Gặp 'dị nhân' sáng chế máy nông nghiệp '23 trong 1'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tạ Đình Huy không được đào tạo qua trường lớp chế tạo máy, nhưng bằng bàn tay tài hoa, khối óc sáng tạo và sự kiên trì, anh đã sáng chế nhiều loại máy nông nghiệp đa chức năng, giá thành rẻ phục vụ nông dân.

Máy nông nghiệp “23 trong 1”

Tôi đến xưởng của nhà sáng chế Tạ Đình Huy (42 tuổi) ở xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ, Hà Nội trong tiếng búa, tiếng khoan, hàn của công nhân loảng xoảng, tiếng thử động cơ máy nông nghiệp vang cả một vùng. Còn Huy say sưa với những bản thiết kế cải tiến, nâng cấp chức năng cho những chiếc máy nông nghiệp của mình.

Vừa giới thiệu cho tôi chiếc máy nông nghiệp được tích hợp 23 chức năng (cày đất, tạo luống, phay đất, bừa, bơm nước, tạo hàng gieo hạt, làm cỏ vườn, đào bồn cà phê, đảo phân vi sinh, phun thuốc bảo vệ thực vật, phát điện, đào hố trồng cây…) Huy vừa chia sẻ: “Mình sáng tạo ra các loại máy không phải để lấy thành tích mà làm vì bà con nông dân, vì cuộc sống gia đình và đam mê của bản thân”.

di-nhan-4625.jpg
Tạ Đình Huy luôn tìm tòi sáng chế ra các máy nông nghiệp với nhiều chức năng

Anh Huy bắt đầu sáng chế từ năm 2005. Chiếc máy nông nghiệp ban đầu anh sáng chế chỉ có những chức năng đơn giản như làm đất, bơm nước và phun thuốc bảo vệ thực vật. Máy được chế từ khung sườn, động cơ của xe máy đã bỏ đi. Máy dù đơn giản, nhưng hoạt động rất hiệu quả trong khâu làm đất, bơm nước và phun thuốc.

“Chiếc máy này sau một thời gian sử dụng, tôi đã bán lại cho người hàng xóm với giá 1,6 triệu đồng. Sau đó, nhiều người dân lân cận biết đã đến đặt hàng và tôi mở rộng sản xuất”, anh Huy nói.

Không tự hài lòng với chính mình, Tạ Đình Huy tiếp tục mày mò cải tiến, hoàn thiện dần sản phẩm. Anh mong muốn sáng chế ra các máy nông nghiệp tiết kiệm được chi phí, dễ sử dụng và phù hợp với lối canh tác của bà con nông dân ở đồng bằng cũng như miền núi.

Từ trăn trở đó, anh Huy đã sáng chế ra một chiếc máy nhiều chức năng, nhưng chỉ sử dụng một động cơ, vừa tiết kiệm chi phí, lại cơ giới hóa được hết công việc. Bởi vậy, từ chiếc máy cồng kềnh, thô sơ, hoạt động hạn chế ở các địa hình ban đầu, năm 2014, Huy cho ra đời chiếc máy 8 chức năng, và đến nay có tới 23 chức năng khác nhau. Tùy theo nhu cầu của người dùng, tùy từng loại địa hình, khách hàng có thể lựa chọn từ 1 đến toàn bộ 23 chức năng.

Nhìn lại chặng đường gần 20 năm, với niềm đam mê sáng chế, anh Huy đã có hàng chục loại máy nông nghiệp. Mỗi năm, cơ sở sản xuất của anh đưa đến tay người nông dân hơn 1.000 sản phẩm. Trong đó, nhiều nông dân nước bạn Lào đã tìm đến mua máy nông nghiệp của Huy, mang về nước bán hoặc sử dụng.

Ngoài máy nông nghiệp đa năng, Huy còn đưa ra thị trường nhiều loại máy khác nhau như: máy chăm sóc cây chè, máy làm cỏ rau, máy tạo hàng hỗ trợ cho người trồng hoa ly, máy đào mương, máy phun thuốc cho cây thanh long, máy cấy lúa, xe rùa máy, máy xay cây… Giá mỗi chiếc dao động từ 8 đến trên 20 triệu đồng. “Với giá thành của mỗi chiếc máy, lợi nhuận không nhiều, chủ yếu tôi nghiên cứu làm ra giúp người nông dân được nhàn hơn”, Huy bộc bạch.

Nghèo khó, ló nhân tài

Huy sinh ra trong gia đình nghèo, bố mất sớm, một mình mẹ tần tảo chân lấm tay bùn nuôi các con khôn lớn. Chính sự vất vả của mẹ đã nuôi niềm đam mê, ý chí của Huy quyết trở thành người sáng chế máy nông nghiệp giá rẻ phục vụ người nông dân.

2dinhan-4007.jpg
Chiếc máy nông nghiệp đa năng của Tạ Đình Huy đưa đến tay người tiêu dùng

Anh Huy không thi vào đại học mà đi học nghề sửa chữa xe máy để kiếm kế sinh nhai phụ giúp mẹ nuôi các em. Quá trình làm nghề sửa chữa xe máy, Huy chưa bao giờ từ bỏ đam mê nghiên cứu những thiết bị máy móc phục vụ nông nghiệp. Cứ thế, ngày sửa xe máy cho khách, đêm lại chong đèn mày mò nghiên cứu, lên mạng học hỏi cách chế tạo máy nông nghiệp. Không biết bao đêm, Huy thức trắng, cùng hàng trăm bản vẽ đã bị ném đi.

Nhiều người không tin một cậu trai làng không có bằng cấp gì có thể làm nên chuyện. “Nhiều người thân, hàng xóm bảo tôi bị điên, dở người, một chữ bẻ đôi không biết, đòi sáng chế máy nọ, máy kia”, Huy nói về những ngày đầu bập vào sáng chế và cho biết, chỉ có mẹ tin cậu con trai của mình có thể làm được và ủng hộ tuyệt đối để anh cháy với đam mê.

Quá trình hoàn thiện chiếc máy không phải là quãng thời gian dễ dàng với Huy. Là người không qua bất kỳ lớp đào tạo nào về cơ khí, chế tạo máy, Huy sản xuất máy nông nghiệp với kiến thức về nghề sửa xe máy. Phải mất nhiều thời gian, làm đi, làm lại nhiều lần mới ra được một sản phẩm hoàn chỉnh. “Người được đào tạo cơ bản, có chuyên môn, công việc chế tạo sẽ đơn giản. Còn mình phải mày mò từng tý mới đi đến thành công”, Huy cho hay.

Giờ đây người dân đã dành cho Huy sự nể phục và người hạnh phúc nhất là người mẹ của Huy. Bà rất tự hào vì con mình biết vượt qua những khó khăn, vất vả và thất bại để vươn lên. “Mình nghĩ khi con người ta bị đặt vào một hoàn cảnh khó khăn, mới phát lộ hết những khả năng tiềm ẩn trong người. Nếu như mình đi học đại học chưa chắc đã làm được điều này” anh Huy chia sẻ.

Từ những chiếc máy đầu tiên, cho đến chiếc máy hiện tại Huy đều mày mò dựa trên những nhu cầu thực tế của bà con nông dân. Huy muốn người nông dân không phải vất vả, chân lấm tay bùn nữa. Hiện nay, Huy đang nghiên cứu áp dụng công nghệ, sản xuất các máy nông nghiệp tự động hóa, được điều khiển qua phần mềm cài đặt trên máy tính hoặc điện thoại thông minh.

Giờ đây, công việc của anh không chỉ là thỏa mãn niềm đam mê của cá nhân. Xưởng cơ khí mang tên Huy giờ là nơi giải quyết việc làm thời vụ cho hơn 20 công nhân, trong đó 15 lao động thường xuyên với mức lương ổn định. Huy còn là người hướng dẫn cho nhiều thanh niên trong xã có đam mê ngành cơ khí.

“Tôi sinh ra từ ruộng đồng. Tôi biết người nông dân cần gì và tôi cần phải làm gì giúp người nông dân đỡ vất vả hơn. Vì vậy, tùy theo nhu cầu của người nông dân, tôi tìm tòi nâng cấp các tính năng cho những chiếc máy nông nghiệp” - Anh Tạ Đình Huy

Từ việc sáng chế những chiếc máy nông nghiệp đa năng giúp tăng năng suất sản xuất cho người nông dân, Tạ Đình Huy giành được nhiều giải thưởng như: Giải nhất cuộc thi “Nhà sáng chế” của Đài Truyền hình Việt Nam; 1 trong 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Định Của; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “người tốt, việc tốt” và vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2017; năm 2019, đoạt giải thưởng Nhà khoa học của nhà nông; năm 2023, đoạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Hà Nội...

Theo Viết Hà (TPO)

Có thể bạn quan tâm

'Báu vật' của làng

'Báu vật' của làng

Hàng chục cây kơ nia trăm năm tuổi được người dân ở Bình Định ví như 'báu vật' được bảo vệ qua nhiều thế hệ. Địa phương đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng kơ nia này thành rừng cây di sản VN.

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Trường Sa: Vững vàng nơi đầu sóng - Kỳ IV: “Điểm tựa” cho ngư dân vươn khơi bám biển

Cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và bảo đảm an ninh trên biển, thời gian qua, công tác dân vận luôn được cán bộ, chiến sĩ trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa quan tâm triển khai hiệu quả, thực sự trở thành “điểm tựa” vững chắc để ngư dân an tâm vươn khơi bám biển.

Hai lần trinh sát Trường Sa

Hai lần trinh sát Trường Sa

Trong chiến dịch giải phóng Trường Sa năm 1975, những người lính đặc công Đoàn 126 nói, họ tin tưởng hoàn toàn việc chuyên chở cho những con tàu của Đoàn 125, vốn nhiều năm dày dạn trên hành trình đường mòn Hồ Chí Minh trên biển.

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Xóm Mồ Côi không còn 'mồ côi'

Ở rìa TP.Hội An (Quảng Nam) có một xóm nhỏ với cái tên thật lạ: xóm Mồ Côi. Xóm chỉ mấy nóc nhà nhưng có tới 12 liệt sĩ, bao gồm 2 Anh hùng LLVT nhân dân, hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

Chuyện những người đam mê đờn ca tài tử

(GLO)- Ở một “sân khấu” nhỏ trong căn nhà tại tổ 2 (phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai), những bài ca cổ vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước vẫn thường xuyên được cất lên bởi những người đam mê loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng vùng Nam Bộ.

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

Thung lũng Ia Drăng: Ngày ấy, bây giờ

(GLO)- Nói đến thung lũng Ia Drăng, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến nơi ghi dấu trận thắng Mỹ đầu tiên của quân và dân ta ở Tây Nguyên. Nửa thế kỷ sau ngày đất nước thống nhất, vùng chiến địa năm xưa đang từng ngày “thay da, đổi thịt”.

50 năm vẹn nguyên ký ức

50 năm vẹn nguyên ký ức

Ở tuổi 83, cơ thể chằng chịt vết thương của những trận đánh sinh tử, nhưng ký ức về trận đánh cuối cùng tiến về Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vẫn vẹn nguyên trong trái tim, mãi mãi khắc ghi trong máu thịt Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh....

Những người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

E-magazineNhững người trẻ dân tộc thiểu số đong đầy tình yêu buôn làng-Kỳ 1: Bệ phóng cho những ước mơ

(GLO)- Đồng hành cùng sự sáng tạo, đổi mới của người trẻ, các tổ chức Đoàn-Hội trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ là điểm tựa vững chắc mà còn trở thành bệ phóng, giúp họ tự tin bứt phá, vượt qua giới hạn bản thân và lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc sâu rộng trong cộng đồng.