Nơm nớp trong nhà cổ phố Hội

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hàng chục di tích thuộc diện nhà cổ ở Hội An xuống cấp nghiêm trọng. Người dân nơm nớp trong những ngôi nhà rệu rã, càng lo hơn khi mùa mưa bão đang tới.

Ông Võ Văn Hội và người thân ở trong ngôi nhà cổ xuống cấp nhiều năm nay
Ông Võ Văn Hội và người thân ở trong ngôi nhà cổ xuống cấp nhiều năm nay

Sống khổ trong di tích

Ngôi nhà của ông Võ Văn Hội (60 tuổi) ở địa chỉ 56/10 Lê Lợi, phường Minh An, TP Hội An (Quảng Nam) đã xuống cấp nghiêm trọng. Hiện, ông cùng với mẹ già sống trong ngôi nhà rộng chừng 50m2 này đã được chằng chống đủ kiểu.

Ông Hội cho hay, nhà được xây dựng cách đây 200 năm, ông là thế hệ thứ 5 tiếp nối kế thừa. Qua thời gian, nhà xuống cấp ngày một nghiêm trọng. Tường nứt, trụ, đòn tay bị mối mọt đục mục ruỗng, mái ngói âm dương thủng lỗ chỗ khiến ngày mưa lại giăng chậu hứng nước khắp nơi. “Vết thủng xuất hiện ngày một nhiều. Mưa xuống lấy thau hứng chỗ này thì lại lòi chỗ khác thấm dột, nước lênh láng cả nhà, nên giờ mái nhà cả bốn góc đều được giăng bạt”, ông Hội thở dài.

Dấu hiệu xuống cấp của ngôi nhà xuất hiện cả chục năm nay. Sau mùa mưa bão 2013, một số trụ, đòn tay bằng gỗ trước hiên và bên trong nhà đã bị mối mọt đục. Sau đó, đơn vị quản lý di tích trong khu phố cổ đã cử lực lượng phụ trách trùng tu đến dùng gỗ gia cố. Tuy vậy, các giải pháp chống đỡ chỉ mang tính tạm thời, nhìn ngôi nhà rệu rã, chắp vá khắp nơi khiến ông cám cảnh, nơm nớp khi trú ngụ trong di tích này.

“Vết thủng xuất hiện ngày một nhiều. Mưa xuống lấy thau hứng chỗ này thì lại lòi chỗ khác thấm dột, nước lênh láng cả nhà, nên giờ mái nhà cả bốn góc đều được giăng bạt”.

Ông Võ Văn Hội

Gia đình chị Lương Thị Huyền Trang sống ngôi nhà số 76/18 Trần Phú, phường Minh An cũng trong cảnh nhấp nhổm khi mùa mưa bão đến khi ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi xuống cấp. Chị cho biết, vợ chồng chị đã là đời thứ 4 thừa kế di tích này. Mấy năm nay, ngôi nhà xuống cấp nghiêm trọng. Những cây đòn tay bị mối mọt đục khoét, bốn bức tường xuất hiện chi chít vết nứt. Từ năm 2012, chính quyền thành phố đã hỗ trợ gia đình thực hiện việc chống đỡ các trụ gỗ mục ruỗng. Còn các đòn tay ốp sát mái nhà theo thời gian bị mối đục rỗng. Ba năm trước, đơn vị quản lý di tích có cử người đến đặt hàng chục trạm nhử mối. Tuy nhiên, chứng kiến ngôi nhà tránh nắng che mưa của gia đình rệu rã từng ngày, vợ chồng chị cùng 2 con không khỏi bất an.

Nhà cổ xuống cấp
Nhà cổ xuống cấp

Chủ nhân căn nhà số 23 đường Tiểu La (phường Minh An, TP. Hội An) cũng sống thấp thỏm trong ngôi nhà cổ xuống cấp nhiều năm nay. Ngôi nhà của ông Dương Thanh Cường (70 tuổi) cùng 5 người thân đang sinh sống. Ông Cường cho hay, ngôi nhà 70 năm tuổi này của gia đình được xếp vào di tích loại 4. Mấy chục năm hứng chịu thiên tai cùng sự bào mòn của thời gian, căn nhà giờ quá ọp ẹp. Bốn bức tường xuất hiện vết nứt chằng chịt, có chỗ bong tróc vôi vữa. Các đòn tay cũng mục nát, chống đỡ trong thế yếu ớt. Ngước lên trên, hầu hết phần mái ngói âm dương bị vỡ, lộ ra nhiều khoảng trống, ông Cường phải dùng tấm bạt giăng dưới mái ngói để che nắng mưa, trông rất tạm bợ. Cầu thang gỗ dẫn lên căn gác nhỏ ọp ẹp, mỗi lần bước lên là rón rén bởi giẫm lên tấm gỗ mục nát sắp gãy sập.

“Nhà quá rệu rã rồi, mùa mưa gió thì đang đến, tôi lo sợ với hiện trạng này sẽ khó mà trụ nổi và có thể đổ sập bất cứ lúc nào”, ông nói. Phương án trùng tu được đề cập, chính quyền địa phương đã cho người đến khảo sát và đề nghị hỗ trợ kinh phí tu bổ. Tuy nhiên, theo tính toán, để tu bổ căn nhà phải tốn đến vài tỷ đồng, Nhà nước hỗ trợ 40 - 60%, còn lại chủ di tích góp thêm. Nhưng, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, kham không nổi số tiền lớn cực chẳng đã sống mòn trong di tích xuống cấp.

“Hầu hết các di tích này thuộc sở hữu đa chủ thể, cha mẹ mất đi để lại nhà cho anh em, người ở nơi này người nơi khác nên không ai có tiếng nói quyết định để tu bổ cho nên nhiều khi thành phố phải cưỡng chế để chống đỡ đảm bảo an toàn. Tiền trùng tu không thiếu nhưng những ngôi nhà này thì chủ thể của họ không thống nhất, cái này về mặt dân sự mình không can thiệp được, chỉ vận động họ thôi. Có nhiều nhà sắp sập rồi nhưng cũng không sửa”.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An

Hỗ trợ tối đa có thể

Thống kê của ngành chức năng Hội An, hiện có 36 nhà cổ trong tổng số hơn 1.000 di tích thuộc diện nhà ở đã xuống cấp. Trong đó, 10 nhà cổ xuống cấp nghiêm trọng, 17 nhà cổ xuống cấp nặng, 9 nhà cổ xuống cấp nhẹ. Đánh giá kỹ thực trạng, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đề xuất phương án chống đỡ đối với 25 di tích (chủ di tích tự chống đỡ bổ sung), đề nghị hạ giải hạng mục của 11 di tích (vì xuống cấp rất nghiêm trọng, không còn giải pháp khả thi để tiếp tục chống đỡ).

Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho hay, hằng năm công tác khảo sát, rà soát thực tế di tích để có phương án tu bổ thích hợp.

Ông Dương Thanh Cường với ngôi nhà cổ chằng chịt vết nứt
Ông Dương Thanh Cường với ngôi nhà cổ chằng chịt vết nứt

Trước đây, theo dự án tu bổ khẩn cấp thì những nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân, ngoài việc Nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu (tỷ lệ từ 40 - 70%), nếu chủ nhà gặp khó khăn không đủ kinh phí đối ứng thì Nhà nước sẽ cho vay. Phương thức cho vay cụ thể 3 năm đầu tiên vay không lãi suất, sau đó chủ nhà hoàn trả dần. Hiện nay có cơ chế hỗ trợ từ 40 - 75%. “Với những hộ có nhà cổ xuống cấp nhưng không có khả năng xoay xở số tiền đối ứng (25 - 60% kinh phí còn lại - PV) thì đơn vị đề xuất chủ trương hỗ trợ 100% kinh phí cho các di tích có giá trị, hiện đã đề xuất đối với 2 di tích nhà cổ”, ông Ngọc nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho rằng, đa số các di tích nhà cổ xuống cấp hiện nay chưa được tu bổ sửa chữa đều là di tích thuộc sở hữu đa chủ thể, mang tính chất thừa kế của cha mẹ anh em nhưng không thống nhất được với nhau để tu bổ dù được hỗ trợ.

Theo Hoài Văn (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.