Sống ở Hoàng Sa: Đối mặt những kẻ ác tâm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tàu nằm lại Hoàng Sa. Máu của ngư dân cũng đổ không ít ở Hoàng Sa. Phía sau những con tàu, những giọt máu là những mảnh đời bất hạnh, khi chồng con lúc đi ra biển thì vạm vỡ, trở về là cái xác không hồn.
 
Tàu cá của anh Thọ khi bị đâm chìm ngày 2.4. Ảnh: Ngư dân cung cấp
Càng dần về những năm gần đây, ngư dân đi biển Hoàng Sa càng thấy ít bình yên. Giông tố là hiển nhiên, rủi ro do thiên tai chợt đến không thể nào tránh khỏi. Thế nhưng họa nhân tai mới là nỗi uất hận vô bờ đối với những ngư dân Việt mưu sinh trên biển Hoàng Sa.
Nơi biển trời ấy, biết bao người đổ máu, biết bao xác tàu cá, phương tiện mưu sinh của ngư dân nằm yên lặng dưới đáy biển… Tất cả đều do phía Trung Quốc gây ra cho ngư dân Việt.
Tàu hải cảnh hiểm ác
Những ngày này, mùa gió bấc bất thường giữa tháng 3 âm lịch lại thổi qua miền Dung Quất, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi).
Gió từ biển về “mang theo” 4 ngư dân còn lại trên tàu cá QNg-90617 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên biển Hoàng Sa ngày 2.4.
6 giờ sáng 7.4, vừa đặt chân lên bờ, ngư dân Trần Hồng Thọ (33 tuổi, ở thôn Phú Quý, xã Bình Châu, H.Bình Sơn), thuyền trưởng tàu cá QNg-90617 TS bị Trung Quốc đâm chìm, đã thấy vợ mình là chị Nguyễn Thị Chi đang đứng đợi ở cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu). Anh đưa tay vẫy vẫy, rồi họ cười qua hàng nước mắt. Gặp lại sau biến cố suýt chết trên biển nhưng hai vợ chồng không thể ôm chầm lấy nhau cho vơi nỗi lo âu những ngày qua, bởi anh Thọ phải về khu cách ly tập trung của Trung tâm y tế H.Bình Sơn theo đúng quy định về phòng dịch Covid-19 bây giờ.
Khoác bộ đồ và các vật dụng phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi theo chân một bác sĩ đến phòng anh Thọ cách ly y tế. Cùng phòng còn có ngư dân Trần Hồng Thiên (26 tuổi, cũng ở thôn Phú Quý, cùng trên tàu cá QNg-90617 TS). Ánh mắt thuyền trưởng Thọ buồn và lo âu. Anh kể, đêm 2.4, tàu anh thả neo cho anh em nghỉ. Nhiều anh em trên tàu không chú ý giờ giấc nhưng anh Thọ thì biết. Đó là gần 1 giờ sáng, nhận tin báo có tàu Trung Quốc xong là thấy nó xông đến. Rồi bắt đầu đối mặt cuộc rượt đuổi trên biển. Anh Thọ cho anh em tìm chỗ núp, còn mình lái tàu tránh né tàu Hải cảnh Trung Quốc. Bắt không được tàu cá Việt Nam, lính Trung Quốc trên tàu bắt đầu ném đá. Mưa đá từ tàu cao to Trung Quốc trút xuống con tàu cá nhỏ bé của anh Thọ.
"Sau 2 giờ bị ném đá, tàu cá của tôi bể tanh bành, nhất là cabin. Đến 3 giờ, tàu Trung Quốc lao thẳng vào tàu cá của tôi. Ầm một cái rồi gãy đôi. Tàu dần chìm xuống. Anh em lúc này ném can, mặc áo phao rồi dồn lên mũi tàu. 8 anh em chới với trong biển nước lạnh, mãi hơn 1 giờ sau tàu Trung Quốc mới quay lại vớt lên", anh Thọ kể tiếp.
Khi đưa lên tàu hải cảnh, phía Trung Quốc buộc 8 ngư dân ngồi một chỗ, đi tiểu tiện cũng tại chỗ. Đến khoảng 6 giờ sáng, 3 tàu cá cùng ở xã Bình Châu nghe tin chạy đến để tìm kiếm, cứu nạn tàu anh Thọ thì bị tàu Trung Quốc tấn công, rượt đuổi.
 
Thuyền trưởng Thọ với ánh mắt lo âu ở khu cách ly. Ảnh: Phạm Anh
“Vậy mà sao phía Trung Quốc nói tàu cá mình tông tàu họ?”, chúng tôi hỏi. Ngư dân Thiên mắt mở to, sững sờ: “Làm gì có chuyện đó. Tàu cá như con kiến. Tàu nó như con voi, sao tông nó được?”. Thuyền trưởng Thọ cũng ngạc nhiên tiếp lời: “Nó nói thiệt vậy hả anh?”. Chúng tôi mở bài báo có ảnh tàu chìm và tàu Trung Quốc cho anh Thọ và anh Thiên xem. Anh Thiên cay đắng: “Tàu em đây này. Nó tông vào chỗ này này, ngay chỗ tài công lái tàu, gãy ngang luôn”. Chỉ con tàu trắng mang số 4301 của Trung Quốc, anh Thiên khẳng định: "Nó đây, chính nó tông tàu của em. Nó là tàu chỉ huy nhóm 3 tàu lớn hôm đó".
Theo thuyền trưởng Thọ, anh đi biển Hoàng Sa từ hồi 17 tuổi, gặp không ít cảnh rượt đuổi, chặt phá, nhưng chưa thấy cảnh Trung Quốc phủ đầu bằng mưa đá, rồi đâm thẳng vào tàu cá như vừa rồi. Con tàu QNg-90617 TS được anh gom góp từng đồng và vay mượn, mua với giá 1,8 tỉ đồng cách đây 4 năm. “Tưởng qua rồi kiếp làm thuê, từ nay thong thả nuôi mẹ, vợ con chính từ từng con cá, con mực kiếm được trên biển khơi Hoàng Sa. Nào ngờ, bao nhiêu năm đi biển, bị tàu Trung Quốc đâm một lần, mất sạch. Tàu nằm lại Hoàng Sa rồi. Sắp tới, chắc tôi phải đi bạn (làm thuê) cho tàu cá khác”, thuyền trưởng Thọ xót xa, xoay mặt nhìn qua hướng khác, nén một tiếng thở dài.
Máu xương nằm lại Hoàng Sa
Tàu nằm lại Hoàng Sa. Máu của ngư dân cũng đổ không ít ở Hoàng Sa. Phía sau những con tàu, những giọt máu là những mảnh đời bất hạnh, khi chồng con lúc đi ra biển thì vạm vỡ, trở về là cái xác không hồn. Chuyện đau lòng, chuyện dâu bể không phải mấy năm nay, mà trước đó đã từng xảy ra. Trường hợp của chị Trương Thị Nhị (45 tuổi) ở Gành Cả là vậy, bây giờ nhìn ra biển mỗi sớm chiều, lúc nào chị cũng nhớ cảnh chồng mình năm xưa.
 
Cảnh ngư dân lặn đêm ở Hoàng Sa. Ảnh: Lê Chương
Đó là ngày 12.3.1996, hai chiếc tàu cá chở 16 ngư dân tiến vào gần đảo Cây, quần đảo Hoàng Sa. Sau một đêm lao động mệt nhọc, các ngư dân neo tàu lăn ra ngủ. 14 giờ, ngư dân đang ngủ mê mệt trên tàu thì bị đánh thức bởi tiếng súng nổ chát chúa, tiếng máy ca nô quần đảo. Vừa chui ra khỏi cabin, các ngư dân 2 tàu cá đã hoảng hồn khi nhìn thấy một toán gồm 4 lính Trung Quốc, một trong số đó liên tục chĩa súng vào các ngư dân hăm dọa. Lính Trung Quốc lục soát toàn bộ 2 tàu cá, chân đá tung đồ đạc, bắt ngư dân chui xuống hầm xúc một bao cá ném xuống ca nô. Rồi một tên lính chĩa súng vào ngư dân bóp cò. Tiếng nổ chát chúa vang lên. Đó không phải phát súng chỉ thiên, mà bắn thẳng, làm ngư dân Phạm Huy (sinh năm 1974) đổ gục xuống sàn thuyền, máu chảy lênh láng. Anh Huy là chồng chị Nhị và anh chết ngay trên biển Hoàng Sa ngày đó, giữa thời bình, sau phát súng ác tâm của kẻ cướp đảo.
Khi ấy, chị Nhị mang song thai mới 3 tháng. Chồng chết, cuộc trường kỳ mưu sinh nuôi hai đứa con Phạm Văn Thuận và Phạm Văn An đã đè lên vai người đàn bà nhỏ nhắn miệt biển. Chị Nhị kể, năm 3 tuổi, 2 con bắt đầu hỏi ba con ở đâu. Cái giọng trong trẻo và ánh mắt trẻ thơ khiến chị không khỏi rơi nước mắt. Chị đành phải nói cho qua chuyện: “Ừ… ừ, con ngoan rồi ba đi biển sẽ về nhà”. Hai cậu bé nhoẻn miệng cười và quên mất điều vừa hỏi.
Đến khi Thuận và An chìm vào giấc ngủ, người mẹ gầy gò vội đi thắp nén hương và thầm nguyện cầu cho linh hồn của chồng siêu thoát, phù hộ cho mẹ con sống đủ qua ngày. Có một bận, người lớn trong xóm lỡ lời: “Trung Quốc bắn chết ba con ở Hoàng Sa, ráng học giúp mẹ chứ ba con không về nữa”. Vậy là hai cậu bé về nhà khóc và nói với mẹ rằng: “Ba con chết rồi làm sao về với con nữa”. Rồi ba mẹ con ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt như ướt đẫm cả làng biển. Những ngày ấy, nén đau thương, chị ngày ngày xay bột gạo, làm bánh bèo bán nuôi con cho đến hôm nay.
Đến nay, hai con chị Nhị đã lớn, đi xuất khẩu lao động. Chị Nhị không còn làm bánh bèo nữa. Nhưng chuyện xưa chị không thể nào nguôi. Có đêm, chị lại ra sau nhà, một mình với biển, nhìn ra khơi. Quần đảo Hoàng Sa nơi chồng chị bị bắn chết giờ vẫn còn hàng trăm ngư dân xóm biển Gành Cả đang mưu sinh. Năm nào ngư dân Gành Cả cũng bị Trung Quốc khống chế và thu giữ trái phép nhiều tài sản. Mỗi khi nghe bước chân ngư dân lạo xạo qua con đường đá và nhìn vào khuôn mặt các ngư dân này, bằng sự nhạy cảm của người đàn bà, chị có thể đoán được chuyến đi này êm xuôi hay lại bị Trung Quốc ngang ngược tịch thu hết đồ như tàu cá của ông Võ Lựu, Trương Quang Trị…
Biết anh Lê Chương (một trong hai tác giả bài viết này) là người trực tiếp tham gia làm hồ sơ “vụ án Hải quân Trung Quốc bắn chết ngư dân” và chôn cất anh Huy vào năm đó, chị Nhị ngồi gạt nước mắt. Trong ánh nắng chiều, mái tóc lưa thưa bay theo làn gió biển thổi thốc vào, ánh mắt chị vẫn còn lạc đi vì vẫn ngóng về phía biển Hoàng Sa, hồi tưởng về chồng.
Một lần chúng tôi đặt vấn đề: thử làm thống kê, tàu ngư dân đi Hoàng Sa, thiệt hại do thiên tai và do Trung Quốc gây ra, cái nào nhiều hơn; thì ông Phùng Bá Vương, Phó chủ tịch UBND xã Bình Châu, uất nghẹn: do phía Trung Quốc nhiều hơn. Những năm gần đây, ngư dân về nói, do kết quả của đấu tranh ngoại giao và áp lực quốc tế, Trung Quốc bắt ngư dân mình đã không hành hung, đánh đập nữa, nhưng phá hoại tài sản thì không sao kể hết. (còn tiếp)
Phạm Anh-Lê Chương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Anh hùng không đợi tuổi

Anh hùng không đợi tuổi

Những ngày đầu xuân năm mới, tôi gặp anh hùng LLVTND Ngô Tùng Chinh trong ngôi nhà vườn rợp bóng cây xanh của ông tại phường Long Phước (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). Ông đang sống một cuộc đời hiền hòa, giản dị bên cạnh không gian trưng bày hiện vật chiến tranh của riêng mình.

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…