Rủi ro từ công nghệ nhận diện khuôn mặt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Điều gì sẽ xảy ra nếu một người lạ chụp ảnh bạn trên vỉa hè, sử dụng một ứng dụng để nhanh chóng tra tên, địa chỉ cùng nhiều thông tin cá nhân khác? Công ty phát triển công nghệ nhận diện khuôn mặt Clearview AI (Mỹ) đã biến chuyện đó thành hiện thực. Ứng dụng của Clearview AI đang được nhiều cơ quan thực thi pháp luật ở Mỹ, bao gồm cả Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), sử dụng.
 
Ứng dụng hoạt động bằng cách so sánh một bức ảnh với cơ sở dữ liệu của hơn 3 tỉ bức ảnh mà Clearview có được từ các mạng xã hội như Facebook, ví điện tử kiêm mạng xã hội Venmo, YouTube cùng hàng triệu trang web trực tuyến. Sau khi truy ra được khuôn mặt đang tìm kiếm, tên tuổi, địa chỉ, nghề nghiệp, bạn bè người thân và nhiều thông tin cá nhân của người này sẽ được "khai quật".
Cảnh sát Mỹ sử dụng ứng dụng này để xác định thủ phạm và nạn nhân, hỗ trợ phá án từ trộm cắp, tấn công tình dục trẻ em đến giết người. Theo tờ New York Times, hơn 600 sở cảnh sát ở các bang như Florida, Georgia, New Jersey bắt đầu sử dụng ứng dụng trong năm qua. FBI và Bộ An ninh Nội địa đang thử nghiệm ứng dụng.
1 Chính phủ Trung Quốc không ngừng chi tiền cho các công ty phát triển công nghệ nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo, phục vụ hoạt động thương mại và bảo mậtẢnh: BLOOMBERG
Cảnh sát bang Indiana cho biết họ chỉ mất 20 phút để xử lý một vụ nổ súng nhờ ứng dụng nhận diện khuôn mặt của Clearview AI. Nghi phạm không có bằng lái xe nên không có thông tin trong cơ sở dữ liệu của chính phủ, song lại tình cờ xuất hiện trong một video đăng tải trên mạng xã hội.
Mặc dù ứng dụng trước mắt chỉ dành cho cơ quan thực thi pháp luật nhưng những người ủng hộ quyền riêng tư cảnh báo trường hợp nhận diện sai người, các thuật toán nhận dạng khuôn mặt kém chính xác hoặc có thể cảnh sát sử dụng nhận dạng khuôn mặt để giám sát người dân.
Lo lắng tương tự, Ủy ban châu Âu đang xem xét ban hành lệnh cấm sử dụng nhận dạng khuôn mặt ở các khu vực công cộng trong tối đa 5 năm, một phương cách để ngăn chặn việc lạm dụng công nghệ cao, xâm phạm quyền riêng tư của công dân trong một xã hội số hóa. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ đối với việc sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt như trong an ninh cũng như cho những dự án phục vụ mục tiêu nghiên cứu và phát triển.
Ở Trung Quốc, cuối năm ngoái, chính phủ nước này ban hành một chỉ thị quy định một loạt các điều lệ liên quan đến việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân thông qua ứng dụng di động bất hợp pháp. Giáo sư Tô Đông Yên của Trường ĐH Thanh Hoa gọi việc lạm dụng dữ liệu nhận dạng khuôn mặt là một "thỏa thuận với quỷ". Cái giá mà mỗi người phải chịu không chỉ là quyền riêng tư mà còn là sự an toàn của bản thân. 
Theo Huệ Bình (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm