Sống ở đáy sông: Đeo chì đi dưới sông Hàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đến Đà Nẵng thưởng thức hải sản, du khách không thể bỏ qua món chíp chíp hấp, xào trứ danh. Để có được những con chíp chíp thơm lừng, ăn lần là nhớ mãi những ngư dân phải nhảy xuống sông Hàn, lặn hàng tiếng đồng hồ để tìm bắt.
Thợ lặn nhảy xuống sông Hàn tìm bắt chíp chíp. Ảnh: N.Đ

Thợ lặn nhảy xuống sông Hàn tìm bắt chíp chíp. Ảnh: N.Đ

Đi dưới đáy sông

Tranh thủ trời nắng ấm những ngày cuối năm, anh Trần Văn Huy (35 tuổi, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cùng vợ lại xách đồ nghề ra sông Hàn nổ máy đánh ghe ra giữa sông để lặn bắt chíp chíp. Mùa đông, ít người lặn nhưng vì mưu sinh nhiều thợ lặn vẫn chấp nhận xuống đáy sông.

“Ít người lặn thì giá chíp chíp được thu mua cao hơn. Hai vợ chồng tranh thủ cuối năm để kiếm thêm chút đỉnh”, anh Huy vừa nói vừa choàng áo mưa tiện lợi. Chị Lan vợ anh Huy cẩn thận dùng dây thun nai nịt kín chiếc áo mưa cho chồng. Xong anh Huy mặc thêm 2 bộ đồ bơi lên người.

“Trời mùa hè chỉ mặc 1 bộ đồ là đủ, nhưng mùa lạnh phải mặc thêm áo mưa và 2 bộ đồ mới đủ ấm khi xuống sông. Mùa này chỉ lặn ở vùng nước tầm 4-5 mét, lặn nửa buổi là nghỉ vì lạnh lắm”, anh Huy cho biết.

Anh Huy cẩn thận nối máy tạo khí vào động cơ của ghe rồi nổ máy chạy ra sông, cách bờ tầm 20 mét. Chị vợ chống sào, giữ thuyền cố định. Để lặn lâu dưới nước, thợ lặn trang bị máy tạo khí giống máy bơm hơi xe máy. Một chiếc bình chứa khí, nối với ống dây hơi dài hàng chục mét. Nếu có đông người lặn thì bình khí sẽ chia ra nhiều đầu, nối với các ống dây, mỗi thợ lặn sẽ ngậm một dây để thở dưới nước.

Chuẩn bị xong, anh Huy lấy một dây đai chì 15 đốt, mỗi đốt nặng 1 kg được kết với nhau thành một dải. Để cố định dây chì quanh bụng, anh Huy dùng một chiếc đũa xỏ ngang dây.

“Thợ lặn kinh nghiệm sẽ không bao giờ cột chặt dây chì mà chỉ cài bằng đũa. Dưới nước sâu, chỉ cần có sự cố là rút đũa, bung chì để bơi lên”, anh Huy cho biết.

Khi đai chì nặng 15kg đã quấn quanh bụng, dây khí đã sẵn sàng, anh Huy đeo kính lặn, miệng ngậm dây hơi, tay cầm giỏ lưới nhảy ùm xuống nước. Dưới sức nặng của chì, anh Huy nhanh chóng chìm xuống đáy sông, bọt khí sủi tăm trên mặt sông. Trên thuyền chị Lan từ từ thả dây khí, cẩn thận ngồi kiểm tra máy móc, bình khí cho chồng. Chỉ cần một sự cố máy nhỏ lập tức giật mạnh dây để chồng dưới đáy sông bung chì bơi lên.

Chíp chíp món nhậu khoái khẩu

Chíp chíp món nhậu khoái khẩu

Chị Lan kể cả hai vợ chồng đều sinh ra và lớn lên ở làng chài Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) quen biết nhau từ nhỏ. Lớn lên yêu nhau rồi nên nghĩa vợ chồng. Dân làng chài, bao đời bám sông, bám biển. Đến đời vợ chồng anh chị cũng không thoát được nghề cha truyền, lấy đáy sông làm chốn mưu sinh. Và cũng nhờ sản vật của sông Hàn, mà hai vợ chồng đã mua được chung cư nhà ở xã hội, nuôi 2 đứa con ăn học đàng hoàng.

“Chỉ mong đời con học hành đến nơi đến chốn, thoát nghiệp của mẹ cha. Dưới đáy sông sâu vất vả và nguy hiểm chờ chực. Không ít người đã tử nạn, bại liệt vì nghiệp, nhưng không lặn thì biết lấy gì mưu sinh”, chị Lan chia sẻ.

Gần 30 phút, sợi dây trên tay chị Lan động đậy mạnh, biết chồng ra tín hiệu thu dây, chị Lan nhanh chóng cuốn thu cuộn dây dẫn khí cho chồng, từ dưới sông, bọt khí càng ngày càng mạnh hơn, sôi ùng ục cũng là lúc anh Huy ngoi lên mặt nước. Chiếc lồng bằng lưới được một ít chíp chíp. Chị Lan đổ hết lên thuyền rồi trả lại cho chồng.

“Mùa này nước đục, lặn bắt cũng cực lắm. Dưới đáy sông phải ngồi xổm, bơi sát đáy rồi dùng tay vục dưới bùn cát để bắt từng con một”, anh Huy cho biết.

Thuyền cắm sào, vợ ngồi chờ chồng lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Thuyền cắm sào, vợ ngồi chờ chồng lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Đoàn kết bảo vệ sản vật quý

Năm nay đã 60 tuổi, ông Nguyễn Văn Lịch - Chủ tịch Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà nghỉ nghề lặn được 2 năm nay. Toàn bộ phương tiện, đồ nghề gắn bó mấy chục năm ông để lại cho 3 cậu con trai nối nghiệp. Ba người con trai ông Lịch là Nguyễn Văn Hưng (33 tuổi), Nguyễn Văn Hải (29 tuổi) và Nguyễn Văn Hòa (27 tuổi) cũng đều là những thợ lặn chíp chíp có tiếng trong Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông với hơn 150 thành viên.

Ông Lịch kể, sinh ra và lớn lên ở xóm nhà chồ dọc bờ sông Hàn, những năm sau khi đất nước thống nhất ông Lịch lặn sông Hàn để tìm phế liệu mưu sinh. Công cuộc tái thiết thành phố, gia đình ông được di dời lên bờ, bố trí đất tái định cư ở đường Nại Hiên Đông 7. Nhà đông con, lên bờ nhưng vẫn lấy sông làm chốn mưu sinh. Để rồi 3 đứa con trai lớn lên không việc làm lại theo cha nhảy xuống đáy sông Hàn.

“Đâu phải cứ ưng nhảy xuống sông là hốt tiền lên đâu. Chỉ cần anh không biết cách cột dây đai chì là chết như chơi. Dưới đáy sông cả chục mét, dân lặn chuyên nghiệp chỉ cần cảm nhận ống hơi đẩy vào miệng là biết được có sự cố gì để bung chì bơi lên. Gặp sự cố không bung đai chì ra kịp thì trong tích tắc là nguy hiểm tính mạng rồi”.

Ông Nguyễn Văn Lịch - Chủ tịch Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà

Ông Lịch nhớ lại, năm 2016, là thời điểm nghề lặn chíp chíp ở sông Hàn “sốt” nhất khi thương lái ào ạt thu mua nhập qua Trung Quốc với số lượng lớn. Dạo đó, người dân từ Hải Phòng, đến Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định rồng rắn kéo nhau ra sông Hàn để lặn.

Cả khúc sông Hàn đặc thuyền lặn chíp chíp xuyên ngày đêm. Thậm chí có người là tài xế lái taxi, thấy nghề lặn chíp chíp nguồn thu khủng nên cũng sắm đồ nghề nhảy xuống đáy sông. Bởi vì ham lợi nên dịp đó nhiều tai nạn đau lòng đã xảy ra vì dân lặn không có kinh nghiệm.

Ông Lịch bên chiếc đai chì nặng gần 20kg dùng để lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Ông Lịch bên chiếc đai chì nặng gần 20kg dùng để lặn dưới đáy sông Hàn. Ảnh: Nguyễn Thành

Cũng năm đó, nhiều người từ nơi khác đến đầu tư hẳn máy cào để xúc hẳn xuống đáy sông đánh bắt kiểu tận diệt. Lo lắng cho kiểu đánh bắt này, anh em thợ lặn Nại Hiên Đông hô hào nhau lập Hội vạn lặn để tố giác, đấu tranh chống lại các đối tượng khai thác tận thu. Mọi người hợp lòng kiên quyết bảo vệ nguồn lợi thủy sản mà thiên nhiên ban tặng cho sông Hàn. Hội vạn lặn phường Nại Hiên Đông ra đời từ đó, lấy ngày 20/7 hằng năm là ngày cúng nghề lặn trên sông Hàn.

Giã từ nghề lặn được 2 năm nay, thỉnh thoảng nhớ nghề, nhè hôm trời nắng ấm, ông Lịch vẫn đi lặn cùng con. Nhưng tuổi cao, ông không còn lặn lâu được như xưa nữa.

Trên cương vị Chủ tịch Hội vạn lặn, ông Lịch hằng ngày vẫn theo dõi tình hình đánh bắt trên sông Hàn, hễ có thông tin tàu từ nơi khác đến khai thác tận thu lập tức báo chính quyền can thiệp, xử lý. Điều mà Hội trăn trở hiện nay đối với dân lặn là giá thu mua thất thường, biến động từng ngày và tất cả đều phụ thuộc vào thương lái.

“Ba đứa con tôi, vào mùa hè lặn một ngày cả 100kg chíp chíp, không bán cho thương lái thì bán cho ai. Hôm nhiều người lặn chíp chíp nhiều thì giá thấp, ngược lại thì giá cao. Nếu có nhà máy, công ty đứng ra thu mua với giá niêm yết ổn định thì dân lặn được nhờ”, ông Lịch trăn trở.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.