Phiên chợ biên giới Gia Lai và Ratanakiri: Kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) năm 2024 đã mở ra cơ hội kết nối giao thương, thúc đẩy thương mại biên giới phát triển giữa Gia Lai và Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).

Đây là một trong những chương trình nhằm triển khai thực hiện Kế hoạch số 1055/KH-UBND ngày 30-7-2021 của UBND tỉnh thực hiện Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 25-2-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Kết nối giao thương

Phiên chợ do Sở Công thương phối hợp với UBND huyện Đức Cơ và Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri tổ chức. Diễn ra từ ngày 25 đến 27-10 tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, phiên chợ có quy mô 60 gian hàng, trong đó có các gian hàng trưng bày sản phẩm hàng hóa xuất xứ Việt Nam, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP địa phương, sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hàng ẩm thực và các sản phẩm của tỉnh Ratanakiri.

phien-cho-bien-gioi-gia-lai-va-ratanakiri-dd-315-3214.jpg
Các đại biểu tham quan gian hàng tại phiên chợ biên giới. Ảnh: Vũ Thảo

Tham gia phiên chợ, cơ sở hạt điều rang muối Thuận Thành Phát (huyện Đức Cơ) mang đến nhiều sản phẩm hạt và bánh dinh dưỡng, trong đó có 3 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: hạt điều rang muối, bánh đồng tiền mix hạt, bánh thuyền.

Ông Nguyễn Đình Thành-Chủ cơ sở-chia sẻ: “Sản phẩm của cơ sở được chế biến từ các loại hạt sẵn có tại địa phương. Đây là cơ hội tốt để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, nhất là được tiếp cận khách hàng tiềm năng của Campuchia”. Theo ông Thành, khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, cơ sở có thể nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, từ đó có định hướng xây dựng và phát triển sản phẩm ngày một tốt hơn.

3 năm qua, cơ sở nhung hươu Huy Thuận (huyện Chư Prông) đều tham gia phiên chợ biên giới. Bà Vũ Thị Hòa-Chủ cơ sở-cho hay: Hiện cơ sở có các sản phẩm như cao nhung, nhung tươi thái lát ngâm mật ong, nhung sấy khô, nhung tán bột nguyên chất, nhung tán bột ngâm mật ong, rượu sâm nhung hươu… Các sản phẩm có tác dụng bồi bổ sức khỏe được người tiêu dùng tìm mua rất nhiều, những khách đã sử dụng sản phẩm của cơ sở hầu hết đều trở lại tìm mua.

“Tại các phiên chợ trước, cơ sở được đón đoàn khách hàng là doanh nghiệp của Campuchia đến trang trại tham quan, tìm hiểu về quy trình nuôi và đã mua con giống. Vì vậy, tôi hy vọng tại đây sẽ có cơ hội tiếp cận nhiều khách hàng hơn nữa để quảng bá, giới thiệu sản phẩm chất lượng của địa phương mình”-bà Hòa kỳ vọng.

Qua 3 ngày diễn ra phiên chợ, rất đông người dân, du khách đến tìm hiểu thông tin về các sản phẩm nông nghiệp, dược liệu, thực phẩm chế biến của Gia Lai và của Ratanakiri. Đây là dịp để người dân khu vực biên giới 2 nước được mua sắm hàng hóa có chất lượng tốt.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phấn khởi nói: “Bà con các xã lân cận cũng như cư dân bên kia biên giới rất vui khi có phiên chợ, bởi nơi đây bày bán khá đa dạng sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: yến sào, mắc ca, hạt điều, bò khô, cà phê, trà, tinh dầu, sản phẩm từ dược liệu, rượu cần, củ, quả…

Phía gian hàng của Campuchia thì có một số mặt hàng tiêu dùng như: dầu gió, dầu gội, đồ thổ cẩm… Đây là dịp để người dân khu vực 2 bên biên giới tiếp cận các sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng”.

Tăng cường hợp tác phát triển thương mại biên giới

Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-thông tin: Thời gian qua, tình hình thương mại biên giới giữa 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri đạt một số kết quả khả quan. Kim ngạch xuất-nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tăng trưởng ổn định.

phien-cho-bien-gioi-gia-lai-va-ratanakiri-2-6259-5349.jpg
Phiên chợ là dịp để người dân khu vực biên giới 2 nước Việt Nam-Campuchia tham quan, mua sắm. Ảnh: V.T

Riêng trong 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu qua biên giới tăng 56% so với cùng kỳ năm 2023. Hạ tầng thương mại biên giới được quan tâm đầu tư. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh. Hoạt động vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Tuy nhiên, hoạt động thương mại biên giới vẫn còn những hạn chế nhất định, hàng hóa xuất-nhập khẩu chưa phong phú, hoạt động thương mại tại các chợ xã biên giới còn nhỏ lẻ, chưa sôi động.

“Từ thực trạng đó, việc tổ chức phiên chợ biên giới càng được quan tâm, được xem là nhiệm vụ thường niên với mục tiêu hỗ trợ thương nhân tăng cường hoạt động mua bán, xuất khẩu hàng hóa qua biên giới, khuyến khích đầu tư hạ tầng thương mại tại Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh và Cửa khẩu Quốc tế Oyadav (Vương quốc Campuchia), góp phần phát triển kinh tế-xã hội khu vực biên giới.

Phiên chợ lần này đã đem đến cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cơ hội giao thương, quảng bá sản phẩm hiệu quả. Đây cũng là dịp để người dân, du khách tham quan, mua sắm, giao lưu văn hóa-văn nghệ. Qua đó, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa Nhân dân và chính quyền 2 bên biên giới tỉnh Gia Lai và tỉnh Ratanakiri”-bà Nguyệt cho biết.

Đại diện phía Campuchia cũng khẳng định phiên chợ là sự kiện nhằm tăng cường hợp tác giao lưu kinh tế, thúc đẩy thương mại biên giới giữa tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Bà Moeu Malaiy-Phó Giám đốc Sở Thương mại Ratanakiri-cho hay: Hàng năm, Gia Lai và Ratanakiri đều tổ chức phiên chợ biên giới để tăng cường hợp tác, xúc tiến thương mại và xuất-nhập khẩu hàng hóa. Đây là cơ hội để cho người dân 2 bên biên giới trao đổi hàng hóa theo chủ trương của Chính phủ về một biên giới hòa bình, hợp tác để phát triển.

“Ratanakiri là tỉnh thuần nông, hàng hóa chủ yếu là mì, điều, cao su… nên cũng rất mong tiếp tục được xuất khẩu qua Việt Nam. Phía Campuchia có chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực thương mại qua việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa và hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thông qua việc tổ chức các hội chợ. Tôi cũng hy vọng sẽ được mời các doanh nghiệp của Việt Nam sang tham dự các chương trình hội chợ tại Campuchia”-bà Moeu Malaiy bày tỏ.

3them-3793-8348.jpg
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia trưng bày ở gian hàng chung tại phiên chợ. Ảnh: V.T

Trong 3 ngày diễn ra, phiên chợ biên giới đã thu hút khoảng 1.400 lượt khách tham quan, mua sắm. Do ảnh hưởng mưa bão nên lượng khách tham quan hạn chế, doanh số bán hàng chỉ đạt 275 triệu đồng.

Gia Lai có chung đường biên giới hơn 80 km với tỉnh Ratanakiri. Thực hiện Quyết định số 294/QĐ-TTg ngày 9-4-2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia, Gia Lai đã ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện.

Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát danh mục hạ tầng thương mại biên giới (chợ biên giới, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi); các dịch vụ hỗ trợ (kho bãi, giao nhận, vận chuyển, chế biến, bảo quản hàng hóa…). Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh của Campuchia phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam-Campuchia.

Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh trở thành điểm trao đổi hàng hóa có quy mô, thu hút thương nhân các tỉnh biên giới. Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại khu vực, các trạm kiểm soát biên phòng phù hợp với quy hoạch cửa khẩu biên giới đất liền của Trung ương và Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư giữa tỉnh Gia Lai với các tỉnh biên giới Campuchia. Hỗ trợ thương nhân trên địa bàn tỉnh tổ chức giới thiệu, quảng bá và phân phối hàng hóa tại chợ biên giới, trung tâm thương mại, hội chợ, triển lãm tại 2 tỉnh Gia Lai và Ratanakiri. Hàng năm, tổ chức phiên chợ biên giới tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nhằm giới thiệu, quảng bá, mua bán sản phẩm hàng hóa của 2 nước Việt Nam-Campuchia…

Có thể bạn quan tâm

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Hoàng Anh Gia Lai hiện ra sao?

Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 tháng đầu năm nay đạt 851 tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai cho rằng đã có chuyển biến tích cực và phần nào khắc phục được nguyên nhân chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo.

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

Hiệu quả từ những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy”

(GLO)- Bên cạnh hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất, thời gian qua, cán bộ, nhân viên Công ty Thủy điện Ialy còn đề xuất hàng chục giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến “made in Thủy điện Ialy” đã góp phần đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Thảm nhựa mặt đường

Nhà thầu "ngộp thở" vì chi phí vận chuyển đá thi công quốc lộ 19

(GLO)-Do khan hiếm nguồn vật liệu đá phục vụ thi công dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 19, nhà thầu đã chấp nhận "gánh" thêm hơn 2 tỷ đồng chi phí vận chuyển khi mua vật liệu ở vị trí khá xa so với địa điểm thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục dự án trước ngày 31-12-2024.