Rừng Trường Sơn đang bị "xẻ thịt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rừng Trường Sơn kéo dài qua nhiều tỉnh miền Trung, nhưng Quảng Bình vẫn là địa phương còn giữ được nhiều nguyên sơ hơn cả. Nơi đây có những cánh rừng “tứ thiết” đinh, lim, sến, táu bạt ngàn hàng trăm năm tuổi. Trước đây, rừng Trường Sơn thường gọi là rừng thiêng, chẳng lục lâm thảo khấu nào dám lấy của rừng, vì sợ “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Nhưng gần đây, lâm tặc đã tấn công ồ ạt rừng Trường Sơn…
Mánh khóe mới của lâm tặc
Chúng tôi thâm nhập rừng Trường Sơn bắt đầu từ xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình. Sở dĩ chọn nơi này để vào rừng là để tránh rất nhiều con mắt dòm ngó của nhiều kẻ lạ mặt cứ chăm chăm chú ý theo dõi chúng tôi trên chặng đường vào bản.
Khi thâm nhập vào rừng Trường Sơn, việc giữ an toàn cho bản thân là điều một người đi rừng phải luôn cẩn trọng. Bởi hiểm nguy có thể đến bất cứ từ đâu, đó có thể là sự tấn công của thú rừng, của rắn, rết, trượt ngã từ đá, hay giẫm phải bom, đạn sót lại sau chiến tranh và giờ còn có thể là sự tấn công từ những kẻ phá rừng.

Một cây gỗ lớn ở rừng Trường Sơn bị lâm tặc triệt hạ chưa kịp mang ra khỏi rừng.
Một cây gỗ lớn ở rừng Trường Sơn bị lâm tặc triệt hạ chưa kịp mang ra khỏi rừng.
Sau hơn 3 tiếng cắt rừng, chúng tôi đặt chân tới các cánh rừng Phạ Thả, Xà Ngọt, Xà Biên thuộc lầm phần của các đội 7, 8, 9,10,11 do Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn quản lý. Ở khu vực rừng già này hội tụ đủ nhiều loại gỗ quý, hiếm, có những cây gỗ đường kính từ 0,5 đến 1m, cao hàng chục  mét.
Có lẽ lâm tặc đã tính toán từ nhiều năm trước để phá cánh rừng tự nhiên này. Đầu tiên giáp ranh xung quanh rừng tự nhiên người ta cho phát triển xen kẽ rừng kinh tế, bằng cách trồng keo tràm ngắn ngày khai thác. Và khi khai thác keo thì đồng thời, lâm tặc khai thác luôn gỗ quý.
Theo con đường nhỏ phủ dày lá khô, chúng tôi bắt gặp một gốc cây lớn bị cắt bằng cưa xăng. Phần gốc còn lại chỉ cách mặt đất chừng hơn gang tay. Vết cắt mới, nhựa cây ứa ra đỏ ối. Người dẫn đường cho chúng tôi vốn là “thổ dân” vùng này nhìn gốc cây rồi bảo: “Đây chắc chắn là cây gõ rồi”.
Một cây gỗ già bị đốn hạ, gỗ đã bị xẻ mang đi, để lại hàng chục cây khác nhỏ hơn bị đè gãy đổ sập, làm cả mảng rừng không còn tán che. Cắt chéo sườn núi, băng qua con khe nhỏ, chúng tôi tiếp cận một khoảng rừng khác.
Như theo một quy luật, cứ phát hiện thấy đường nhỏ, lá khô xếp ép sát do người đi lại nhiều lần là ở đó có cây gỗ lớn bị đốn hạ. Có những cây gỗ được xẻ ra thành hộp có mặt gỗ khoảng 0,4m đang chờ được vận chuyển.
 
Để che mắt cơ quan chức năng, sau khi khai thác các cây gỗ lớn, lâm tặc thường chất lá khô vào chỗ gốc cây để đốt, rồi lấy đất rải lên để xóa dấu vết, xem như cây gỗ đã bị khai thác từ nhiều năm trước, chứ không phải dấu vết mới. Trước đây, lâm tặc thường huy động số đông, dựng lán trại, khai thác ồ ạt rồi chất đầy gỗ, sau đó mới tính toán việc mang gỗ ra khỏi rừng.
Nhưng giờ đây, chúng đã đổi cách thức, thường chia thành từng tốp nhỏ 3-5 người, khai thác cây gỗ nào thì mang ra khỏi rừng cây đó, đồng thời xóa dấu vết. Khi bị phát hiện bắt giữ thì chúng tìm cách chối tội như khai báo lần đầu tiên vào rừng, lần đầu tiên chặt một cây, lần đầu tiên nên xin tha… mặc dù phá rừng kiểu “cuốn chiếu”, “tằm ăn dâu” của lâm tặc đã sớm xóa xong nhiều cánh rừng gỗ quý. Và tất cả số gỗ khai thác được, các nhóm nhỏ đều tập trung về một số ông trùm.
Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ riêng ở vùng rừng Phạ Thả đã có 10 cây gỗ lớn bị cưa hạ trái phép. Những cây gỗ này có thời gian khai thác, chặt hạ và cưa xẻ vào nhiều thời điểm khác nhau. Trong đó có 3 cây vừa bị chặt mang đi khoảng một tuần.
Tại tiểu khu 303, một cây gỗ huỵnh rất lớn bị lâm tặc cưa xẻ gỗ thành phách, chưa kịp lấy đi với tổng cộng 23 phách gỗ với tổng khối lượng trên 3m3… Ở nhiều khoảnh rừng trong rừng già Trường Sơn, nhiều khu vực đã bị lâm tặc đốn hạ rất nhiều gỗ lớn.
Tại các tiểu khu 300, 303 và 317 do Lâm trường Trường Sơn quản lý có 28 cây gỗ lớn quý hiếm thuộc nhóm IIA đã bị lâm tặc khai thác trái phép mang gỗ ra khỏi rừng. Tại hiện trường sau khi nhận được tin báo, cơ quan chức năng còn thu gom được 7,7 m3 gỗ các loại.
Cũng từ vụ đốn hạ rừng lim trái phép tại khu vực rừng Trường Sơn bị phát giác, mới đây, Lâm trường Trường Sơn lập đoàn đi kiểm tra mở rộng hiện trường. Tại tiểu khu 317, lực lượng kiểm tra phát hiện thêm 5 gốc gỗ bị cưa hạ trái phép chưa xác định được thời gian mà lâm tặc xâm hại rừng.
Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh phối hợp với Lâm trường Trường Sơn mở đợt kiểm tra, truy quét ra diện rộng trong rừng, ở nhiều tiểu khu khác nhau và tiếp tục phát hiện ở khu vực rừng tự nhiên Xà Biên (tiểu khu 300) đã có tổng cộng 20 cây gỗ quý bị cưa hạ trái phép. Những cây gỗ này nằm tại 7 khoảnh đồi, bị chặt hạ và cưa xẻ vào nhiều thời điểm khác nhau.
Đáng chú ý là có 5 gốc cây lim, gõ bị khai thác thời gian gần đây. Theo ông Châu Văn Dương, Giám đốc Lâm trường Trường Sơn, tại khu vực rừng ở tiểu khu 317, lực lượng bảo vệ rừng phát hiện thêm 5 gốc gỗ bị cưa hạ trái phép. Qua xác định trong đó có 4 cây gỗ lim và 1 cây gỗ gõ. Những cây gỗ này có đường kính gốc từ 0,45-0,8m. Gỗ những cây này đã bị lấy đi hết.
Hiện trường để lại chỉ còn cành ngọn. Phần bìa bắp và gốc cây cũng đã bị đốt cháy. Tiếp đó, cơ quan chức năng phát hiện tại khoảnh 68, tiểu khu 317, lâm tặc đã chặt hạ 4 cây gỗ lim và 1 cây gỗ gõ (cùng nhóm II A), có đường kính gốc từ 0,5 - 0,8m. Qua xác định cho thấy có 23 cây bị khai thác khoảng một tháng, 2 cây bị chặt hạ khoảng một tuần trước đó. Lực lượng tuần tra cũng đã phát hiện 45 hộp gỗ lim, khối lượng 4,5m3 tập kết tại điểm xảy ra việc khai thác rừng trái phép mà lâm tặc phủ lá chuối che giấu…
Trăn trở bảo vệ cánh rừng Trường Sơn
Rừng thuộc lâm phận Lâm trường Trường Sơn xảy ra tình trạng khai thác trái phép diễn ra hơn một năm qua có nhiều nguyên nhân. Nhưng theo nhận định của những người có trách nhiệm thì đó là việc khai thác rừng trồng và triển khai rừng trồng ở khu vực rừng tự nhiên, sát biên giới.
Tại thời điểm khai thác rầm rộ, mỗi ngày có hàng trăm người với cưa xăng vào rừng, hàng chục chuyến xe chở đầy gỗ tràm chạy ra khỏi rừng. Trong khi đó, lực lượng bảo vệ rừng (BVR) lại quá mỏng.


Trước đây, tại Trạm BVR số 8 chỉ bố trí được 3 nhân viên. Ngoài việc đảm nhận nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 7.200ha rừng tự nhiên thì còn “gánh” thêm nhiệm vụ giám sát việc khai thác, vận chuyển gỗ rừng trồng trên địa bàn.

Lực lượng chức năng Quảng Bình kiểm tra hiện trường phá rừng ở rừng Trường Sơn.
Lực lượng chức năng Quảng Bình kiểm tra hiện trường phá rừng ở rừng Trường Sơn.
Ông Phan Mậu Phấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Quảng Ninh, cho biết đã nhiều lần nhắc nhở Lâm trường Trường Sơn tăng cường lực lượng BVR cho Trạm số 8 và có kế hoạch kiểm tra, giám sát thật chặt chẽ người, phương tiện vào ra rừng. Tuy nhiên, trên thực tế thì có có 2-3 người ở Trạm sẽ vô cùng khó làm trong việc thực thi nhiệm vụ. Nếu 1 người trực ở trạm và chỉ có 2 người vào rừng để giám sát việc khai thác rừng trồng thì làm sao nổi. Trong khi đó, đoàn khai thác này cách đoàn khai thác kia một quả đồi rộng. Giám sát bên này thì bị lỏng bên kia.
Vài năm gần đây, rừng Trường Sơn qua đất Quảng Bình liên tục “chảy máu”, và đây cũng là khoảng thời gian nhân viên BVR nhiều nơi bỏ việc hàng loạt. Trên địa bàn Quảng Bình, Công ty TNHH Một thành viên Lâm công nghiệp Long Đại (Công ty Long Đại) là nơi canh gác bảo vệ rừng tự nhiên lớn nhất và cũng là nơi có nhân viên BVR nghỉ việc nhiều nhất.

Do lương thấp, diện tích rừng rất lớn, công việc vất vả nên hàng loạt nhân viên bảo vệ rừng ở Quảng Bình xin nghỉ việc.
Do lương thấp, diện tích rừng rất lớn, công việc vất vả nên hàng loạt nhân viên bảo vệ rừng ở Quảng Bình xin nghỉ việc.
Công ty Long Đại được giao bảo vệ gần 50.000 ha rừng tự nhiên. Trước đây lực lượng bảo vệ rừng của công ty này gần 150 người, nay chỉ còn 76 người. Riêng Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa (Công ty Long Đại) được giao quản lý, bảo vệ gần 26.000ha rừng tự nhiên chạy dọc theo nhánh Tây đường Hồ Chí Minh kéo đến biên giới Việt Nam - Lào. Đây là nơi được đánh giá có mật độ che phủ cao với nhiều khu rừng nguyên sinh và tập trung nhiều loại gỗ quý hiếm.
Chính vì vậy, lâm tặc luôn nhòm ngó và nhiệm vụ BVR càng nặng nề hơn. Giám đốc Lâm trường Khe Giữa Ngô Hữu Thành cho biết, cuối năm 2018, đơn vị có 33 nhân viên chuyên trách BVR, song đến nay, có 6 người đã nghỉ việc. Nhân viên BVR nghỉ việc là do tiền lương vừa thấp, vừa chậm trễ, trong khi áp lực công việc ngày càng cao. Trong số xin nghỉ việc có người đã làm công tác giữ rừng hơn 10 năm, thậm chí đang làm trạm trưởng cũng xin nghỉ việc.
Cũng giống như Lâm trường Khe Giữa, hiện nhiều công ty, lâm trường, Ban quản lý bảo vệ rừng ở Quảng Bình nhiều nhân viên BVR cũng nghỉ việc, như: Lâm trường Trường Sơn được giao bảo vệ gần 22.000ha rừng, lực lượng nhân viên hợp đồng chuyên trách BVR có 34 người nhưng đến nay có 8 người xin nghỉ việc.
Lâm trường có 14 trạm và điểm chốt BVR, vì không đủ nhân lực nên đơn vị chỉ bố trí mỗi vị trí 2 người nhưng phải quản lý, bảo vệ cả nghìn ha rừng. Ngoài lương thấp, có thời điểm nhân viên BVR ở Quảng Bình còn bị chậm lương 6 tháng liền vì kinh phí BVR cấp về muộn.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình, toàn tỉnh hiện có gần 552.000ha rừng các loại, trong đó có 270.000 ha rừng có nguy cơ bị xâm hại cao. Quảng Bình đã xây dựng đề án tăng cường công tác quản lý BVR và giao nhiệm vụ cho các đơn vị với diện tích gần 191.500ha, kinh phí BVR gần 59 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua các năm, số tiền hỗ trợ BVR trả luôn bị chậm từ 6 đến 9 tháng…
Theo Dương Sông Lam (CANDO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.