7 lá, thon hẹp, không cuốn, có bẹ. "Sâm cau" Sơn Tây là loài Dracaena augustifolia Roxb., họ măng tây (Asparagaceae) chứ không phải loài Curculigo orchioides như miêu tả ở cây sâm cau thật. 
Như vậy, có thể khẳng định, loài "sâm cau" mọc tại huyện Sơn Tây là loài thuộc chi Dracaena. Dracaena augustifolia Roxb thực chất có tên là phất dụ lá hẹp, phú quí, bánh tét chứ không có tên gọi là "sâm cau".
Sự nhầm lẫn giữa hai loài đều có tên tiếng Việt là sâm cau, nhưng thật chất là hai loài thuộc hai họ thực vật hoàn toàn khác nhau. 
Rễ và là “sâm cau” Sơn Tây có vị ngọt, nhạt, tính hàn, có tác dụng chỉ huyết; cụm hoa non ăn được; rễ nghiền ra lẫn với các chất thơm khác dùng làm hương thơm. Nước sắc lá dùng chữa lỵ, chữa bệnh bạch đới và bệnh lậu. Kinh nghiệm dân gian dùng rễ và hoa trị lỵ ra máu. Hoa sao vàng sắc đặc trị hen. 
Ở Vân Nam (Trung Quốc), rễ và lá cây này dùng trị khái huyết, thổ huyết, nục huyết, đại tiện xuất huyết, hen suyễn, lỵ, trẻ em cam tích, đòn ngã ngoại thương xuất huyết. 
Theo TS Lê Hoàng Duy, từ y học cổ truyền cho đến nghiên cứu hiện đại, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào xác nhận hoạt tính sinh học bổ thận, tráng dương, tăng cường sức khỏe như người dân cũng như các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về loài "sâm cau" Sơn Tây. 
“Do vậy, người dân, nên thận trọng khi sử dụng. Chính quyền tại địa phương có loài cây này phân bố cần cân nhắc khi phê duyệt phát triển, cũng như quảng bá, phát triển các sản phẩm rượu từ rễ cây này” - TS Lê Hoàng Duy khuyến cáo. 
Dân Việt/Theo C.P (Báo Quảng Ngãi)

Có thể bạn quan tâm

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

“Thời hoa lửa” của đôi vợ chồng chiến sĩ Trường Sơn

(GLO)- Trong ngôi nhà nhỏ ở làng Ia Tum (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) có 1 cặp vợ chồng đều trải qua “thời hoa lửa” Trường Sơn huyền thoại. Đó là ông Lê Đức Chinh (SN 1952) và bà Lê Thị Chỉnh (SN 1951). Ông Chinh hiện là Trưởng ban liên lạc Hội Truyền thống Trường Sơn huyện Đức Cơ.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...