Mở bảo tàng để lan tỏa câu chuyện văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sau hơn 20 năm lặn lội ngược xuôi sưu tầm, ngày xác lập kỷ lục là Người sở hữu bộ sưu tập ấn phẩm, vật phẩm liên quan đến “Truyện Kiều” nhiều nhất Việt Nam, ông Trần Hữu Tài (50 tuổi, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh) thật sự xúc động.

Và rồi, cách đây vài tháng, nhà sưu tầm này quyết định mở cửa bảo tàng tư nhân mang tên CSO Gallery tại thành phố Hội An (Quảng Nam) để chia sẻ nét đẹp của “Truyện Kiều” và câu chuyện văn hóa, di sản với cộng đồng.

untitled-6312.png

Mở cửa đón khách

Bạn bè luôn thắc mắc, chủ yếu sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh sao lại chọn mở bảo tàng tại Hội An, ông Tài hay nói đùa “Vì đi xa thành phố mới có thêm kinh phí làm nhiều điều hay”. Nhưng mục đích của ông không giản đơn như thế. Chọn Hội An vì nơi đây có nhiều du khách quốc tế và du khách trẻ, ông Tài muốn lan tỏa những câu chuyện đẹp về văn hóa, di sản Việt đến bạn bè năm châu. Ấn tượng nhất với khách tham quan trong số hơn 20 nghìn vật phẩm thuộc 77 bộ sưu tập giá trị tại bảo tàng này chính là không gian trưng bày các ấn phẩm, vật phẩm liên quan “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du.

Ông Tài hiện lưu giữ 1.630 ấn bản “Truyện Kiều” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Trong đó, nhiều bản phải kỳ công lắm mới có thể sở hữu. Ngoài ra, còn có khoảng 600 ấn phẩm, vật phẩm khác liên quan đến “Truyện Kiều” như bài viết, tranh ảnh, đồ gốm… được sưu tầm suốt thời gian qua. Có những cuốn sách quý lâu ngày xuống cấp, ông đưa đi phục dựng thật đẹp rồi về trưng bày theo từng cụm, giới thiệu rõ ràng bằng thông tin đính kèm cùng phần trình bày súc tích của thuyết minh viên. Ông không đưa cả bộ sưu tập đến đây mà chọn lọc những ấn phẩm, vật phẩm tiêu biểu, độc đáo, có câu chuyện đi kèm để khách tham quan dễ tiếp cận, nhớ lâu.

Ngoài bộ sưu tập “Truyện Kiều” và bộ sưu tập tem linh vật ngựa của 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nổi tiếng trong giới sưu tầm, bảo tàng của ông Tài còn có nhiều không gian trưng bày độc đáo như bộ sưu tập tiền xu, tiền giấy cổ của Việt Nam và các quốc gia, bộ sưu tập tem về Chủ tịch Hồ Chí Minh, bộ sưu tập tem in đè và nhiều vật phẩm do ông sáng tạo ra. Ngay từ khi mở cửa, ông Tài đã mời giáo viên, người làm giáo dục tại các trường học trên địa bàn thành phố Hội An và thành phố Đà Nẵng đến trải nghiệm miễn phí. Ông muốn họ biết rằng, giờ đây đã có thêm một không gian hữu ích để các thầy trò, người yêu văn hóa, lịch sử Việt Nam, muốn khám phá thế giới có thể tìm đến tham quan. Ông cũng dành tặng nhiều trường đại học những tour tham quan “0 đồng” cho sinh viên. “Đi ngang qua, nhiều người sẽ không biết bên trong bảo tàng có gì thú vị. Chi bằng mình mở cửa thật to mời mọi người vào trải nghiệm, rồi họ sẽ thấy ở đây lưu giữ nhiều điều giá trị về văn hóa, lịch sử. Được chia sẻ các bộ sưu tập của mình với mọi người, tôi rất vui. Những khi có khách đặt lịch trước hoặc thu xếp được thời gian, tôi sẽ đến bảo tàng làm thuyết minh viên, kể cho mọi người nghe về những câu chuyện đằng sau từng ấn phẩm, vật phẩm đang trưng bày nơi đây. Những lúc như vậy, tôi thấy giá trị của các bộ sưu tập như được nhân lên”, nhà sưu tầm Trần Hữu Tài chia sẻ.

Mở bảo tàng để chia sẻ câu chuyện văn hóa, nghệ thuật đến cộng đồng cũng là mong muốn của ông Nguyễn Thiều Quang cùng vợ là bà Phùng Minh Nguyệt (sinh sống tại thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) sau hơn 20 năm sưu tầm tranh quý. Tháng 6/2023, ông bà đưa Bảo tàng Nghệ thuật Quang San đi vào hoạt động ngay tại mảnh đất gia đình đang sinh sống. Ngày khánh thành, thấy bên cạnh bạn bè thân thiết, người trong giới hội họa và sưu tầm tranh ảnh còn có rất nhiều khách lạ, đặc biệt là giới trẻ ghé thăm, thưởng lãm, bà Nguyệt không giấu được niềm vui.

Trong khuôn viên rộng hơn 2.000 m2 với thiết kế các tầng riêng biệt, vợ chồng bà Nguyệt trưng bày hơn 1.500 bức tranh và rất nhiều tác phẩm điêu khắc theo dòng chảy của lịch sử hội họa Việt Nam, từ năm 1925 đến hiện tại. Trong đó, có gần 300 bức tranh quý, là những tác phẩm tiêu biểu của hội họa Việt Nam qua các thời kỳ. Bà Nguyệt kể, để có trọn bộ sưu tập tranh theo từng giai đoạn lịch sử, vợ chồng bà phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, ngược xuôi khắp nơi để đi tìm mua, đấu giá. Có bức phải sang nước ngoài nhiều lần mới sở hữu được. “Thế nhưng, khi sở hữu nhiều bức tranh giá trị cũng là lúc gia đình chúng tôi muôn sẻ chia với mọi người. Một bộ sưu tập lớn và ý nghĩa như thế nếu chỉ phục vụ nhu cầu thưởng thức của người thân, bạn bè thì thật tiếc. Tôi muốn thêm nhiều người, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên được tìm hiểu về lịch sử hội họa nước nhà bằng những sản phẩm giá trị ngay tại bảo tàng này”, bà Nguyệt vui vẻ cho hay.

Khách tham quan không gian trưng bày bộ sưu tập “Truyện Kiều” tại CSO Gallery.
Khách tham quan không gian trưng bày bộ sưu tập “Truyện Kiều” tại CSO Gallery.

Khi người trẻ chung tay

Ngày nghe bố mẹ mở lời, anh Nguyễn Thiều Kiên chẳng nghĩ ngợi nhiều mà xin ngưng công việc thu nhập cao về phụ gia đình quản lý bảo tàng. Không lâu sau, vợ anh cũng chung tay vận hành bảo tàng với các phần việc mới mẻ. Khâu thực hiện các câu chuyện trưng bày tại bảo tàng được vợ chồng bà Nguyệt giao cho con gái là Nguyễn Thiều Minh Thư với hy vọng sẽ tiếp tục dưỡng nuôi tình yêu nghệ thuật trong tim cô gái trẻ. Và Thư đã làm rất tốt nhiệm vụ này khi các thông tin đính kèm tranh, tượng, hiện vật ngày càng có chiều sâu, ấn tượng. Hơn một năm trôi qua, khi nhiều ý tưởng triển khai các hoạt động hướng đến giới trẻ tại bảo tàng được đánh giá cao, tạo được sự lan tỏa lớn, thế hệ trẻ trong gia đình bà Nguyệt càng thêm thích thú trên con đường đã chọn.

Vào các dịp lễ lớn, Kiên và cộng sự luôn tổ chức các chuỗi trưng bày theo chủ đề về lịch sử, dân tộc, thu hút sự quan tâm của rất nhiều bạn trẻ. Cùng với đó là các chương trình ý nghĩa để quảng bá nền nghệ thuật nước nhà. Kiên cho rằng, việc bảo tàng đón hơn 10 nghìn lượt khách trong thời gian qua là phản hồi tích cực từ cộng đồng: “Biết người trẻ quan tâm đa lĩnh vực nên bên cạnh các không gian trưng bày cố định, bảo tàng còn dành một không gian đặc biệt tập trung trưng bày các tác phẩm nghệ thuật hiện đại và đương đại. Ðây cũng là nơi tổ chức sự kiện, triển lãm, các hoạt động văn hóa nghệ thuật đồng hành cùng họa sĩ, nghệ sĩ trẻ tài năng trong lĩnh vực hội họa cũng như nhiếp ảnh, nghệ thuật kỹ thuật số, thời trang…”.

Nhà sưu tầm Trần Hữu Tài cũng cho rằng, ông may mắn khi tìm được nhiều cộng sự trẻ trong quá trình lan tỏa các bộ sưu tập cá nhân đến cộng đồng. Hơn hai năm trước, khi bảo tàng chỉ mới nằm trong bản vẽ, ông đã về Hội An cùng với rất nhiều bộ sưu tập quý. Ông mở một văn phòng và bắt đầu tìm kiếm những bạn trẻ yêu văn hóa, lịch sử tại địa phương cùng đồng hành trên con đường sẻ chia văn hóa. “Tôi tuyển các bạn trẻ vào làm việc cho mình khi các bộ sưu tập tiền xu, tiền giấy cổ còn chưa mở ra khỏi gói, khi các ấn phẩm, vật phẩm của bộ sưu tập “Truyện Kiều” còn nằm nguyên trong thùng. Mọi thứ được chuyển từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hội An đợi chờ không gian phù hợp để trưng bày, giới thiệu. Các bạn tìm đến, lắng nghe câu chuyện của tôi và chọn ở lại chung tay”, ông Tài nhớ lại.

Là người trẻ ham học và yêu văn hóa, lịch sử, các bạn tiếp thu rất nhanh những câu chuyện, kiến thức mà ông Tài truyền lại rồi tự kể theo cách của riêng mình. Không đưa ra quá nhiều quy tắc, ông để các nhân viên thoải mái sáng tạo, chủ động giải quyết các tình huống phát sinh. Điều duy nhất chủ bảo tàng này mong muốn nhân viên thực hiện thật tốt là làm sao giải đáp mọi thắc mắc của du khách về các bộ sưu tập theo hướng thuyết phục, dễ hiểu. Mà muốn vậy, bản thân mỗi thuyết minh viên phải nắm thật kỹ câu chuyện xoay quanh từng không gian trưng bày, nơi lưu giữ rất nhiều điều thú vị về di sản, văn hóa.

Bảo tàng mở cửa chưa tròn một năm, mừng thay đã có khách trở lại nhiều lần. Cùng với đó là khá nhiều thư điện tử, tin nhắn, cuộc gọi từ người lạ, cảm ơn vì ông đã tạo ra bảo tàng độc đáo này để họ được hiểu sâu về “Truyện Kiều” cùng nhiều vật phẩm mang tính lịch sử, văn hóa khác. Nhận phản hồi từ khách, ông Tài biết mình nên tiếp tục hành trình.

Theo Bài và ảnh: MỸ DUNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm

Trên hòn đảo tiền tiêu

Trên hòn đảo tiền tiêu

Hòn đảo ấy án ngữ phía biển đông, nơi vọng gác tiền tiêu trong thời chống Mỹ trong những năm tháng gian nan và oai hùng. Bây giờ hòn đảo ấy đã yên bình giữa rì rào sóng vỗ, trở thành đảo ngọc giữa biển trời xanh ngắt.

Vào thủ phủ na xứ Lạng

Vào thủ phủ na xứ Lạng

Chính thu. Tôi ngược quốc lộ 1A từ thành phố Lạng Sơn trở lại vùng đất Chi Lăng lịch sử. Quê tôi vốn là mảnh đất hiểm trở với dãy núi Kai Kinh sừng sững nhưng lại là thỗ nhưỡng màu mỡ tạo nên những trái na đặc sản nức tiếng.

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng Việt Nam: Thi Phổ Nhứt từng được mệnh danh 'tiểu Đồng Nai'

Làng tôi cũng giống như bao làng khác ở Việt Nam. Ngày xưa, làng có tên Thi Phổ Nhứt, được mệnh danh là 'tiểu Đồng Nai' vì ruộng làng tôi là nhất đẳng điền, lúa cấy xuống vươn lên xanh ngát một màu. Vụ mùa cũng như vụ chiêm, lúa thu hoạch mỗi sào tính bằng nhiều giạ. Không thua gì lúa Đồng Nai.

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Những bến đò thương nhớ Sài Gòn - TP.HCM

Không phải chỉ miền Tây Nam bộ mới là vùng sông nước, Sài Gòn - TP.HCM là thành phố dọc ngang kênh rạch, là nơi từng dày đặc những bến đò. Cùng với sự hình thành và phát triển đô thị, những chuyến đò ngang, đò dọc đã trở thành phần không thể tách rời với tầng lớp thị dân.

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

Khởi sắc vùng căn cứ cách mạng

(GLO)- Sau ngày giải phóng, tỉnh Gia Lai nói chung và các vùng căn cứ cách mạng nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với truyền thống anh hùng cùng sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, bộ mặt nông thôn các xã vùng căn cứ cách mạng đã có bước khởi sắc đáng ghi nhận.

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Nỗi ám ảnh khôn nguôi ở Làng Nủ

Cuối tuần, các em học sinh học nội trú lại trở về thôn Làng Nủ và nỗi nhớ bạn càng thêm quay quắt. Cậu học sinh Ma Trường Quyền vẫn mơ thấy người bạn thân, nhưng khi tỉnh dậy lại buồn vì bạn đã mất rồi.
Tìm lại tên cho đồng đội

Tìm lại tên cho đồng đội

Dưới cái nắng oi bức cuối mùa hạ, 3 người cựu chiến binh Sư đoàn 308 vẫn miệt mài đi từng hàng mộ chí tít tắp ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 (NTLS Đường 9) để tìm kiếm thông tin về liệt sĩ. Thỉnh thoảng họ dừng lại ở một phần mộ nào đó và trò chuyện với nhau rất lâu.
Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

Dự án LRAMP song hành cùng người dân vùng khó - Kỳ 1: Đổi thay cùng LRAMP

(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, 87 chiếc cầu, cống thuộc Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư đã đem đến sự đổi thay to lớn ở các buôn làng vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Gia Lai.
Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

Xung quanh chiến công của du kích Puih Glớ và đồng đội - Kỳ 2: Đi tìm xác chiếc máy bay bị du kích Jrai bắn rơi

(GLO)- Ngày 12-5-1970, du kích người Jrai Puih Glớ (làng Maih, xã B6, huyện 4; nay là xã Ia Hrung, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) cùng đồng đội bắn rơi chiếc máy bay trực thăng khiến hàng chục binh sĩ cấp cao của quân đội Mỹ thiệt mạng. Vậy, xác chiếc trực thăng ấy bây giờ ở đâu?