Đốc tướng Cần vương Nguyễn Hữu Hảo: Chuyện truyền kỳ trên đất An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi tìm về thôn Thượng An (xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) mong “bòn đãi” được chút gì đó về con người đã đi vào sử sách-Đốc tướng Cần vương Nguyễn Hữu Hảo. Tiếc rằng, thời gian đã quá xa, cũng chỉ có được đôi câu chuyện truyền kỳ ngõ hầu bạn đọc.

1. Cho đến nay, nhân vật lịch sử này vẫn được biết đến qua những ghi chép tóm tắt: Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Cần Vương của Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, năm 1885, ông Nguyễn Hữu Hảo (có tài liệu ghi là Nguyễn Hảo, người viết theo danh xưng trong gia phả và bia mộ của ông) người làng Thượng An đã lập 3 đội quân, lấy tên là Sơn Hùng, Sơn Dũng và Hùng Dực, sát cánh cũng nghĩa quân Mai Xuân Thưởng chiến đấu nhiều trận ở Bàu Sấu, Đồng Hươu (Bình Định).

Sau khi Mai Xuân Thưởng bị bắt, một số tướng lĩnh lên vùng núi Ông Bình lập căn cứ mới tiếp tục chống Pháp. Quân Pháp kéo lên vây làng Thượng An, bắt được chị gái ông là bà Nguyễn Thị Thàng, vợ Tá Bốn đang tham gia nghĩa quân.

Vì sợ bà Thàng không chịu nổi đòn tra của giặc khai lộ cơ đồ nên ông phải ra mặt. Chúng giải ông về Quy Nhơn để xử bắn nhưng trên đường đi ông đã trốn thoát...

Năm 1908, phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ nổ ra. Hàng trăm đồng bào Kinh, Bahnar ở An Khê đứng lên hưởng ứng. Nghi ngờ ông cầm đầu, giặc Pháp đến nhà vây bắt ông. Bị ông và người con trai cả là Hai Xước chống trả, chúng bắn chết Hai Xước rồi đốt nhà.

Ông trốn thoát vào rừng nhưng sau đó giặc Pháp truy tìm và bắt được, đóng gông và giải về thành Bình Định. Năm 1909, ông mắc bệnh mất trong nhà lao.

...Chuyện kể rằng, một năm nọ, nắng hạn lâu ngày, lúa gieo lên đều chết khiến người dân trong vùng lâm vào nạn đói. Hai làng Thượng An và An Thượng lúc này chỉ còn nhà ông Nguyễn Hữu Hảo là nơi có thể nhắm tới để vay mượn.

Ông Nguyễn Hữu Hảo vốn gốc tích họ Lê ở thôn Đại Khoan (xã Cát Lâm, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), vì vướng chuyện “quốc sự”, cả nhà lo sợ dắt díu nhau trốn lên ấp An Khê thượng, đổi ra họ Nguyễn.

“Bà con đừng nhộn nhạo, tôi còn cơm ăn thì bà con cũng có cơm ăn”-ông hứa chắc nịch. Để mọi người yên lòng, ông bày rượu mời họ uống và giục vợ đong lúa cho nhanh.

123.jpg
Minh họa: Huyền Trang

Một lúc lâu sau, thấy có người tiu nghỉu ra về, ông nạt: “Sao không lấy lúa mà lại về tay không?”. Bà vợ ông vội lên phân bua: “Cha nó cứ ngồi đó uống rượu, không xuống mà coi. Nhà mình đông người, lúa chỉ còn có 2 bồ nhỏ, may ra thì chỉ đủ ăn đến mùa, còn đâu mà đong cho bà con?”.

Ông không tin xuống xem, quả nhiên là nhà chỉ còn 2 bồ lúa nhỏ thật. Trở lên, ông bảo mọi người: “Tôi đã hứa, tất không sai lời. Vậy ngày mai, ai chưa mượn được lúa hãy theo tôi lên nhà Đốc Trực ở Cửu Định, bà Yểu ở An Khê”.

Y lời, sáng hôm sau, ông cưỡi ngựa đi trước, con trai cả Hai Xước dẫn 50 người quảy thúng mủng theo sau. Chẳng biết ông nói những gì nhưng cả 2 nhà đều vui vẻ đồng ý cho mượn lúa. Năm đó, phải đến cả trăm nhà được ông cứu giúp.

Qua cơn bĩ cực, mùa sau, lần lượt mọi người mang lúa đến trả. Chẳng có giấy ghi nợ nên chẳng thể nhớ cụ thể số lúa từng người mượn, ông bà cứ mặc mọi người trả bao nhiêu thì trả.

2. Lên khai khẩn vùng đất An Khê cư dân hầu hết đều từ gốc gác Quảng Ngãi, Bình Định. Bộ môn nghệ thuật tuồng rất được mọi người ưa thích. Vào các dịp cúng Khai sơn, cúng Khai xuân... các làng vẫn thường mời các gánh hát về biểu diễn.

Mỗi lần có đoàn về, ông Nguyễn Hữu Hảo lại được mời cầm chầu. Người được tín nhiệm cầm chầu, ngoài chức vị và uy tín trong làng còn phải có am hiểu nhất định về Nho học, điển tích văn chương và âm luật, thông thạo tuồng tích và nghệ thuật biểu diễn để có sự tinh tế trong cảm nhận; từ đó mới có thể khen chê đúng mức, khen thưởng công minh.

Một năm, vào dịp cúng Khai xuân, gánh hát bội lại được mời về đình An Khê biểu diễn. Như thường lệ, ông Nguyễn Hữu Hảo lại được làng cử ra cầm chầu. Người xem rất đông.

Trong khi ai nấy đang dán mắt lên bục diễn dõi theo từng động tác của các kép, thốt nhiên, giữa đám đông có tiếng khóc. Gác dùi trống, ông Hảo đứng lên rẽ đám đông đi tới xem có chuyện gì. Thì ra, một cô gái trẻ bị kẻ gian giật mất chiếc khăn nhiễu điều đang bịt trên đầu.

Biết kẻ gian chưa kịp ra khỏi sân đình, ông cao giọng: “Ai giật khăn cô đây thì trả lại cho người ta, nếu không tôi cho lục soát là có chuyện đấy!”. Đám đông đang nhộn nhạo bỗng lặng phắc. Thoáng chốc, một thanh niên bước ra đưa cho ông chiếc khăn, nói rằng người giật khăn cô gái chỉ để đùa nhưng sợ ông nên không dám ra mặt.

3. Ngày ấy, xung quanh An Khê là rừng già vây bủa. Cọp rất nhiều. Hai làng Thượng An và An Thượng lúc đó gộp lại cũng chỉ được chừng 100 nóc nhà. Dân cư thưa thớt khiến giống cọp càng được bề tác quái. Để chống lại nạn cọp, chính quyền sở tại phải treo thưởng cho những ai săn bắt được chúng.

Một dạo, Song An bỗng xuất hiện con cọp dữ. Cứ tối đến là chuồng gia súc phải đóng gióng thật chắc; nhà nhà đóng chặt cửa, không ai dám một mình đi ra khỏi làng. Ngày đi làm bao giờ cũng phải có dao, rựa phòng thân. Thấy cuộc sống dân làng bị xáo trộn, ông Hảo quyết tâm ra tay trừ họa.

Một hôm, mới chập tối, trong làng đã có tiếng la bò bị cọp vồ. Ông Hảo cùng Hai Xước chạy vội đến. Thấy vết máu còn tươi, cha con ông người cung tên, người cầm mác lần theo. Đến gần bờ suối, 2 người bỗng nghe trong lùm cây phía trước có tiếng động lạ.

Nhẹ nhàng tiến đến gần, trong ánh đuốc lờ mờ, cả 2 giật thót mình khi trước mặt chừng mươi mét, 1 con cọp lớn giương đôi mắt xanh lè đang đập đuôi chuẩn bị vồ tới.

Nhanh như chớp, ông Hảo lùi lại nép sau gốc cây to giương cung. Mũi tên xuyên đúng vào mắt con cọp. Cùng lúc, mũi mác trong tay Hai Xước bay tới cắm phập vào hông khiến con cọp chỉ lết được vài bước rồi gục xuống.

Tin cha con ông Hảo bắn chết được cọp dữ khiến 2 làng như vỡ ra vì vui sướng. Xương để nấu cao, thịt cọp đãi làng, còn bộ da, cha con ông hăm hở mang lên An Khê trình báo để lấy thưởng.

...Khi trò chuyện cùng tôi, hậu duệ gần nhất là ông Nguyễn Hữu Hào (cháu gọi ông Nguyễn Hữu Hảo bằng cố) hay người cao niên nhất thôn Thượng An là cụ Võ Cơ (từng là Bí thư Đảng ủy xã) cũng không biết được gì nhiều.

Tuy nhiên, qua vài mẩu chuyện ít ỏi còn lưu trong gia phả cũng như dân gian, có thể thấy, ông Nguyễn Hữu Hảo là người trọng nghĩa khinh tài, giàu lòng nghĩa hiệp; một tinh thần bất khuất không cam chịu sự đè nén của quân xâm lược và triều đình phong kiến.

Với tính cách ấy, việc ông tham gia nghĩa quân Cần Vương mưu sự cứu nước cũng là tất yếu.

Có thể bạn quan tâm

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt Kon Chênh

Dìu dặt mấy mươi năm giữ lấy vốn liếng Mơ Nâm trên chốn chênh vênh này, lão nghệ nhân đã có thể yên tâm khi văn hóa của làng mình được mọi người biết đến, nhớ đến, và đổi thay cuộc sống nhờ những điều nho nhỏ.

Đề án 06: Động lực xây dựng tỉnh nhà hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

Đề án 06: Động lực xây dựng Gia Lai hiện đại, văn minh - Kỳ cuối: Tháo gỡ điểm nghẽn để về đích đúng tiến độ

(GLO)- Triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, bất cập nhằm thực hiện đúng tiến độ.

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Pháo đài Đồng Đăng được công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia - Kỳ 4: Ba ngày đêm máu lửa

Cùng với mục tiêu đánh chiếm pháo đài Đồng Đăng, quân địch dồn lực lượng để bao vây, đánh chiếm cứ điểm hang Đền Mẫu án ngữ con đường dẫn đến thị trấn Đồng Đăng. Tại đây, quân và dân địa phương đã kiên cường bám trụ 3 ngày đêm chống lại quân xâm lược.

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Nhân sự kiện pháo đài Đồng Đăng được công nhận di tích lịch sử quốc gia - Kỳ 3: Chứng tích bi hùng

Đối với cư dân sống ở thị trấn miền biên viễn Đồng Đăng, những ngày tháng đối đầu với quân xâm lược tháng 2/1979 giống như những thước phim quay chậm bi thương mà hào hùng. Họ đã sống, chiến đấu cùng bộ đội hiên ngang như thành đồng lũy thép ngay tuyến đầu Tổ quốc.

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Tình yêu từ chiến hào: Bất tử Pò Hèn

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, rất nhiều người lính đã không chỉ cống hiến xương máu, bảo vệ từng tấc đất biên cương, mà còn coi nơi mình chiến đấu là quê hương thứ 2 để ươm mầm tình yêu, cho hạnh phúc hôm nay.

Ở góc Tây Nam

Ở góc Tây Nam

Bà chủ homestay đầu tiên trên đảo Hòn Đốc (Kiên Giang) - Phương Thảo - kể hồi mới theo chồng ra đảo, ở đây cái gì cũng thiếu. Nước ngọt mỗi ngày đều phải chờ xà-lan chở từ Hà Tiên ra, mỗi nhà xách theo một can 30l ra cầu cảng nhận phát nước.

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa Kinh Giang

Rừng dừa nước bên bờ dòng Kinh Giang, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) gắn liền với lịch sử kháng chiến thống nhất đất nước. Hiện đây là nơi mưu sinh của người dân và là điểm du lịch hấp dẫn.

"Đã có thầy ở đây..."

"Đã có thầy ở đây..."

Có thầy ở đây, trái tim trẻ thơ được sưởi ấm giữa những giông gió cuộc đời. Có cô ở đây, trẻ thơ vững bước trên hành trình gom nhặt kiến thức. Có thầy, cô ở đây, các em không chỉ học cách viết những con chữ mà còn học cách sống, cách yêu thương, cách đứng dậy sau vấp ngã…

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Đổi thay ở làng phong Quy Hòa

Làng Quy Hòa, ngôi làng nhỏ nằm nép mình bên bờ biển Quy Nhơn, là nơi trú ngụ cho những bệnh nhân phong trong nhiều thập kỷ. Trải qua nhiều biến động, cùng với tiến bộ của y học, căn bệnh nan y ngày nào đã không còn là nỗi ám ảnh.