Có một ngôi làng cưu mang hàng ngàn đứa trẻ không nơi nương tựa. Có những bà mẹ quê nguyện gắn bó cả cuộc đời trong làng để chăm bẵm những đứa con không máu mủ, ruột rà.
Ông Helmut Kutin hiện nay, bên những đứa trẻ trong Làng trẻ em SOS Gò Vấp. |
Làng trẻ em SOS Việt Nam là gia đình gần gũi nhất của tôi trong số 134 làng SOS trên thế giới. Tôi không phải cha đẻ họ, nhưng họ là con cái của tôi. Bây giờ, niềm hạnh phúc của tôi chính là được thăng chức lên thành ông nội. |
Và ở đó có những câu chuyện tình người đẫm nước mắt...
Cách đây nửa thế kỷ, ở miền Nam xuất hiện một ngôi làng mang tên Làng trẻ em SOS Gò Vấp, nằm kế bên phi trường Tân Sơn Nhất.
Đây là ngôi làng lớn nhất thế giới trong hệ thống các làng trẻ em SOS lúc bấy giờ với 41 ngôi nhà, nuôi dưỡng gần 400 trẻ mồ côi.
Sự ra đời và những giai đoạn thăng trầm của ngôi làng này gắn liền với tâm huyết của một người con nước Ý - ông Helmut Kutin.
Dấn thân đến vùng chiến sự
Năm 1967, chàng trai Helmut Kutin mới 26 tuổi, đang học tập và làm trợ giảng tại ĐH Innsbruck (Áo). Không ít lần chàng sinh viên này xuống đường hòa vào dòng người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam trên đường phố Innsbruck.
Cuối năm đó, giáo sư Hermann Gmeiner (người sáng lập Làng trẻ em SOS) đã gọi ông đến và đề nghị sang Việt Nam xây dựng một làng trẻ em SOS.
Ông nhận lời ngay và từ tháng 10 đến tháng 12 năm đó ông sang Pháp học tiếng Việt, chuẩn bị hành trình đến vùng chiến sự Việt Nam.
Sở dĩ ông Kutin được giao sứ mệnh đặc biệt này bởi ông cũng là trẻ mồ côi lớn lên ngay trong ngôi làng trẻ em SOS đầu tiên do ông Hermann Gmeiner thành lập.
Theo ông Kutin, ý tưởng xây dựng làng SOS tại Việt Nam xuất phát từ chuyến đi của ông Gmeiner vào mùa xuân năm 1967 đến Việt Nam.
Chứng kiến nỗi đau mất mát gia đình của trẻ em Việt trong thời chiến, ông Gmeiner đã trở lại châu Âu nhờ bạn bè của Làng trẻ em SOS ở Áo và Đức trợ giúp xây dựng làng ở Việt Nam. Vào tháng 3-1968, ông Kutin cùng ông Gmeiner đáp máy bay xuống Sài Gòn.
“Tình hình lúc đó rất căng thẳng, ngài đại sứ Đức đón chúng tôi trong tâm trạng hết sức lo lắng. Mặc dù sự kiện Tết Mậu Thân đã qua nhưng an ninh lúc đó rất kém, nên ông Gmeiner rời Sài Gòn sau đó vài ngày, để tôi tự quyết định hoặc là trở về châu Âu với ông ta hoặc là ở lại. Tôi đã cố gắng để quyết định ở lại vì có rất nhiều trẻ em đang cần chúng tôi” - ông Kutin nói.
Thời điểm đó Chính phủ Đức đã đồng ý chi trả tiền xây dựng làng tại Gò Vấp, toàn bộ các ngôi nhà tiền chế được chuyển từ Áo sang bằng tàu biển.
Chiến tranh ác liệt đã làm chậm tiến độ xây dựng làng, nên đến cuối năm 1968 những ngôi nhà đầu tiên mới hoàn thiện.
Ban đầu, ông Kutin sống trong một căn phòng ở gần chợ Bến Thành, nhiệm vụ của ông lúc đó là tuyển dụng nhân viên và các bà mẹ rồi đưa họ vào Làng SOS Gò Vấp.
Vài năm sau, chính ông Kutin lên Đà Lạt khảo sát, chọn địa điểm để xây dựng Làng trẻ em SOS Đà Lạt, khánh thành vào năm 1974. Cả hai ngôi làng Gò Vấp và Đà Lạt đều do ông làm giám đốc và những đứa con mồ côi trong làng đều gọi ông bằng “bố”.
Tuy nhiên, làng Đà Lạt chỉ hoạt động chưa đầy một năm thì buộc phải đóng cửa. “Chúng tôi rời khỏi Đà Lạt vào tháng 3-1975, tất cả các mẹ và trẻ đã được đưa về làng Gò Vấp.
Cùng với gần 500 trẻ em, mẹ và nhân viên, chúng tôi đã trải qua những ngày cuối cùng của chiến tranh đến ngày 30-4-1975” - ông Kutin kể lại.
Trẻ em vui đùa trong Làng trẻ em SOS Gò Vấp. |
Trái tim đặt ở Việt Nam
Là đứa con của Làng trẻ em SOS Gò Vấp thời ấy, gọi ông Kutin bằng “bố”, ông Nguyễn Nhiều (60 tuổi) cho biết những thời điểm nguy hiểm nhất của năm 1975 bố vẫn ở bên chở che các con của mình. “Đêm 29-4, bố vẫn xuống hầm hướng dẫn các con tránh pháo kích.
Trong khi các nhân viên quốc tế đã về nước, chỉ còn bố là người nước ngoài duy nhất trong làng thời điểm đó” - ông Nhiều kể.
Ông Kutin ở lại và duy trì hoạt động của làng Gò Vấp đến tháng 3-1976 thì rời Việt Nam trở về châu Âu.
“Tất cả bà mẹ, những đứa trẻ và cả chính tôi cũng tuyệt vọng. Ngày tôi đi, họ đóng cửa làng, nằm dài trên đường để ngăn tôi, nhưng tôi vẫn phải rời đi. Đây chắc chắn là khoảng thời gian khủng khiếp nhất trong cuộc đời tôi” - ông Kutin nhớ lại.
Những đứa trẻ trong làng lúc đó được chuyển về cho thân nhân, những đứa nhỏ tuổi nhất được đưa đến trại mồ côi Thủ Đức.
Những bà mẹ lúc đó cũng có người ở lại, có người trở về quê và mang theo những đứa con không có thân nhân để tiếp tục chăm bẵm. Những năm sau đó, dù sống ở châu Âu nhưng ông Kutin vẫn đau đáu về những đứa con của mình ở Việt Nam, luôn tìm mọi cách để có thể giúp đỡ họ.
“Năm 1977 và 1978, tôi trở lại Việt Nam để đàm phán nhưng không đạt được thỏa thuận. Dù vậy, tôi vẫn tiếp tục giúp đỡ các bà mẹ và trẻ bằng cách gửi tiền bạc và hàng hóa” - ông kể.
Mãi đến năm 1987, ông Kutin mới nhận được lời mời từ Thứ trưởng Hoàng Thế Thiện (nguyên thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) sang thăm Việt Nam để thảo luận.
Sau chuyến đi này, cả hai bên đã thống nhất ký thỏa thuận xây dựng Làng trẻ em SOS tại Hà Nội và mở lại Làng trẻ em SOS Gò Vấp. Đây cũng là dấu mốc đánh dấu sự tái lập của các làng trẻ em SOS tại Việt Nam sau nhiều năm gián đoạn.
Nhiều năm trực tiếp làm việc với ông Kutin, bà Lê Thiên Hương (nguyên vụ trưởng, trưởng văn phòng thường trực Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại phía Nam) cho biết có lần ông đã nói bằng tiếng Việt với bà rằng trái tim ông đặt ở Việt Nam và bản thân ông còn nặng nợ với đất Việt.
“Trong ngăn kéo bàn làm việc của ông luôn có những tấm hình của những đứa con Việt Nam, khi buồn ông lại mang ra ngắm nghía. Đó chính là nguồn an ủi để ông vượt qua mọi cơn muộn phiền, bởi lẽ ông cũng là một trẻ mồ côi” - bà Hương nói.
Về sau này, ông Kutin luôn dành cho Việt Nam một sự ưu ái đặc biệt khi lập các làng trẻ em SOS.
Trong khi các nước trên thế giới chỉ có 1 đến 2 làng, riêng tại Việt Nam thành lập đến 17 làng trẻ em SOS.
Lúc trở thành chủ tịch của Làng trẻ em SOS quốc tế, năm nào ông cũng dành vài tuần trở lại Việt Nam thăm những đứa con của mình. Nhiều lần ông khẳng định mỗi khi ông trở lại Việt Nam là như trở về quê hương, về ngôi nhà của chính mình.
Theo Tuoitre
Năm 1949, tiến sĩ Hermann Gmeiner đã xây dựng mô hình Làng trẻ em SOS đầu tiên tại Cộng hòa Áo với tâm nguyện mọi trẻ em mồ côi đều có một mái ấm gia đình. Hiện nay, tổ chức này đã hiện diện tại 134 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về số dự án và người hưởng lợi. Tại 17 làng trẻ em SOS trên cả nước có 3.100 trẻ đang được nuôi dưỡng và 2.800 trẻ đã trưởng thành. Ngoài ra, tại Việt Nam hiện có 12 lưu xá thanh niên, 16 trường mầm non, 12 trường THPT, 4 cơ sở đào tạo nghề, 1 trung tâm y tế do Tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế xây dựng với gần 20.000 người hưởng lợi. |