Ra đảo Nẹ ăn, ngủ cùng ngao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nghề nuôi ngao ở vùng triều đảo Nẹ đã giúp nhiều ngư dân Thanh Hóa đổi đời, trở thành tỉ phú nhưng cũng đối diện với nhiều thách thức.

Đảo Nẹ nằm ngoài khơi vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển Thanh Hóa hơn 3 hải lý (khoảng 6 km). Nơi đây có một vùng triều rộng hàng trăm hecta, được ngư dân 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) tiếp cận, khai phá và cải tạo khoảng 20 năm qua, biến vùng đất sình lầy thành những cánh đồng ngao.

Những chòi canh ngao ngoài vùng triều đảo Nẹ

Những chòi canh ngao ngoài vùng triều đảo Nẹ

Hiểm nguy rình rập

Chúng tôi lên con thuyền nhỏ cùng anh Trần Văn Khánh, từ cảng cá Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) hướng ra đảo Nẹ.

Sau khoảng 1 giờ lênh đênh trên biển, vượt quãng đường khoảng 5 km, thuyền tới "thủ phủ ngao". Cả vùng triều nuôi ngao chìm trong nước khi thủy triều lên, chỉ có những chiếc chòi canh nổi trên mặt biển, tựa như những chiếc nấm khổng lồ.

Anh Khánh là con trai ông Trần Văn Linh, ngụ xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa) - một trong những người đầu tiên ra bãi triều nuôi ngao. Hiện hộ ông Linh đang nuôi khoảng 10 ha ngao ở vùng triều đảo Nẹ. Dù trẻ tuổi nhưng anh Khánh đã nhiều năm theo chân bố và chú ra vùng triều phụ giúp trông ngao, nên anh cũng thấm thía cảnh ăn, ở cùng ngao giữa bốn bề biển nước.

"Để ra được bãi ngao, phải chờ khi thủy triều lên cao. Lúc đó, thuyền mới có thể vào được đến chòi. Tùy theo con nước, nhưng thủy triều thường bắt đầu rút từ khoảng 3 giờ sáng và lên trở lại khoảng lúc 9 - 10 giờ cùng ngày. Để canh con nước lên cao nhất, chúng tôi thường ra chòi trong khoảng thời gian từ 11 giờ trưa đến 15 giờ" - anh Khánh cho hay.

Chòi canh ngao ngoài bãi triều thường có diện tích 15 - 20 m2, làm bằng những cây gỗ lớn cắm sâu xuống biển, chống được mặn, mái có thể lợp gỗ hoặc tôn, được chằng buộc rất chắc chắn để chống chọi với gió biển. Chòi nào cũng có một chiếc giường nhỏ để ngả lưng, khu bếp nấu ăn và một số vật dụng cho việc sinh hoạt thường ngày.

"Sống ngoài này vất vả nhất là thiếu nước ngọt. Mỗi lần ra đảo, chúng tôi phải cho nước vào từng can lớn mang ra, dùng tằn tiện mới đủ. Điện sinh hoạt cũng vậy. Mặc dù có nhiều chòi canh đã lắp tấm pin mặt trời nhưng chỉ một thời gian là hỏng vì không trụ được với gió biển. Đặc biệt, những lần mưa bão, gió quật đổ, thổi bay chòi canh, thậm chí có người đã phải bỏ mạng vì không kịp vào bờ khi bão đổ bộ" - ông Nguyễn Văn Túy (ngụ xã Hoằng Trường) chia sẻ.

Ông Túy cũng là một chủ nuôi ngao lớn ở vùng triều đảo Nẹ. Ở gần nhau và cùng cảnh ngộ nên ông Túy và những ngư dân ở đây rất gần gũi, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn nơi "đầu sóng ngọn gió".

Sau bữa cơm chiều đạm bạc, mặt trời tắt nắng. Cả vùng biển dần chìm trong bóng tối. Giữa bốn bề sóng nước, biển lặng như tờ. Thi thoảng có vài cơn gió thổi qua mái chòi xào xạc. Sóng biển dập dềnh vỗ vào chân các chòi canh, phát ra những âm thanh rì rào.

Như thường ngày, ông Túy và anh Khánh cầm đèn pin, lội bì bõm xuống bãi triều, nước ngập quá đầu gối, để kiểm tra ruộng ngao.

"Đây là thời điểm ngao chuẩn bị thu hoạch nên phải thường xuyên kiểm tra. Có dấu hiệu bất thường là phải thông báo cho bà con biết để xử lý, bởi ngao là dạng nhuyễn thể, khi gặp nước ô nhiễm hay dịch bệnh thì chết rất nhanh" - ông Túy nói.

Nằm trên chòi canh giữa mênh mông biển nước, chúng tôi được anh Khánh, ông Túy kể rất nhiều chuyện vui buồn của những người canh ngao nơi đảo Nẹ. Những câu chuyện của họ đưa chúng tôi chìm vào giấc ngủ khi nào không hay. Chỉ khi nghe tiếng máy nổ gầm vang, tiếng người gọi nhau í ới, chúng tôi mới tỉnh giấc.

Ngư dân đưa nước ngọt lên các chòi canh để sinh hoạt

Ngư dân đưa nước ngọt lên các chòi canh để sinh hoạt

"Đổ mồ hôi, sôi nước mắt"

Công việc của những người thu bắt ngao bắt đầu. Họ đa phần là phụ nữ, từ trong đất liền đi thuyền ra đảo Nẹ từ lúc nửa đêm và bắt đầu công việc vào lúc 3 giờ sáng, khi thủy triều rút, cho tới khi thủy triều lên lại là khoảng 9 giờ cùng ngày. Mỗi ngày làm việc, họ được chủ vựa ngao trả công khoảng 300.000 đồng.

Để hình thành nên "thủ phủ ngao" hàng trăm hecta ngoài đảo Nẹ, rất nhiều người đã phải nối tiếp nhau dong thuyền ra đảo "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" cải tạo, bồi đắp trong nhiều năm liền.

Ông Bùi Văn Quý kiểm tra một lứa ngao

Ông Bùi Văn Quý kiểm tra một lứa ngao

Ông Bùi Văn Quý (SN 1975; ngụ xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) cho biết từ nhỏ ông đã theo cha, chú đi khắp các vùng biển để mưu sinh. Lập gia đình, ông vẫn tiếp tục bám biển nhưng cũng chỉ giúp gia đình đủ ăn, đủ tiêu.

"Đến những năm 2000, các hộ dân đi làm ăn xa bắt đầu biết mô hình nuôi ngao từ miền Nam nên mang giống ngao trắng từ Bến Tre về nuôi trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nghề nuôi ngao cũng bắt đầu từ đó. Dọc bãi triều của huyện Hoằng Hóa và Hậu Lộc được bà con cải tạo thành một vùng nuôi ngao. Gia đình tôi cũng bỏ nghề đi biển để nuôi ngao" - ông Quý cho hay.

Cũng theo ông Quý, lúc trước thị trường chưa rộng, giá cả bình thường nên bà con chủ yếu nuôi ngao ở vùng triều giáp đất liền. Những vị trí này bãi bồi không lầy, thường nhiều cát, rất thuận tiện cho việc cải tạo để nuôi trồng. Thế nhưng, bắt đầu những năm 2010 - 2012, con ngao được thị trường Trung Quốc thu mua, nghề nuôi ngao bỗng phất lên, có thời điểm 1 kg ngao có giá tới 23.000 đồng, nên người ta đổ xô ra biển tìm đất nuôi ngao.

Để mở rộng vùng nuôi, ngư dân Hậu Lộc và Hoằng Hóa tìm ra đảo Nẹ. Tuy nhiên, đây là vùng triều nằm ngoài đảo, toàn bùn đất, sình lầy, trong khi đặc tính của ngao là sống dưới cát, nên để nuôi được ngao ở đây, bắt buộc phải đổ cát.

"Chúng tôi nghĩ ra cách mang cát đổ xuống biển để cải tạo đầm lầy làm tổ cho ngao. Có nhà chi cả tiền tỉ để mua cát đổ xuống biển, như gia đình ông Ngân, ông Linh, ông Long... Gia đình tôi có gần 10 ha, để cải tạo thành ruộng ngao như bây giờ, gia đình cũng đã đổ vào đây cả tỉ đồng tiền cát" - ông Quý cho hay.

Cũng như ông Quý, gia đình 2 anh em Trần Văn Linh và Trần Văn Long (xã Hoằng Trường) có diện tích nuôi ngao khoảng 20 ha. Để cải tạo vùng triều, 2 anh em ông Long đã chi hơn 2 tỉ đồng mua cát.

"Nhiều người không tin khi biết chúng tôi bỏ ra số tiền lớn như vậy để hình thành vùng nuôi ngao như hiện nay. Có những năm ngao được mùa, giá cao, chỉ sau một vụ nhiều gia đình kiếm được tiền tỉ" - ông Linh thông tin.

Ngư dân thu hoạch ngao nuôi trên đảo Nẹ

Ngư dân thu hoạch ngao nuôi trên đảo Nẹ

Nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm rủi ro

Nuôi ngao hiện là ngành nghề mang lại giá trị cao cho người dân ven biển Thanh Hóa, giúp nhiều gia đình ở Hoằng Hóa, Hậu Lộc ăn nên làm ra, nhiều người trở thành tỉ phú. Tuy nhiên, nghề này cũng lắm cơ cực, có người đổ nợ, không thể bám trụ. Đặc biệt, kể từ năm 2013 đến nay, có thời điểm ngao rớt giá thê thảm, thị trường Trung Quốc đóng cửa, nhiều người đã không còn mặn mà với con ngao.

Năm 2010, gia đình ông Quý thấy nuôi ngao phất lên nên không ngần ngại đổ tiền mở rộng diện tích ra đảo Nẹ. Nhưng bước sang năm 2013, giá ngao rớt thê thảm, thị trường bó hẹp, dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt... khiến có lúc ông tưởng không thể trụ được. "Lúc đó, ngao chết do dịch bệnh, Trung Quốc không còn thu mua, nghề nuôi ngao bắt đầu lao dốc. Để tiếp tục theo nghề, tôi quyết định bán 2 con tàu đánh cá lúc đó trị giá khoảng 1 tỉ đồng và một mảnh đất để tái đầu tư. Sau vài năm chìm nổi, gia đình mới có thể vượt qua thời điểm khó khăn, bám trụ với nghề tới giờ" - ông Quý kể.

Vùng triều đảo Nẹ khi đêm về

Vùng triều đảo Nẹ khi đêm về

Theo ông Quý, thời điểm ngao đang có giá, cả vùng triều này có tới 100 hộ nuôi nhưng hiện giờ chỉ còn không tới một nửa. Đa phần những hộ nuôi ngoài đảo Nẹ diện tích nhỏ, sau một vài vụ làm ăn không thuận lợi, họ chán nản nên bán lại bãi cho người khác. "Hầu hết hộ còn nuôi ngao ở đây đều có diện tích lớn, có kinh nghiệm, thị trường mới theo được. Vì hiện nay, thị trường ngao đã bão hòa, trong khi thời gian nuôi được một lứa ngao kéo dài khoảng 18 tháng, nếu thời tiết thuận lợi, thị trường tốt thì người nuôi có lãi, còn không thì chỉ hòa hoặc thua" - ông Quý cho biết.

Không chỉ giá cả, thị trường bấp bênh, những năm gần đây, người nuôi ngao còn đối diện với dịch bệnh, nguồn nước ô nhiễm… Việc nuôi ngao ở xa đất liền nên cũng gặp không ít khó khăn. Người dân phải ăn ngủ luôn ngoài biển để canh ngao. Việc ăn, ở sinh hoạt giữa biển khơi thiếu thốn đủ đường, đặc biệt là thiếu nước ngọt, rồi những hôm biển động, mưa bão, ốm đau… tất cả đều là những thách thức mà người nuôi ngao ngoài vùng triều đảo Nẹ phải đối diện.

Nếu không ra triều đảo Nẹ để ăn, ngủ cùng ngư dân, chứng kiến công việc thường ngày của họ giữa bốn bề sóng nước, chúng tôi sẽ khó cảm nhận hết những vất vả, cơ cực mà ngư dân nơi đây phải chịu đựng để gắn bó với nghề nuôi ngao.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.