'Robinson' trên đảo Đông Bắc: Kiên cường Mã Cháu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngay trong lực lượng Bộ đội biên phòng Quảng Ninh cũng ít người biết đến Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu, nằm ở đảo Hòn Ngựa (H.Cô Tô) và hiện thuộc quản lý của Đồn biên phòng Thanh Lân.

Sống nhà tranh, canh đảo nhỏ

Huyện đảo Cô Tô bao gồm hơn 30 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có 3 đảo lớn nhất là Cô Tô, Thanh Lân và đảo Trần. Nhìn trên bản đồ, đảo Hòn Ngựa nằm giữa đảo Trần và Cô Tô, kiểm soát tuyến đường biển vào các đảo ven bờ, cửa sông, luồng lạch, bãi biển của huyện Đầm Hà và Tiên Yên. Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu cách đảo Trần khoảng 12 km, đảo Thanh Lân 15 km và cảng Đầm Buôn (H.Đầm Hà) 32 km, theo đường chim bay.

Thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn (72 tuổi, hiện nghỉ hưu tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh), nguyên Phó tham mưu trưởng Bộ đội biên phòng (BĐBP) Quảng Ninh, khẳng định: “Trạm Mã Cháu khó khăn vất vả nhất vịnh Bắc bộ. Rất nhiều người, ngay cả trong biên phòng tỉnh cũng không biết đến sự tồn tại của trạm”.


 

Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu tuần tra trên đảo Hòn Ngựa.
Cán bộ, chiến sĩ Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu tuần tra trên đảo Hòn Ngựa.


Thượng tá Tuấn kể: Cuối tháng 4.1959, Đồn biên phòng Cô Tô (khi đó là Công an nhân dân vũ trang) được thành lập, với nhiệm vụ giữ gìn trật tự trị an trên vùng biển đảo của 2 xã Cô Tô và Thanh Lân (trực thuộc tỉnh Hải Ninh, sau sáp nhập với khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh, tháng 10.1963). Từ đầu năm 1978, phía Trung Quốc tăng cường các hoạt động quân sự chuẩn bị cho chiến tranh trên tuyến biên giới Việt - Trung. Trước tình hình này, giữa năm 1978, cấp trên chỉ đạo Đồn biên phòng Cô Tô thành lập Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu trên đảo Hòn Ngựa để kiểm soát, phòng thủ chặt tuyến biển.

Đây là đảo không dân sinh sống, chỉ có cây bụi nên những ngày đầu, bộ đội phải chặt cây, lợp lá làm doanh trại. Đầu những năm 1980, nhiều thuyền nhỏ của ngư dân Vân Đồn, Đầm Hà, Tiên Yên ra khu vực biển Hòn Ngựa, Hòn Ngang, Hòn Núi Nhọn đánh bắt hải sản và tập trung ở quanh Hòn Ngựa. Khi đó, H.Vân Đồn thành lập trạm thu mua hải sản tạm thời, lúc này Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu mới được cấp trên xây dựng 1 căn nhà cấp 4.

“Giữa năm 1983, tôi nhận nhiệm vụ Đồn trưởng biên phòng Cô Tô, việc đầu tiên là đi thuyền sang thăm anh em trạm Mã Cháu. Chạy mấy tiếng mới tới nơi, thấy bộ đội ăn ở tạm bợ, râu tóc bù xù, thiếu thốn đủ thứ…, xót xa lắm. Sau đó tôi chỉ đạo, trừ trường hợp sóng to gió lớn bất khả kháng, mỗi tháng, chỉ huy đồn phải theo thuyền tiếp tế sang thăm anh em 1 lần. Ngày tết, phải sang thăm, chúc tết bên trạm đầu tiên”, ông Tuấn nói.


 

Căn nhà cấp 4 đã sập đổ là doanh trại của Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu những năm 1990 10 ngày ăn… củ chuối
Căn nhà cấp 4 đã sập đổ là doanh trại của Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu những năm 1990 10 ngày ăn… củ chuối.


Thượng tá Phùng Thế Vinh, 54 tuổi, cán bộ Đồn biên phòng Trà Cổ, hiện tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy P.Trà Cổ (TP.Móng Cái, Quảng Ninh), rành mạch: Cuối tháng 12.1995, Đồn biên phòng đảo Trần chính thức thành lập. Tháng 6.1996, đồn tiếp nhận địa bàn đảo Ngựa và Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu từ Đồn biên phòng Cô Tô. Đầu tháng 2.1998, Đồn biên phòng Thanh Lân được thành lập, địa bàn Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu được bàn giao lại cho Đồn biên phòng Thanh Lân tiếp nhận và quản lý cho đến nay.

Tháng 6.1996, thượng úy Phùng Thế Vinh nhận quyết định ra làm Trạm trưởng kiểm soát biên phòng Mã Cháu. Thời điểm ấy, ngư dân đã ra khai thác nhiều ở đảo Ngựa, nên việc đi lại đều nhờ tàu cá của dân. Trên đảo có một cái giếng nhỏ, chỉ múc chục xô nước là cạn, mùa khô phải vào các khe đá “mót” nước ngọt về dùng. Trạm được cấp một máy nổ nhỏ, mỗi ngày chỉ chạy 1 tiếng buổi tối, cấp điện chạy máy thông tin quân sự liên lạc với đồn.

Cuối tháng 12.1996, chuẩn bị đón tết Đinh Sửu 1997, gió mùa đông bắc tràn về liên tục, gần 2 tháng trời, vùng biển đảo Trần - Hòn Ngựa duy trì sóng cấp 7 - 8. Lương thực dự trữ ở trạm chỉ đảm bảo đủ trong 1 tháng. Hết gạo ăn, thượng úy Vinh phải lấy dầu máy nổ đổ vào ống nứa, ban đêm dẫn bộ đội xuống bãi mò cua bắt ốc, mang về nấu với củ chuối rừng, ăn cầm hơi. Hơn 10 ngày chống chọi với đói khát, anh em vẫn động viên nhau vượt qua khó khăn, kiên quyết bám đảo.


 

Những quả cà chua dập mang từ đất liền ra, được bộ đội chế biến thành món kho, do ngoài đảo thiếu thốn đồ ăn. Ảnh: Mai Thanh Hải
Những quả cà chua dập mang từ đất liền ra, được bộ đội chế biến thành món kho, do ngoài đảo thiếu thốn đồ ăn. Ảnh: Mai Thanh Hải


Đến mùng 2 tết Đinh Sửu 1997, thiếu tá - đồn trưởng Nguyễn Xuân Cân, thấy đồng đội đói lả nguy cấp, liều mình chỉ huy một thuyền cá, vượt bão gió chở 1 tạ gạo và 10 kg thịt heo sang cứu bộ đội Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu. “Gạo bị nước biển ngấm vào ướt hết, phải phơi đãi mấy ngày. Chiều ấy nấu nồi cơm to, ăn với thịt luộc chấm muối. Đến giờ, vẫn thấy bữa cơm chiều mùng 2 tết năm 1997 là ngon nhất”, thượng tá Phùng Thế Vinh nhớ lại.

Ước mơ ánh sáng, tiếng người

Chúng tôi từ cảng Cái Rồng (H.Vân Đồn) đi tàu khách ra đảo Cô Tô, sang mạn ca nô chạy tiếp đến đảo Thanh Lân, ở một đêm. Sáng hôm sau lại xuống ca nô cao tốc của Đồn biên phòng Thanh Lân, tới bằng được Trạm kiểm soát biên phòng Mã Cháu trên đảo Hòn Ngựa, mấy chục năm nay không dân sinh sống, chỉ lui hui mấy áo lính biên phòng. Thiếu tá Hoàng Đức Long, Đồn trưởng Đồn biên phòng Thanh Lân, đi cùng tôi, bảo: “Năm 2013, cấp trên xây dựng nhà 2 tầng cho trạm và cầu cảng cho tàu neo đậu cũng vừa được hoàn thành đầu tháng 9.2022”.


 

 


Nhà mới to rộng, thừa phòng ở nhưng những chiếc giường vẫn gỗ tạp, cong vênh cũ kỹ từ mấy chục năm. Dây phơi ngoài hiên treo lủng lẳng mấy chiếc điện thoại cục gạch, vớt từng tí sóng từ Thanh Lân hoặc đảo Trần lạc sang. Đại úy - quân nhân chuyên nghiệp Triệu Văn Sinh (đã ở Mã Cháu từ 2 năm nay) kể: Lương thực thực phẩm đều phải nhờ người dân trong bờ mua giùm và chuyển tàu cá ra mỗi tuần. Hệ thống năng lượng mặt trời cũ hỏng, chỉ thắp sáng 2 bóng điện buổi tối và đủ hoạt động chiếc tủ lạnh nhỏ tích trữ thịt cá ăn trong tuần.

Mã Cháu, trong bờ nhiều người không biết, nhưng ngư dân đánh bắt ở ngư trường Cô Tô thì rất rành rẽ và thân thuộc. Ai ra đánh bắt cũng ghé qua trạm thăm hỏi bộ đội, tiện cho ít đồ ăn, gói trà. Mùa sóng gió, các tàu neo đậu tránh trú quanh đảo thế nào cũng được bộ đội gọi lên trạm cho ít rau đơn vị tự tăng gia trồng được, can nước ngọt…

Chúng tôi rời Mã Cháu lúc thủy triều xuống, bộ đội trạm nhảy xuống đẩy xuồng ra, ai cũng dặn: “Sớm ra chơi cho anh em đỡ buồn. Cả năm, chẳng có người trong bờ ra thăm đảo”. Ngoài đảo xa xôi, heo hút nhất vịnh Bắc bộ này, chỉ mong có hệ thống năng lượng mặt trời đủ thắp sáng mấy bóng đèn trên đảo, cho trong bờ biết ngoài này có bóng người canh đảo. Ước mơ nhỏ nhoi, nhưng bao năm chưa thực hiện được…

 

Theo Mai Thanh Hải (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Những người mẹ đặc biệt

Những người mẹ đặc biệt

Lặng lẽ tồn tại suốt gần 60 năm qua, cô nhi viện Phú Hòa (xã Tịnh Ấn Tây, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được nhiều người gọi với cái tên “ngôi nhà đặc biệt”, bởi nơi đây có những phụ nữ hy sinh cả đời để trở thành mẹ của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi...

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Cán bộ Công an phường Phù Đổng (TP. Pleiku) hướng dẫn nhân viên Khách sạn Khánh Linh đăng ký lưu trú qua phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: T.T

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ 1: Khi hệ thống chính trị cùng vào cuộc

(GLO)- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06).

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…