Gia đình Jrai giữ gìn, phát huy nghề truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Giữa nhịp sống hiện đại, nhiều gia đình Jrai ở TP. Pleiku vẫn bền bỉ giữ gìn, phát huy nghề truyền thống theo cách trao truyền, tiếp nối.

Tự hào về truyền thống

Ông R’Cơm Hmyơk (70 tuổi, làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) trở thành người tạc tượng giỏi nhất làng từ thuở đôi mươi. Ông tự hào khi mình là thế hệ được tiếp nối nghề truyền thống bao đời của người Jrai. Với niềm tự hào ấy, ông đã ra sức gìn giữ và phát huy để nghề tạc tượng luôn song hành cùng năm tháng.

Bằng đôi tay khéo léo, ông Hmyơk đã “thổi hồn” vào những tấm gỗ và tạo nên nhiều bức tượng với các thể loại khác nhau. Hầu hết tượng ở khu nhà mồ đều do ông chế tác với các mô típ như: tượng người phụ nữ, người giã gạo, đánh trống…

Ước nguyện của ông R’Cơm Hmyơk (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) thành hiện thực khi con trai đã theo nghề tạc tượng của cha. Ảnh: T.D

Ước nguyện của ông R’Cơm Hmyơk (làng Ia Nueng, xã Biển Hồ) thành hiện thực khi con trai đã theo nghề tạc tượng của cha. Ảnh: T.D

Theo ông Hmyơk, người tạc tượng phải dành tình cảm, tâm huyết trên từng đường chạm khắc. Tuy nhiên, điều khiến ông trăn trở là những người biết tạc tượng trong làng thì hầu hết tuổi đã cao. Vậy nên, ông phải nghĩ cách lan tỏa tình yêu nghề đến dân làng. “Để làm được điều đó, mình bắt đầu truyền dạy cho chính đứa con trai”-ông Hmyơk chia sẻ.

Những năm qua, bà Al (70 tuổi, làng Têng 2, xã Tân Sơn) luôn tìm cách để lưu giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của gia đình. Với bà, nghề dệt không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn là “cầu nối” gắn kết nhiều thế hệ trong gia đình.

“Nghề dệt thổ cẩm không chỉ làm ra những sản phẩm đẹp phục vụ sinh hoạt hàng ngày, tăng thêm thu nhập cho gia đình mà còn là nét đẹp truyền đời của phụ nữ Jrai. Để truyền dạy nghề dệt cho con cháu, mình đã luyện rèn bàn tay khéo léo, đôi mắt nhanh nhạy để dệt nên những tấm thổ cẩm tinh xảo. Khi mình dệt đẹp, con cháu cũng sẽ thích thú học theo”-bà Al tâm sự.

Dù công việc ruộng rẫy bận rộn, nhưng cuối ngày, bên khung dệt sẫm màu thời gian, bà Al vẫn kiên trì chỉ bày con gái kỹ thuật dệt thổ cẩm. Gia đình bà cũng là một trong những hộ tiêu biểu trong việc lưu giữ nghề dệt bằng cách truyền dạy cho các con.

Vừa thoăn thoắt luồn sợi chỉ, bà Al vừa chia sẻ: “Trước đây, hầu như gia đình nào cũng có phụ nữ biết dệt. Theo thời gian, nhiều nhà không còn dạy cho con cháu cách dệt nữa. Chính vì vậy, tôi luôn động viên và chỉ dạy các con không được xa rời nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình”.

Bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn) vui mừng khi con cháu nối nghề truyền thống. Ảnh: T.D

Bà Al (làng Têng 2, xã Tân Sơn) vui mừng khi con cháu nối nghề truyền thống. Ảnh: T.D

Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuet 2, phường Thắng Lợi) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn nghề đan lát với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.

Từ thuở đôi mươi, ông Ak đã ý thức được việc gìn giữ nét đẹp của nghề truyền thống. Tranh thủ thời gian nhàn rỗi, ông theo người già trong làng đi chặt tre, lồ ô để đan các vật dụng phục vụ sinh hoạt trong gia đình. Ông đã tạo ra những sản phẩm đẹp mắt như: gùi, nia, thúng, đơm bắt cá, rổ, rá... Hầu hết các hội thi đan lát ở địa phương đều có sự góp mặt của ông.

“Cái đáng buồn nhất có lẽ là đánh mất nghề truyền thống. Chính vì vậy, tôi luôn mong muốn truyền dạy cho lớp cháu con của mình. Dù nghề này còn nhiều vất vả và chưa thể đảm bảo cho cuộc sống nhưng tôi vẫn động viên con cháu phải biết nghề và giữ nghề. Điều tôi chỉ dạy cho các con chỉ là nền tảng, còn việc phát huy giá trị của nghề phải dựa vào chính tình yêu và tâm huyết của chúng với nghề truyền thống”-ông Ak bộc bạch.

Ông Ak (làng Chuet 2, phường Thắng Lợi) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn nghề đan lát với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ảnh: T.D

Ông Ak (làng Chuet 2, phường Thắng Lợi) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn nghề đan lát với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau. Ảnh: T.D

“Tiếp lửa” cho thế hệ trẻ

Việc phát huy vai trò của gia đình trong lưu giữ nghề truyền thống được người Jrai đặc biệt quan tâm, trăn trở. Để “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ, trong những đêm trăng sáng hay những lần đi rừng, ông Hmyơk luôn kể những câu chuyện của ông bà để lại về nơi khởi nguồn, về ý nghĩa của những bức tượng gỗ...

“Mình phải trao cả tình yêu, tâm huyết cũng như kinh nghiệm trong nghề cho các con cháu thì chúng mới có thể tiếp nhận một cách đủ đầy nhất. Mình không thể áp đặt bọn trẻ bắt buộc phải “nối nghề” mà phải dùng cách “mưa dầm thấm lâu”. Khi chúng đã biết tự hào với nghề truyền thống thì tự khắc sẽ biết cách gìn giữ và phát huy”-ông Hmyơk bày tỏ.

Và ước nguyện ấy của ông Hmyơk đã thành hiện thực khi con trai ông-anh R’Cơm Hmyaih (38 tuổi) đã giữ nghề truyền thống của dân tộc. “Tôi cảm nhận được tình yêu của bố đối với nghề truyền thống. Dù rằng cuộc sống còn nhiều lo toan nhưng tôi vẫn dành khoảng thời gian nhất định để học tạc tượng. Tôi cũng thường xuyên tham gia các hội thi để học hỏi, giao lưu và phát huy nét đẹp của nghề tạc tượng”-anh Hmyaih chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku: Thời gian qua, chính quyền thành phố đã có sự quan tâm, hỗ trợ việc giữ gìn và khôi phục nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp của nghề truyền thống, những người đi trước nỗ lực “giữ lửa” và lớp cháu con sẵn sàng “tiếp lửa” để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Còn đối với bà Al, dệt thổ cẩm không chỉ phục vụ nhu cầu ăn mặc trong đời sống hàng ngày mà còn gửi gắm vào đó biết bao tình cảm với người thân, buôn làng. Bà Al vui mừng khi mỗi buổi chiều, dưới chân nhà sàn, bên cạnh luôn có cô con gái ngồi dệt và trò chuyện cùng.

Chị Anglưp tâm sự: “Hình ảnh mẹ ngồi bên khung cửi dệt vải đã trở nên quen thuộc, gần gũi. Mẹ tôi là nghệ nhân dệt giỏi, xoang đẹp… Tôi cũng mong muốn bản thân và con cái mình học tập mẹ để tiếp nối những điều tốt đẹp ấy. Thật may mắn, con gái tôi cũng rất đam mê nghề dệt”.

Nhìn con cháu ngày càng trưởng thành và yêu văn hóa truyền thống, ông Ak càng có thêm động lực để tham gia truyền dạy nghề cho lớp trẻ. “Tôi rất vui và tự hào khi các con mình đan lát ngày càng đẹp và tinh xảo. Thanh niên trong làng biết bảo ban nhau học cách đan lát và cải tiến cho phù hợp với nhu cầu hiện nay. Dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng lớp trẻ để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”-ông Ak phấn khởi nói.

Anh Angh (con trai ông Ak) cười hiền khi chia sẻ về vai trò “tiếp lửa” của mình. Anh cho hay: “Bố đã truyền lại cho chúng tôi tình yêu với nghề truyền thống. Chúng tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm gìn giữ và phát huy. Từ nền tảng kiến thức của bố, chúng tôi đã mạnh dạn đưa sản phẩm đan lát tham gia các hội chợ, triển lãm. Ngoài chăm chỉ học tập để nâng cao tay nghề, chúng tôi phải có trách nhiệm giới thiệu nghề truyền thống đến bạn bè bốn phương”.

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.