Đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao ở khu vực Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ, phong cách phục vụ.

Bệnh viện có nhiều bước tiến trong chẩn đoán, điều trị thành công nhiều ca bệnh nặng, hiếm gặp góp phần giúp bệnh nhân tại tỉnh Đắk Lắk và khu vực Tây Nguyên được điều trị ngay tại quê nhà.

Nhiều bước tiến trong chẩn đoán, điều trị

Bác sỹ Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thăm khám cho bệnh nhân Lê Văn Q (90 tuổi) sau ca phẫu thuật đặt stent graft đối với bệnh phình động mạch chủ bụng. Ảnh: TTXVN phát
Bác sỹ Khoa Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thăm khám cho bệnh nhân Lê Văn Q (90 tuổi) sau ca phẫu thuật đặt stent graft đối với bệnh phình động mạch chủ bụng. Ảnh: TTXVN phát

Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột đã trở thành địa chỉ khám, chữa bệnh cho người dân tại địa phương và các tỉnh lân cận. Ngoài các chuyên khoa trọng điểm như: Ngoại tổng quát; Ngoại thần kinh; Nội tổng hợp; Phụ sản; Đơn vị hỗ trợ sinh sản IVF; Tim mạch can thiệp; Chẩn đoán hình ảnh; Xét nghiệm; Tầm soát và điều trị ung thư... hiện nay, bệnh viện không ngừng cố gắng phát hiện, chẩn đoán, điều trị nhiều trường hợp bệnh khó, hiếm gặp, góp phần giảm thiểu tình trạng bệnh nhân đi tuyến trên điều trị.

Bà Trần Thị Thu (sinh năm 1956, tại phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị sỏi thận đã nhiều năm. Năm 2022, bà Thu thực hiện phương pháp tán sỏi thận ngược dòng, tuy nhiên, đến nay, căn bệnh cũ tái lại, kích thước viên sỏi lên tới 2mm. Bị đau, uống thuốc không bớt, bà Thu đến khám, điều trị tại Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và được các y, bác sỹ chỉ định phương pháp tán sỏi thận qua da.

"Các bác sỹ hướng dẫn đây là phương pháp tối ưu nhất, nên gia đình thực hiện. Ba tiếng sau ca phẫu thuật, sức khỏe tôi tốt, chỉ hơi đau, có thể nói chuyện bình thường", bà Thu chia sẻ.

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Hồ Tường Lân, Khoa Ngoại Tổng quát, tại các tỉnh Tây Nguyên, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận cao (chiếm trên 40%). Hiện nay, phương pháp điều trị sỏi có nhiều loại, trong đó, tiên tiến nhất là tán sỏi thận qua da và tán sỏi thận ống soi mềm. Đối với những viên sỏi quá phức tạp không thể tán sỏi thận ống soi mềm thì bắt buộc dùng phương pháp tán sỏi thận qua da. Phương pháp này có nhiều ưu điểm có thể giải quyết triệt để sỏi, để lại vết mổ nhỏ, hầu như ảnh hưởng rất ít đến chức năng thận so với các phương pháp mổ truyền thống như phẫu thuật nội soi, mổ hở. Sau hơn hai năm thành lập và triển khai phương pháp tán sỏi thận qua da, đến nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 300 ca bệnh, tỷ lệ sạch sỏi trên 93%.

“Đây là phương pháp mới được áp dụng tại Việt Nam, là phương pháp khó, đòi hỏi đội ngũ y, bác sỹ có nhiều kinh nghiệm. Hiện, mới chỉ có một vài cơ sở y tế lớn tại Việt Nam mới có thể thực hiện phương pháp này. Bệnh viện tự hào là một trong những bệnh viện đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên thực hiện kỹ thuật tán sỏi thận qua da, giúp cho bệnh nhân không phải di chuyển đến các trung tâm lớn để điều trị”, bác sỹ Hồ Tường Lân thông tin.

Một trường hợp khác là cụ ông Lê Văn Quý (sinh năm 1934, tại phường Tân Lợi, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) bị đột quỵ nhẹ phải nhập viện cấp cứu. Qua quá trình thăm khám, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân có một khối phình động mạch chủ bụng đoạn dưới thận, đường kính rất to gần 60mm và có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Bác sỹ Phạm Lê Trà, Khoa Tim mạch can thiệp cho biết, khối phình quá to gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Sau khi hội chẩn, các bác sỹ phân tích túi phình này có thể giải quyết được bằng phương pháp đặt stent graft.

“Đây là một trong những phẫu thuật tiên tiến nhất, khó nhất, nguy cơ tử vong cao nhất trong phẫu thuật tim mạch. Nhờ chuyên môn của ê kíp phẫu thuật, sự chăm sóc tận tình của y, bác sỹ cùng với sự tin tưởng gia đình, hai ngày sau ca phẫu thuật, sức khỏe bệnh nhân tốt. Bệnh nhân ăn uống được, dấu hiệu sinh tồn tốt, minh mẫn, gần như trở về bình thường, không có biến chứng gì xảy ra”, bác sỹ Phạm Lê Trà chia sẻ.

Theo Bác sỹ Chuyên khoa II Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh Viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, với phương châm tất cả vì người bệnh, bệnh viện luôn yêu cầu các nhân viên y tế cố gắng trong từng trường hợp, khám xét, theo dõi, chẩn đoán các bệnh lý bệnh nhân mắc phải. Đến nay, ngoài can thiệp cấp cứu điều trị nông, đặt stent mạch vành điều trị nhồi máu cơ tim, bệnh viện đã triển khai các kỹ thuật can thiệp khác phức tạp hơn như: Điều trị bệnh lý tim bẩm sinh, đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não, hẹp động mạch não, can thiệp bệnh lý mạch trong bụng...

Song song đó, các bệnh lý thần kinh, chấn thương, cột sống, cũng đã chẩn đoán và điều trị tốt. Có thể nói, Bệnh viện là nơi duy nhất trong khu vực điều trị được các bệnh lý ung thư phổi, bệnh lý về động mạch chủ bụng. Đây là một trong những đóng góp của bệnh viện với ngành Y tế địa phương, ông Võ Minh Thành thông tin.

Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao

Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ, phong cách phục vụ. Ảnh: TTXVN phát
Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ, phong cách phục vụ. Ảnh: TTXVN phát

Theo Bác sỹ Chuyên khoa II Võ Minh Thành, Giám đốc Bệnh Viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, dù đã có nhiều tiến bộ, nhưng bệnh viện nhận thấy, cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, góp phần giảm thiểu số người cần chuyển tuyến điều trị. Để làm được điều trên, bệnh viện tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cấp trang thiết bị máy móc, động viên cán bộ nhân viên nỗ lực trong từng ca bệnh.

Trong quá trình làm việc, bệnh viện đánh giá tình hình y tế tại chỗ để thấy mặt nào còn yếu, kỹ thuật nào chưa phát triển, nhu cầu người bệnh ra sao, từ đó, tập trung giải quyết nâng cấp kỹ thuật cao và khi người bệnh có nhu cầu bệnh viện có thể thực hiện ngay. Bên cạnh đó, bệnh viện thường xuyên động viên nhân viên y tế không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ, phong cách phục vụ. Không chỉ đào tạo tại chỗ, nhân viên y tế còn được gửi đi đào tạo tại các trung tâm lớn trong và ngoài nước.

Bác sỹ Võ Minh Thành cho biết, trong năm 2024, bệnh viện tăng cường đầu tư trang thiết bị mới như: Hệ thống phẫu thuật nội soi, hệ thống nội soi chẩn đoán, máy thăm dò điều trị điện sinh lý, siêu âm tim chuyên dụng, hệ thống siêu âm động mạch, hệ thống kính vi phẫu... Những trang thiết bị này giúp rất nhiều cho người bệnh; đồng thời góp phần nâng cao trình độ, tay nghề của đội ngũ bác sỹ trong khám, điều trị bệnh.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hữu Vũ Quang, những năm gần đây, tỉnh được đầu tư rất nhiều về máy móc mới, kỹ thuật tiên tiến. Bên cạnh y tế công lập, nhiều cơ sở y tế tư nhân tập trung chú trọng phát triển các kỹ thuật mới trên các nền tảng, trong đó có Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột. Bệnh viện đã nỗ lực đầu tư cho nhân lực, trang thiết bị tạo cơ hội khám, chữa tốt nhất và tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân, giúp giảm bớt gánh nặng cho các bệnh viện tuyến cuối.

Theo Hoàng Dương (TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.