Gia Lai: Vẫn còn nhiều học sinh chưa có sách trước thềm năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dù chỉ còn ít ngày nữa sẽ bắt đầu năm học mới 2022-2023, nhưng tại nhiều địa phương của tỉnh Gia Lai, nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vẫn chưa mua được sách giáo khoa. Tình trạng thiếu sách chủ yếu ở các khối lớp 1, 2, 3 và 7.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện còn rất nhiều học sinh thuộc hộ nghèo, khó khăn ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số không có đủ điều kiện để mua sắm sách, vở cho năm học mới. Việc tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa theo lộ trình ở khối lớp 3 và lớp 7 một lần nữa đã khiến những người dân nghèo, nhất là người dân tộc thiểu số phải vất vả chắt chiu mua sắm bộ sách mới.

Theo thống kê sơ bộ, hiện một số trường tại huyện Đức Cơ vẫn còn thiếu sách giáo khoa cho năm học mới. Có thể kể đến như: Trường Tiểu học Lê Văn Tám thiếu 60 bộ sách lớp 1, 70 bộ sách lớp 2 và 85 bộ sách lớp 3 (bộ Cánh diều); Trường Tiểu học Võ Văn Kiệt thiếu 30 bộ lớp 1, 30 bộ lớp 2 và 40 lớp 3; Trường Tiểu học Lương Thế Vinh thiếu 60 bộ sách lớp 1, 50 bộ sách lớp 2 và 50 bộ sách lớp 3… Ngoài ra, nhiều trường Tiểu học khác như Kpă Klơng, Đinh Núp, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quốc Tuấn (huyện Đức Cơ) cũng đang trong tình trạng tương tự. Sơ bộ, huyện Đức Cơ còn thiếu khoảng 205 bộ sách lớp 1, 220 bộ sách lớp 2, 235 bộ sách lớp 3 (bộ Cánh diều) và khoảng 70 bộ sách (bộ Kết nối) ở các khối lớp 1, 2, 3.

Ảnh: Quang Thái
Các cơ quan, đơn vị huyện Đức Cơ đang nỗ lực vận động, quyên góp để mua sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Quang Thái


Tương tự, tại xã Lơ Pang (huyện Mang Yang) cũng đang thiếu gần 200 bộ sách giáo khoa, chủ yếu là ở khối lớp 3, 7. Ông Lê Lợi-Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang-cho biết: Năm học 2022-2023, Nhà nước có chương trình hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh nghèo. Song các hộ cận nghèo, gia đình khó khăn lại không được hỗ trợ nên vẫn còn thiếu rất nhiều sách để phục vụ việc học tập cho học sinh. Vì vậy, đến thời điểm này, tại các trường vẫn còn thiếu gần 200 bộ sách. Chủ yếu rơi vào khối lớp 3, lớp 7.

Trước thực trạng đó, để đảm bảo đủ sách giáo khoa cho các em học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, nhiều địa phương đã chủ động tìm các nguồn hỗ trợ, xã hội hóa, vận động các nhà hảo tâm để mua sắm sách cho học sinh. Ông Vũ Mạnh Định-Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ-cho biết: Huyện đã huy động nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp để tài trợ sách cho các cháu. Đến phút cuối mà vẫn còn thiếu thì huyện sẽ trình xin ý kiến xuất ngân sách huyện để đảm bảo tất cả học sinh khó khăn có đầy đủ sách để đến trường.

Bí thư Đảng ủy xã Lơ Pang Lê Lợi cũng nêu giải pháp: “Vì xã Lơ Pang là xã đặc biệt khó khăn nên học sinh trên địa bàn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đồ dùng học tập 150.000 đồng/người/tháng. Trước mắt, xã và các trường vận động, đề nghị phụ huynh dùng số tiền này để mua sách cho các em. Ngoài ra, xã cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa, xin sách cũ... để cấp cho các em học sinh cận nghèo, khó khăn”.

Để đảm bảo toàn bộ học sinh đều có sách bước vào năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lê Duy Định cũng cho biết đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, thu thập số lượng sách thiếu. Từ đó, Sở sẽ có phương án đảm bảo đủ sách cho các em khi bước vào năm học mới.

 

QUANG THÁI
 

 

Có thể bạn quan tâm

Cô Nguyễn Thị Thúy Nga-Giáo viên Trường Tiểu học Phan Chu Trinh hướng dẫn các em học bài. Ảnh: V.C

Điểm sáng về giáo dục học sinh toàn diện ở Phú Thiện

(GLO)- Lấy chất lượng học sinh làm thước đo hiệu quả giáo dục, Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong đào tạo học sinh toàn diện và mũi nhọn tại địa phương.