Quả bầu trong đời sống đồng bào Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ xa xưa, quả bầu đã gắn bó mật thiết với đời sống của người dân Tây Nguyên. Hiện hữu trong sinh hoạt hàng ngày, quả bầu như mối dây liên kết giữa truyền thuyết về cội nguồn dân tộc và cuộc sống ngày nay. Quả bầu cùng chiếc gùi lắc lư theo nhịp chân những sơn nữ là hình ảnh đẹp đã đi vào trong tranh, ảnh của các nghệ sĩ.
Đồng bào Tây Nguyên trồng bầu không chỉ để ăn mà còn làm thành những vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Quả bầu được dùng để đựng nước, đựng rượu, lúa, gạo, thức ăn hoặc dùng chế tác thành nhạc cụ truyền thống.
Trước khi sử dụng, quả bầu được đem xử lý. Quá trình xử lý trải qua các công đoạn bao gồm khoét lỗ, loại bỏ ruột, phơi khô và tạo độ đen bóng cho vỏ bầu. Trước tiên, ruột bầu được khoét và dằm nát bằng cây nhọn, đem ngâm bùn trong 3 tháng, sau đó mang lên súc cho thật sạch. Sau công đoạn này, quả bầu được đem ngâm thêm vài lần nữa với nước lá mắt mèo non (một loại lá rừng tạo màu đen) giã nhỏ hoặc dùng lá mắt mèo chà xát bên ngoài để vỏ bầu có màu đen, bóng, không bị phai màu theo thời gian. Nếu muốn giữ nguyên màu vàng nâu tự nhiên vốn có của quả bầu thì chỉ cần đem treo ở giàn bếp cho thật khô.
Thường những quả bầu dùng để đựng nước phải có bụng phình to, hình thuôn dài ở cuống. Ngược lại, nếu để đựng rượu mời khách thì quả bầu phải có hình nậm rượu với eo thắt giữa thân, hình dáng tròn, nhỏ. Những quả bầu này thường được đậy kín miệng bằng những chiếc nùi làm bằng lá cây rừng cuốn chặt. Đối với quả bầu dùng để đựng lúa hoặc gạo thì nắp lại được làm bằng một miếng gỗ mỏng bởi miệng bầu được khoét to, thuận tiện cho việc đổ lúa, gạo vào và lấy ra. Thông thường, bầu để đựng lúa gạo có hình dáng to, phình từ cuống đến thân, vỏ dày và cứng. Để bảo quản vỏ bầu không bị nứt, vỡ khi xê dịch, người dân dùng một loại dây rừng đan thành những chiếc rọ chắc chắn tạo thành lưới bao bọc bên ngoài.
Quả bầu được chế tác thành hộp cộng âm của đàn goong. Ảnh: Thanh Lan
Quả bầu được chế tác thành hộp cộng âm của đàn goong. Ảnh: Thanh Lan
Ngoài các công dụng trên, quả bầu còn dùng để đựng những vật phẩm dành riêng cho việc cúng tế như: rượu, thóc lúa, tiết các con vật dâng lên thần linh, cầu cho sức khỏe, cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Người Tây Nguyên tin rằng, khi những đứa trẻ được sinh ra, nhau của chúng phải được đựng trong quả bầu, chôn xuống đất. Từ đó “bầu mẹ” sẽ giữ gìn, chở che cho đứa trẻ mau lớn khôn, khỏe mạnh. Ngoài ra, dân tộc Bahnar, Xê Đăng, Giẻ Triêng ở Bắc Tây Nguyên còn có những sự tích rất hay về quả bầu, thể hiện ước mơ về sự sung túc, no đủ mà quả bầu đem lại cho cuộc sống của họ.    
Quả bầu còn được các nghệ nhân dân gian chạm khắc những họa tiết hoa văn truyền thống làm thành sản phẩm trưng bày. Họ còn dùng quả bầu chế tác thành những chiếc chuông mượn sức gió, tạo ra âm thanh vui tai để trang trí trong nhà. Đặc biệt, quả bầu còn được sử dụng làm hộp cộng âm chế tác các nhạc cụ truyền thống tạo nên sự phong phú, đa dạng trong đời sống tinh thần của người dân. Các loại nhạc cụ được làm bằng quả bầu là những sản phẩm độc đáo và sáng tạo, là nét đặc trưng riêng không chỉ của người Tây Nguyên mà còn là bản sắc văn hóa đặc sắc của cả dân tộc Việt Nam, được bảo tồn, phát huy và gìn giữ cho đến ngày nay .
THANH LAN

Có thể bạn quan tâm

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

Nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa ở cơ sở

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành QĐ số 60/2024/QĐ-UBND quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” để hướng dẫn thực hiện, bảo đảm phù hợp với đặc thù văn hóa và tình hình kinh tế-xã hội của địa phương.

Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia vừa họp, bỏ phiếu thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ công nhận Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. Ảnh: Ngọc Minh

Chuyện làm hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, những người làm công tác di sản văn hóa (như cách gọi ngày nay) của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bắt tay vào việc thu thập thông tin để làm hồ sơ di tích đề nghị xếp hạng, trong đó có hồ sơ di tích Tây Sơn Thượng đạo.

Chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh)

Vọng tiếng chuông ngân

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai có nhiều ngôi chùa bắt đầu bằng chữ Bửu như chùa Bửu Minh (huyện Chư Păh), Bửu Thắng, Bửu Nghiêm, Bửu Hải (TP. Pleiku). Riêng cái tên Bửu Tịnh được đặt cho 2 ngôi chùa, 1 ở Ayun Pa, 1 ở Krông Pa. Nhà tôi ở gần chùa Bửu Tịnh (xã Phú Cần, huyện Krông Pa).

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

Nhân văn lễ trưởng thành của người Jrai

(GLO)- Tôi thấy vô cùng hạnh phúc và đúng đắn khi quyết định gắn bó đời mình với mảnh đất Krông Pa (tỉnh Gia Lai). Không chỉ là nơi đầy nắng và gió mà Krông Pa còn có nhiều trầm tích văn hóa của người bản địa Jrai, được thể hiện rõ rệt nhất qua các lễ hội.

Một dòng huyền tích

Một dòng huyền tích

Mỗi lần đi qua cầu Đuống, tôi bất giác nhìn về phía hạ lưu, trong đầu ngân lên mấy câu thơ của Hoàng Cầm “Sông Đuống trôi đi một dòng lấp lánh, nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.

Theo dấu sử thi

Theo dấu sử thi

Tôi về xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) vào một dịp ngành văn hóa Đắk Lắk phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức lớp truyền dạy hát kể sử thi (khan) cho lớp trẻ.