Sài Gòn nhớ nhớ thương thương - Kỳ 7: Đường xưa về Nhà Bè

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Có lẽ đường Huỳnh Tấn Phát từ cầu Tân Thuận (quận 7) đến mũi Nhà Bè vốn xưa mang tên liên tỉnh 15 là con đường có nhiều địa danh dân dã nhất Sài Gòn.

 
Cầu Phú Xuân hiện đại nối Nhà Bè với trung tâm Sài Gòn - Ảnh TỰ TRUNG
Cầu Phú Xuân hiện đại nối Nhà Bè với trung tâm Sài Gòn - Ảnh TỰ TRUNG



Tuyến xe thời thơ ấu

"Khoảng năm 1958 đã có tuyến xe đò Peugeot Sài Gòn - Phú Xuân cự ly 11km. Bến đầu là cuối đường Phó Đức Chính, giáp bến Chương Dương" - chị dâu tôi, người từng đi lơ tuyến xe này, nhớ lại. Bến cuối là bãi xe nhỏ, đậu chung với xe lam đi Hiệp Phước, Nhơn Đức, nay còn tháp nước.

Xe Peugeot có 3 băng ghế, chở được 18 người, nhưng sổ đăng ký chỉ 14 chỗ. Ở đuôi xe là cái bửng bằng gỗ khá chắc, chỗ lơ xe đứng và khách cũng đu ở đây, nên mỗi chiếc có thể chở đến 24-25 người là thường tình.

Hồi nhỏ, tôi rất ấn tượng với cách "đọc" các địa danh của cánh lơ xe đò trên tuyến đường này. Khi xe bắt đầu từ bến chạy vài trăm mét đến cầu Móng, thì lơ xe hô: "Ai xuống cầu Móng không?".

Rồi những trạm kế tiếp là cầu Quay, chợ Xóm Chiếu, Cầu Cống (ngã ba Tôn Đản - Nguyễn Tất Thành ngày nay), kho 4, kho 5, kho 11 của quận 4. Chỗ kho 11 còn dấu vết của pháo đài Hữu Bình (đồn Thảo Câu, đồn Rạch Bàng, đồn Nam, Fort de Sud), đắp năm 1789, cùng thời điểm với đồn Bắc, thuộc tuyến phòng thủ sông Sài Gòn. Ở bờ đối diện là đồn Bắc (Fort de Nord), nay thuộc phường An Lợi Đông (quận 2). Hai khẩu pháo cổ nay vẫn hiện diện trong khuôn viên Công ty Lai dắt tàu biển thuộc cảng Sài Gòn.

Qua cầu Tân Thuận khoảng 1km là kho 18, nay còn các cảng trong đó như Bến Nghé, rồi tới Hội đồng xã (357 đường Huỳnh Tấn Phát), nay là UBND phường Tân Thuận Đông (quận 7), phía sau còn di tích lô cốt Nhà Bè khá quy mô trong phòng tuyến Sài Gòn, được xây dựng trước Chiến tranh Thế giới thứ nhất, án ngữ rạch Bà Bướm dẫn ra sông Sài Gòn.

Xe chạy tiếp đến Trường Dục Quang, nay là Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh. Bờ Tua Hai (Tour 2) ở gần Trường Dục Quang xưa, thời Pháp có đặt một tháp canh nằm trên con đường chiến lược này để kiểm soát mạn Nam thành phố.

Chỗ ngã tư Nguyễn Thị Thập và Huỳnh Tấn Phát xưa là bờ Đắp Mới. "Vào thập niên 1980, còn là đường đất đỏ, những ruộng lúa, sông rạch với đám lác, dừa nước hai bên đường" - anh Nguyễn Ngọc Sơn (sinh năm 1968), làm công tác địa chính, kể lại.

Bờ Hột Vịt ở ngã tư đường Huỳnh Tấn Phát - Phú Thuận ngày nay, dài khoảng 180m, từ đầu đường cho đến rạch Cả Cấm, chỗ cầu Phú Thuận bắc qua Phú Mỹ Hưng. Ông Bảy Sọ (Nguyễn Văn Lăng, sinh năm 1908) là người mở lò bán hột vịt ở đây. Gia đình ông có chiếc ghe 12 tấn, thu mua hột vịt ở miệt Hiệp Phước, Long Thới, Nhơn Đức (Nhà Bè), Bình Khánh (Cần Giờ)...

Gần cầu Phú Xuân 2, chỗ ngã tư, hướng vào đường Phạm Hữu Lầu xưa cũng gọi là bờ Đắp Mới. Xưa là con đường đất đỏ, từ năm 1994 đã tráng nhựa, giờ là con đường sầm uất với nhiều dịch vụ, quán ăn. Nhiều khu dân cư mọc lên, chợ Phước Long xưa gần bến đò cũng dời về đường 15B. Còn hướng vào kho xăng dầu 30/4, nay là đường Chuyên Dùng, có những địa danh xưa như Giang Cảnh, kho Muối, xóm Đáy, xóm Câu.

Khoảng những năm 1960, ngã ba Bờ Băng (ngã ba đường Nguyễn Bình - Huỳnh Tấn Phát, xã Phú Xuân ngày nay), do đọc chệch từ Bàu Băng, còn gọi là ngã ba Chìa Vôi, bởi nơi đây là điểm tập kết thu mua cá chìa vôi, cạnh đấy cũng có một quán nhà sàn bán món đặc sản nổi tiếng này. Ngày ba tôi còn, ông luôn là mối ruột của quán cá chìa vôi Tư Tào ở hãng Caltex (kho C nay).


 

Đình thần Phú Xuân xưa - Ảnh tư liệu
Đình thần Phú Xuân xưa - Ảnh tư liệu



Phú Xuân, quận lỵ sầm uất

Mỗi khi nhắc đến địa danh Nhà Bè, người ta nghĩ ngay đến Phú Xuân, và ngược lại, bởi đó là quận lỵ của quận Nhà Bè hồi còn thuộc tỉnh Gia Định trước năm 1975. Làng Phú Xuân thuộc tổng Bình Trị Hạ, quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định từ ngày 1-1-1931, do nhập 2 làng Phú Hội và Phú Xuân Đông. Sau năm 1956, gọi là xã Phú Xuân Hội. Sau ngày 30-4-1975, là xã Phú Xuân thuộc huyện Nhà Bè. Hiện nay gồm thị trấn Nhà Bè và xã Phú Xuân mới tách ra.

Chợ Phú Xuân (nay là chợ Thị Trấn) trước năm 1975 khá sầm uất, có cả những cửa tiệm của người Hoa. Khu vực chợ có trường tiểu học, bệnh viện, bến xe, bến ghe, rạp hát, nhà máy xay lúa. Đồn lính nằm cạnh cầu Phú Xuân. Hội đồng xã thì nằm đối diện chợ, cạnh bên là lò giết mổ heo, gần nhà ông Sáu Bạch, người có khá nhiều nhà đất ở Phú Xuân. Mặt tiền chợ hiện vẫn còn ngôi nhà cổ của anh Hoàng. Hiệu sách Nhân Dân nằm ngay cửa ngõ vào chợ, mà hồi nhỏ mỗi khi được sai vặt đi mua mắm muối, tôi không bao giờ quên ghé. Cứ ngắm nghía, săm soi những quyển sách mình yêu thích, rồi đành đặt xuống, bởi có tiền đâu mà mua.

Một thời, bến xe ngựa và xe lôi nằm trước rạp hát, có khoảng 4 chiếc xe ngựa, chủ yếu đưa rước khách xuống mũi Nhà Bè. Hồi nhỏ tôi thường theo thằng bạn ra đây rình bứt lông đuôi ngựa để "dòng" cá kèo trong những đám ruộng gần hãng xăng dầu Essco, bằng kiểu thắt thòng lọng để bắt chúng. Bến ghe chỗ chợ cá chở khách, hàng hóa đi Quảng Xuyên (Cần Giờ), mỗi ngày có 2 chuyến vào sáng sớm và giữa trưa. Xóm Đáy ở gần chợ có từ thập niên 1940, đến những năm 1989-1990 mới dẹp các sở đáy này, do không còn nhiều cá tôm.

Cầu Đình nằm cách đó không xa, lối vào đình Phú Xuân. Ngôi đình do dòng họ Nguyễn từ miền Trung vào xây dựng năm Canh Tý (1900), cũng là chủ nhân của chợ Phú Xuân xây vào cùng thời điểm. Đình tọa lạc trong khuôn viên rộng rãi ở thế "tụ thủy" bên bờ rạch Đôi, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.

Làng Phú Xuân ở Huế hiện nay vẫn còn một ngôi đình mang tên như vậy, cho thấy gốc tích miền Trung của ngôi đình này. Đôi khi tôi cũng dùng bút danh Phú Xuân trong những bài viết của mình. Một người bạn học thời cấp III, nhà ở phía bên kia cầu Phú Xuân (phường Phú Mỹ ngày nay), cũng được ba mẹ đặt họ tên là Hoàng Phú Xuân, như là một cách để ghi nhớ nơi chốn. Gần đình là ngôi nhà thờ họ mà mỗi năm vẫn duy trì cúng kiếng, có tấm bia ghi lại sự tích dòng họ này. Cách đó không xa là khu mộ cổ của dòng họ.

Gần mũi Nhà Bè là "miếu Bà Chúa Xứ 2", vốn ban đầu chỉ là ngôi miếu nhỏ thờ Ngũ Hành bên sông Soài Rạp. Đất Phú Xuân cũng có nhà thờ Công giáo, thánh thất Cao Đài, và chùa miếu thì khá nhiều.

Phú Xuân là nơi có nhiều nhà cổ, mộ cổ. Đường Dương Cát Lợi dẫn vào kho dầu A hiện còn 2 ngôi nhà cổ của bà Năm Mẫn và bà Tư Lân, đều nằm cạnh sông Phú Xuân, có vườn cây bao bọc xung quanh. Không thể quên được những ngày thiếu thời, bọn chúng tôi hay lén vào hái trộm mận, ổi. Khi chủ nhà xua bầy chó ra, thì chúng tôi chỉ có nước nhảy ùm xuống sông để thoát thân.

Ở xóm Mả, ấp 3 (xã Phú Xuân) còn có mộ ông tri huyện họ Nguyễn Văn Trọng và bà họ Đào. Khu mộ làm bằng đá trắng Non Nước (Đà Nẵng) và đá xanh Biên Hòa khá đẹp. Nhà ông Mười Cung ở Vườn Dừa cũng là một ngôi nhà cổ đẹp của đất này. Ngôi nhà cổ ở xóm Bà Cả (khu phố 5, thị trấn Nhà Bè) trước đây luôn là điểm quay của các đoàn làm phim. Ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển ở Bình Thạnh vốn được mua từ làng Phú Xuân này.

Đường Huỳnh Tấn Phát nay là trục đường quan trọng nối huyện Cần Giờ, Nhà Bè, quận 7 với trung tâm thành phố. Ruộng đồng xưa nay đã lên phố. Những địa danh "bờ" trên con lộ xưa này hầu như ít người còn biết đến, nhưng nó lại kể cho chúng ta biết bao điều về một miền quê ngoại thành.

 


Bờ đất, hàng bần

Bờ Bần nằm trong con hẻm 944 đường Huỳnh Tấn Phát, dài khoảng 200m, chạy dài cho đến rạch Đất Sét, giáp với khu dân cư Phú Mỹ Hưng. "Xưa kia bờ đất này mọc đầy cây bần, trái rụng lềnh khênh, gần như không ai ăn. Người dân trong xóm chỉ đốn cây già làm củi" - dì Nguyễn Thị Dự (sinh năm 1950), là dân cố cựu ở đây, kể cho tôi nghe.



Một thời khu vực quận Tân Phú, TP.HCM có những vườn ngâu rộng lớn. Sau bao vật đổi sao dời, vùng đất ngát hương này chỉ còn trong ký ức...

Kỳ tới: Lũy Bán Bích từng ngát hương ngâu

 

Theo NGUYỄN THANH LỢI (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.