Quốc hội họp bất thường: Đảm bảo chất lượng cao nhất khi quyết định 4 nội dung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Sáng 15/1, Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.

Dự phiên khai mạc có: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.

Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... cùng dự.

Về phía Quốc hội có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Trần Thanh Mẫn; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Thượng tướng Trần Quang Phương...

Sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, căn cứ quy định của Hiến pháp và pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định những nội dung quan trọng.

Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật Đất đai là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Dự án Luật đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị rất trách nhiệm, kỹ lưỡng, công phu qua nhiều vòng, nhiều bước; đã được thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đại biểu dự Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Sau Kỳ họp thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại hai phiên họp (vào tháng 10/2023 và tháng 1/2024).

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều (bỏ 5 điều, chỉnh lý 250 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Đến nay, dự thảo Luật đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa các quan điểm, nội dung của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, phù hợp với Hiến pháp, đồng bộ với với hệ thống pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần trách nhiệm cao, cho ý kiến về dự án Luật, tập trung vào những vấn đề lớn, những vấn đề quan trọng đã được nêu trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đảm bảo chất lượng cao nhất và xem xét, biểu quyết thông qua tại Kỳ họp này.

Về dự án Luật Các tổ chức Tín dụng (sửa đổi)

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thứ 6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, đảm bảo thận trọng, kỹ lưỡng, bám sát yêu cầu cơ cấu lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của hệ thống tổ chức tín dụng theo đúng chủ trương của Đảng và nghị quyết của Quốc hội.

Cơ quan chủ trì thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và Chính phủ tập trung chỉnh lý, bổ sung, hoàn thiện các quy định liên quan đến xử lý tình trạng sở hữu chéo, hạn chế việc chi phối, thao túng các tổ chức tín dụng; quy định minh bạch về cơ chế tài chính, hạch toán, quản trị các tổ chức tín dụng; vấn đề can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo các khoản nợ xấu; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng và trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng; các điều khoản chuyển tiếp và tính đồng bộ của hệ thống pháp luật...

Dự thảo Luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ lưỡng 2 lần tại phiên họp thứ 29 (tháng 1/2024), sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng thêm 7 điều, chỉnh lý hầu hết các điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6), đã đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Dự án Luật có nhiều nội dung chuyên môn, có tác động trực tiếp đến chính sách tài chính, tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô, do đó, Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu thận trọng, toàn diện, góp ý, hoàn thiện và xem xét để biểu quyết thông qua dự thảo Luật đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, bảo đảm sự an toàn, lành mạnh, minh bạch, ổn định và bền vững của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng, phát triển theo đúng nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế phổ biến, nâng cao khả năng cạnh tranh, tiếp tục phát huy vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế.

Xem xét, quyết định áp dụng một số chính sách đặc thù

Chủ tịch Quốc hội cho biết về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện Nghị quyết về giám sát chuyên đề tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, quyết định áp dụng một số chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Những nội dung tập trung vào các nội dung chủ yếu là: việc phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương hằng năm; việc điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư vốn hằng năm; việc sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất; việc quy định cụ thể về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất; địa bàn, phạm vi áp dụng quy định về ủy thác vốn tự cân đối của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; việc quy định cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các chương trình...

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung và tính khả thi của từng quy định cụ thể để hoàn thiện, xem xét thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp.

Một số nội dung quan trọng về tài chính, ngân sách

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách về tài chính, ngân sách, bao gồm: việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn tương ứng với nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công; bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện dự án cấp điện từ lưới điện quốc gia cho huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo quốc gia, đáp ứng sự mong mỏi của cử tri, nhân dân huyện đảo và của cả nước.

Tuyên bố khai mạc, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV diễn ra trong những ngày đầu năm mới 2024 - năm có ý nghĩa đặc biệt trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và hướng tới Đại hội XIV của Đảng.

Những nội dung được quyết định tại Kỳ họp này có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm 2024 mà còn cả cả nhiệm kỳ, có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài.

Chủ tịch Quốc hội trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận sôi nổi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, chất lượng để Kỳ họp hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình với sự thống nhất, đồng thuận cao.

Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện các dự thảo luật và dự thảo nghị quyết đạt chất lượng cao nhất để Quốc hội xem xét, quyết định.

Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Có thể bạn quan tâm

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa. Ảnh: Q.T

Ayun Pa cần chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp

(GLO)-Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa và buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra ngày 12-12.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên kết luận phiên thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai: Bàn giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tập trung thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường. Cũng tại kỳ họp, lãnh đạo các sở, ngành trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

Khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiến hành thảo luận tổ. Các đại biểu đã chia thành 5 tổ, tập trung phân tích, thảo luận những những tồn tại, hạn chế nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Ayun Pa tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho gia đình chị Nay H'Nỡi (thứ 7 từ trái sang, buôn Hiao, xã Chư Băh). Ảnh: Vũ Chi

Ayun Pa lan tỏa tinh thần tương thân tương ái từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Phát huy truyền thống tương thân tương ái, thị xã Ayun Pa, Gia Lai đã vận động người dân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”. Nhiều ngôi nhà “Đại đoàn kết” được xây dựng, hàng trăm gia đình được giúp đỡ, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

Nga chịu tổn thất về người lớn nhất trong tháng 11, Ukraine ra mắt “UAV tên lửa” mới

(GLO)- Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh, số lượng binh sĩ Nga chết và bị thương trung bình hàng ngày trong tháng 11-2024 đã đạt mức cao kỷ lục. Trong khi đó, Ukraine vừa giới thiệu mẫu UAV lai tên lửa có tốc độ lên đến 700 km/giờ và tầm bay 700 km, vượt xa tên lửa do phương Tây cung cấp.