Gian nan Đê Kôn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Từ trung tâm xã Hà Ra (huyện Mang Yang) đến làng Đê Kôn chừng 8 km nhưng phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới lên tới nơi. Bởi để đến được với làng, phải đi qua những con đường dốc quanh co uốn lượn, nhiều ổ voi cùng đất đá lởm chởm và nhầy nhụa bùn đất. Chính con đường gian nan ấy đang níu giữ cái đói nghèo, khiến người dân của làng không dám mơ ước đến những điều tưởng chừng như rất bình dị.

Anh Phạm Văn Bình-cán bộ văn hóa xã, Bí thư chi bộ làng Đê Kôn, cho biết: “Đây là tuyến đường độc đạo để vào làng Đê Kôn. Con đường này khó khăn nhiều năm nay rồi. Thêm vào đó, nhiều chuyến xe chở bời lời, bạch đàn đi qua khiến con đường càng thêm hư hỏng. Trời nắng đường đi đã khó, vào mùa mưa, con đường trở nên lầy lội và trơn trượt khiến làng như bị cô lập với bên ngoài. Dân làng thường tranh thủ những ngày trời nắng để xuống chợ Hà Ra mua sắm đồ ăn, đi bộ cũng mất cả nửa ngày.

 

Con đường duy nhất đến làng thường xuyên bị trơn trượt, nhầy nhụa vào mùa mưa. Ảnh: P.L
Con đường duy nhất đến làng thường xuyên bị trơn trượt, nhầy nhụa vào mùa mưa. Ảnh: P.L

Những năm trước, trong làng có người ốm, vì trời mưa to nên không thể chở người bệnh bằng xe máy, làng cử mấy thanh niên thay nhau cõng bệnh nhân xuống Trạm Y tế xã, nhưng xa quá nên có người chết giữa đường”. Đúng như lời anh Bình chia sẻ, cuộc sống của bà con nơi đây cũng gian nan như chính con đường đi vào làng. Dù làng đã hình thành từ khá lâu nhưng cuộc sống của bà con nơi này vẫn còn thiếu thốn trăm bề. Đê Kôn là làng nghèo, 100% đồng bào Bahnar, có 45 hộ với 212 nhân khẩu. Hiện trong làng có tới 40 hộ nghèo theo tiêu chuẩn hộ nghèo mới. Đặt chân đến làng, chúng tôi mới thấy hết vẻ nghèo nàn, đìu hiu với những ngôi nhà lụp xụp nằm rải rác bên sườn núi. Đã là buổi chiều nhưng làng khá vắng vẻ bởi những người lớn đều đi làm rẫy hoặc làm thuê trong các nông trường; thỉnh thoảng vang lên những tiếng í ới chơi đùa của một vài đứa trẻ.

Trước một vài ngôi nhà, những người già lặng lẽ ngồi tựa bậu cửa đan vật dụng cho gia đình. Già làng H’Nghit cho biết: “Làng mình sống phụ thuộc vào cây mì, lúa rẫy là chủ yếu. Do kỹ thuật chăm sóc lạc hậu, điều kiện khí hậu không thuận lợi nên năng suất không được cao.

Hết mùa vụ, bà con đi làm thuê cho các nông trường, nhưng ở xa lắm. Bà con cũng chăm chỉ làm ăn lắm, nhưng cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi”. Cũng chính vì đường đi khá gian nan đã kéo theo bao khó khăn chồng chất, trong đó có việc truyền dạy con chữ. Điểm trường làng Đê Kôn có 33 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Do trường cũ bị đổ sập từ 3 năm trước nên giáo viên mượn tạm nhà sinh hoạt cộng đồng để dạy học. Các lớp học ở đây đều thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị dạy học… Dường như cái đói, cái nghèo cùng với trình độ dân trí thấp khiến cho người dân nơi đây không mặn mà với con chữ. Vì thế, việc vận động con em của làng đi học cũng không hề đơn giản. Từ trước đến nay, cả làng chưa có em nào học đến lớp 6, nhiều em bỏ học giữa chừng để theo cha mẹ lên nương rẫy. Các giáo viên cũng đã tích cực vận động, đến từng nhà tuyên truyền các bậc phụ huynh nhưng chỉ nhận được những nụ cười ẩn chứa nhiều nỗi lo toan. Ngoài ra, đường hỏng còn khiến cho việc vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn, giá nông sản thấp hơn nhiều so với nơi khác. Việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình… cũng gặp rất nhiều rào cản. Vì thế, tình trạng tảo hôn diễn ra khá phổ biến, nhiều cặp vợ chồng chỉ mới 18-20 tuổi nhưng có đến 2-3 đứa con.

Nói về công tác xóa đói giảm nghèo tại làng Đê Kôn, bà Nguyễn Thị Hồng Ánh-Phó Bí thư Đảng ủy xã Hà Ra cho biết: Từ nhiều năm nay, cái đói, cái nghèo ở làng luôn là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở. Nhiều giải pháp để giúp làng giảm nghèo đã được thực hiện nhưng việc xóa đói giảm nghèo ở làng vẫn đang là bài toán nan giải. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu, đề xuất ý kiến với cấp trên để tìm những giải pháp khắc phục khó khăn, trong đó quan trọng nhất là xây dựng con đường để thuận tiện việc đi lại và xây dựng ngôi trường cho các cháu có chỗ học tập.

Thủy Bình

Có thể bạn quan tâm

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Giải mã đầu lân: Lương y làm... đầu lân

Xét trong làng múa lân thế giới, lân đến từ VN luôn trong nhóm đầu (top 3). Nghề lân vào nước ta từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nay phát triển rực rỡ, nhưng cũng có nhiều thay đổi khi du nhập thêm kỹ pháp mới để hòa hợp thị hiếu hiện đại. Các đoàn lân nở rộ, nhưng nghề chế tác đầu lân thì hãn hữu, nhất là những dòng lân truyền thống.

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Ẩm thực xứ Phù Tang : Đạo Trà và 'Đạo' Rượu

Chuyến đi Nhật lần này, tôi được thực hành trà đạo. Nghệ thuật uống trà thì nhiều nước có mà đầu tiên phải nhắc tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phải thấy là mặc dù chỉ là người tiếp thu nghệ thuật đó từ người Hoa nhưng người Nhật phát triển nó cao xa thêm nhiều khiến chỉ ở họ mới có Trà Đạo.

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Thanh tra, ngẫm chuyện một thời…

Trong vụ Vạn Thịnh Phát, trưởng đoàn thanh tra của ngân hàng đã nhận hối lộ lên đến 5,2 triệu USD đã khiến những thế hệ cán bộ thanh tra một thời sống thanh liêm thấy nhói lòng. Ông Trần Cao Minh, sinh năm 1929, từng là thư ký Đoàn thanh tra của Chính phủ nhớ lại những năm tháng ấy.

Người mê mắm

Người mê mắm

Đường xa vạn dặm bắt đầu từ bước chân đầu tiên. Một mình anh nghĩ, anh nhớ và đi tìm từ cái dầm gỗ chèo thúng, đến loại cây đập ra lấy nhựa trét đèn, từ đôi bầu gánh mắm đến cái ghim tre vá lưới... anh đi tìm, sưu tầm và tẩn mẩn bày ra. Một bảo tàng nghề cá bắt đầu manh nha.

Mù u ra phố

Mù u ra phố

Rong ruổi qua các đường thành phố, nhất là những khu đô thị mới, nếu quan sát sẽ nhận ra những hàng cây xanh bản địa gắn bó với quê hương.

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Nhộn nhịp chợ cá vùng biên

Tôi ngược đầu nguồn sông Hậu vào những ngày đầu tháng 9, khi dòng nước màu phù sa vẫn cuồn cuộn chảy mang theo bao cá tôm khiến dân làm nghề hạ bạc nức lòng. Khi vào lãnh thổ Việt Nam ở thị trấn Long Bình huyện An Phú (An Giang), sông Hậu chia thành hai dòng.