Tuy nhiên, quy trình điều chỉnh dự toán ngân sách tốn nhiều thời gian, các địa phương gặp khó khăn trong thực hiện và giải ngân vốn các tháng cuối năm.
Triển khai Nghị quyết số 111/2024/QH15 ngày 10-7-2024, HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách về chi thường xuyên và dự toán ngân sách chưa giải ngân hết trong năm 2023, bao gồm chi thường xuyên và chi đầu tư của các chương trình MTQG đã được chuyển tiếp thực hiện năm 2024.
Cụ thể, HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 19-6-2024 về điều chỉnh nguồn vốn ngân sách năm 2024.
Trong đó, điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024, bao gồm vốn năm 2022 và 2023 được phép kéo dài thời gian thực hiện sang năm 2024 thực hiện chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, UBND tỉnh giao Ban Dân tộc phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Công văn số 5817/BKHĐT-TCTT ngày 23-7-2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục rà soát đề xuất điều chỉnh vốn thực hiện chương trình (nếu cần thiết) để tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 theo quy định.
Giao Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các sở, ngành, đơn vị có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đề xuất điều chỉnh kế hoạch thực hiện chương trình của tỉnh giai đoạn 2021-2025 để có căn cứ tiếp tục đề xuất điều chỉnh vốn theo nhu cầu của các địa phương theo Nghị quyết số 111/2024/QH15.
Liên quan đến các khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15, ông Kpă Đô-Trưởng ban Dân tộc tỉnh-thông tin: “Đến nay, các địa phương mới rà soát gửi đề xuất cho các sở, ngành tổng hợp. Trong khi đó, quy trình tham mưu UBND tỉnh để trình HĐND tỉnh tốn nhiều thời gian.
Sau khi được HĐND tỉnh quyết định điều chỉnh, HĐND cấp huyện tiếp tục thực hiện điều chỉnh theo quy định. Điều này dẫn đến áp lực cho các địa phương trong công tác triển khai, thực hiện giải ngân vốn vào các tháng cuối năm”. Hiện nay, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện phương án đề xuất, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định.
Theo đó, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2022 và năm 2023 thực hiện các chương trình MTQG là nguồn vốn đã được Quốc hội cho phép kéo dài, phải thực hiện và giải ngân hết trước ngày 31-12-2024. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành là chủ đầu tư các dự án và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu giải ngân ít nhất 95% nguồn vốn được giao.
Liên quan đến nội dung hỗ trợ đất sản xuất thuộc Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, huyện Chư Păh đã phân bổ được 675 triệu đồng. Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành quyết định phê duyệt danh sách thụ hưởng cho 24 hộ gia đình thuộc xã Ia Kreng.
Tuy nhiên, nội dung này chưa triển khai thực hiện được do địa điểm đất hỗ trợ cách nơi ở quá xa, đường đi lại khó khăn nên các hộ gia đình không muốn vào sản xuất. Không còn đối tượng hỗ trợ nên huyện đã rà soát, đề xuất điều chỉnh chuyển nguồn vốn này theo Nghị quyết số 111/2024/QH15 để hỗ trợ xây dựng 15 căn nhà ở cho hộ nghèo.
Ông Luyện Văn Toàn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện Chư Păh-thông tin: “Việc thực hiện Nghị quyết số 111/2024/QH15 cần nhiều thời gian, việc đề xuất điều chỉnh phải thông qua HĐND các cấp. Trong khi đó, thời gian còn lại của năm rất ngắn nên việc thực hiện, giải ngân các nguồn vốn đề xuất chuyển nguồn khó đảm bảo tiến độ. Mặt khác, chương trình bao gồm 10 dự án, các tiểu dự án thuộc các lĩnh vực khác nhau, khối lượng công việc rất nhiều nhưng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc ở cơ sở ít”.
Do còn tồn tại nhiều vướng mắc nên việc triển khai thực hiện chương trình vẫn còn một số khó khăn, hạn chế dẫn đến khó đảm bảo tiến độ. Theo đó, tổng nguồn vốn phân bổ giai đoạn 2022-2024 là 2.183 tỷ đồng, đến nay mới giải ngân được 998,1 tỷ đồng, đạt 45,7%.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương đã giải ngân 866,2 tỷ đồng, đạt 45,2% kế hoạch vốn; nguồn vốn ngân sách địa phương đã giải ngân 131,8 tỷ đồng, đạt 49,5% kế hoạch vốn. Áp lực phải giải ngân các nguồn vốn trong các tháng cuối năm là rất lớn, trong đó chủ yếu là vốn sự nghiệp.