Sóng cuộn đáy hồ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thoáng nhìn qua, làng Chợch, Đak Kjông (xã Lơ Ku) và làng Krối (xã Đak Smar, huyện Kbang) như một khu phố nhỏ với những nếp nhà san sát, những con đường bê tông phẳng lì nối nhau. Vậy nhưng, ẩn sâu trong không gian ấy lại là những câu chuyện buồn thăm thẳm, tựa như sóng cuộn đáy hồ.

Năm 2010, 6 thôn, làng gồm: Chợch, Kbang, Krối (2 làng Kbang và Krối nay sáp nhập thành làng Đak Kjông, xã Lơ Ku) và thôn 2, làng Krối, làng Cam (nay là thôn 1, xã Đak Smar) với 345 hộ dân chuyển lên khu tái định cư để nhường đất cho công trình Thủy điện An Khê-Ka Nak. 13 năm sau ngày di dời, người Bahnar ở làng Đak Kjông, Chợch và Krối vẫn mong ngóng sự trợ lực của các cấp chính quyền để cuộc sống ổn định hơn.

Thiếu đất, thiếu nước và...

Nắng trưa oi ả. 3 người đàn ông ngồi dưới mái hiên ngôi nhà xây đã nhuốm màu thời gian ở giữa làng Krối đang rỉ rả chuyện trò bỗng to tiếng cãi vã. Sau một cái vung tay, túi ni lông đựng ít rượu trắng bị vỡ, 2 người đàn ông lao vào nhau cự nự. Chặp sau, họ lảo đảo bước đi, miệng lẩm bẩm, mặt đỏ gay gắt. “Chuyện như thế này không hiếm ở làng đâu. Mấy ông ấy rảnh việc, tụ tập uống rượu. Mà cứ rượu vào thì lời ra nên dẫn đến xích mích, gây gổ. Nguyên nhân sâu xa là bởi thiếu đất sản xuất”-Trưởng thôn Krối Đinh Hlo lắc đầu ngao ngán.

Gia đình anh Đinh Dơ (làng Chợch) phải ở cùng bố mẹ do thiếu đất ở. Ảnh: H.S

Gia đình anh Đinh Dơ (làng Chợch) phải ở cùng bố mẹ do thiếu đất ở. Ảnh: H.S

Với tay cầm ly nước uống cho vơi cơn khát, anh Hlo tiếp lời: “Năm 2010, thực hiện chủ trương của Nhà nước, dân làng đồng thuận di dời lên đây ở để nhường đất thi công Thủy điện An Khê-Ka Nak. Mỗi hộ dân được cấp 1 ha đất sản xuất với 400 m2 đất ở. Nhà cửa thì được Nhà nước xây cho. Điện, đường cũng được làm sẵn. Có điều, sau 13 năm về ở khu tái định cư, cuộc sống còn đầy rẫy khó khăn nên không ít bà con tâm tư, thắc mắc”.

Đây cũng là nỗi niềm chung của bà con làng Chợch và Đak Kjông. Đó là thiếu đất sản xuất, đất ở, thiếu nước sạch phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Cùng với đó là nhiều ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Khi mới chuyển về khu tái định cư, làng Krối có 102 hộ, nay đã là 158 hộ.

“Đất có đẻ được như người đâu. Hộ mới thì nhiều mà đất ở, đất rẫy không có nên cứ bấu víu vào nhau để sống. Có gia đình 3 thế hệ cùng sinh sống trong căn nhà bé tin hin. Nhiều hộ không còn cách nào khác phải tận dụng 400 m2 đất ở được cấp trước đó dựng thêm nhà cho con cái. Không ít gia đình đã cơi nới ra phía sau làm thêm một nhà sàn nhỏ để sinh hoạt, phù hợp với truyền thống. Thành thử, khu dân cư trở nên chật chội, nhà cửa chen chúc nhau, mất đi vẻ mỹ quan vốn có. Hiện có khoảng 20 gia đình muốn tách hộ nhưng không có đất làm nhà. Đất sản xuất thì càng khó. Như nhà bố mẹ vợ mình có 1 ha được cấp trước đây, giờ cho hết 3 đứa con rồi. Mình cũng đang lo, sau này 3 đứa con đến tuổi dựng vợ gả chồng sẽ không có đất chia cho chúng nó làm nhà, trồng trọt”-Trưởng thôn Krối than thở.

Chỉ tay về phía mấy ngôi nhà sát vách gần đó, anh Đinh Blây (làng Chợch) rầu rĩ nói: “Trong làng có nhiều khu vực như thế này. Vì bố mẹ không có đất ở để chia cho con cái muốn tách hộ nên tận dụng 4 sào được cấp thời tái định cư để làm nhà cho con. Có gia đình, 3 căn nhà dựng san sát, chung một lối đi. Còn đất sản xuất thì khoảng vài chục hộ thiếu. Nhà tôi trước khi di dời có 4 ha đất, nay chỉ còn 1 ha và hơn 1 sào lúa nước. Sau khi thủy điện đền bù xong chỉ còn 20 triệu đồng. Mua sắm xe máy, mua thức ăn cho gia đình đã hết sạch tiền. Nay còn nợ tiền mua phân bón và ăn uống trong nhà 10 triệu đồng. Nhà vệ sinh bỏ không vì không có nước, không quen dùng. Tôi đi làm thuê được 170 ngàn đồng/ngày để nuôi con. Buồn nhất là hồi xưa cũng không đến nỗi nào mà nay gia đình lại thuộc diện hộ nghèo”.

Ẩn sau những ngôi nhà được xây dựng san sát là một câu chuyện buồn về cuộc sống của người dân làng Chợch, xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: H.S

Ẩn sau những ngôi nhà được xây dựng san sát là một câu chuyện buồn về cuộc sống của người dân làng Chợch, xã Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: H.S

Còn anh Đinh Bới-Trưởng thôn Đak Kjông thì thông tin: “Làng có 392 hộ, trong đó có 25 hộ nghèo, 12 hộ cận nghèo. Hiện có 12 gia đình muốn tách hộ nhưng không có đất ở, đất sản xuất. Nhà mình có đứa con trai sắp cưới vợ, muốn cho con ra ở riêng nhưng không có đất ở, một đứa thì đã chuyển sang xã khác ở với gia đình vợ”. Liên quan đến việc này, Chủ tịch UBND xã Lơ Ku Đinh Xuân Dương và Chủ tịch UBND xã Đak Smar Trương Thị Hạnh Nhân cũng xác nhận, 2 xã đều có một điểm chung là chưa bố trí được quỹ đất cho 42 hộ dân ở 3 làng có nhu cầu tách hộ làm nhà ở. Và, nan giải hơn là bài toán đất sản xuất cho hộ mới tách.

Nỗi lo sinh kế

Mây chiều chậm trôi trên hồ nước của Thủy điện An Khê-Ka Nak. Đây cũng là thời điểm dân làng từ rẫy về nhà. Quần quật trên nương rẫy song cái khổ, cái nghèo vẫn đeo bám họ. Đất đồi núi, đất xấu và ít hơn rất nhiều so với vùng đất tưởng như đã an cư bên dòng sông Ba ngày trước. Lúi húi nấu bữa tối với nắm rau rừng, chị Hoăn (làng Chợch) kể: “Năm rồi mất mùa lúa. Nhà mình trồng hơn 1,5 sào chỉ thu được 4 bao (50 kg/bao). Lúa 2 vụ nhưng đất xấu nên không đủ ăn, phải đi làm thuê để lấy tiền mua gạo. Ngày trước, ở làng cũ, chỉ cần ra sông là có cái ăn. Giờ thì ăn nhiều khi chẳng đủ, lo suốt thôi! Nhiều nhà khác cũng như nhà mình. Căn nhà được đền bù nay đã xuống cấp mà không có tiền sửa chữa. 3 đứa con của mình, đứa lớn thì đã lập gia đình, 2 đứa nhỏ đang học nhưng chắc phải nghỉ học mà làm kiếm tiền phụ với gia đình. Cả làng chỉ có con bé nhà mình đang học lớp 12, nhưng không biết có đủ tiền để nuôi nó học tiếp hay không”.

Chị Hoăn (làng Chợch) phải tận dụng mọi vật dụng để đựng nước trong mùa khô. Ảnh: Thiên Di

Chị Hoăn (làng Chợch) phải tận dụng mọi vật dụng để đựng nước trong mùa khô. Ảnh: Thiên Di

Còn anh Đinh Blây (làng Chợch) thì chia sẻ: “Đất rẫy tươi tốt của gia đình nằm im trong lòng hồ rồi. Mấy năm nay, mình làm thêm nghề mới là đi đánh cá đêm. Cứ ra chỗ đất cũ mà thả lưới. Cá tôm dưới hồ cũng giúp cho bữa ăn gia đình thêm chất đạm. Biết sao bây giờ, cây cối trên rẫy không đủ nuôi gia đình mà”. Nhìn người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, già hơn nhiều so với tuổi 40 của mình, tôi nghĩ, có lẽ cái khổ, cái nghèo bao năm đã bám chặt vào cuộc sống của bà con nơi này. Rồi tôi chợt nhớ đến ánh mắt đượm buồn của Trưởng thôn Đak Kjông khi anh kể lại chuyện cũ, rằng mấy năm trước, do thiếu đất sản xuất, mấy hộ dân nghèo vào khu rừng tự nhiên gần làng hạ cây rừng làm rẫy rồi bị phạt tù. Người làng thương lắm nhưng chẳng biết làm sao. Để có tiền chăm lo cho gia đình, năm nào thanh niên trong làng cũng vào các tỉnh, thành phía Nam làm công nhân, con cái gửi cho bố mẹ nuôi.

Trên chuyến xe dẫn chúng tôi vào thăm 2 làng tái định cư của xã Lơ Ku, ông Trương Nhật Linh-Phó Chủ tịch UBND xã-chia sẻ: “Tại 2 làng Chợch và Đak Kjông, trong số 30 ha đất ruộng được cấp, có đến 1/3 ruộng cao, nước không tới, không đủ nước sản xuất. Hệ thống nước sinh hoạt hiện nay đã xuống cấp, hư hỏng, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân”. Còn anh Đinh Hlo thì cho hay: “Năm 2021, hơn một nửa ruộng của dân làng Krối mất mùa do thiếu nước tưới. Mương thì có nhưng hệ thống thủy lợi dẫn về cánh đồng hư hại nghiêm trọng. Chưa kể mấy con đường dẫn ra nội đồng cũng hư hại nhiều chỗ, ảnh hưởng đến việc vận chuyển nông sản của bà con. Ý kiến nhiều mà chưa được giải quyết”.

Vẻ ngoài hào nhoáng của làng Krối. Ảnh: Thiên Di

Vẻ ngoài hào nhoáng của làng Krối. Ảnh: Thiên Di

Theo ông Lê Thanh Sơn-Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang: Để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, huyện đang rà soát quỹ đất dự phòng tại các khu tái định cư. Đối với đất sản xuất, để giải quyết triệt để là rất khó, do không còn quỹ đất. Huyện tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tăng cường đào tạo nghề, hỗ trợ phát triển sản xuất để nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập cho người dân. Nguồn lực chủ yếu là từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia và ngân sách huyện.

Huyện cũng đã đầu tư nâng cấp hệ thống cấp nước sinh hoạt làng Krối với kinh phí trên 1 tỷ đồng và đang huy động nguồn lực đầu tư thêm giếng, dụng cụ chứa nước cho bà con các làng khác. “Về lâu dài, địa phương rất mong muốn được cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết để người dân được thụ hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 64/2014/QĐ-TTg ngày 18-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị hỗ trợ nhiều năm nhưng vẫn chưa được xem xét, giải quyết”-ông Sơn cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Cẩn trọng với giấc mơ hóa 'thiên nga': Phẫu thuật thẩm mỹ tay ngang

Nhu cầu làm đẹp là chính đáng nhưng phải chọn bác sĩ, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ, làm đẹp một cách thận trọng, tỉnh táo. Đã có nhiều sự cố y khoa từ những ca phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở hành nghề “chui”, dưới tay bác sĩ “chui” khiến người thì bỏ mạng, người thì tiền mất tật mang.