Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 2: Càn quét Nam Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tiến sĩ Evan Ellis, giáo sư Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Trường Lục quân Mỹ, đánh giá hoạt động đánh bắt của Trung Quốc trong nửa thế kỷ qua đã làm cạn kiệt nguồn cá ở bốn khu vực gồm Bột Hải, Chu San, Biển Đông và vịnh Bắc Bộ.
Tàu tuần tra ARA Bouchard của Argentina (trái) truy đuổi tàu cá Trung Quốc Hong Pu 16 hôm 4-5-2020 - Ảnh: Hải quân Argentina
Tàu tuần tra ARA Bouchard của Argentina (trái) truy đuổi tàu cá Trung Quốc Hong Pu 16 hôm 4-5-2020 - Ảnh: Hải quân Argentina
Các khu vực bị tàu đánh bắt công nghiệp càn quét nhiều nhất là đông bắc Đại Tây Dương, tây bắc Thái Bình Dương, Nam Mỹ và Tây Phi.
Tổ chức FAO
Các đội tàu cá Trung Quốc đã tiến ra những vùng biển xa hơn.
Đi xa hơn 18.000km đánh bắt
Tại Mỹ Latin, tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc chủ yếu hoạt động tại Argentina, Ecuador và Peru. 
Tàu thường xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các quốc gia ven biển bất chấp quyền chủ quyền của quốc gia ven biển đối với tài nguyên hải sản trong EEZ theo Công ước LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Tàu cá Trung Quốc thường đánh bắt theo kiểu tận diệt như sử dụng lưới giã cào gom sạch cá con, hủy hoại môi trường biển. 
Kể cả khi đánh bắt ngoài vùng EEZ hoặc được địa phương cho phép, tàu cá Trung Quốc cũng sử dụng lưới cấm, đánh bắt các loài cá bị cấm khai thác hoặc đánh bắt quá hạn ngạch.
Rạng sáng 4-5-2020, tàu tuần tra ARA Bouchard của hải quân Argentina phát hiện tàu cá Trung Quốc Hong Pu 16 trong vùng EEZ. 
Tàu này tắt thiết bị tự động nhận dạng (AIS) nhưng mở sáng đèn bắt mực. Bất chấp tàu tuần tra liên lạc qua điện đài và bắn pháo sáng thông báo kiểm tra, tàu cá vẫn bỏ chạy ra vùng biển quốc tế.
Cuộc rượt đuổi kéo dài ba tiếng, cuối cùng tàu Hong Pu 16 chịu thua. Trên tàu có 700 tấn hải sản tươi sống và 300 tấn cá đông lạnh. Tàu tuần tra đã áp giải tàu cá vi phạm đến cảng gần nhất để chuẩn bị đưa ra tòa.
Tuần trước đó, tàu tuần tra cảnh sát biển Prefecto Fique đã phát hiện tàu câu mực Trung Quốc Lu Rong Yuan Yu 668 đánh bắt trong vùng EEZ. Tàu cá tháo chạy. Tàu tuần tra rượt đuổi một lúc rồi buộc phải quay về vì có bão. Bộ Thủy sản Argentina đã thông báo sự việc với đại sứ quán Trung Quốc.
Theo khảo sát của Hiệp hội Các chủ tàu, các công ty tàu cá và tàu đông lạnh Argentina (CAPECA), có hơn 100 tàu cá Trung Quốc hoạt động thường xuyên trong vùng EEZ. 
Mới đây hồi tháng 4-2020, tổ chức này đã kiến nghị với chính phủ có biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên mực quốc gia. Sau đó, quân đội đã triển khai máy bay phối hợp với tàu hải quân săn lùng tàu săn bắt trộm.
Chuyện tàu cá Trung Quốc vi phạm đánh bắt IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) xảy ra như cơm bữa ở Argentina mặc dù chặng đường từ Trung Quốc đến Argentina xa hơn 18.000km. Argentina đã nhiều lần nhờ cậy Tổ chức Cảnh sát quốc tế (Interpol) hỗ trợ.
Đêm 1-3-2019, tàu cảnh sát biển GC-24 Mantilla phát hiện tàu câu mực Hua Xiang 801 tắt AIS để đánh bắt. 
Tàu câu mực vứt ngư cụ bỏ chạy và cố tình đâm vào tàu nước chủ nhà. Ba tiếng sau, tàu câu mực thoát thân. 
Argentina đã đề nghị Interpol phát lệnh truy tìm đồng thời yêu cầu phía Trung Quốc cung cấp thông tin liên quan đến cảng xuất phát, chủ tàu và các thuyền viên tàu Hua Xiang 801. 
Cuối cùng phía Trung Quốc thỏa thuận nộp phạt hàng triệu USD. Trước đó vào tháng 4-2016, theo yêu cầu của Argentina, Interpol đã từng chặn giữ tàu cá Hua Li 8 của Trung Quốc tại Indonesia nhiều tháng cho đến khi công ty chủ tàu chấp nhận nộp phạt 170.000 USD.
Ủy ban Nghề cá Bắc Thái Bình Dương ghi nhận vùng biển Argentina là ngư trường mực ống lớn thứ hai thế giới. 
Tổ chức Lương-nông Liên Hiệp Quốc (FAO) ước tính mỗi năm Argentina bị thiệt hại khoảng 2 tỉ USD do nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp. Ban đêm từ không gian có thể nhìn thấy hàng hàng lớp lớp tàu cá nước ngoài bật đèn sáng choang trên vùng biển Argentina.
Mực khổng lồ ở Peru - một trong những mục tiêu săn lùng của tàu săn trộm Trung Quốc - Ảnh: fis-net.com
Mực khổng lồ ở Peru - một trong những mục tiêu săn lùng của tàu săn trộm Trung Quốc - Ảnh: fis-net.com

Ngang nhiên đánh bắt trong EEZ

Năm 2018, Ecuador đã từng phát hiện khoảng 300 tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp. 
Cuối tháng 4-2019, hay tin có các đội tàu cá treo cờ Trung Quốc xâm nhập vùng EEZ, Tổng thống Lenin Moreno đã bực tức đập bàn và ra lệnh điều động ngay máy bay và tàu chiến ngăn chặn đồng thời yêu cầu triệu đại sứ Trung Quốc đến để phản đối. 
Đô đốc Darwin Jarrin Cisneros, chỉ huy hải quân Ecuador, đánh giá: "Các đội tàu cá Trung Quốc hoạt động chẳng khác gì đạo quân săn mồi".
Ông giải thích: "Ecuador giám sát qua vệ tinh. Khi tàu cá tiếp cận vùng biển thuộc quyền tài phán Ecuador, máy bay được điều động để xác minh bằng hình ảnh. 
Sau đó, cảnh sát biển và các đơn vị hải quân di chuyển đến các vị trí chiến lược để ngăn chặn tàu cá đi vào vùng biển Ecuador". 
Thật ra tiềm lực hải quân Ecuador còn hạn chế với năm tàu hộ vệ, hai tàu khu trục lớp Condell, hai tàu ngầm lớp 209/1300, ba tàu cao tốc lớp Seawolf và chỉ có hai tàu tuần tra. Để giám sát biển, Ecuador dựa vào hai máy bay và tám máy bay không người lái.
Tại Peru, chủ tịch Ủy ban Quản lý bền vững mực khổng lồ Nam Thái Bình Dương (CALAMASUR) Alfonso Miranda Eyzaguirre ghi nhận có rất nhiều tàu cá Trung Quốc đánh bắt mực trong phạm vi 200 hải lý ở vùng biển Grau. 
Bộ Sản xuất Peru ước tính đánh bắt bất hợp pháp đã gây thiệt hại cho Peru 500 triệu USD mỗi năm. Hải quân Peru đủ mạnh để ngăn chặn các vụ vi phạm đánh bắt trong vùng EEZ nhưng Peru lại phải đối mặt với một thách thức khác. 
Các công ty thủy sản Trung Quốc dùng chiêu mua lại tàu cá Peru, nhờ đó được hưởng quyền đánh bắt ở Peru. 
Ví dụ Tập đoàn Dailan Huafeng của Trung Quốc đã mua lại Công ty đánh cá Arbumasa của Tây Ban Nha trong khi Arbumasa đã được cấp phép hoạt động trong vùng biển Peru.
Tương tự Peru, tình trạng một số tàu cá Trung Quốc núp bóng giấy phép tàu cá địa phương cũng đã xảy ra ở Uruguay. 
Tại Chile, tàu cá Trung Quốc không được phép sử dụng cảng vì tàu quá bệ rạc, không đạt tiêu chuẩn nhưng tàu vẫn "bám trụ" đánh bắt. Tuy hải quân Chile đủ mạnh nhưng bờ biển quá dài nên khó ngăn chặn đánh bắt IUU trên toàn bộ vùng EEZ.
Tiến sĩ Evan Ellis nhận định ngoài các đội tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc, còn tàu của nhiều nước khác vi phạm vùng EEZ của các quốc gia ven biển Mỹ Latin, tuy nhiên đến nay tàu cá Trung Quốc vẫn là tàu vi phạm nhiều nhất và trắng trợn nhất. 
Điều trớ trêu là doanh thu từ đánh bắt bất hợp pháp cuối cùng được chuyển về Trung Quốc để sau đó các công ty Trung Quốc gián tiếp đầu tư mua dầu mỏ hay khai thác khoáng sản ở Mỹ Latin.
Rốt cuộc nguồn lợi thủy sản bị tàu cá Trung Quốc đánh bắt bất hợp pháp ở Mỹ Latin không chỉ tước đoạt sinh kế của người dân địa phương mà còn trở thành nguồn đầu tư phát sinh giá trị ở Mỹ Latin để tiếp tục phát sinh lợi nhuận vào tay dân Trung Quốc.
Một vụ chấn động dư luận về đánh bắt IUU đã từng xảy ra ngày 13-8-2017. Trực thăng và tàu cảnh sát biển Ecuador kiểm tra tàu giã cào Trung Quốc Fu Yuan Yu Leng 999 trong khu bảo tồn biển Galapagos.
Trong hầm con tàu dài 98m có sáu khoang hàng. 300 tấn cá bị tịch thu, trong đó có 6.600 con cá mập bao gồm các loài bị đe dọa tuyệt chủng.
Nhờ phân tích dữ liệu AIS, Ecuador xác định bốn tàu câu vàng Trung Quốc đã chuyển tải số cá mập đánh bắt được sang tàu Fu Yuan Yu Leng 999 ở vị trí phía tây Galapagos.
Cuối cùng chủ tàu phải nộp phạt 5,9 triệu USD, còn thuyền trưởng tàu Fu Yuan Yu Leng 999 lãnh án bốn năm tù.
Ghana cấm đánh bắt cá theo hình thức "saiko" nhưng trên thực tế "saiko" vẫn ngang nhiên tồn tại. Nguyên nhân do các tàu cá Trung Quốc đã sử dụng mánh khóe "hồn Trương Ba, da hàng thịt".
Kỳ tới: Chiêu "hồn Trương Ba, da hàng thịt"
Theo HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.