Bệnh truyền nhiễm diễn biến phức tạp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ đầu năm 2025 đến nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh sởi. Ngoài ra, năm nay còn được dự báo chu kỳ sốt xuất huyết có nguy cơ lây lan thành dịch. Trước tình hình đó, ngành Y tế đã chủ động tăng cường các biện pháp phòng ngừa.

Dịch bệnh diễn biến khó lường

Theo ngành Y tế tỉnh, năm 2025 là năm theo chu kỳ dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa bàn tỉnh có nguy cơ lây lan thành dịch. Bên cạnh đó, bệnh sởi và một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đứng trước nguy cơ gia tăng số ca mắc tại nhiều địa phương khi miễn dịch quần thể chưa đạt tỷ lệ bao phủ yêu cầu.

Số ca tử vong do bệnh dại cũng dự báo ghi nhận ở mức cao do công tác quản lý đàn chó, mèo tại nhiều nơi còn hạn chế, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo thấp. Trong khi đó, một bộ phận người dân vẫn chủ quan, lơ là; không tiêm phòng dại, huyết thanh kháng dại và xử trí kịp thời khi bị chó, mèo cắn.

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh... Vì vậy, nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh dẫn đến quá tải hệ thống y tế có thể xảy ra, nhất là trong giai đoạn tháng 5-6 và tháng 9-10.

Thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận trên 1.900 ca sốt phát ban nghi sởi (173 ca dương tính xác định phòng xét nghiệm). Bệnh sởi xuất hiện ở 17 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện như: Chư Sê, Krông Pa, Đak Đoa.

Trẻ em dưới 5 tuổi là nhóm có nguy cơ cao, nhất là những trẻ chưa được tiêm chủng hoặc tiêm không đầy đủ. Đặc biệt, đã xuất hiện các ca bệnh ở nhóm trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến độ tuổi tiêm chủng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận từ đầu năm đến nay là gần 200 ca, có 3 ca tử vong do bệnh dại, 10 ca mắc bệnh tay chân miệng và 4 ca nghi ho gà…

bac-si-tham-kham-cho-benh-nhi-mac-sot-xuat-huyet-tai-khoa-noi-nhi-nhiem-trung-tam-y-te-tp-pleiku-anh-nhu-nguyen.jpg
Bác sĩ Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế TP. Pleiku) thăm khám cho bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: N.N

Đang chăm sóc con tại Khoa Nội-Nhi-Nhiễm (Trung tâm Y tế TP. Pleiku), chị Nguyễn Thị Kim Anh (thôn 2, xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho biết: Con trai chị 18 tháng tuổi. Mấy ngày qua, cháu bị sốt tái lại nhiều lần nên gia đình cho nhập viện điều trị. Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bé bị sốt xuất huyết. Khi biết thông tin, gia đình đã báo với Trạm Y tế xã để triển khai các biện pháp phòng-chống bệnh tại địa bàn.

Chăm con trai cùng lúc mắc sốt xuất huyết và sởi, anh Nguyễn Văn Hùng (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Khi phát hiện con bị sốt và mắt đỏ nhiều, tôi nghĩ ngay đến bệnh sởi nên cho cháu nghỉ học để cách ly điều trị. Sau khi nhập viện, bác sĩ phát hiện ngoài sởi con tôi còn mắc sốt xuất huyết”.

Tăng cường biện pháp phòng-chống dịch bệnh

Các bệnh truyền nhiễm luôn diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Thậm chí, nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin dự phòng hoặc miễn dịch giảm theo thời gian nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan, bùng phát.

Bên cạnh đó, ý thức phòng bệnh của người dân chưa cao; một bộ phận vẫn chủ quan, lơ là, chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả do các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra. Hệ thống giám sát y tế còn nhiều tồn tại, thiếu tính ổn định, liên tục, thường xuyên. Công tác thông tin, dự báo, năng lực xét nghiệm còn hạn chế. Công tác phối hợp liên ngành ở địa phương, cơ sở chưa thường xuyên liên tục; hoạt động phòng-chống dịch vẫn chủ yếu do ngành Y tế thực hiện… Đó là những khó khăn trong phòng-chống bệnh truyền nhiễm hiện nay.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị My (Trung tâm Y tế TP. Pleiku): Bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan và bùng phát, nhiều bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên công tác phòng bệnh cần được quan tâm hàng đầu. “Hiện một số bệnh đã có vắc xin phòng bệnh. Người dân nên tiêm vắc xin để phòng bệnh an toàn và hiệu quả.

Bên cạnh đó, người dân cũng cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh, vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở, có chế độ tập luyện thể thao, ăn uống, ngủ nghỉ hợp lý để tăng cường sức đề kháng. Khi mắc bệnh truyền nhiễm, người dân cần đến thăm khám tại cơ sở y tế và cách ly điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ”-bác sĩ My khuyến cáo.

mot-so-benh-truyen-nhiem-da-co-vac-xin-phong-benh-nguoi-dan-nen-tiem-vac-xin-phong-benh-an-toan-va-hieu-qua-anh-nhu-nguyen.jpg
Một số bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh, người dân nên tiêm vắc xin phòng bệnh an toàn và hiệu quả. Ảnh: N.N

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai các biện pháp phòng-chống; trong đó tăng cường giám sát, phát hiện sớm và kịp thời xử lý các ổ dịch nếu có trong cộng đồng.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Văn Đồng thông tin: Trung tâm đã đề nghị Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị điều trị tăng cường phòng-chống bệnh sởi. Các đơn vị điều trị chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, hạn chế các biến chứng xảy ra; thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn, phân luồng, cách ly, tránh lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Ngoài ra, ngành Y tế tỉnh cũng phối hợp đẩy mạnh truyền thông để cung cấp thông tin chính xác về bệnh sởi và cách phòng ngừa. Đặc biệt, chú trọng truyền thông, vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: hạn chế tụ tập đông người, thường xuyên rửa tay với xà phòng và sử dụng khẩu trang khi đến các địa điểm công cộng.

Có thể bạn quan tâm

Nguy cơ gia tăng bệnh dại mùa nắng nóng

Nguy cơ gia tăng bệnh dại mùa nắng nóng

(GLO)- Theo Bộ Y tế, từ tháng 4 đến tháng 8 là giai đoạn ghi nhận số ca tử vong vì bệnh dại cao nhất trong năm, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và miền Bắc. Riêng tại Gia Lai, từ đầu năm 2025 đến nay, các địa phương đã ghi nhận 3 ca tử vong do bệnh dại.

Bộ Y tế công bố 21 loại thuốc giả

Bộ Y tế công bố 21 loại thuốc giả

Trong số 21 sản phẩm bị thu giữ, có 4 loại được xác định là giả mạo thuốc đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, Bộ Y tế thông báo trên toàn quốc không được kinh doanh, sử dụng những loại thuốc này.

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia: Tiện lợi cho người dân

Khám-chữa bệnh cùng chuyên gia, tiện lợi cho người dân

(GLO)- Hiện nay, người dân Gia Lai có thể khám bệnh với sự hỗ trợ từ các chuyên gia tuyến trên ngay tại tỉnh. Không chỉ khám bệnh, các chuyên gia còn tiến hành phẫu thuật các ca bệnh khó, phức tạp… tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại tuyến tỉnh.

305 nhãn hiệu sữa giả được đăng ký tại Hòa Bình, cán bộ y tế cũng phát hoảng

305 nhãn hiệu sữa giả được đăng ký tại Hòa Bình, cán bộ y tế cũng phát hoảng

Trong số 573 nhãn hiệu sữa bột giả mới được công bố có đến 305 nhãn hiệu được nộp hồ sơ tự công bố sản phẩm tại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hòa Bình. Một cán bộ Sở Y tế Hoà Bình cũng phải thốt lên đây là chuyện "khủng khiếp", người dân có quyền nghi ngờ có khuất tất.