Sài Gòn sau 18 giờ: Bồng con thơ kiếm ăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là trẻ mồ côi chưa kịp lớn, vừa đủ 17 tuổi Lê Thùy Trang đã làm mẹ một con. Cuộc sống lang bạt của bà mẹ đơn thân vốn đã khó khăn lại tăng thêm bội phần trong mùa bạo dịch.

 
Hai cô gái tên Trang cùng chung số phận có con khi chưa đủ tuổi vị thành niên và sống bằng nghề nhặt ve chai. Ảnh: Lam Ngọc
Hai cô gái tên Trang cùng chung số phận có con khi chưa đủ tuổi vị thành niên và sống bằng nghề nhặt ve chai. Ảnh: Lam Ngọc
Khi bạn cùng lứa còn chăn ấm, đệm êm cùng gia đình an toàn tránh dịch thì hằng đêm, Trang vẫn phải một mình vác con trên vai ra đường nhặt nhạnh ve chai mặc cho dịch bệnh có thể quấn lấy hai mẹ con bất cứ lúc nào.
Thân cò lặn lội đêm… giãn cách
Càng về khuya, đường Sài Gòn càng trở lên cô quạnh. Các gian hàng mặt phố kéo cửa xếp im ỉm, những ngọn đèn trong rèm cửa trên những lầu cao chỉ còn lác đác vài bóng thì Lê Thùy Trang (17 tuổi, ngụ Q.4) vẫn một mình lặng lẽ ngồi xổm dưới những gốc cây to bới rác.
Đã quá 23 giờ mà Trang vẫn miệt mài bới móc tìm chai nhựa, giấy vụn hay đâu đó một mẩu thức ăn thừa để qua bữa tối. “Mấy bữa nay người ra đường ít, chai nhựa cũng ít, em đi từ tối tới giờ mới được nhiêu đây”, cô gái chỉ vào chiếc thùng carton chứa hơn chục chai nhựa và vài lon bia nhỏ nhẻ nói. 17 tuổi nhưng con của Trang đã sắp thôi nôi. Trang bảo, mẹ bỏ đi từ khi em chưa tròn tuổi, ba nuôi em lên tám thì cũng bỏ rơi. Không bố mẹ, không người thân, em lớn lên như cây dại giữa đời.
Năm 15 tuổi Trang gặp một người đàn ông nói thương và muốn lấy em. Thiếu thốn tình cảm gia đình lại mơ ước có được một mái ấm, Trang đồng ý thuê phòng trọ ở chung. Vài tháng sau, Trang biết mình có bầu. Người đàn ông ở cùng tuy thương em nhưng gia cảnh nghèo khó phải bỏ đi làm xa, lâu lâu, gửi cho Trang chút tiền trang trải nhưng từ đầu dịch thì biệt tăm. Người mẹ trẻ ôm con đợi chờ trong căn trọ không một đồng trong túi. Đứa con cả ngày khóc đòi sữa, buộc lòng Trang phải ôm con ra đường kiếm sống.
Tôi hỏi Trang sao không tìm tới các hội nhóm cứu trợ từ thiện? Bà mẹ trẻ ngờ nghệch: “Em không có xe, có hôm em bế con đi bộ tới điểm cho thì người ta đã nhận và tan hết. Em có nhờ người để ý khi có cứu trợ gọi để chạy qua xin. Họ gọi cho hàng xóm, hàng xóm qua gọi, em chạy tới nơi thì cũng đã không còn gì”. Thấy mẹ con Trang đáng thương, những người nhận được cứu trợ trước đó cũng chia lại cho một chút thức ăn. Vài hộp sữa, vài cái bánh ngọt cho đứa con trai. Vậy mà Trang đã mừng lắm.
Cám cảnh người mẹ trẻ đèo bòng con thơ trong mùa dịch, nhiều người trong khu trọ khuyên Trang đưa con lên chùa hoặc gửi trại trẻ mồ côi nuôi giúp nhưng em nói dịch này, bên đó họ không nhận. Nói là để chống chế vậy thôi chứ Trang chưa từng có ý định đưa con mình cho ai nuôi cả. “Em là trẻ mồ côi, lớn lên không có ba mẹ buồn lắm. Lúc bệnh đau em chỉ mong một lần được gặp mẹ, được ba yêu thương. Bởi thế, dù chết đói em cũng không bỏ con. Con là người thân duy nhất của em trên đời”.

Lê Thùy Trang, hằng đêm vẫn phải vác con ra đường kiếm vài thứ chai nhựa có thể bán được để có tiền mua sữa
Lê Thùy Trang, hằng đêm vẫn phải vác con ra đường kiếm vài thứ chai nhựa có thể bán được để có tiền mua sữa

Con trai của Trang chẳng mấy khi được mặc quần vì theo mẹ lang thang hè phố
Con trai của Trang chẳng mấy khi được mặc quần vì theo mẹ lang thang hè phố
Giấc ngủ trên vai mẹ
Nhiều năm lăn lộn lề đường, Trang nghiệm ra rằng ông trời không bao giờ dồn em vào bước đường cùng. Ở những lúc bế tắc nhất, em đều nhìn thấy một lối nhỏ khác để bước qua. Trong mùa dịch này, lúc đói, khổ nhất em lại có được một người mẹ nuôi tên Hoa. Bà Hoa sống bằng nghề thu mua ve chai của những người bán vé số nhặt dạo rồi bán lại cho vựa lớn.
Bà Hoa cũng là mẹ đơn thân và có một người con gái hơn Trang một tuổi (cũng lay lắt lề đường và có bầu năm 17 tuổi) nên bà thương và cưu mang Trang. Tuy không giúp nhiều nhưng lúc khó khăn, bệnh tật bà là chỗ dựa tinh thần để mẹ con Trang cố gắng. Trang bảo, ở với mẹ nuôi, em làm gì sai thì mẹ mắng nhưng đói thì mẹ chia đồ cho ăn. Không giúp được về mặt kinh tế nhưng lúc khó khăn này Trang cảm thấy mình có một gia đình. Con Trang có người để gọi là bà ngoại, em nghe cũng thấy ấm áp.

Sau 18 giờ, 3 mẹ con chị Oanh ngồi trên cầu Nguyễn Văn Cừ chờ đợi cứu trợ từ nhà hảo tâm
Sau 18 giờ, 3 mẹ con chị Oanh ngồi trên cầu Nguyễn Văn Cừ chờ đợi cứu trợ từ nhà hảo tâm
Đứa con nhỏ của Trang tên ở nhà là ku Tin (mọi người hay gọi là “A Kay” vì Trang thường một nách ôm con kể cả lúc làm việc).
Ngày trước, “em cu Tai ngủ trên lưng mẹ”, được mẹ hát ru khi giã gạo: Ngủ ngoan a Kay ơi, ngủ ngoan a Kay hỡi (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ - Nguyễn Khoa Điềm) còn ngày nay, em ku Tin cũng ngủ trên vai mẹ ngày đêm nhưng mẹ không có sức (và cũng không còn tâm trí) để hát ru vì mẹ bận dồn sức... nhặt ve chai.
Chưa đầy một tuổi nhưng đêm nào ku Tin cũng theo mẹ ra đường kiếm ve chai. Có hôm quá nửa đêm mà mẹ con vẫn lang thang ngoài đường. Với ku Tin, ở nhà hay ngoài đường cũng không khác nhau, cứ buồn ngủ là em gục vào vai mẹ ngủ.
Có lẽ vì biết mẹ cũng khổ nên ku Tin chẳng mấy khi quấy khóc. Suốt ngày theo mẹ ở ngoài đường nên chẳng mấy khi ku Tin được mặc quần. Tiện đâu đặt đó, khi đi nhặt ve chai Trang không mang theo nhiều quần cho con nên cứ tiểu ướt thì vắt quần lên cây, đợi khô mặc tiếp không có quần thay. Nhìn đứa con nhỏ thó đang bò trên nền gạch, Trang bảo: “Em nghe người ta nói nó suy dinh dưỡng mà em cũng không biết phải làm gì”.
Mấy hôm nay túng quá, Trang đành gửi con cho mấy đứa trẻ bán mít (con của dân lao động nghèo) gần cầu Ông Lãnh để tranh thủ nhặt rồi về sớm. Trong số đó có Trần Tấn Phát, 8 tuổi, cũng là trẻ mồ côi. Có lẽ đồng cảm với hoàn cảnh của Trang nên những lúc rảnh, Phát thường gọi: “Chị Trang đi lượm đi, mang A Kay em coi cho”.
Trong khó khăn, hoạn nạn, dân nghèo lại giúp nhau bằng những việc đơn giản mà ấm áp như vậy. (xem tiếp trên thanhnien.vn)
Dẹp cả tự trọng
Chị Nguyễn Thị Kim Oanh, 40 tuổi, trước dịch bán xe cà phê dạo dọc đường. Dịch bùng phát, vợ chồng chị thất nghiệp. Nhà hai vợ chồng thêm hai đứa con nhỏ cầm cự được hơn 2 tháng, qua tháng thứ 3 trong nhà không còn một hạt gạo, chỉ còn đủ tiền mua được một thùng mì gói ăn qua ngày. Trong lúc chờ chồng kiếm việc, chị Oanh bất đắc dĩ mang theo hai đứa con, một trai một gái ra đường xin từ thiện qua ngày. “Đi một mình, họ thấy mình trẻ, họ ngại cho. Mình đưa hai đứa nhỏ đi, thấy hoàn cảnh thực, họ không ngại giúp”, chị nói.
Trước Chỉ thị 12, chị Oanh theo mấy người trong xóm ngồi trên cầu Nguyễn Văn Cừ nhưng sau Chỉ thị 12 không ai ngồi trên cầu nữa, chị dắt con qua mấy điểm khuất hơn và lang thang khuya mới về nhà.
Theo Lam Ngọc (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.