Những người trẻ lội ngược dòng ở miền Tây - Kỳ 7: Làm giàu từ đặc sản quê nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đương đầu thử thách thay vì chọn một cuộc sống êm đềm. Đó là những gì có thể khái quát về chàng trai Trương Lê Huy Hoàng (32 tuổi, quê Đồng Tháp), người từng có 8 năm theo nghề giáo rồi bất ngờ rẽ bước sang kinh doanh.
Hoàng tham gia hội chợ quốc tế giới thiệu đặc sản quê nhà - Ảnh: NVCC
Hoàng tham gia hội chợ quốc tế giới thiệu đặc sản quê nhà - Ảnh: NVCC
Dấn thân cho đam mê kinh doanh
Gia tài khởi nghiệp của Hoàng sau nhiều năm bền chí theo đuổi ước mơ là các sản phẩm khô trâu, snack da cá đã lên kệ tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước.
"Nghề giáo rất cao quý, đầy ý nghĩa, nhưng cá nhân tui muốn được sống với đam mê kinh doanh, khám phá giới hạn bản thân" - Hoàng trả lời tôi lúc được hỏi về điều được - mất khi rời nghề giáo theo nghiệp kinh doanh.
Theo học chuyên ngành hóa - sinh Đại học Đồng Tháp, những năm đầu sau khi ra trường Hoàng được phân công về vùng biên giới huyện Tân Hồng (Đồng Tháp). Và mỗi lần về thăm quê, Hoàng thường mua khô trâu, một đặc sản nổi tiếng nơi đây, biếu tặng bạn bè, người thân.
"Tân Hồng vốn nổi tiếng với đặc sản khô trâu nhưng ít người biết đến. Đây là một trong ba vùng làm khô trâu trứ danh của Nam Bộ bên cạnh khô trâu Hồng Dân ở Bạc Liêu và khô trâu Thạnh Trị vùng Sóc Trăng" - Hoàng cho biết.

“Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa sẽ góp phần làm giàu cho quê hương mình đang sống, tạo được giá trị cộng đồng.

TRƯƠNG LÊ HUY HOÀNG
Trong một lần tình cờ đi dạy về thấy người dân xẻ trâu bán thịt bên đường, Hoàng tò mò đến gần tìm hiểu thì được biết trâu đi đồng không may ngã xuống cống nước gãy chân. Do không thể kéo cộ lúa tiếp tục nên gia chủ đem xẻ thịt bán cho người dân xung quanh.
Thấy tội nông dân, lúc đó cũng vừa lãnh lương nên Hoàng đã lấy tiền đó mua thịt trâu với ý định chia cho đồng nghiệp.
"Do thịt quá nhiều, sẵn có chị phụ huynh biết cách làm khô trâu nên tui nhờ chị tẩm ướp chế biến thành khô luôn. Thật sự lúc này tôi cũng không hề có ý định kinh doanh, khởi nghiệp từ món khô trâu gì cả" - Hoàng chia sẻ.
Sau 6 năm công tác tại biên giới Tân Hồng, Hoàng xin về Sa Đéc cho gần nhà. Thời gian rảnh sau giờ lên lớp, anh nảy sinh ý định kinh doanh khô trâu để kiếm thêm thu nhập.
Lúc này, Hoàng vẫn làm theo công thức khô trâu truyền thống là phơi nắng và tẩm ướp gia vị thông thường, chứ chưa có ý định sản xuất công nghiệp.
Dần dà qua sự giới thiệu của Hoàng, khô trâu được biết đến và trở thành quà tặng thịnh hành mỗi dịp tết đến. Trong đầu người thầy giáo trẻ lúc này bắt đầu tính đến chuyện làm ăn chuyên nghiệp.
Trình bày với gia đình chuyện nghỉ dạy để tập trung làm khô trâu, Hoàng bị cha mẹ và cả người vợ trẻ ngăn cản bởi thu nhập từ nghề giáo thời điểm đó khoảng 6 triệu đồng tương đối ổn định. Ngoài ra, không ai tin anh có thể đi đường dài với việc bán khô trâu vì quá trắc trở.
"Lúc đấy đam mê lớn đến nỗi tui cãi lời cha mẹ, nhất quyết phải theo đuổi ước mơ đến cùng. Thật lòng lợi nhuận từ khô trâu thời điểm mới làm đấy chỉ bằng một phần đồng lương giáo viên, nhưng không hiểu sao mình nhất quyết phải theo nó cho bằng được" - Hoàng nhớ lại.
Cùng lúc đó, Hoàng tham gia các lớp thanh niên khởi nghiệp do tỉnh tổ chức, học cách điều hành doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu, tìm đối tác và quảng bá sản phẩm. Vốn liếng ít ỏi tích góp những năm "gõ đầu trẻ", Hoàng mua máy sấy, máy ép chân không với mục tiêu sản xuất đại trà, đảm bảo an toàn thực phẩm.
"Khô trâu sản xuất theo cách truyền thống thường hay bị mốc, không giữ được lâu nên tui quyết đầu tư máy móc hiện đại đặng làm lâu dài" - Hoàng tâm sự.
Anh tham gia các hội chợ lớn nhỏ, giới thiệu sản phẩm khô trâu đến với người tiêu dùng. Nhận thấy việc bán khô trâu có nhiều tín hiệu khả quan, Hoàng bắt đầu mơ mộng về việc tiến xa hơn.
Không hài lòng với kênh bán lẻ, Hoàng tấn công vào hệ thống các cửa hàng tiện lợi, siêu thị. Kết cục là thất bại ê chề đến với chàng trai trẻ. Do người tiêu dùng đã quá quen thuộc với các dòng sản phẩm khô bò, khô mực ăn liền nên khô trâu của Hoàng gần như bít cửa vào siêu thị.
"Hai dòng sản phẩm đầu tiên là khô trâu tẩm ướp tự nhiên chưa qua chế biến và khô trâu tẩm gia vị ăn liền đều thất bại ê chề. Thậm chí tui còn không thể gặp trực tiếp nhân viên thu mua để đàm phán. Sự tương đồng với các dòng sản phẩm khô bò khác trên thị trường buộc tui phải thay đổi" - Hoàng nhận định.
Không bỏ cuộc, qua các hội thảo kết nối công thương giữa tỉnh và các siêu thị lớn, Hoàng lân la làm quen với các giám đốc thu mua. Bên cạnh đó, anh tìm hiểu các dòng sản phẩm khô trâu, khô bò nước ngoài đang thịnh hành ở Việt Nam để phân tích ưu điểm của nó.
Từ đó, Hoàng đầu tư nghiên cứu để hoàn thiện về mặt bao bì, hương vị, chất lượng sản phẩm. Đem chào hàng, các hệ thống siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi bắt đầu nhận hàng.
Anh cũng bắt đầu "đem chuông đi đánh xứ người" tại các hội chợ quốc tế về đồ uống và thực phẩm ở Hàn Quốc, Singapore… Nhiều đối tác lớn đặt vấn đề làm ăn hợp tác với chàng trai Đồng Tháp và đầu ra sản phẩm của Hoàng đang phát triển rất thuận lợi.
Hoàng đoạt giải thưởng Lương Định Của 2019 của Trung ương Đoàn - Ảnh: NVCC
Hoàng đoạt giải thưởng Lương Định Của 2019 của Trung ương Đoàn - Ảnh: NVCC
Tham vọng với snack da cá
Từ thành công với sản phẩm khô trâu, Hoàng nghiên cứu thêm Đồng Tháp là vùng sản xuất cá da trơn lớn hàng đầu Việt Nam, phải chăng lợi thế quá lớn để phát triển ngành hàng này? Đó là suy nghĩ của Hoàng khi bắt tay nghiên cứu, cho ra đời snack da cá "Made in Vietnam".
Tính anh chàng Nam Bộ nói thật làm thật, nhờ quen biết với ông Phạm Minh Thiện - tổng giám đốc Công ty Cỏ May - nên Hoàng có được nguồn da cá. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nghiên cứu, thất bại ngay lập tức đến với cậu thanh niên trẻ.
Do da cá có nhiều gelatin nên khi chế biến sản phẩm không có độ giòn tan như sản phẩm nhập khẩu từ Singapore. Những mẻ thành phẩm đầu tiên ra lò không đáp ứng được về hương vị, độ giòn khiến Hoàng vò đầu tìm cách làm khác.
"Phải nói là cực kỳ khó, sản phẩm có quá nhiều khác biệt về hương vị so với snack da cá nhập khẩu" - Hoàng nhớ lại.
Sau hơn nửa năm mày mò với hàng trăm mẻ sản phẩm thất bại, cuối cùng sản phẩm làm ra cũng tương đối giống với bản gốc của Singapore. Cùng với đó, anh thay đổi hương vị sản phẩm theo khẩu vị người Việt và được các đơn vị lớn như Big C, Satra, 7 Eleven chấp nhận.
Hoàng đem dự án snack da cá tham gia cuộc thi khởi nghiệp thanh niên nông thôn 2019 và đoạt giải nhì, nhận được vốn hỗ trợ phát triển sản phẩm.
"Khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa sẽ góp phần làm giàu cho quê hương mình đang sống, tạo được giá trị cộng đồng. Hướng sắp tới tui dự định mở các xe thức ăn dạng fastfood với thực đơn kèm theo snack da cá. Đây cũng là cách giúp người tiêu dùng quen dần với sản phẩm còn mới lạ này" - Hoàng chia sẻ.

Top 5 giải thưởng Lương Định Của 2019

Mới đây, Hoàng may mắn là 1 trong 34 cá nhân được Trung ương Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của 2019. Đồng thời, Hoàng cũng lọt vào top 5 dự án tốt nhất được ban tổ chức lựa chọn để hỗ trợ vay vốn phát triển kinh doanh.

"Năm tới tui sẽ dùng vốn hỗ trợ để mở rộng nhà máy, phấn đấu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước khó tính" - Hoàng cho biết.

Từ bỏ văn phòng sau nhiều năm làm việc, cô gái Long Xuyên quyết tâm thực hiện ước mong: về vườn làm nông trại hiện đại "bởi đời người chỉ có một lần, hãy dám làm để không phải nuối tiếc".

Kỳ cuối: Hãy làm đi, để khỏi phải nuối tiếc

THÀNH NHƠN (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.