Nói dối đang thiếu nợ, dựng hiện trường giả để lừa tiền. Tự xưng “mật vụ, tình báo của Chính phủ”, cũng để lừa tiền…những thủ đoạn lừa đảo của cựu trụ trì chùa Phước Quang vừa bị tuyên án chung thân.
Cựu trụ trì chùa Phước Quang vừa bị y án chung thân về tội lừa đảo. Ảnh: Thành Nhân |
Toà vừa y án chung thân về tội lừa đảo đối với bị cáo Phạm Văn Cung, pháp danh Thích Phước Ngọc, cựu trụ trì chùa Phước Quang.
Vụ án đơn giản: Do thiếu nợ, Phạm Văn Cung, khi đó là trụ trì chùa Phước Quang (Vĩnh Long) kiêm Giám đốc Trung tâm cô nhi viện “Suối nguồn tình thương”, đã mời nữ ca sĩ H.L tới một chương trình văn nghệ tại chùa để gây quỹ cho Trung tâm Suối nguồn.
Biết ca sĩ H.L có bạn muốn từ Anh về Việt Nam định cư hợp pháp, Cung “nổ” mình là mật vụ, tình báo, quen rất nhiều lãnh đạo cao cấp ở Trung ương. Để tạo lòng tin, Cung đã ghép ảnh mình (Thích Phước Ngọc) với lãnh đạo cấp cao gửi cho nữ ca sĩ và sau đó ra giá 1 triệu USD để chạy định cư, đưa trước 50% số tiền.
Ca sĩ L đã chuyển trước 13 tỉ đồng và bị Cung chiếm đoạt.
Nói dối nợ nần vì... xây chùa, cô nhi viện; thuê người đóng giả bọn bắt cóc, dùng số điện thoại nước ngoài gọi một nữ phật tử dọa, bắt phải chuyển tiền nếu không “ông Cung không được về Việt Nam”... để lừa nữ phật tử này 26 tỉ đồng. Thậm chí, dựng hiện trường giả chuyện mình và trẻ em mồ côi của Trung tâm Suối nguồn bị xã hội đen bắt nhốt, dọa giết... để lừa một nữ Phật tử khác 17 tỉ đồng...
Theo cáo trạng, với các thủ đoạn trên, bị cáo đã chiếm đoạt tổng cộng 68 tỉ đồng của 4 phụ nữ.
Tại sao bị cáo Phạm Văn Cung có thể dễ dàng lừa đảo với số tiền lớn đến như vậy?
Tất cả là từ cái pháp danh Thích Phước Ngọc, cựu trụ trì chùa Phước Quang, từ việc mang những đứa trẻ ở Trung tâm Suối nguồn ra để khơi gợi... lòng xót thương của đại chúng.
Sự thật là đằng sau mái chùa, đang có những “con sâu” làm hoen ố cửa Phật. Từ lừa đảo, chạy án, cho đến những hành vi vi phạm giới luật gây chấn động dư luận.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa có Đức Pháp chủ mới.
Và ngay sau khi được suy tôn, Ngài dẫn lời Đức Pháp chủ đệ nhất rằng: Có tăng mà tăng thất học thì càng nguy hiểm. Dẫn những lo lắng của Đức Đệ tam Pháp chủ về đạo hạnh, việc tranh chấp hơn thua của các tăng già rằng: Nếu đạo tăng cốt cách khiếm khuyết thì tổn thương cho Giáo hội cũng không ít.
Và Đức tân Pháp chủ đặt ra mục tiêu giám sát, chấn chỉnh sinh hoạt của tăng ni, tự viện trong cả nước, nhất là đối với tăng ni trẻ trong hoàn cảnh xã hội hiện đại...
Một cái nhìn chẳng những đúng, chính xác mà còn cần thiết đến cấp bách... để “bắt sâu”, để bảo vệ uy tín, thanh danh cho Giáo hội.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/sau-muc-an-chung-than-cua-mot-cuu-tru-tri-1122702.ldo
Theo Đào Tuấn (LĐO)