Ngành Giáo dục trên những chặng đường phát triển

Kỳ 1: Nhanh chóng ổn định trường lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 2 cuộc kháng chiến, Đảng, Nhà nước quan tâm phát triển giáo dục với chủ trương, mọi hoạt động giáo dục cần đáp ứng các yêu cầu của kháng chiến, kiến quốc.

Khi đất nước thống nhất, sự nghiệp giáo dục cả 2 miền Bắc-Nam cùng hướng đến mục tiêu đào tạo lớp người mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới. Trong dòng chảy chung ấy, ngành Giáo dục Gia Lai từng bước ổn định và phát triển.

Cuộc vận động “Ánh sáng văn hóa”

Sau ngày thống nhất đất nước (1975), cùng với các hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh, Đảng và Nhà nước chủ trương nhanh chóng ổn định và phát triển giáo dục ở miền Nam và thống nhất sự nghiệp giáo dục trong cả nước. Sau khi sáp nhập 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum, lãnh đạo Ty Giáo dục đã nhanh chóng triển khai nhiệm vụ ổn định tổ chức trường lớp, phát triển các ngành học theo sự chỉ đạo thống nhất trên cả nước. Bấy giờ, số học sinh phổ thông (sau sáp nhập tỉnh) có gần 70.000 em với 2.263 giáo viên các cấp (trong đó, riêng Gia Lai có gần 57.000 học sinh và 1.631 giáo viên).

Sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Nghị quyết về giáo dục đã xác định: “Giáo dục phổ thông là nền tảng văn hóa của một nước, là sức mạnh tương lai của dân tộc; nó đặt những cơ sở ban đầu rất quan trọng cho sự nghiệp phát triển toàn diện của con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Cần sớm xóa mù chữ ở vùng mới giải phóng, ở miền núi và ở các miền dân tộc ít người. Bảo đảm cho tất cả thanh niên, thiếu niên được học đầy đủ bậc phổ thông cơ sở, từng bước đạt bậc phổ thông trung học, được hưởng những điều kiện bình đẳng trong học tập và phát huy năng khiếu”.

Đây là nghị quyết về giáo dục đầu tiên của Đảng trong điều kiện đất nước đã thống nhất, tạo nền tảng cho việc thực hiện cải cách giáo dục một cách triệt để, làm định hướng cho nội dung chương trình và phương pháp giáo dục thống nhất từ Bắc đến Nam.

123-8634.jpg
Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm một trường học ở Pleiku năm 1975 (ảnh tư liệu).

Sau năm 1975, tỉnh Gia Lai-Kon Tum triển khai cuộc vận động “Ánh sáng văn hóa” trên tinh thần “Đền ơn đáp nghĩa” đối với đồng bào vùng căn cứ cách mạng, nâng cao quyết tâm xóa mù chữ ở các tỉnh miền núi do Bộ Giáo dục và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động. Toàn tỉnh tổ chức lực lượng giáo viên xung phong lên miền núi, phối hợp với lực lượng giáo viên tại chỗ mở các lớp bình dân học vụ, xóa mù chữ cho người dân lao động trong độ tuổi.

Phong trào xóa mù chữ và bổ túc văn hóa được mở rộng khắp các buôn làng. Đồng thời, tỉnh thành lập 2 trường theo hình thức vừa học vừa làm để thu hút con em các dân tộc thiểu số vào học tập và rèn luyện. Đó là Trường Thanh niên Lao động xã hội chủ nghĩa Đê Pa và Trường Thanh niên Dân tộc vừa học vừa làm Đăk Tô.

Cùng với đó, khuyến khích các huyện mở trường vừa học vừa làm ở địa phương. Mặt khác, mở các trường bổ túc văn hóa cấp tỉnh và các huyện, thị để nâng cao trình độ cho cán bộ, chiến sĩ. Đối với học sinh phổ thông, tổ chức các trường nội trú và bán trú ở vùng dân tộc ít người, nhất là hình thức bán trú dân nuôi, có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Đến năm 1978, tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã hoàn thành chiến dịch “Ánh sáng văn hóa” với gần 95% dân số trong độ tuổi được thanh toán nạn mù chữ. Hầu hết cán bộ xã, thôn ở vùng dân tộc ít người đã thoát nạn mù chữ và tiếp tục học bổ túc văn hóa. Hệ thống trường phổ thông phát triển rộng khắp các vùng căn cứ cách mạng và vùng kinh tế mới. Năm học 1977-1978, toàn tỉnh có gần 98.000 học sinh phổ thông, tăng gần 20% so với năm học 1975-1976, trong đó có hơn 40.000 học sinh dân tộc ít người.

Năm học 1979-1980, tỉnh thành lập Trường Hữu nghị Việt-Lào, tiếp nhận hàng trăm học sinh Lào sang học cấp II, cấp III và học chuyên nghiệp. Năm 1982, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai-Kon Tum cử một nhóm chuyên gia sang tỉnh Attapeu (Lào) để giúp bạn khảo sát, lập phương án xây dựng trường vừa học vừa làm theo mô hình của nước ta. Đối với một số vùng biên giới giáp Campuchia, một số gia đình kiều bào qua nước ta xin lánh nạn bọn Pol Pot, chúng ta cũng tạo điều kiện mở trường lớp, cử giáo viên đến giảng dạy cho con em họ.

Trong 10 năm đầu phát triển giáo dục (1975-1985), trường lớp đã từng bước đi vào nền nếp, tốc độ phát triển nhanh và đều khắp; các ngành học đã bắt nhịp được với phong trào chung của cả nước, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên. Từ năm 1986 đến 1990, công tác quản lý ngành Giáo dục có sự thay đổi từ trung ương đến địa phương để phù hợp với tình hình mới.

Bộ Giáo dục sáp nhập với Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, trong đó có Tổng cục Dạy nghề và sau cùng sáp nhập một bộ phận Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em. Năm 1990, Bộ Giáo dục đổi tên thành Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và cấp tỉnh là Sở GD-ĐT.

Trường ra trường, lớp ra lớp

Năm học 1990-1991, toàn tỉnh có 307 trường, 4.112 lớp với 118.734 học sinh. Bên cạnh sự đầu tư từ ngân sách nhà nước thì người dân và các lực lượng xã hội đã đóng góp xây dựng 2.000 phòng học và trang bị hàng ngàn bộ bàn ghế học sinh. Đồng thời với các biện pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào “Thầy ra thầy, dạy ra dạy; trò ra trò, học ra học; trường ra trường, lớp ra lớp”.

Toàn ngành tăng cường nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm giáo dục tiên tiến. Trong 5 năm (1986-1990), toàn tỉnh có hơn 400 cán bộ được đào tạo đại học tại chức các ngành kinh tế và quản lý; 542 cán bộ học trung học kinh tế và 336 người học trung cấp nông nghiệp; 563 người học trung học y-dược; đào tạo được 2.000 giáo viên các cấp, 1.400 công nhân kỹ thuật…

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, ngành Giáo dục tỉnh nhà xuất hiện một số khó khăn cơ bản làm ảnh hưởng đến chất lượng toàn diện, đặc biệt là tình hình đời sống khó khăn, nhiều giáo viên đã bỏ dạy, tìm việc làm khác để sinh sống; tỷ lệ giáo viên đào tạo cấp tốc, giáo viên chưa đạt chuẩn còn khá nhiều.

Việc đào tạo lại và chuẩn hóa số giáo viên này còn là vấn đề nan giải. Tại các vùng khó khăn, tỷ lệ bỏ học nửa chừng khá cao. Chất lượng giáo dục ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khá thấp… Cơ sở vật chất trường lớp ở nhiều nơi còn thiếu thốn, tạm bợ, không đáp ứng được yêu cầu dạy và học…

Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy đã mở hội nghị chuyên đề về công tác giáo dục ở địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn. Từ đây, tỉnh đã có chủ trương trợ cấp khó khăn cho giáo viên; đồng thời nâng chế độ sinh hoạt phí cho học sinh các trường dân tộc nội trú. Tỉnh xây dựng “Quỹ phát triển giáo dục” ở 3 cấp để hỗ trợ các hoạt động GD-ĐT. Thực hiện chính sách thu một phần học phí tại một số trường ở đô thị, những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội; phát triển và thành lập trường THPT bán công ở thị xã Pleiku…

mot-lop-pho-thong-o-dak-to-sau-ngay-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc-anh-tu-lieu-9304.jpg
Một lớp phổ thông ở Đăk Tô sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh tư liệu

Phát triển GD-ĐT đối với các vùng dân tộc thiểu số, đối tượng thanh-thiếu niên dân tộc luôn được chú trọng và có chính sách ưu tiên, đặc biệt là vùng căn cứ cách mạng, vùng sâu, vùng xa. Mở rộng, đầu tư các trường bổ túc văn hóa tập trung cấp huyện, tỉnh và vận động các đối tượng là cán bộ cơ sở phải hoàn tất chương trình cấp I, cấp II và một số học lên cấp III.

Thời kỳ này, ngành GD-ĐT tỉnh đã chú trọng đến xây dựng các trường nội trú dân tộc và phát triển hình thức bán trú dân tộc ở các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Việc tổ chức tốt công tác nội trú và bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số góp phần duy trì số lượng học sinh đi học thường xuyên cao, hạn chế học sinh bỏ học nửa chừng. Nhiều điểm sáng trong các trường lớp nội trú, bán trú ở khắp các địa phương trong tỉnh được Bộ chủ quản khuyến khích và đánh giá cao, trong đó nhiều trường phổ thông bán trú dân nuôi ở huyện Đăk Tô được tuyên dương.

Ngành GD-ĐT quan tâm dạy song ngữ ở các trường phổ thông vùng dân tộc Jrai, Bahnar và xác định rõ mục tiêu là nâng cao dân trí, bảo tồn và phát huy giá trị ngôn ngữ các dân tộc thiểu số và bản sắc văn hóa dân tộc.

Ngành GD-ĐT còn phối hợp với Ban Giáo dục dân tộc (Bộ GD-ĐT) có phương án và lộ trình tiến hành từng bước. Sau khi triển khai thí điểm chương trình song ngữ Jrai-Việt, Bahnar-Việt đến lớp 3 ở một số trường tiểu học, ngành GD-ĐT đã nghiên cứu chỉnh lý và biên soạn sách giáo khoa để dạy học đại trà cho học sinh dân tộc ở các huyện, thị xã.

Theo đánh giá sơ bộ, chương trình song ngữ Jrai-Việt, Bahnar-Việt đã đáp ứng được yêu cầu rèn luyện kỹ năng thực hành giao tiếp, giúp các em mở rộng hiểu biết về văn hóa của dân tộc mình, bồi dưỡng tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh và góp phần rèn luyện tư duy, từ đó học tốt tiếng Việt và các môn khác ở bậc phổ thông.

Tuy trong giai đoạn này, ngành Giáo dục còn bộc lộ một số hạn chế do các yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng trước xu thế đổi mới theo tinh thần nghị quyết của Đảng, hệ thống GD-ĐT trong cả nước từng bước đi vào ổn định, xã hội hóa, đa dạng các loại hình đào tạo, chú trọng đi sâu vào chất lượng toàn diện; ở những vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số như tỉnh Gia Lai-Kon Tum đã có sáng tạo với nhiều hình thức đào tạo và phương pháp giáo dục đặc thù, đem lại hiệu quả tốt hơn.

-------------------------

(*) Bài viết có tham khảo một số tài liệu

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.