Rộn ràng chợ phiên Đăk Rơ Wa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đa dạng các sản phẩm cây nhà lá vườn đã được những người nông dân chất phác ở xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum đưa ra chợ phiên từ sáng thứ 7.

Người bán e thẹn, không rối rít mời chào, ấy vậy mà, các sản phẩm được bán nhanh như một cơn gió. Người mua tấp nập, người bán vui mừng, làm nên sự rộn ràng, phấn khởi ở chợ phiên Đăk Rơ Wa.

Nhộn nhịp chợ phiên

Nghe loa phát thanh thông báo sáng thứ 7 sẽ tổ chức chợ phiên, chị Y Uưr, thôn Kon Tum KPâng, xã Đăk Rơ Wa vội vàng sắp xếp công việc, lên rừng kiếm ít măng; ra vườn hái thêm ít quả mướp, đọt rau, chuẩn bị sẵn sàng cho buổi họp chợ. Từ trước đến nay, khi rau, củ, quả nhà trồng dư dả, chị cũng mang đi bán, nhưng chủ yếu bán cho bà con trong làng. Nay có chợ phiên, chị vui mừng khôn xiết khi không cần phải đi xa ra phố vẫn có thể bán được hàng cho đông đảo người dân ở xã, ở phố.

Chỉ về những xâu măng được luộc chín để trên sạp, chị Uưr nói rằng, từ chiều thứ 6 chị đi hái măng, về làm sạch, luộc sẵn sàng rồi sáng thứ 7 mang ra chợ phiên sớm. Ra chợ phiên, người mua, người bán tấp nập làm chị nô nức, phấn khởi. “Mọi người mua măng gần hết rồi. Còn một ít nữa, nếu bán không hết thì mình đem về nhà ăn”- chị Y Uưr nói.

ron-rang-cho-phien-dak-ro-wa-dd.jpg
Khách hàng từ khắp các nơi trên địa bàn thành phố ghé đến chọn mua. Ảnh: H.T

Cũng như chị Y Uưr, nghe thông báo về lịch họp chợ phiên, anh Katta ở thôn Kon Tum KNâm cũng bàn với vợ mổ một con heo đen để mang ra bán. Nhà anh nuôi được 7 con heo đen. Bình thường, anh hay bán heo hơi, nhưng nay, có chợ phiên, vợ chồng anh dậy sớm, tự xẻ thịt đi bán để đỡ bị thương lái ép giá.

Thịt heo bỏ trong một cái chậu nhôm, được cắt vụng về; xương chặt khúc to, khúc nhỏ, để lộn với nhau. Cũng đúng thôi, bởi đây là lần đầu anh xẻ thịt, đâu thể chuyên nghiệp như những người làm nghề. Ấy vậy mà, thau thịt vừa ra đến chợ, chỉ 15 phút đã hết. Ngơ ngác như chưa kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra, anh Katta cười vui: Mình có kịp bán đâu. Người mua đến đông lắm, cứ tới, lấy thịt bỏ lên cân, nhân lên theo giá rồi trả tiền. Người mua tấp nập, mình còn chưa kịp tính mình bán được bao tiền.

ron-rang-cho-phien-dak-ro-wa-dd-2.jpg
Các mặt hàng cây nhà lá vườn. Ảnh: H.T

Theo thông báo, 6h chợ phiên mới đi vào hoạt động, nhưng từ sáng sớm, tại nơi này đã nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Hơn 10 gian hàng đầy ắp các sản phẩm nhà làm, nhà trồng. Nào rau bí, rau lang, chuối, mướp, ổi, chè xanh, đu đủ, cà đắng, bắp, khoai lang; cho đến măng chua, lá mì muối chua, cá đồng, tôm sông, gà làng, tất cả đều tươi roi rói, nhìn rất bắt mắt. Chợ phiên cũng thu hút nhiều người đến bán các sản phẩm hàng: gạo, mắm, nước ép, cà phê và các sản phẩm của một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Nhộn nhịp, tấp nập, không chỉ có người dân tại các làng trên địa bàn xã, rất đông người dân từ các nơi cũng tìm đến tham quan, mua sắm. Người bán cứ đứng e thẹn phía trong, chẳng đon đả mời chào, giới thiệu sản phẩm, còn người mua cũng không cần giới thiệu nhiều, nhìn qua mớ rau xanh ngắt, mớ tôm nhảy tanh tách là mua mà không cần trả giá.

Người bán phấn khởi, người mua hài lòng

Chưa đến một tiếng đồng hồ, hơn 10 gian hàng đầy ắp hàng ở chợ phiên đã vơi trông thấy. Ở phía trước, nhiều người mua vẫn tiếp tục ghé đến. Đứng trong gian hàng trống trơn, anh A Đưn, thôn Kon K’tu cười phấn khởi: “Mình bán hết 10 hũ lá mì chua rồi, mướp với củ sả cũng bán được kha khá rồi. Đây là lần thứ 3 mình đi bán ở chợ phiên, lần nào cũng nhộn nhịp như thế này. Thực sự, mình thấy chợ phiên giúp ích cho bà con mình rất nhiều. Tự bao đời nay, bà con ở các làng trên địa bàn xã vẫn cặm cụi, chăm chỉ làm như con ong, con kiến nhưng các sản phẩm rau, củ làm ra, đa số để sử dụng. Vậy nên, khi chợ phiên đi vào hoạt động, người dân rất vui mừng. Có chợ, người dân vừa tự mua bán, tránh tình trạng bị thương lái ép giá, vừa giới thiệu được các sản phẩm đặc trưng ở địa phương cho nhiều người biết”.

Ở chợ phiên, chúng tôi cảm thấy không chỉ người bán vui mà người mua cũng rất phấn khởi. Từng đoàn người ghé vào chợ, cười nói hớn hở, xem rồi tự tay chọn những sản phẩm tươi ngon nhất.

Từ chiều thứ 6, nắm bắt thông tin được đăng tải trên facebook, zalo về lịch họp chợ phiên ở xã Đăk Rơ Wa, chị Nguyễn Thị Hoa (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) rủ những người bạn của mình để cùng đi chợ. Đến chợ, chị cùng nhóm bạn mua đủ các mặt hàng: rau, thịt, hoa quả. Tay xách nách mang, chị nói rằng, cho đến nay, chợ phiên xã Đăk Rơ Wa họp được 3 lần, cả 3 lần chị đều có mặt. Lần nào đi, chị cũng mua rất nhiều vì chị tin rằng các sản phẩm ở chợ phiên sạch, ít sử dụng chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản.

ron-rang-cho-phien-dak-ro-wa-dd-3.jpg
Người dân từ khắp nơi ghé đến chọn mua các sản phẩm ở chợ phiên. Ảnh: H.T

“Tôi mua về vừa dùng vừa biếu cho mọi người. Các sản phẩm ở chợ phiên tươi ngon, hấp dẫn, biết rõ nguồn gốc, xuất xứ nên tôi rất yên tâm tin dùng. Tôi sẽ thường xuyên nắm bắt lịch họp chợ để mua được các sản phẩm an toàn cho sức khỏe”- chị Hoa nói.

Lần đầu tiên đi chợ phiên Đăk Rơ Wa, chị Bạch Thị Mận (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) nói rằng, chợ phiên để lại trong chị nhiều ấn tượng. Cũng như nhiều khách hàng khác, chị mua rất nhiều rau, củ, quả các loại. Đặc biệt, tại chợ phiên lần này, chị đã “bắt mối”, đặt hàng, mua bí đỏ lâu dài của chị Y Nuir, thôn Kon Tum KNâm.

Chị Mận có một công ty cung ứng thực phẩm cho các trường học, cần rau củ chất lượng. Qua chợ phiên, nhận thấy bí đỏ nhà chị Y Nuir rất ngon, đảm bảo, lại biết chị Nuir có đến 1 sào bí đỏ nên chị Mận đặt hàng lâu dài. “Mình cũng hi vọng sẽ kết nối để giúp mọi người tiêu thụ sản phẩm một cách tốt nhất. Cũng mong rằng, khi các sản phẩm chất lượng được biết đến, người dân sẽ có thêm nguồn thu nhập đáng kể” – chị Mận nói.

Về phía chị Y Nuir, vẫn chưa hết bất ngờ khi bỗng nhiên từ một buổi họp chợ, 1 sào bí đỏ của chị có người hỏi, đặt mua trong một “nốt nhạc”. Bình thường, chị hay bỏ sỉ ở chợ, nay, có người mua ổn định tại nhà nên chị rất vui mừng. “Chúng tôi sẽ trao đổi và làm việc cụ thể để bàn bạc về giá cả. Hiện tại, chưa biết thế nào nhưng mình rất mừng vì sản phẩm làm ra được mọi người ưa chuộng” - chị Nuir nói.

Chưa đến 9h, các sạp hàng đã vơi gần hết, nhiều sạp không còn sản phẩm để bán. Người mua đùm đề mang các sản phẩm ra về. Còn người bán cũng hớn hở dọn dẹp, lau sạp sạch sẽ sau một buổi họp chợ thành công. Tiếng cười tiếng nói vẫn giòn giã. Mọi người hẹn gặp lại nhau vào buổi họp chợ lần sau như đã thân quen từ lâu lắm.

Được UBND xã Đăk Rơ Wa đầu tư xây dựng từ tháng 8/2021 với kinh phí 308 triệu đồng, điểm mua bán, trao đổi hàng hóa xã Đăk Rơ Wa (chợ phiên) đi vào hoạt động từ tháng 2/2022 tại thôn Kon Klor vào thứ 7 hàng tuần, thu hút đông đảo người dân trên địa bàn đến mua bán, trao đổi hàng hóa.

Theo Hoài Tiến (baokontum.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nghe báo cáo về quy hoạch Khu du lịch Biển Hồ - Chư Đăng Ya

Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn nghe báo cáo về quy hoạch Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya

(GLO)- Chiều 19-7, tại trụ sở UBND tỉnh Gia Lai (cơ sở 2, phường Pleiku), đồng chí Phạm Anh Tuấn-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo một số sở, ngành và xã Biển Hồ để nghe báo cáo hiện trạng và định hướng quy hoạch chung Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya.

Hội An là 1 trong 6 thành phố tốt nhất thế giới

Hội An là 1 trong 6 thành phố tốt nhất thế giới

(GLO)- Nét đẹp cổ kính, văn hóa đa dạng, đặc sắc lại một lần nữa giúp cho Hội An (TP. Đà Nẵng) được tạp chí du lịch danh giá Travel+Leisure vinh danh "World’s Best Awards 2025". Với 91/100 điểm, phố cổ Hội An xếp thứ 6 trong danh sách 10 thành phố tốt nhất thế giới.

Thong dong qua miền mây xanh

Thong dong qua miền mây xanh

Trên các cung đường đến với đèo Hải Vân trùng điệp, du khách có dịp hòa mình cùng thiên nhiên để ngắm Hải Vân huyền thoại. Trong những điểm đến của cung đường này, Hải Vân Xanh cũng khá thú vị mà phượt thủ khó bỏ lỡ.

Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam gọi tên Phong Nha-Kẻ Bàng

Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên của Việt Nam gọi tên Phong Nha-Kẻ Bàng

(GLO)- Ngày 13-7, Ủy ban Di sản thế giới UNESCO đã phê duyệt việc điều chỉnh ranh giới Di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Trị) để mở rộng sang Vườn quốc gia Hin Nam Nô (tỉnh Khăm Muộn, Lào), hình thành Di sản thế giới liên biên giới đầu tiên giữa 2 quốc gia.

Du lịch bứt tốc dẫn đầu khu vực

Du lịch bứt tốc dẫn đầu khu vực

Sau khi bỏ xa "đối thủ" Thái Lan trên đường đua hút khách Trung Quốc, VN tiếp tục bứt tốc vươn lên trở thành điểm đến đạt mức tăng trưởng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Bình yên Cù Lao Xanh

Bình yên Cù Lao Xanh

(GLO)- Xã Nhơn Châu, hay như dân gian quen gọi Cù Lao Xanh, là một trong những hòn đảo vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, nằm cách trung tâm Quy Nhơn khoảng 24 km về phía Đông.

Xem phim rồi check-in Bàu Trắng

Xem phim rồi check-in Bàu Trắng

Những ngày qua, sau khi phim “Lật Mặt 8” mang tên “Vòng tay nắng” với những cảnh quay tại Khu du lịch Bàu Trắng (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) khởi chiếu tại các rạp thì ngày càng có nhiều người đến check-in hơn với các địa danh được nhắc đến trong phim.

null