Bao nhiêu năm trôi qua, có những mùi vị, âm thanh đã vùi vào ký ức, ngủ yên như hạt ngủ đông, rồi một hôm như hôm nay, gặp mưa đầu mùa rơi xuống đất ẩm, chợt nhú mình lên như mầm vừa mở mắt, thức giấc vươn vai sau một giấc ngủ dài. Chúng tôi từng sống cách làng đồng bào dân tộc thiểu số chỉ đúng một con đường thảm nhựa. Kỷ niệm tuổi thơ tôi là những ngày hè rực rỡ, khi cơn mưa rào vừa tạnh ráo, khi đất còn dậy mùi ngai ngái hoang hoải của lá mục gặp mưa, chúng tôi đã í ới gọi nhau vào làng hái quả, lội máng nước.
Đêm đêm, giấc ngủ tuổi thơ tôi cũng chập chờn tiếng cồng chiêng của buôn làng Tây Nguyên vào mùa hội. Âm thanh từ xa xa vọng lại, ngân vang, rộn ràng suốt sáng, thâu đêm.
Các em thiếu niên dân tộc thiểu số tham gia lễ hội. Ảnh: Phương Duyên |
Tôi tin mỗi loại nhạc cụ đều có tiếng nói và “phong thái” riêng của nó. Guitar trầm bổng luyến láy thiết tha, tiếng piano thánh thót kiêu sa, violin chứa chan tâm sự. Cồng chiêng lại là thanh âm thuộc về đại ngàn, thuộc về không gian của buôn làng, đủ cao, xa để bay bổng, đủ bằng, rộng để ngân vang. Đó là âm thanh của cộng đồng, là tâm sự và khát vọng cộng đồng.
Khi âm thanh vừa là “ngôn ngữ” nối giao tế tâm linh, vừa là nhu cầu thưởng thức văn hóa thẩm mỹ trong sinh hoạt cộng đồng thì âm thanh cồng chiêng của đồng bào Tây Nguyên vừa có sự trầm hùng bề thế, ngân vang như lời thiêng nối thần linh với cộng đồng; vừa có cái ấm áp, nồng đượm của sự sống, của hồn nhiên mộc mạc người dân tộc thiểu số. Điều gì đã hun đúc cho nghệ nhân Tây Nguyên khả năng thẩm âm và sáng tạo tài tình đến vậy? Phải chăng không gian sống đã tác động và xuyên thấm vào cảm quan nghệ thuật, thiên hướng âm nhạc của con người.
Nét trầm hùng, bề thế và ngân vang của cồng chiêng Tây Nguyên có lẽ được sinh ra từ đại ngàn cao nguyên hùng vĩ, nét mộc mạc, nhẫn nại hình thành từ tính cách thuần đơn chất phác, sức hấp dẫn khó lý giải toát ra từ phẩm chất nghệ sĩ tự nhiên thiên bẩm của mỗi con người Tây Nguyên. Tôi từng chứng kiến nghệ nhân A Biu ở Kon Tum miệt mài chỉnh chiêng, gõ, thử, rồi gõ, lắng tai nghe, lại gõ từng chút một, từ trưa đến xế chiều, chăm chút, nhẫn nại không hề mệt mỏi. Tôi đã được ngắm những phụ nữ Bahnar, những bà, những chị cần mẫn dệt, đan, gỡ từng sợi chỉ màu thuần mộc bên khung cửi trên sàn nhà rông bập bùng tiếng đàn goong.
Chẳng hiểu sao, tôi cảm nhận những thanh âm ấy không quá vui, không quá rộn ràng giục giã như âm điệu cổ vũ lao động thường thấy. Nó từ tốn, thong thả, lưu luyến, khoan thai như thủ thỉ, như ân cần nâng niu từng cử chỉ, ngón tay khéo léo lúc lùa sợi lúc dập vải của người phụ nữ. Trong không gian lao động ấm ấp và mộc mạc ấy, nỗi cảm động và yêu mến len lỏi, thấm thía tận tâm hồn.
Tôi vẫn nhớ như in những đêm dài phố thị xa xăm, tiếng cồng chiêng của làng vào hội trong đêm khuya yên ắng dội ngân, rộn ràng, mời gọi, bập bùng theo ánh lửa, say sưa theo nhịp vít cần, nhặt khoan cùng điệu xoang thong thả của các chàng trai, cô gái Tây Nguyên, rồi dịu dàng, nhẹ trôi vào êm đềm giấc ngủ tuổi thơ tôi. Thanh âm cồng chiêng giữa lòng Phố núi hiện đại hôm nay như đánh thức thanh âm từ tiềm thức xa xôi, trong tim tôi, vẫn không thay đổi, vẫn nhịp nhàng, trầm bổng thiết tha gọi mời dù không gian diễn xướng của nó đã khác xưa nhiều.
Tôi chợt hiểu, sự lưu truyền và bảo tồn bản sắc văn hóa bằng tình yêu và niềm say mê mãnh liệt chảy trong huyết quản của những con người nghệ sĩ dân gian phóng khoáng và tự do là sâu bền và vĩnh viễn, để mỗi khi lễ hội trình diễn nghệ thuật cồng chiêng thường niên vừa kết thúc, tiếng cồng, tiếng chiêng rộn rã của người Tây Nguyên lại ngân vang, rộn rã nối nhịp vào miên man lễ hội.