Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM - Kỳ 2: 'Công cụ' kiếm tiền của người lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong lúc bọn trẻ đội nắng, đội mưa xin tiền, nhóm người lớn ngồi trong quán cà phê thảnh thơi lướt điện thoại. Cuối ngày, họ thu giữ toàn bộ số tiền mà chúng xin được.

Ngồi mát đếm tiền

Sau nhiều ngày thâm nhập, nhóm phóng viên ghi nhận, “đại bản doanh” của một nhóm người ăn xin là dãy trọ nằm ở con hẻm trên đường số 1, phường 16, quận 8. Từ rạng sáng, một số đối tượng chở theo trẻ nhỏ trên những xe máy cũ nát, phóng tới các giao lộ cho chúng xin tiền, còn mình ngồi trong bóng mát “chỉ đạo” từ xa. Nhằm qua mặt lực lượng chức năng, những đứa trẻ được người lớn chở đi ăn xin luôn cầm vé số trên tay.

Người phụ nữ ngồi núp sau xe máy để cho bé trai bú sữa bình. Ảnh: Thuận Nhàn.
Người phụ nữ ngồi núp sau xe máy để cho bé trai bú sữa bình. Ảnh: Thuận Nhàn.

6 giờ 15 ngày 14/9, 4 đứa trẻ (2 trai, 2 gái, trong đó có một bé trai 5 tháng tuổi bị vết thương lớn ở đầu) còn ngái ngủ, ngồi túm tụm trước cổng nhà trọ, chuẩn bị bắt đầu một ngày làm việc mới. Vài phút sau, người phụ nữ lái xe máy biển số 30L6-2940 từ nhà trọ vọt ra, chở 4 đứa trẻ qua cầu Rạch Nhảy rồi ghé vào xe hàng rong trên đường Vành Đai (quận 6, cách phòng trọ khoảng 500m) ăn sáng.

Nhiều ngày theo dõi, phóng viên nhận thấy lực lượng chức năng thường xuyên có mặt tại ngã tư Bốn Xã để điều tiết giao thông giờ cao điểm. Tận dụng địa bàn giáp ranh, nhóm trẻ ăn xin hễ thấy công an đứng ở phường này thì chạy sang phường khác, cách đó chỉ vài bước chân.

Do bé trai 5 tháng tuổi quấy khóc, người phụ nữ phải bỏ tô bún đang ăn lỡ dở rồi ẵm đứa nhỏ ra ngồi núp phía sau xe máy. Lấy bình sữa từ trong túi nylon, bà ta thổi nguội rồi dỗ dành cho bé trai bú. Thấy bé gái lớn nhất vừa buông đũa, người này vội chuyển đứa trẻ cho bé gái này ẵm rồi tiếp tục bữa ăn.

Hơn 30 phút sau, bà ta ra hiệu cho những đứa trẻ ngồi lên xe máy. Bé gái ẵm em rướn người 2 lần nhưng không thể ngồi lên xe nên phải nhờ bé còn lại giúp. Khi những đứa trẻ đã yên vị, người phụ nữ phóng vun vút, chở chúng về hướng quận 3. Trên đường đi, bé trai liên tục khóc thét nên bé gái phải nhiều lần dỗ dành.

Trong khi những đứa trẻ ra đường ăn xin, bà S. (người ngồi) và bà N. nghỉ ngơi trong nhà lồng chợ. Ảnh: Thuận Nhàn.
Trong khi những đứa trẻ ra đường ăn xin, bà S. (người ngồi) và bà N. nghỉ ngơi trong nhà lồng chợ. Ảnh: Thuận Nhàn.

Đến đường Điện Biên Phủ (quận 3), bà ta thả 4 đứa trẻ xuống trước Bệnh viện Bình Dân để chúng bắt đầu ngày làm việc, còn mình gửi xe trong chợ Vườn Chuối rồi cầm sấp vé số đi dạo quanh, vừa bán vừa giám sát. Ngoài chợ Vườn Chuối, người này còn đèo những đứa trẻ ra ngã tư Bốn Xã (khu vực quận Bình Tân giáp ranh quận Tân Phú) ăn xin.

Đều đặn mỗi ngày, một người phụ nữ chuyên đi xe biển số 86AF-017.31 đèo 3 đứa trẻ (1 trai, 2 gái trong đó bé gái nhỏ nhất mới được vài tháng tuổi) đến khu vực ngã tư Bốn Xã “hành nghề xin ăn từ sáng sớm. Đến nửa buổi, bé trai đang ăn xin ở góc đường Hòa Bình (phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) thì được bà này gọi vào trước cửa hàng điện máy rồi đưa cho xấp vé số mang đi bán, còn bà ngồi phía sau sạp trái cây ở góc đường Phan Anh (đối diện với chỗ bé trai) quan sát. Cứ vài phút, bà thò đầu ra theo dõi những đứa trẻ và cảnh giới.

Một người bán tạp hóa trong lồng chợ ngã tư Bốn Xã cho biết bà không nhớ nổi nhóm người Campuchia xuất hiện từ bao giờ, chỉ biết rằng ngày nào cũng thấy họ quanh quẩn tại khu vực này. Ban quản lý chợ cũng nhiều lần yêu cầu họ không nằm trên các sạp nhưng đâu lại vào đó. “Đuổi hoài mà mấy người này không đi, vì trong lồng chợ mát, có sẵn quạt, điện. Ai cũng có điện thoại thông minh, họ cứ ngồi sử dụng, còn bọn trẻ đi ăn xin”, vị này nói.

Ở giao lộ Lý Thường Kiệt - 3 tháng 2 (khu vực quận 10 giáp quận 11), còn có một phụ nữ khoảng 30 tuổi “điều hành” từ xa 3 đứa trẻ (1 trai, 2 gái) hành nghề “cái bang”, đều đặn từ trưa đến tận 21 giờ mỗi ngày.

Trưa nắng gắt ngày 11/9, chị ta mặc áo sơ mi caro ngồi núp trong tụ điện giám sát nhất cử, nhất động của nhóm trẻ. Người phụ nữ này liên tục đảo mắt quan sát và ra hiệu cho những đứa trẻ chạy vào vỉa hè khi có người quay phim, chụp hình hoặc xe của lực lượng trật tự đô thị đi qua. Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, nhóm trẻ 3 lần bỏ chạy tán loạn khi thấy xe trật tự đô thị chạy qua.

Nhóm người phụ nữ chăn dắt trẻ em ăn xin ngồi “tám chuyện” trong nhà lồng chợ. Ảnh: Thuận Nhàn.
Nhóm người phụ nữ chăn dắt trẻ em ăn xin ngồi “tám chuyện” trong nhà lồng chợ. Ảnh: Thuận Nhàn.

Trời về chiều, người phụ nữ vẫy tay ra hiệu cho bọn trẻ vào quán nước ven đường Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 11) nghỉ “giải lao”. Ngồi trên ghế nhựa, chị ta lấy lược chải đầu cho bé gái lớn, 2 đứa còn lại thì ngồi bệt xuống đất, lúi húi đếm đống tiền lẻ nhăn nhúm vừa xin được, ước chừng vài chục nghìn đồng. Đếm xong, chúng đưa tất cả cho người phụ nữ. Cận giờ xổ số, người phụ nữ móc trong túi ra xấp vé số và hối thúc những đứa trẻ mang đi bán.

Nhiều năm bán nước tại đây, bà M. (chủ tiệm nước) ngày nào cũng nhìn thấy bọn trẻ xin tiền, bán vé số. “Thấy thương” là từ bà thốt ra đầu tiên khi nói về những em bé này. “Họ là mẹ con ruột, ngày nào cũng ra đây, thường xuyên ghé quán tôi. Công an cũng vài lần đưa nhóm này lên phường nhưng vắng mấy hôm thì đâu lại vào đó”, bà M. nói.

Gần 16 giờ, người phụ nữ lấy xe máy cũ nát mang biển số 51U6-9977 chở nhóm trẻ đi về phòng trọ nằm trong hẻm trên đường Trang Tử, phường 14, quận 5. Một người dân trong hẻm trên cho biết, căn phòng mà người phụ nữ thuê có giá hơn 5 triệu đồng và có nhiều người lớn, trẻ em cùng ở. Hàng ngày, những người này ra khỏi phòng từ sớm để xin tiền, bán vé số và trở về lúc chiều tối hoặc đêm khuya. Ghi nhận, căn phòng này luôn đóng kín cửa và có nhiều đôi dép trẻ em bên ngoài.

Lộ diện thân phận

Bà S. đưa vé số cho con trai đi bán rồi vào ngồi núp sau sạp trái cây gần đó để quan sát.
Bà S. đưa vé số cho con trai đi bán rồi vào ngồi núp sau sạp trái cây gần đó để quan sát.

Một ngày cuối tháng 9, trong lồng chợ ngã tư Bốn Xã, người phụ nữ ẵm bé gái sơ sinh ngồi trên sạp thịt để trống, các vật dụng như khăn giấy, bình sữa, nước suối… nằm vương vãi xung quanh. Thấy có người đến cho bánh, sữa, bà ta hớn hở ra mặt và nói mình tên S. (38 tuổi, quốc tịch nước ngoài), còn cháu bé trên tay là con gái mình, mới sinh được 4 tháng.

Bà S. tiết lộ, chỉ cho con uống sữa một lúc rồi sẽ đưa cho con gái lớn (khoảng hơn 10 tuổi - PV) ẵm ra đường “hành nghề”. Quá quen với việc chăm em, bé gái này lấy khăn rằn quấn chéo người rồi để đứa bé nằm gọn trong lòng mình, lấy khăn mặt che gần hết khuôn mặt của em. Một tay đỡ em, một tay chìa mũ xin tiền người đi đường. Ngoài bé gái, bà S. còn có một người con khác là bé trai hay đứng ăn xin trên đường Hòa Bình, Phan Anh.

Khi được hỏi lý do sang Việt Nam, người này phân trần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên dắt díu con cái qua ăn xin, bán vé số. Nói về công việc của chồng, người này không diễn tả được bằng tiếng Việt mà chỉ lên trần nhà (đại ý làm thợ xây - PV). “Con không ngủ được nên xin người ta bật quạt (quạt cắm sẵn trên sạp thịt - PV)”, bà S. nói và thông tin người phụ nữ cùng với những đứa trẻ đi chung xe máy biển số 30L6-2940 là mẹ con.

Lúc này, một phụ nữ khác đang nằm dài, lướt điện thoại ở sạp thịt kế bên cũng ngồi bật dậy tham gia trò chuyện. Người này giới thiệu tên N. (39 tuổi, quốc tịch nước ngoài), bé gái 13 tuổi ẵm theo bé trai 5 tháng tuổi và bé gái 9 tuổi ăn xin ở ngã tư Bốn Xã là con của mình. Nhận 2 phần quà, bà N. nhanh miệng nói tiếng Việt giọng lơ lớ “3 đứa”, rồi vội đưa 3 ngón tay để ra hiệu vẫn còn thiếu một phần. Vừa lúc này, bé gái 13 tuổi ẵm em vào lồng chợ, người mẹ đưa bình sữa rồi xua tay, gằn giọng nói chúng tiếp tục ra đường làm việc.

Qua quan sát của phóng viên, bà S. chính là người đi xe máy biển số 86AF-017.31. Cùng dẫn con đi xin, bà S. và 4 người đồng hương khác tận dụng nhà lồng chợ ngã tư Bốn Xã làm nơi đậu xe, nghỉ ngơi. Trong lúc trò chuyện, nhóm bà S. đều né tránh mọi câu hỏi tại sao để con đi ăn xin, chỉ nói quanh co là chúng bán vé số rồi “người ta thấy tội nghiệp nên cho thêm tiền”…

Theo Hoàng Thuận - Nhàn Lê (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.