Phú Thiện sẵn sàng cho lễ cúng cầu mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau 2 năm tạm hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tiếp tục tổ chức lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui. Hiện các khâu chuẩn bị đã hoàn tất, sự kết hợp giữa du lịch sinh thái-du lịch tâm linh-du lịch di sản hứa hẹn sẽ làm hài lòng du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Nhiều điểm đến hấp dẫn
Theo kế hoạch, lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui tổ chức tại Khu di tích lịch sử-văn hóa quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ), nơi còn bảo tồn hầu như nguyên vẹn những hiện vật như: gươm thần, bộ chiêng Ơi Tú, núi Chư Tao Yang, khu nhà mồ Pơtao Apui, bến nước… Thay vì tổ chức trên sân khấu như năm 2019, nghi lễ cúng cầu mưa năm 2022 sẽ được tổ chức trên núi Chư Tao Yang do ông Rơ Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa đời thứ 14 thực hiện. Du khách sẽ được trải nghiệm không gian lễ hội linh thiêng kỳ bí, chứng kiến phụ tá Vua Lửa đời thứ 14 dùng thanh gươm thần để cầu mưa khi sắp vào mùa hoặc giữa chu kỳ canh tác mà bị hạn hán với mong muốn trời đất ban cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, đời sống người dân được no đủ.
Bên cạnh đó, du khách sẽ được hòa mình vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc tại Hội thi Văn hóa-Thể thao các dân tộc thiểu số, được tận mắt chứng kiến những nghệ nhân của buôn làng tạc tượng, đan lát, dệt thổ cẩm, diễn tấu cồng chiêng, hát dân ca cũng như hòa vào không khí sôi nổi của các môn thể thao: chạy cà kheo, đẩy gậy, bắn nỏ, kéo co. Cùng với đó, các gian hàng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, ẩm thực địa phương như: cơm lam, gà nướng, canh lá mì, xoài, gà, rượu ghè, chả cá thác lác… chắc chắn sẽ làm hài lòng thực khách gần xa.
 
Phụ tá Vua Lửa đời thứ 14 Rơ Lan Hieo (bìa trái) cùng người làng mang lễ vật lên núi cúng cầu mưa. Ảnh: Vũ Chi
Phụ tá Vua Lửa đời thứ 14 Rơ Lan Hieo (bìa trái) cùng người làng mang lễ vật lên núi cúng cầu mưa. Ảnh: Vũ Chi
Ngoài các hoạt động lễ hội tại Khu di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi, du khách có thể tham dự các hoạt động tại một số điểm kết nối như hồ thủy lợi Ayun Hạ, chùa Quang Sơn, hồ sen Ia Yeng và làng Plei Rbai. Đến với khu du lịch sinh thái hồ thủy lợi Ayun Hạ, du khách được chiêm ngưỡng công trình thủy lợi lớn nhất Tây Nguyên, được du thuyền dạo chơi trong lòng hồ để cảm nhận không gian xanh mát, non nước hữu tình. Rời xa sự ồn ào, náo nhiệt, du khách tìm sự thư giãn, cảm giác yên bình tại chùa Quang Sơn, cách trung tâm hành chính huyện 8 km về hướng Tây. Ngôi chùa nằm dưới chân núi, bao bọc bởi rừng cây xanh mát cùng hệ thống kênh chính Ayun Hạ tạo cảnh quan sơn thủy hữu tình.
Một địa điểm đem đến sự bình yên cho du khách là hồ sen xã Ia Yeng. Đến đây, du khách sẽ được tham quan, chèo thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu dàng của cánh đồng sen đang nở rộ rộng 15 ha, thưởng thức trà sen và các sản phẩm từ sen như ngó sen, hạt sen, đặc biệt được chứng kiến lễ thổi tai cho em bé rất độc đáo của người Jrai.
Cũng với nghi lễ cúng cầu mưa nhưng tại làng Plei Rbai (xã Ia Piar), du khách sẽ được chứng kiến nghi lễ rước nước bằng kiệu từ bến nước ở bờ sông Ayun về làng, tận mắt chứng kiến Nghệ nhân Ưu tú Ksor Lol thực hiện nghi thức hô mưa gọi gió. Giống như tại xã Ayun Hạ, du khách tới Plei Rbai cũng được thỏa thích hòa mình vào các trò chơi dân gian, được giao lưu văn hóa-văn nghệ, đốt lửa trại, cùng trải nghiệm, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo trong đời sống hàng ngày của người dân địa phương.
Hướng đến sự hài lòng của du khách
Xác định lễ cúng cầu mưa là dịp để giới thiệu, quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống của địa phương tới đông đảo du khách gần xa, xã Ia Piar đã chủ động xây dựng các kịch bản chương trình, phương án cụ thể, đồng thời huy động sự chung sức tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị và bà con dân làng đảm bảo chu đáo, thành công. 
Chị Nay H’Đương-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ làng Plei Rbai-chia sẻ: “Từ nhiều ngày trước, chị em phụ nữ trong làng ai cũng phấn khởi, tích cực dọn vệ sinh môi trường, trồng thêm hoa, cây cảnh để đường làng sạch sẽ, khang trang. Chị em cũng chuẩn bị nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống của người Jrai để phục vụ nhu cầu của du khách. Hy vọng mọi người sẽ hài lòng khi đến tham dự lễ cúng cầu mưa năm nay tại xã”.
 
Cánh đồng sen xã Ia Yeng đang mùa nở rộ là điểm hút khách trong dịp lễ cúng cầu mưa năm 2022. Ảnh: Vũ Chi
Cánh đồng sen xã Ia Yeng đang mùa nở rộ là điểm hút khách trong dịp lễ cúng cầu mưa năm 2022. Ảnh: Vũ Chi
Tại xã Ayun Hạ, khâu chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Ông Lê Xuân Mạnh-Chủ tịch UBND xã-cho biết: Để chuẩn bị cho lễ cúng cầu mưa, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo, 3 tổ lễ tân, phục vụ, tuyên truyền, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. 8 tiết mục văn nghệ đã được bà con tập luyện kỹ lưỡng. Xã đã ký văn bản phối hợp với chùa Quang Sơn, Ban Quản lý công trình thủy lợi Ayun Hạ hình thành tour kết hợp du lịch tâm linh-du lịch di sản-du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu đa dạng của du khách thập phương. Hiện tại đã có 3 đoàn khách ở các tỉnh, thành: Phú Yên, Đak Lak và Đà Nẵng đăng ký tham quan, trải nghiệm dịp lễ hội này.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Trần Hưng-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Phú Thiện-cho hay: Sau 2 năm chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, lễ cúng cầu mưa năm 2022 với tour du lịch kết nối Plei Ơi-hồ sen-Plei Rbai hứa hẹn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị. Tất cả đã sẵn sàng để đón tiếp và phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm. Dịp lễ cúng cầu mưa năm nay, huyện kết hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trên địa bàn, là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu, tìm hiểu cơ hội hợp tác làm ăn, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.