Sau lễ cúng cầu mưa, bất ngờ trời đổ mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vào dịp lễ 30-4 và 1-5 hàng năm, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui trên đỉnh núi thiêng Chư Tao Yang. Lễ cúng cầu mưa do các phụ tá Vua Lửa trực tiếp thực hiện mang đậm nét linh thiêng, huyền bí, gửi gắm mong ước của con người về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no.
Ông Siu Phơ dẫn đầu đoàn người rước lễ cúng lên đỉnh núi thần Chư Tao Yang để cầu mưa. Ảnh: Đức Thụy

Ông Siu Phơ dẫn đầu đoàn người rước lễ cúng lên đỉnh núi thần Chư Tao Yang để cầu mưa. Ảnh: Đức Thụy

Cúng cầu mưa là nghi lễ quan trọng nhất mà các Pơtao Apui thực hiện. Người Jrai ở vùng thung lũng Cheo Reo tin rằng, với chiếc gươm thần làm vật trung gian, Pơtao Apui là người duy nhất có thể liên hệ với thần linh để gọi mưa về tưới mát ruộng rẫy. Vậy nên hàng năm, cứ đến mùa trồng tỉa (khoảng tháng 4 dương lịch) Pơtao Apui lại tiến hành lễ cúng cầu mưa. Ngoài ra, Pơtao Apui còn cầu mưa khi có vùng nào đó bị hạn hán và họ đem lễ vật đến thỉnh cầu Pơtao Apui giúp đỡ.

Tương truyền lễ cúng cầu mưa được thực hiện bên cửa hông phía mặt trời mọc trong nhà của Pơtao Apui. Bộ chiêng Ơi Tú gồm 3 chiếc cồng và 1 chiếc trống được dùng trong nghi lễ. Theo tài liệu ghi chép lại, trước khi làm lễ, Tlăo Đing (người cắm cần rượu-phụ tá quan trọng nhất của Pơtao) phải chuẩn bị lễ vật gồm 1 ghè rượu, sáp ong se thành từng cây nến, 1 tô gạo và 1 tô thịt sống (thịt trâu hoặc thịt lợn) được cắt thành từng miếng nhỏ. Sau khi Tlăo Đing cắm chiếc cần rượu cúng, Pơtao Apui lạy 3 lạy chào thần linh rồi từ từ rót nước vào ché rượu.

Vừa khấn, Pơtao Apui vừa lấy gạo trong tô vãi ra chiếu cúng để mời thần Núi, thần Sông, thần Gỗ, thần Đá…cùng về dự lễ; rồi lấy thịt ném 3 lần về phía trước, mỗi lần ném là một lần Pơtao Apui đọc một điều cầu xin. Tiếp đến, Pơtao Apui rót rượu và lấy thịt bỏ vào 1 cái tô đồng đem đến đổ vào mộ của các Pơtao Apui đã khuất núi, nói nguyên nhân thực hiện nghi lễ và cầu xin các Pơtao Apui đời trước phù hộ cho những lời cầu khấn thành hiện thực, trời sẽ đem mưa đến. Khi Pơtao Apui quay lại ché uống rượu, chiêng trống nổi lên, Tlăo Đing từ từ đứng dậy, làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến tai thần linh. Cuối cùng, Pơtao Apui lấy nước vẩy ra xung quanh và kết thúc lễ cúng.

Ông Siu Phơ thực hiện nghi thức cúng cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang. Ảnh: Đức Thụy

Ông Siu Phơ thực hiện nghi thức cúng cầu mưa trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang. Ảnh: Đức Thụy

Trong 1 tháng, Pơtao Apui được thực hiện lễ cầu mưa tối đa 3 lần. Người Jrai tin rằng, những lời khấn cầu mưa của Pơtao Apui chỉ thực sự linh nghiệm khi đó là ý nguyện chung của tất cả mọi thành viên trong cộng đồng. Lễ cầu mưa của Pơtao Apui với nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Jrai vùng thung lũng Cheo Reo đã được công nhận là tín ngưỡng phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 1877/QĐ-BVHTTDL ngày 8-6-2015 của Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

Lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui năm nay được thực hiện trên đỉnh núi thần Chư Tao Yang trên cơ sở phục dựng nguyên bản theo phong tục của người Jrai bản địa. Nghi thức cúng do ông Siu Phơ (phụ tá của ông Rah Lan Hieo-phụ tá đời Vua Lửa thứ 14) thực hiện.

Đúng 8 giờ 30 phút, ông Siu Phơ dẫn đầu đoàn nghi thức rước lễ cúng lên núi thần. Khác với những năm trước, con heo cúng hơn 50 kg được 2 người khiêng lên núi thần mổ thịt làm lễ vật dâng lên các vị thần để tỏ lòng thành kính. Mặc dù đã chuyển giao toàn bộ nghi thức cúng cho phụ tá của mình song ông Rah Lan Hieo vẫn tham gia đoàn nghi thức để hướng dẫn mọi người thực hiện nghi lễ theo đúng tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán của đồng bào Jrai. Trong khi ông Siu Phơ đọc lời khấn, ông Rah Lan Hieo làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn đến với thần linh. Tất cả phối hợp nhịp nhàng, thể hiện lòng thành kính cầu mong Yang ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Xuống núi sau khi hoàn thành trọng trách nặng nề, ông Siu Phơ chia sẻ: “Được dân làng tín nhiệm cũng như phụ tá đời Vua Lửa cuối cùng gửi gắm trọng trách, năm nay tôi đảm nhận nhiệm vụ chính trong lễ cúng cầu mưa. Thời tiết hiện tại ở Phú Thiện khá khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, vì vậy hy vọng qua lễ cúng, tâm nguyện của dân làng sẽ được gửi tới thần linh. Yang sẽ cho mưa xuống tưới mát ruộng đồng, mang lại mùa màng bội thu giúp người dân có cuộc sống no đủ”.

Trong khi ông Siu Phơ đọc lời khấn, ông Rah Lan Hieo làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn nguyện đến các thần linh. Ảnh: Đức Thụy

Trong khi ông Siu Phơ đọc lời khấn, ông Rah Lan Hieo làm động tác xoang như đại bàng cất cánh để đưa lời khấn nguyện đến các thần linh. Ảnh: Đức Thụy

Sau lễ cúng, trong buổi chiều cùng ngày, Phú Thiện bất ngờ đổ mưa giải tỏa cơn nắng hạn kéo dài suốt nhiều ngày qua. Không ai lý giải được, nhưng bà con đều tin rằng Yang đã nghe được lời thỉnh cầu của dân làng và cho mưa xuống. Phụ tá của các Vua Lửa đã trở thành những người kế nhiệm đáng tin cậy, là điểm tựa tinh thần của cả buôn làng.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Thiện, Trưởng ban tổ chức lễ hội cầu mưa cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào tại chỗ, năm nay huyện Phú Thiện phục dựng lại nguyên bản lễ cúng cầu mưa trên ngọn núi thần Chư Tao Yang theo đúng nghi thức các phụ tá Pơtao Apui truyền lại. Lễ cúng do các phụ tá Vua Lửa trực tiếp thực hiện với số lượng người tham dự chứng kiến hạn chế nhằm đảm bảo tính chất linh thiêng, huyền bí. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày Plei Ơi được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia, Ban tổ chức phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa-thể thao hấp dẫn, các điểm du lịch kết nối có phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nhằm quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống, các danh lam thắng cảnh, sản vật địa phương đến với du khách gần xa, qua đó góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy du lịch huyện nhà ngày càng phát triển.

Có thể bạn quan tâm

Cổng vào Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi. Ảnh: Đức Thụy

Xây dựng Khu di tích Plei Ơi thành sản phẩm du lịch đặc thù

(GLO)- Gắn liền với truyền thuyết Hỏa Xá, Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa. Huyện Phú Thiện đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng khu di tích thành sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.

Chuyện làng ở Hà Tây

Chuyện làng ở Hà Tây

(GLO)- Chúng tôi về thăm xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vào một ngày mưa nhẹ, trời se lạnh. Tại đây, chúng tôi dành thời gian để trải nghiệm cuộc sống của đồng bào Bahnar và được nghe các già làng kể chuyện nhà rông.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Họa sĩ Lê Hùng và tập sách ảnh vừa xuất bản. Ảnh: P.D

Họa sĩ Lê Hùng: Tìm chốn riêng sắc màu

(GLO)- Cây bàng cao lớn nghiêng tàng lá xuống ngôi nhà nhỏ (64A Lê Thánh Tôn, TP. Pleiku) được họa sĩ Lê Hùng chọn làm nơi đặt phòng tranh cá nhân. Sau hơn 40 năm gắn bó với cây cọ, ông mới có một chốn riêng để trưng bày tác phẩm mà mình dày công sáng tác.