Trong thời gian giãn cách xã hội kéo dài, TP.HCM đã chi nhiều tỉ đồng chăm lo an sinh cho những thành phần yếu thế, ảnh hưởng do dịch bệnh. Song, rất nhiều hoàn cảnh vẫn đang cần trợ giúp cấp thiết về nơi ở, nhu yếu phẩm.
|
Ông Phạm Anh Thắng (Trưởng văn phòng Bộ Lao động thương binh phía nam) thăm hỏi một nữ lao động mất việc lang thang trong mùa dịch. Ảnh: Lam Ngọc |
Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng đại diện Văn phòng Bộ LĐ-TB-XH tại TP.HCM, dẫn đầu tổ công tác đặc biệt thuộc Bộ LĐ-TB-XH đã trực tiếp tới các điểm tập trung người vô gia cư để nắm bắt tình hình thực tế, tặng túi an sinh, động viên bà con vượt qua những ngày khó khăn nhất.
Nhóm công tác dừng điểm đầu tiên là trạm xe buýt Bến Thành (đường Hàm Nghi, Q.1). Mới hơn 21 giờ đã tập trung khá nhiều người lang thang. Theo một công chức P.Phạm Ngũ Lão, Q.1 có mặt khi đoàn tới nơi, những người lang thang tập trung ở điểm này hầu hết là lao động mất việc, không có khả năng trang trải tiền trọ, tiền ăn. Ban ngày họ tản ra những điểm cứu trợ xin cơm, quà từ thiện, tập trung tắm, rửa tại nhà vệ sinh công cộng Bến Thành và ngủ đêm ở đây. Một số nhóm còn lại là người nghiện, lang thang lâu năm thì tập trung ở công viên 23/9.
“Với những nhóm đối tượng này, hiện nay thành phố không còn nơi tiếp nhận nên chỉ còn cách giải quyết tạm thời là đuổi họ từ phường này qua phường kia. Đây là tình thế rất khó khăn đối với cấp phường”, anh Huỳnh Bá Đạt, công chức P.Bến Nghé (Q.1) cho hay.
Thất nghiệp, chưa nhận hỗ trợ
Vừa thấy xe khảo sát của tổ công tác, tưởng là cơ quan chức năng đến đuổi, những người lang thang đang ngồi, liền vội vã cắp chiếu, ba lô vào nách cắm cổ chạy. Một người phụ nữ lam lũ, đầu tóc xõa xượi hớt hải quay lại hỏi: "Bắt hả?". “Không, có quà, cô qua nhận đi”, tôi trấn an. Chị vội chạy qua nói với tổ công tác: “Em quê Tiền Giang, làm phụ hồ cho công trình xây dựng nhỏ. Công trình nghỉ, thợ và phụ hồ đều thất nghiệp chia nhau mỗi người một ngả kiếm đồ từ thiện ăn uống qua ngày”.
|
Ông Phạm Anh Thắng hướng dẫn người lao động mất việc về nơi ở cũ, kê khai danh sách để được nhận gói hỗ trợ của chính phủ. Ảnh: Lam Ngọc |
Theo lời kể của người phụ nữ này, mấy hôm trước chị ở bên công viên 23/9, nhưng tối nào cũng bị dân xì ke tới sờ gáy móc đồ. Sợ quá, chị chạy ra bến xe buýt này. Từ ngày đi bụi tới nay chị mới được tắm gội do nhà vệ sinh ở bến xe buýt không đủ chỗ nên phải xếp hàng. Chờ gần 1 tiếng mới đến lượt chị được tắm. Chị chỉ tay về phía nhà chờ: “Hôm nay có mấy người mới tới, mang theo cả xe nhưng chiều đã đi kiếm chỗ gửi rồi đi người không với bọc đồ về ngủ”.
Thấy có người tới tặng quà, anh Nguyễn Văn Hùng (quê Cần Thơ) cũng lại gần kể chuyện: “Nhà tôi có hai vợ chồng, 6 đứa con. Giờ vợ chồng thất nghiệp ở thành phố, con cái ở quê. Dịch, không về quê được, chủ nhà trọ thì đuổi vì nợ tiền trọ mấy tháng, buộc lòng chúng tôi phải ra đường. Tôi hoàn toàn chưa nhận được một đồng nào từ các gói hỗ trợ. Ai cũng mong có một chỗ ở mà giờ tự lo khó quá”.
Trong khi đó, Triệu Sinh Linh (19 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) trước dịch làm nhân viên phục vụ quán cà phê, mất việc 4 tháng nay, chia sẻ: “Mấy ngày nay em lang thang bến xe buýt ăn cơm từ thiện qua ngày. Em đã tới ấp hỏi về việc người mất việc nhận hỗ trợ nhưng cán bộ ấp nói phải tìm gặp trưởng ấp. Mà em không biết trưởng ấp ở đâu nên đi thẳng ra bến xe”.
Cùng cảnh với Linh, bạn Nguyễn Ngọc Trúc (22 tuổi, quê Kom Tum) cho hay: “Hôm trước, em nghe nói người mắc kẹt tại thành phố sau khi đăng ký với địa phương sẽ được theo đoàn về quê với điều kiện là có phiếu xét nghiệm âm tính Covid-19. Em vay mượn được 400.000 đồng đi xét nghiệm, có phiếu xác nhận âm tính. Tuy nhiên, tối đó lại có thông tin người dân không được rời nơi cư trú. Giấc mơ đoàn tụ gia đình vỡ vụn, em cùng Linh lang thang bến xe trú ngụ qua ngày”.
|
Ông Thắng đặc biệt lưu ý đối tượng phụ nữ và trẻ em lang thang cần được bảo vệ. Ảnh: Lam Ngọc |
“Về nơi ở cũ, kê khai danh sách để nhận hỗ trợ”
Trước cảnh người lao động tập trung nhiều ở bến xe, dạ cầu, công viên, qua tiếp xúc thực tế, ông Phạm Anh Thắng nhận định nguyên nhân khiến người lao động mất việc tới nay chưa nhận được tiền hỗ trợ nằm ở khâu kê khai danh sách tại địa phương. Ngay khi mất việc, cuộc sống khó khăn, người lao động bỏ nơi cư trú đi lang thang. Thời gian qua họ chủ yếu sống nhờ cứu trợ của các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện.
Ông Thắng cho rằng, quà và tiền từ thiện từ các nhà hảo tâm rất quý trong lúc dịch giã khó khăn này. Tuy nhiên, nguồn từ thiện không phải lúc nào cũng có nên ông kêu gọi tất cả những người lao động lang thang cần nhanh chóng trở về nơi ở cũ để kê khai danh sách với chính quyền cơ sở. Để giúp người lang thang quay về nơi ở cũ thuận lợi, theo ông Thắng, chính quyền địa phương cần có phương án đưa về an toàn. Thậm chí nếu cần thì dùng xe của phường hỗ trợ.
Ngoài lực lượng lao động mất việc tập trung ở các điểm "tị nạn" trong trung tâm thành phố, ở vùng ven, công viên, gầm cầu, dọc hai bờ kênh Tàu Hũ - Bến Nghé còn tập trung những người nghiện ở trà trộn cùng người lang thang lâu năm, lao động chân tay lớn tuổi. Trong đó, còn có nhiều phụ nữ và trẻ em. Với mức độ lây lan dịch bệnh như hiện tại, họ rất cần được bảo vệ. Tuy nhiên, trước tình trạng trung tâm hỗ trợ xã hội đã phát hiện những ca dương tính và tạm ngưng tiếp nhận, thì nguy cơ nhiễm dịch của những người này ngoài cộng đồng cũng rất đáng lo ngại.
Tại điểm dừng bên dạ cầu Chà Và (Q.5), tận mắt ông Phạm Anh Thắng chứng kiến hình ảnh một người phụ nữ vác bụng bầu chạy tới, mồ hôi nhễ nhại để kịp xin một phần quà. Ông Thắng liền đưa phần quà, rồi vội nói: “Trong này có bánh chưng, có sữa và tiền mặt. Chắc cũng tạm qua được mấy ngày. Cố gắng nhé”.
|
Người lao động mất việc lang thang ngủ tạm bợ trên vỉa hè. Ảnh: Lam Ngọc |
Kế bên người phụ nữ lúc ấy còn có một bé gái tầm 10 tuổi. “Cháu học lớp mấy?”, ông Thắng hỏi, rồi đắng lòng khi nghe câu trả lời: “Cháu không đi học”. Lúc này ông Thắng phải thốt lên: “Còn nhiều người khổ quá”.
Em Lò Văn Đông (21 tuổi, quê Lào Cai) làm công nhân nhà máy nước đá Thiên Phú, lương 6 triệu đồng/tháng. Sau khi nhà máy đóng cửa, Đông nghỉ việc thì chỉ còn lại 1 triệu đồng và một chiếc điện thoại, nhưng cũng vừa bị móc mất tối hôm trước. Khi gặp nhóm công tác của Bộ LĐ-TB-XH, Đông bày tỏ muốn được vào trung tâm bảo trợ lánh tạm một thời gian tới khi qua dịch.
Nhìn cậu thanh niên có dáng người dong dỏng, thư sinh đang sống những ngày khổ sở, ông Thắng hướng dẫn: “Giờ cháu về ngay nơi công ty làm việc trước đây, lên phường kê khai danh sách để hưởng hỗ trợ. Nếu xin hỗ trợ không được, thì gọi ngay lên tổng đài 1022 rồi đọc rõ họ tên và yêu cầu được giải quyết”.
Chủ trọ cũng kẹt “thế khó” Bà Phạm Ngọc Sa (một chủ nhà trọ tại Q.8, TP.HCM) chia sẻ: “Công nhân trả phòng hầu hết là đã nợ tiền trọ một, hai tháng nay. Tôi chỉ yêu cầu họ phụ đóng tiền điện nước để tôi thanh toán lại với nhà nước. Phần lớn những người bỏ về là những người không còn trang trải được bữa ăn hàng ngày nên tôi rất thương. Tuy nhiên nói nhận lại họ về nhà trọ của mình thì tôi không dám vì khi ra đường, họ đã tiếp xúc ai, có bị nhiễm bệnh không, thì tôi không kiểm soát được. Nếu không may có một ca dương tính thì rất nguy hiểm cho những người còn ở lại phòng trọ khác”. |
Theo Lam Ngọc (TNO)