Quân đội tích cực tham gia công tác dân vận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chiều 17-12, tại hội trường Lữ đoàn Thông tin 132 (TP. Pleiku), Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân vận các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025.

Chủ trì hội nghị có Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thái Bình; Đại tá Ksor Lành-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Đại tá Nguyễn Đạt Phiên-Chính ủy Lữ đoàn Thông tin 132.

Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực và Ban Dân vận các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy; Ban Chỉ huy Quân sự các huyện, thị xã, thành phố và đại diện lãnh đạo, cơ quan chính trị 16 đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh.

Nhiều mô hình, cách làm thiết thực

Báo cáo tại hội nghị nêu: Năm 2024, 16 đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện công tác dân vận tại 74 xã được phân công phụ trách với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương bàn bạc, khảo sát, thống nhất xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác dân vận phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân.

Trong năm, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 10.089 buổi tuyên truyền với 144.680 lượt người tham gia; qua đó góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu chống phá của các thế lực thù địch và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân.

Với nhiều hình thức dân vận, các đơn vị đã phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia củng cố 332 tổ chức Đảng, 107 tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội; các đơn vị đã kết nạp 312 đảng viên trong lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, góp phần củng cố, xây dựng thực lực chính trị ở cơ sở vững mạnh.

quang-canh-hoi-nghi.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: P.D

Hưởng ứng phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, các đơn vị đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát các tiêu chí, xác định rõ phần việc.

Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch, triển khai các hình thức, phương pháp, cách làm phù hợp với khả năng để vừa làm tốt nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu vừa tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới kết hợp làm tốt công tác dân vận. Các đơn vị đã tham gia 86.068 ngày công lao động để làm đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương thủy lợi, tu sửa nhà rông, nhà văn hóa, trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng, cải tạo vườn tạp, di chuyển nhà…

Đồng thời, hỗ trợ cho người dân 138 con bò, 10 con heo giống và các loại vật tư sản xuất, thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm; xây dựng, bàn giao 183 nhà “Đại đoàn kết”, “Nhà đồng đội”, “Nhà tình nghĩa”, “Nhà nghĩa tình 78”, “Mái ấm biên cương”, “Mái ấm tình thương”, “Nhà hội viên phụ nữ” cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Ngoài ra, các đơn vị còn phối hợp thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công, người uy tín, hộ nghèo với tổng kinh phí 83,1 tỷ đồng; thăm, tặng quà kết hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 10.437 lượt người dân trị giá 761,2 triệu đồng.

Các mô hình, cách làm hay như: “Gắn kết hộ”, “Bếp ăn tình thương”, “Rau xanh đồng hành cùng học sinh bán trú”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản” “Tay kéo Biên phòng”, Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, “Giảm hộ nghèo bền vững”, “Hũ gạo vì người nghèo”… tiếp tục được duy trì, nhân rộng.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng nêu rõ một số khó khăn, tồn tại và thống nhất 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần triển khai trong năm 2025. Đại tá Nguyễn Thăng Thanh-Phó Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn 15-cho rằng: Để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới đòi hỏi có sự phối kết hợp giữa các đơn vị với địa phương chặt chẽ, tỉ mỉ hơn; kế hoạch triển khai thực hiện càng chi tiết, càng dễ thực hiện và thực hiện hiệu quả.

Về phía Binh đoàn 15, đơn vị đã xây dựng kế hoạch tổ chức Tết Ất Tỵ 2025 cho người dân trên địa bàn đóng quân và địa bàn phụ trách cũng như kế hoạch tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025.

Đồng quan điểm, Đại tá Lê Văn Hùng-Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn 34-nêu ý kiến: Lực lượng tham gia làm công tác dân vận đa phần là chiến sĩ, có sức trẻ. Do đó, các địa phương nên lựa chọn những phần việc có thể phát huy được sức sáng tạo của tuổi trẻ; đồng thời nên có sự chuẩn bị kỹ cũng như huy động các đoàn thể cùng tham gia để gắn kết tình quân-dân.

bo-chi-huy-quan-su-tinh-ho-tro-nha-dai-doan-ket-cho-ho-ngheo-o-xa-ia-hiao-huyen-phu-thien-anh-thanh-tuyen-jpg.jpg
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện. Ảnh: Thanh Tuyền

Tham gia ý kiến tại hội nghị, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Đak Pơ Đặng Thành Công đánh giá cao những hoạt động của các đơn vị quân đội phụ trách địa bàn thời gian qua, đồng thời bày tỏ mong muốn, các đơn vị tiếp tục quan tâm, triển khai các hoạt động ý nghĩa để chung sức cùng địa phương hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh; nhất là hỗ trợ hộ nghèo và xóa nhà dột nát. Đến nay, huyện Đak Pơ còn hơn 620 hộ nghèo và 192 nhà tạm, nhà dột nát.

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy đề nghị các đơn vị tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc, hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng về công tác dân vận trong tình hình mới; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức dân vận phù hợp với điều kiện của từng đơn vị, địa phương và quan tâm bồi dưỡng phương pháp, kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ.

Cùng với đó, đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xây dựng đơn vị “Dân vận tốt”, gắn thực hiện công tác dân vận với việc thực hiện các phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Quân đội chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” và phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh”.

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy cũng đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm chỉ đạo các xã, phường chủ động liên hệ với các đơn vị quân đội đảm nhận địa bàn rà soát kế hoạch đã ký kết, nghiên cứu, lựa chọn những phần việc cấp thiết để thực hiện; đồng thời, tăng cường giữ mối liên hệ chặt chẽ với cấp ủy, chỉ huy các đơn vị để phối hợp triển khai công tác dân vận đồng bộ, hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa. Ảnh: Q.T

Ayun Pa cần chuẩn bị tốt điều kiện tổ chức đại hội Đảng các cấp

(GLO)-Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Lương tại Hội nghị lần thứ 19 Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Ayun Pa và buổi làm việc với Ban Thường vụ Thị ủy về công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã nhiệm kỳ 2025-2030 diễn ra ngày 12-12.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên kết luận phiên thảo luận chung tại hội trường. Ảnh: Đức Thụy

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai: Bàn giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” để phát triển kinh tế-xã hội

(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 10-12, kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tập trung thảo luận tổ, thảo luận chung tại hội trường. Cũng tại kỳ họp, lãnh đạo các sở, ngành trả lời một số vấn đề cử tri quan tâm nhằm khơi thông “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế-xã hội.