Quy định mới về cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang vừa ký Quyết định số 9/2023/QĐ-TTg quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, cấp và quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC.

Theo đó, thẻ đi lại doanh nhân APEC (gọi tắt là thẻ ABTC), là một loại thẻ do cơ quan có thẩm quyền của nền kinh tế thành viên APEC cấp cho doanh nhân của mình sau khi nhận được sự đồng ý cho phép nhập cảnh từ các nền kinh tế thành viên khác.

Thẻ ABTC có hai dạng là thẻ cứng và thẻ điện tử. Thẻ ABTC cứng và thẻ ABTC điện tử có giá trị pháp lý như nhau. Doanh nhân Việt Nam có quyền lựa chọn cấp thẻ ABTC cứng hoặc thẻ ABTC điện tử.

Điều kiện được xem xét cấp thẻ ABTC

Điều kiện đối với cơ quan, tổ chức nơi doanh nhân đang làm việc: Có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp thường niên và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC.

Điều kiện đối với doanh nghiệp nơi doanh nhân đang làm việc: Doanh nghiệp đã có thời gian hoạt động liên tục từ 12 tháng trở lên, chấp hành đúng quy định của pháp luật về thương mại, thuế, hải quan, lao động, bảo hiểm xã hội và các quy định pháp luật liên quan khác; doanh nghiệp phải có các hoạt động ký kết, hợp tác kinh doanh trực tiếp với đối tác của các nền kinh tế thành viên APEC; có nhu cầu cử nhân sự đi lại thường xuyên, ngắn hạn để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ hoặc các mục đích kinh tế khác tại các nền kinh tế thành viên APEC.

Điều kiện đối với doanh nhân đề nghị cấp thẻ ABTC: Từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực hành vi dân sự; đang làm việc, giữ chức vụ thực tế tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp từ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị cho phép sử dụng thẻ ABTC; không thuộc các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh theo quy định tại Điều 36 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ quy định việc cấp, quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC. Ảnh nguồn internet

Thủ tướng Chính phủ quy định việc cấp, quản lý thẻ đi lại doanh nhân APEC. Ảnh nguồn internet

Đối tượng được xem xét cấp thẻ ABTC

Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước: Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng quản trị; Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp, ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng; Trưởng ban, Phó Trưởng ban Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế; Kế toán trưởng, Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng có liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch công ty, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Giám đốc doanh nghiệp trực thuộc các tổ chức chính trị - xã hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Trưởng ban, Phó Trưởng ban, Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Doanh nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam: Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị; Chủ tịch công ty; Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc, Phó Tổng giám đốc hoặc Phó Giám đốc doanh nghiệp; Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc hoặc Giám đốc hợp tác xã hoặc liên hợp tác xã; Kế toán trưởng, Giám đốc bộ phận hoặc Trưởng phòng có liên quan trực tiếp đến các hoạt động kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ trong các doanh nghiệp; Trưởng chi nhánh của doanh nghiệp.

Cán bộ, công chức, viên chức có nhiệm vụ tham dự các hội nghị, hội thảo, cuộc họp và các hoạt động về hợp tác, phát triển kinh tế của APEC.

Trưởng đại diện, Phó Trưởng đại diện cơ quan đại diện thương mại Việt Nam tại các nước và vùng lãnh thổ thành viên APEC.

Trách nhiệm sử dụng thẻ ABTC

Theo Quyết định quy định doanh nhân Việt Nam được cấp thẻ ABTC có trách nhiệm sử dụng thẻ trong việc đi lại để thực hiện các hoạt động hợp tác kinh doanh, thương mại, đầu tư, dịch vụ hoặc tham dự các hội nghị, hội thảo và các mục đích kinh tế khác tại các nền kinh tế thành viên; giữ gìn và bảo quản thẻ; không được tự ý tẩy, xóa, sửa chữa hoặc làm sai lệch hình thức, thông tin ghi trên thẻ; không được dùng thẻ vào việc vi phạm pháp luật.

Doanh nhân Việt Nam được cấp thẻ ABTC phải tôn trọng và tuân thủ các quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú và các quy định khác liên quan đến hoạt động của doanh nhân tại các nền kinh tế thành viên.

Doanh nhân nước ngoài sử dụng thẻ ABTC phải tuân thủ quy định của pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Số hộ chiếu ghi trên thẻ ABTC phải phù hợp với số hộ chiếu đang sử dụng.

Doanh nhân Việt Nam nếu không còn làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức hoặc không còn giữ các chức vụ nêu trên phải có trách nhiệm trả lại thẻ ABTC cho cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức.

Kiểm soát xuất nhập cảnh đối với doanh nhân mang thẻ ABTC

Thẻ ABTC có giá trị nhập cảnh, xuất cảnh các nền kinh tế thành viên ghi trên thẻ. Mỗi lần nhập cảnh, người mang thẻ ABTC được các nền kinh tế thành viên cấp chứng nhận tạm trú theo thời hạn quy định của các nền kinh tế thành viên đó.

Doanh nhân Việt Nam và doanh nhân nước ngoài mang thẻ ABTC có trách nhiệm xuất trình thẻ ABTC và hộ chiếu hợp lệ cho người làm nhiệm vụ kiểm soát xuất nhập cảnh khi xuất cảnh, nhập cảnh tại cửa khẩu của các nền kinh tế thành viên.

Doanh nhân mang thẻ ABTC được ưu tiên làm thủ tục xuất nhập cảnh tại khu vực dành riêng ở cửa khẩu của các nền kinh tế thành viên.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.