Sống khổ trên… mỏ vàng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đất ruộng màu mỡ bị đào tung để lấy vàng, đến khi trả lại đất thì toàn cát sỏi, bạc màu, không thể canh tác. Từ chỗ là mảnh đất nuôi sống gia đình, nay đất xấu phải bỏ hoang, nhiều hộ dân ở xứ vàng đang rơi vào túng thiếu.

Ruộng, rẫy hóa sỏi đá

Từ khoảng năm 2010 - 2011, UBND tỉnh Kon Tum đã cấp phép cho 3 doanh nghiệp khai thác vàng sa khoáng dọc sông suối ở các huyện Đak Tô, Ngọc Hồi, Đak Glei với diện tích hàng trăm ha. Đó là các Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Bình Giang, Công ty TNHH Kim Sơn Thủy và Công ty CP Thép Đông Á.

 

Bà Y Tun ngán ngẩm vì khu đất ruộng phải bỏ hoang sau khi giao cho công ty khai thác vàng.
Bà Y Tun ngán ngẩm vì khu đất ruộng phải bỏ hoang sau khi giao cho công ty khai thác vàng.

Các doanh nghiệp này đã ồ ạt đưa máy móc vào “chặt khúc” các lòng sông, suối, thậm chí mua thêm rẫy sản xuất để khai thác vàng. Dù việc khai thác vàng của các doanh nghiệp đã chấm dứt nhiều năm nhưng hệ lụy để lại rất lớn.

Có mặt tại sông Pô Cô, đoạn chảy qua thôn Long Dôn, xã Đak Ang, huyện Ngọc Hồi, nơi từng được cấp phép cho Công ty CP Thép Đông Á, một bên sông là khu đất đỏ trải dài với bề mặt chi chít sỏi, đá. Thời gian qua, nhiều trận mưa trút xuống làm đất đai bị cuốn trôi, hình thành nhiều hố.

Theo lãnh đạo thôn Long Dôn, khu đất trên vốn là rẫy trồng mì, bắp của người dân. Vào năm 2013, công ty mua đất rẫy này, hứa khai thác xong sẽ hoàn thổ và trả lại cho dân. Hai năm sau, công ty trả lại đất nhưng lại toàn sỏi đá, không trồng cây được, từ đó đất bỏ hoang.

Chỉ riêng thôn Long Dôn, tổng diện tích đất sản xuất dân bán cho công ty để khai thác vàng, bây giờ bỏ hoang không sản xuất được là khoảng 10ha.

Xuôi về suối Đak Mỹ (một nhánh của sông Đắk Pét, thuộc xã Đak Pét, huyện Đak Glei) đoạn qua 2 thôn Peng Sang Peng và Đak Đoát, nơi từng được cấp phép khai thác vàng cho Công ty TNHH Kim Sơn Thủy, hai bên suối bị băm vằm để khai thác vàng, nay trở thành nhiều bãi bồi hoặc hình thành những ụ đất.

Ruộng rẫy của dân cũng hóa thành bãi đất hoang. Khu ruộng của gia đình bà Y Tun (thôn Peng Sang Peng) rộng khoảng 1.500 m2 nằm dọc suối Đắk Mỹ, từng là nơi cung cấp gạo cho 6 miệng ăn trong gia đình. Nay mảnh đất này biến thành bãi “chiến trường” bởi đất đá chất đống, cỏ mọc um tùm.

Theo gia đình bà Y Tun, năm 2011, công ty mua đất này với giá 50.000 đồng/m2. Vì nghĩ công ty chỉ mua đất để khai thác vàng 1 năm, sau đó hoàn thổ cho gia đình canh tác nên đã đồng ý.

Tuy nhiên, khi trả đất, công ty có hoàn thổ nhưng làm chưa hết, còn nhiều cát, sỏi, không trồng lúa lại được. Gia đình đành khắc phục bằng cách xúc đất đổ bồi trên 100m2 để trồng cỏ cho bò, phần diện tích còn lại thì đành bỏ hoang 5 năm nay.

Chính quyền cũng kêu khổ

Ông A Mrát, Trưởng thôn Đak Đoát, xã Đak Pét (huyện Đak Glei), cho biết tổng số diện tích ruộng, rẫy dọc suối dân trong thôn bán cho công ty khai thác vàng ước tính khoảng 12 ha.

Khi trả đất cho dân, nhiều nơi công ty không chịu hoàn thổ như cam kết. Đất trả lại cho dân không sản xuất được, phải bỏ hoang. Tương tự, ông A Mốk, Trưởng thôn Peng Sang Peng, cho biết có khoảng 20 ha đất trồng mì và lúa của dân được công ty mua với giá 20.000 đồng/m2. Sau gần 1 năm xới đất làm vàng, công ty trả lại đất cho dân nhưng không hoàn thổ như đã hứa.

Theo ông Kring Sa Tiểng, Phó Chủ tịch UBND xã Đak Pét, trên địa bàn xã có Công ty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác vàng nhưng việc khai thác đã chấm dứt cách đây 5 năm.

Khai thác xong, công ty chỉ hoàn thổ khoảng 80% diện tích và cũng không thực hiện đầy đủ cam kết về các nội dung hỗ trợ tiền, sử dụng lao động địa phương.

Không những vậy, từ khi Công ty TNHH Kim Sơn Thủy được cấp phép khai thác, người dân cũng ồ ạt đi khai thác trái phép, làm mất an ninh, địa phương phải tốn kém tiền bạc, thời gian đi truy quét.

 

Cho phá rừng để khai thác vàng

Năm 2015, Bộ TN-MT cấp giấy phép cho Công ty CP Tấn Phát khai thác quặng vàng bằng phương pháp lộ thiên và hầm lò tại khu vực Đak Blô, xã Đak Blô, huyện Đak Glei (tỉnh Kon Tum), với thời hạn 15,5 năm kể từ ngày ký.


Tháng 11-2015, UBND tỉnh Kon Tum quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất với diện tích 47,95 ha đất rừng tự nhiên (trong đó, 41,9 ha rừng, 4,18 ha đất lâm nghiệp và 1,87 ha đất khe suối, đất trống) tại tiểu khu 9, xã Đak Blô, sang đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản và cho công ty này thuê đất để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác và tuyển quặng vàng.
 

Tại Quyết định 344, ngày 7-4-2016, Sở NN-PTNT tỉnh Kon Tum cấp phép khai thác tận dụng gỗ bằng hình thức khai thác trắng diện tích rừng nói trên để phục vụ dự án khai thác vàng.

Ông Trịnh Xuân Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Glei, thừa nhận, trong quá khứ, có dự án khai thác vàng của doanh nghiệp ảnh hưởng đến môi trường, mất an ninh trật tự.

Vì thế, huyện từng đề xuất UBND tỉnh xem xét có thể hết thời hạn giấy phép thì cho dừng hoặc chưa hết cũng cho dừng. Cũng theo ông Lộc, nếu lấy đất sản xuất để khai thác vàng biết bao giờ mới phục hồi được, có khi còn bị mất hẳn đất.

Thực tế cũng có việc người dân và các công ty ngầm bắt tay mua bán đất để khai thác vàng. Để ngăn chặn, đối với những dự án khai thác vàng trước đây và nay, UBND huyện khuyến cáo, chỉ đạo không được sang nhượng, mua bán trái phép đất sản xuất của dân.

Hữu Phúc/sggp

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Vững niềm tin chiến thắng

Vững niềm tin chiến thắng

(GLO)- Với niềm tin chiến thắng, những thầy thuốc kiên trung đã vượt mọi gian khổ, hy sinh cho đến ngày thống nhất đất nước. Trong tháng Tư lịch sử này, nhớ lại những năm tháng cống hiến sức trẻ vì độc lập, tự do của Tổ quốc, ai cũng xúc động xen lẫn tự hào.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....