Làng Việt Nam: Làng cổ Châu Sa, cuộc 'hòa huyết vĩ đại' giữa người Chăm và người Việt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Làng cổ Châu Sa ở Quảng Ngãi đang đối mặt nguy cơ biến mất. Cần phục dựng và bảo tồn những dấu tích lịch sử của Châu Sa để phát triển du lịch. Khám phá cách làng cổ này có thể trở thành điểm đến thu hút du khách và những nhà nghiên cứu lịch sử.

Buổi sáng ngày Quốc khánh 2.9.2024, tôi về làng cổ Châu Sa (bây giờ có tên Tịnh Châu). Ngôi làng với nhân khẩu 1.500 hộ, với nhà cửa xây dựng hoàn toàn theo kiểu mới, thật khó để gọi đó là làng cổ, nếu chúng ta không nhìn sâu vào lịch sử, nhìn kỹ vào những dấu tích còn lại, tuy không nhiều.

Ai cũng biết, thành cổ Châu Sa của người Chăm, được xây dựng từ thế kỷ 7 - 8, vốn là kinh đô hành chính của người Chăm xưa. Nhưng từ thế kỷ 15, khi hoàng đế Lê Thánh Tông đưa quân vào Quảng Ngãi, chinh chiến tới tận kinh đô Đồ Bàn (Bình Định), thì một bộ tướng của Lê Thánh Tông là Đặng Viết Thời được giao quản lý một vùng đất rộng lớn từ Bình Sơn (sau này thuộc Quảng Ngãi) tới tận đèo Cù Mông, gồm 2.000 hộ dân (chủ yếu là người Việt).

Tướng Đặng Viết Thời đã là Thành hoàng của làng cổ Châu Sa, là người tiền hiền trực tiếp lập làng và quản lý Châu Sa như một ngôi làng, chứ không còn là thành Châu Sa như một kinh đô hay cố đô của người Chăm nữa.

Di tích thành Châu Sa
Di tích thành Châu Sa

Nhưng đã gọi là làng cổ, thì phải có những dấu tích, những đặc trưng chứng tỏ nó là cổ, chứ không phải "giả cổ". Nhưng trải qua bao thăng trầm của lịch sử và thời gian, đặc trưng lớn nhất của làng cổ Châu Sa là thành Châu Sa, hiện tại chỉ còn một… tấm bia mới lập ghi dấu, chứ thành cổ đắp bằng đất đã không còn.

Những lũy tre và đường hào cũng chỉ còn khá lơ thơ. Những bụi tre còn sót lại là minh chứng cho sự tồn tại của dải thành bằng đất ngày xưa. Những bụi tre ấy, được gọi là tre Chàm, có tuổi thọ hơn nghìn năm nay.

Di tích quốc gia thành Châu Sa
Di tích quốc gia thành Châu Sa

Tôi nhớ, cách đây ngót 15 năm, chị Tuyết Nga, một người bạn của tôi từ hồi kháng chiến, chị vốn là phát thanh viên đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng. Sau ngày hòa bình lập lại nhiều năm, chị đã là một doanh nhân năng động, nhưng cách kinh doanh của chị hơi khác với nhiều doanh nhân. Chị đã bỏ công sức rất nhiều để hình thành một không gian vừa lịch sử vừa giáo dục vừa du lịch, đó là "Một thoáng Việt Nam".

Trong khu vực khá rộng lớn của "Một thoáng Việt Nam" tọa lạc tại Củ Chi, chị Tuyết Nga cho trồng rất nhiều loại cây đặc trưng cho các vùng miền Việt Nam. Với khu vực miền Trung, chị Tuyết Nga quyết định cho trồng một loại cây không chỉ tiêu biểu cho miền Trung, mà còn tiêu biểu cho cả nước: đó là cây tre Việt Nam. Nhưng phải là cây tre Việt Nam mọc lên ở miền Trung.

Quyết định như vậy, chị Tuyết Nga đã cử hai nhân viên của mình về Quảng Ngãi gặp tôi và nhờ giúp tìm giùm giống tre nào càng "cổ" thì càng tốt. Tôi nghĩ ngay tới những lũy tre ở làng cổ Châu Sa, có tuổi thọ cả nghìn năm, nên nhờ đứa em quê ở gần làng cổ Châu Sa đưa hai nhân viên của chị Tuyết Nga tới lũy tre, lúc bấy giờ vẫn còn khá rậm rạp, và xin mấy gốc tre làm giống đưa về Củ Chi trồng.

Tác giả (phải) và người dân bên lũy tre nghìn năm
Tác giả (phải) và người dân bên lũy tre nghìn năm

Mấy năm sau, khi vợ chồng tôi có dịp vào TP.HCM, chị Tuyết Nga mời chúng tôi lên "Một thoáng Việt Nam", thì "giống tre làng cổ Châu Sa" đã phát triển quá tốt, đã thành lũy tre xanh rậm.

Năm 2024, khi biết có người đang lo trồng cây phủ xanh bờ biển và đảo quê hương, chị Tuyết Nga đã đề nghị, nên trồng tre ngoài đảo, tre mà giữ đất giữ nước thì không loài cây nào sánh được. Chị Tuyết Nga hứa sẽ cung cấp ngay tre giống để trồng, và dĩ nhiên, "cây tre Quảng Ngãi ở làng cổ Châu Sa" được chị ưu tiên chọn hàng đầu.

Hy vọng tre làng cổ Châu Sa sẽ sớm đến với biển đảo Việt Nam, cùng chung tay với những người lính đang ngày đêm giữ đảo quê hương.

Về làng cổ Châu Sa, có một điều rất thú vị là ngôi mộ của Thành Hoàng làng cổ Châu Sa Đặng Viết Thời vẫn còn, đã được gia tộc họ Đặng phục dựng, và sẽ là một điểm đến quan trọng dành cho khách du lịch và những nhà nghiên cứu lịch sử.

Không thể phục dựng toàn bộ thành cổ Châu Sa, cũng không thể phục dựng toàn bộ phần hào nước và lũy tre trước hào. Nhưng có thể và rất cần làm, là phục dựng một phần gồm thành bằng đất, hào nước và lũy tre, tất cả chỉ dài từ 300 - 500 m.

Cũng rất cần làm, là đào khảo cổ một khu vực có diện tích nhỏ ngay ở một cửa thành cổ, trưng bày những hiện vật cổ mà quá trình khảo cổ trước đây đã thu thập được. Những công trình này đều không lớn, không tốn nhiều tiền, nhưng nếu không làm, thì khách du lịch không thể hình dung thành Châu Sa và làng cổ Châu Sa có vóc dáng ngày xưa thế nào.

Di tích hào - lũy ở thành Châu Sa
Di tích hào - lũy ở thành Châu Sa

Về làng cổ Châu Sa, điều dễ nhận thấy nhất khi gặp người dân ở đây, là màu da và mái tóc của họ nói lên họ là kết quả của cuộc "hòa huyết vĩ đại" giữa người Chăm và người Việt từ 600 năm trước, và lưu truyền cho tới ngày nay.

Khi dẫn chúng tôi đi thăm làng cổ Châu Sa, ông Đặng Sách, một cư dân bản địa và là người từng lãnh đạo ngôi làng này qua rất nhiều năm ở chức vụ bí thư xã, rồi chủ tịch mặt trận xã. Dẫn chúng tôi đi thăm làng, ông Sách nói vanh vách về lịch sử thành cổ Châu Sa ngày xưa và làng cổ Châu Sa sau này, kể cả những sự hủy hoại do thiếu hiểu biết, do chỉ muốn chiếm một số khoảng đất vốn là hào thành và lũy tre, nên đã khiến làng cổ Châu Sa bây giờ mất đi quá nhiều di tích cổ. Nếu khi làng cổ Châu Sa trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách, thì ông Đặng Sách sẵn sàng trở thành một hướng dẫn viên tuyệt vời mà khỏi tốn công huấn luyện.

Nói đến du lịch làng cổ Châu Sa, cũng xin đề xuất một công việc mà du lịch Quảng Ngãi nên làm, đó là tiến hành lập "Bản đồ những điểm du lịch Quảng Ngãi", trong đó dĩ nhiên có làng cổ Châu Sa. Từ bản đồ ấy, chúng ta mới có quy hoạch cụ thể, điểm du lịch nào làm trước, điểm nào làm sau, và cách kết nối những điểm du lịch với nhau, tạo thành chuỗi để phục vụ cho những tour du lịch.

Bây giờ, cần biến những "tiềm năng du lịch Quảng Ngãi" thành hiện thực, chứ không để mãi mãi chỉ là tiềm năng. Vì ở thời "địa ốc đứng lên" như bây giờ, những làng cổ như Châu Sa đã và sẽ bị biến mất ngay, từ thành tới hào tới lũy. Du lịch không thể chỉ giới thiệu bằng miệng hay trên giấy, mà phải có không gian, có hiện vật, có lịch sử, được phục dựng dù chỉ một phần, để hiện diện trước mắt khách du lịch.

Theo Thanh Thảo (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.