Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM - Kỳ 1: “Cái bang nhí” bám trụ các giao lộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hầu hết trẻ em ăn xin ở TPHCM bị “chăn dắt”, “điều hành” từ xa. Trẻ em quỳ úp mặt xin tiền làm việc 10-13 giờ/ngày, còn đối tượng “chăn dắt” ngồi mát đếm tiền.

Mỗi ngày, hàng chục trẻ em đến các giao lộ từ trung tâm đến vùng ven TPHCM ăn xin. Những đứa trẻ đen đúa đội nắng ngửa mũ xin tiền, thậm chí chúng còn quỳ úp mặt xuống lòng đường phả hơi nóng khiến người dân rủ lòng thương. Ca làm việc của đám trẻ kéo dài từ 10 đến 13 tiếng mỗi ngày.

Quỳ úp mặt xin tiền

Dưới cái nắng hơn 36 độ C trưa đứng bóng 10/8, ba đứa trẻ (2 gái, 1 trai) chân không mang dép, người đen nhẻm, quần áo xộc xệch, thất thểu đứng trước cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc nằm trên quốc lộ 1, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân. Khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang đỏ, đám trẻ vội vã chia nhau tiếp cận người đi đường và gật đầu liên tục ra hiệu xin tiền.

Bất chấp biển báo, những đứa trẻ quỳ rạp xuống đường ở cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc ăn xin. Ảnh: Thuận Nhàn
Bất chấp biển báo, những đứa trẻ quỳ rạp xuống đường ở cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc ăn xin. Ảnh: Thuận Nhàn

Bé trai trong nhóm cầm những tờ tiền lẻ trên tay, đi lại bên hông xe máy của nam thanh niên rồi quỳ rạp xuống mặt đường đang nóng hầm hập. Ở bên cạnh, một bé gái khác đi chân trần, đầu không đội mũ, hai tay chắp lại rồi quỳ lạy, đầu đụng sát mũi chân của một người đàn ông đi xe máy. Quỳ hơn 10 giây mà không thấy nam thanh niên cho tiền, bé trai đứng dậy, di chuyển sang cạnh người khác. Còn người đàn ông thấy bé gái quỳ, cúi đầu xuống sát đường giữa trưa nắng chói chang nên móc trong ví tờ 10.000 đồng ra cho. Nhận tiền xong, bé này bỏ vào túi chéo màu đen đeo trên người rồi nhanh chóng rời đi.

Bé gái 13 tuổi ẵm em ăn xin trên đường Hòa Bình. Ảnh: Thuận Nhàn
Bé gái 13 tuổi ẵm em ăn xin trên đường Hòa Bình. Ảnh: Thuận Nhàn

Sáng 26/8, ba đứa trẻ đen đúa khác cũng có mặt từ sớm trước cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc. Trong đó, bé trai lớn hơn 10 tuổi còn ẵm trên tay em nhỏ khoảng 2 tuổi. Nhóm trẻ em này len lỏi vào dòng xe và liên tục chìa mũ lưỡi trai xin tiền. Đang chăm chú nhìn đèn giao thông, một cô gái giật thót khi bé trai bất ngờ tiến sát lại rồi quỳ gối xuống đường khoảng 15 giây. Đảo mắt thấy có người quay phim, bé lớn nhất trong nhóm hớt hải ra hiệu cho cả bọn tới trụ của bảng quảng cáo gần đó đứng núp. Thỉnh thoảng, chúng thò đầu ra nhìn xem có còn bị quay phim hay không. Khi người quay phim rời đi, các bé trai ra hành nghề cho đến trưa rồi vào tiệm cơm trong khu công nghiệp ăn uống. Khoảng một giờ sau, cả nhóm tiếp tục trở lại vị trí cũ. Đến khoảng 19 giờ, nhóm này đi bộ về ngã tư Gò Mây (quận Bình Tân), cách cổng khu công nghiệp khoảng 500m. Dưới cơn mưa rả rích, hai đứa trẻ ngồi ở góc đường Nguyễn Thị Tú (phường Bình Hưng Hòa B), khi mỗi lượt người dừng đèn đỏ, chúng tiến sát tới đầu xe rồi gật đầu, chìa mũ lưỡi trai xin tiền. Các thao tác này diễn ra một cách thành thục.

Gần 2 giờ sau, trời chuyển mưa nặng hạt, nhóm trẻ chui vào gầm cầu núp. Móc đống tiền lẻ đủ mệnh giá trong túi chéo, to bằng cả 2 nắm tay, một bé trai trong nhóm đứng tỉ mẩn đếm tiền. Chúng kể đều là em trong gia đình, trong đó anh lớn nhất 15 tuổi, em trai kế nhỏ hơn một tuổi và em gái út 7 tuổi. Theo ghi nhận của phóng viên, nhóm trẻ đưa số tiền xin được cho nam thanh niên đi xe máy biển số 52S3-0782 ngồi khuất ở dưới gầm cầu vượt ngã tư Gò Mây.

Khuya 1/9, dưới màn mưa trắng xóa, 3 đứa trẻ trên mặt mũi lấm lem đứng co ro dưới gầm cầu vượt ngã tư Gò Mây sau một buổi chiều làm “cái bang” ở ngã tư này, trên tay chúng vẫn còn cầm túi kẹo vừa mua ở tiệm tạp hóa bên đường. Vài phút sau, nam thanh niên đi xe máy biển số 52S3-0782 tới rồi nhanh chóng chở cả ba di chuyển trên quốc lộ 1, hướng về vòng xoay An Lạc. Đi được hơn 3km, người này thả ba đứa trẻ xuống đường Tân Kỳ Tân Quý (phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân) rồi dựng xe máy vào góc đường, ngồi quan sát. Như một thói quen, khi vừa được thả xuống đường, những đứa trẻ chờ lúc đèn đỏ len lỏi vào dòng người, chìa mũ xin tiền. Sau một hồi cúi gập người, chúng được vài người đi đường động lòng trắc ẩn, móc ra một ít tiền lẻ đặt vào mũ. Nhận được tiền, chúng nhanh nhảu cho vào túi đeo bên người rồi bắt đầu tìm tới người khác. Khoảng 30 phút sau, đường vắng người thì nhóm trẻ rời đi, kết thúc một ngày đội nắng đội mưa ăn xin.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH TPHCM, trong 5 tháng đầu năm 2024, các đơn vị của Sở này tiếp nhận 697 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác. Trung bình mỗi tháng, TPHCM tiếp nhận gần 140 trẻ em, người lang thang xin ăn.

“Giăng lưới” người đi đường

Cách đó khoảng 8km, tại ngã tư Bốn Xã (giáp quận Bình Tân và Tân Phú) có khoảng 10 trẻ em ăn mặc tươm tất hơn, được 4 người phụ nữ (35-40 tuổi) chăn dắt, cùng nhau hoạt động tại các tuyến đường Hòa Bình, Phan Anh, Thoại Ngọc Hầu, Bình Long, Hương Lộ 2 và Lê Văn Quới.

Ở góc đường Phan Anh (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), một bé gái khoảng 10 tuổi ẵm theo em nhỏ và một bé trai đi xen vào dòng xe dừng chờ đèn đỏ. Thấy người đàn ông đi xe máy mặc quần dài màu xanh (giống màu sắc phục của lực lượng công an), bé gái hốt hoảng bỏ chạy và hô “Công an, công an kìa” ra hiệu cho bé trai còn lại cùng bỏ chạy vào vỉa hè, núp phía sau cửa hàng điện máy, dáo dác nhìn xung quanh. Khi đèn xanh trở lại, chúng thấy không có gì bất thường nên tiếp tục lao ra đường ăn xin.

Chiều tan tầm 15/9, những đứa trẻ này tiếp tục xuất hiện ăn xin trên đường Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Như thường lệ, bé gái địu em bé bằng chiếc khăn rằn, trên tay kẹp theo bình sữa. Lúc 16 giờ 50, bé trai được người đi đường cho 20.000 đồng nên mừng rỡ, vội vàng chạy đến khoe với chị.

Ăn xin ngay bảng cấm

Tại ngã tư Gò Mây, cổng khu công nghiệp Vĩnh Lộc đều đặt bảng của UBND phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân) có nội dung “Ngăn chặn tình trạng chăn dắt, lợi dụng người ăn xin nơi công cộng để thu lợi bất chính” nhưng tình trạng trẻ em ăn xin vẫn diễn ra và chưa thấy chính quyền địa phương xử lý.

Cũng tại đường này, trưa đứng bóng 17/9, bé gái 13 tuổi đi chân trần, một tay cầm nón lá, bên trong có một mũ lưỡi trai, tay còn lại ẵm em đi xen lẫn vào dòng xe dừng chờ đèn đỏ. Khi đèn tín hiệu chuyển sang màu xanh, bé này ngồi trên vỉa hè và không quên chìa nón lá có vài tờ tiền lẻ, hướng ra ngoài để người đi đường có thể bỏ tiền vào. Thấy em bé ọc sữa trên miệng, bé gái này liền lấy khăn từ túi chéo ra lau cho em. Cách đó vài mét, một bé gái khác ngồi trước cửa nhà dân, một tay ẵm em, tay còn lại cầm bình sữa cho em bú. Kế bên, còn có một bé gái đang cầm nón lá quay ngược vào người và ngồi cặm cụi đếm tiền.

Ghi nhận, nhóm trẻ này hoạt động từ sáng sớm đến tối mịt. Buổi trưa, chúng được những người phụ nữ mua cơm hộp cho ăn hoặc ăn thức ăn mà người đi đường cho. Sau đó, cả nhóm lại đứng đường xin tiền, mặc cho trời nắng hay khói bụi.

(Còn tiếp)

Theo Hoàng Thuận - Nhàn Lê (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.