Bất cứ tảng đá nào cũng chứa trong đó một bức tượng rất đẹp, người giỏi là người biết tạc từ đá ấy để có bức tượng như mình mong muốn, viết về GS Trần Văn Nam tôi cứ nghĩ về sự chăm chỉ, cần cù và tài hoa của người đi tìm đá và người tạc tượng. Đi dạy suy cho cùng cũng là người đi tìm tượng cho những không gian đẹp cuộc đời.
Đến một tuổi nào đó khi đã tạm xong công việc hành chính, thì ta mới có dịp nghĩ lại quãng đời đã qua, những lo toan cuộc sống, gia đình và cả chút công danh tạm thời khép lại, ta thênh thang ngắm nhìn chung quanh và chính mình. Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.
Bài tập đọc đầu tiên
Viết về người thầy một đời dạy học vừa dễ nhưng cũng rất khó như trong trường hợp GS Trần Văn Nam, những thông tin cơ bản về quá trình thành đạt của thầy nhiều người biết, nhưng tìm được cái riêng, cái lạ từ con người đằm thắm ấy là không dễ, giống như tìm cái cao cả trong cái bình thường vốn là điều khó ở đời. GS Trần Văn Nam sinh năm 1958, mồ côi mẹ từ nhỏ, nhà nghèo nên hai lớp đầu bậc tiểu học thầy phải ở nhà tự học, vào lớp 3 thầy mới chính thức được đến trường làng.
Bài tập đọc đầu tiên “Tôi đi học” (Thanh Tịnh) là do người anh cả bày, học thuộc lòng nhưng không được cái cảm giác lâng lâng của ngày tựu trường mãi cho đến lớp 3. Tôi nghiệm ra một điều cái tính thiện có thể vốn có bằng nhau ở mỗi người, nhưng cái thiên tư sáng dạ không phải ai cũng có bằng nhau. Có người nhà có điều kiện nhưng lại không học được, dẫu tính rất hiền lành, còn như thầy Nam việc đi học, lên lớp, đứng đầu các năm học từ tiểu học đến đại học nghe rất nhẹ nhàng. Dĩ nhiên trong các loại lao động ở đời, đi học và học giỏi là thứ lao tâm khổ tứ nhất.
Từ lớp đệ thất (lớp 6) đến lớp đệ nhị (lớp 11) thầy Nam theo học tại Trường Phan Châu Trinh, một ngôi trường công lập của Đà Nẵng mà được theo học ở đó là một niềm tự hào. Trường Phan Châu Trinh dành cho học sinh giỏi, và thầy Nam hầu như đứng đầu lớp suốt sáu năm theo học tại ngôi trường lẫy lừng ấy. Sau năm 1975 cùng với gia đình thầy Nam về lại quê xã Điện Phước, theo đó thầy chuyển học lớp 12 tại Trường Nguyễn Duy Hiệu (Điện Bàn). Tốt nghiệp cấp III thầy Nam thi vào khóa đầu của Trường Đại học Bách Khoa, bấy giờ có cái tên rất hay là “Viện Đại học Đà Nẵng”. Bốn năm khoa cơ khí chế tạo, anh là một trong ít người xuất sắc của lớp. Ngày ấy, miền Nam có một Trường Bách Khoa (Phú Thọ) mà chất lượng đào tạo kỹ sư của họ ngang ngửa với các nước châu Á. Bách Khoa Đà Nẵng tuy là mới lập nhưng được sự tín nhiệm cao của xã hội.
Quê tôi có hai người liên quan đến ô-tô nổi tiếng. Một là anh Võ Quang Huệ, sinh năm 1952 ở Vĩnh Điện (Điện Bàn), người có 24 năm làm việc cho BMW (sau này về nước phụ trách đề án Vinfast của Vingroup) và hai là GS Trần Văn Nam, tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí chế tạo và là giáo sư chuyên ngành động cơ nhiệt. Đọc về anh Huệ, có thể thấy người tạo ra niềm đam mê ô-tô cho anh chính là người cha của mình, còn với GS Trần Văn Nam tôi nghĩ có vai trò của người anh cả nổi tiếng: GS Trần Văn Thọ.
Từ nguyên lý “đốt trong”
Làm quản lý khoa dĩ nhiên phải là giáo viên giỏi, và được chọn để làm hiệu trưởng ngôi trường danh giá ấy là một sự sàng lọc, có cả cạnh tranh, có cả thử thách và quan trọng phải nhận được sự ủng hộ của tập thể ngoài điều kiện phải thực sự giỏi. Thầy Trần Văn Nam đã làm hiệu trưởng ngôi trường danh giá ấy sau các Giáo sư nổi tiếng Lý Ngọc Sáng, Phan Kỳ Phùng, Phạm Phú Lý và Bùi Văn Ga.
James Watt hoàn thiện chiếc máy hơi nước mở đầu cho thời đại phát triển công nghiệp cách đây cũng đã 200 năm, từ đó đến nay quanh cái động cơ ấy diễn ra biết bao thay đổi. Nguyên lý “đốt trong” về cơ bản vẫn những yếu tố vốn có, nhưng về chất liệu và nhất là hiệu năng của nó thì vô số sự thay đổi, “đốt trong” ngày nay là một ngành hẹp mà hầu như tất cả các khoa cơ khí trên thế giới đều tập trung nghiên cứu và giảng dạy. Thầy Trần Văn Nam ngay từ khi là sinh viên năm cuối đã được giao việc sửa một chiếc máy điện do Mỹ sản xuất nhưng hỏng phụ tùng, và sinh viên Nam đã lấy một linh kiện tương tự nhưng của Liên Xô, vấn đề là làm sao cho nó tương thích và “nổ” được. Thầy Nam đã mày mò và hoàn thành xuất sắc. Kết quả học tập và nhất là sự mát tay thực hành nên thầy Nam được giữ lại làm giáo viên của Khoa Cơ khí - Chế tạo.
Trong các việc trên đời, dạy học có một đặc thù mà ai từng đứng trên bục giảng đều thấm thía. Để được khẳng định trong môi trường sư phạm nhất là bậc đại học điều đơn giản nhưng khó nhất là phải dạy cho hay, mà để “hay” việc đầu tiên phải làm cho người học hiểu. Giỏi mấy mà giảng sinh viên không hiểu thì khó mà tồn tại, nhưng việc truyền đạt để người nghe hiểu phải được đặt trong quan hệ không ngừng nâng cao, phải cập nhật kiến thức mới nhất lĩnh vực mà giáo viên theo đuổi. Chưa bao giờ yêu cầu tự học của người thầy được kiểm định trực tiếp và khắt khe như đứng lớp, suốt mấy chục năm đi dạy là một quá trình “đi học” không ngừng của thầy Nam.
Cơ hội thường xuất hiện dành cho tất cả, nhưng chỉ những ai chuẩn bị cho mình đủ điều kiện mới tiếp nhận và sử dụng cơ hội đó thành công. Thầy Nam ngoài việc học tiếng Anh suốt từ phổ thông đến đại học, những năm sau 80 lại tập trung lo học tiếng Nhật, một nước gần nhưng bấy giờ là một cách trở xa xôi. Giáo trình tiếng Nhật khó, thầy giáo cũng khó tìm nên thầy Nam mày mò tự học để thi vào Cao học của một trường đại học ở Osaka (1992). Sau ba năm học ở xứ Phù Tang, thầy Nam về lại Trường Bách Khoa Đà Nẵng. Vừa đi dạy, làm công tác quản lý ở Khoa, vừa làm nghiên cứu sinh, thầy Nam bảo vệ luận án tiến sĩ năm 1997, đây là một điều kiện học thuật quan trọng chính thức trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy ở bậc đại học.
Góp thêm tiếng thơm
Để được khẳng định trong môi trường sư phạm nhất là bậc đại học điều đơn giản nhưng khó nhất là phải dạy cho hay, mà để “hay” việc đầu tiên phải làm cho người học hiểu. Giỏi mấy mà giảng sinh viên không hiểu thì khó mà tồn tại, nhưng việc truyền đạt để người nghe hiểu phải được đặt trong quan hệ không ngừng nâng cao, phải cập nhật kiến thức mới nhất lĩnh vực mà giáo viên theo đuổi. Chưa bao giờ yêu cầu tự học của người thầy được kiểm định trực tiếp và khắt khe như đứng lớp, suốt mấy chục năm đi dạy là một quá trình “đi học” không ngừng của thầy Trần Văn Nam.
Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng có một quá trình rất đẹp, tuy ra đời sau Bách Khoa Hà Nội và Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh), nhưng gần năm mươi năm ấy đã cung cấp cho đất nước, nhất là ở miền Trung những kỹ sư chất lượng cao, điều quan trọng nhất là thương hiệu Bách Khoa Đà Nẵng như một bảo chứng yên tâm về chất lượng hàng đầu. Ít có cơ sở đào tạo nào mà sinh viên chưa ra trường đã được doanh nghiệp đón chào, nhiều ngành được các công ty “ứng” lương năm cuối. Để làm nên tiếng thơm ấy có lẽ một phần do chất lượng đầu vào, vốn là những học sinh giỏi và cần cù của miền Trung gian khó, nhưng có lẽ quan trọng hơn là do chính đội ngũ thầy cô của trường, những chuyên gia giỏi hàng đầu. Làm quản lý khoa dĩ nhiên phải là giáo viên giỏi, và được chọn để làm hiệu trưởng ngôi trường danh giá ấy là một sự sàng lọc, có cả cạnh tranh, có cả thử thách và quan trọng phải nhận được sự ủng hộ của tập thể ngoài điều kiện phải thực sự giỏi. Thầy Trần Văn Nam đã làm hiệu trưởng ngôi trường danh giá ấy sau các Giáo sư nổi tiếng Lý Ngọc Sáng, Phan Kỳ Phùng, Phạm Phú Lý và Bùi Văn Ga.
Năm 2010, sau bốn năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, PGS Trần Văn Nam được bổ nhiệm làm Giám đốc Đại học Đà Nẵng. Thầy Nam đã quản lý thông suốt, hiệu quả và “bình yên” cho 13 đơn vị thành viên, hơn 2.500 cán bộ, trong đó gần 70% là có học vị, học hàm, cũng như chịu trách nhiệm đào tạo cho hơn 10 vạn sinh viên và mỗi năm, hàng ngàn kỹ sư, cử nhân và hàng chục tiến sĩ tốt nghiệp là một công việc chẳng thể nói dễ dàng.
Nhưng còn một công việc khác nữa ngoài tham gia giảng dạy, hướng dẫn thành công cao học và nghiên cứu sinh, GS Nam còn chủ trì và công bố hơn một trăm công trình nghiên cứu khoa học. Trong đó có những chuyên ngành rất hẹp về động cơ, về nhiệt, về vật liệu và cả về nhân tố con người chất lượng cao trong quá trình công nghiệp hóa đất nước… có công trình công bố trên các ấn bản tiếng Anh và tiếng Nhật quả là một sức làm việc đáng nể. Ai có viết báo mới thấy cảm giác mỗi khi ngồi trước trang giấy là “pháp trường trắng” (Nguyễn Tuân) để thấy quý hơn sức làm việc của GS Trần Văn Nam.
Đại học Đà Nẵng hiện có 8 Giáo sư, 118 Phó Giáo sư. TS Trần Văn Nam là Giáo sư Động cơ nhiệt duy nhất của Đà Nẵng. Hơn ba mươi năm đi dạy và quản lý, có nhiều kỷ niệm, có việc vui và dĩ nhiên có việc chưa hài lòng, có việc mong muốn mà chưa có điều kiện thực hiện, nhưng để được người khác nhớ có lẽ ngoài việc học và làm việc còn có những yếu tố khác. Sau khi bàn giao công tác quản lý, bảy người trong nhóm chúng tôi, tất cả đều đã hưu vài ba tuần lại cà phê trò chuyện với nhau. Và GS Nam là người có nhiều thông tin nhưng cũng là người nói chuyện có duyên nhất trong các buổi chuyện trò ấy. Ẩn chứa đâu đó trên gương mặt ấy là một tài hoa.
Có lần thầy Nam kể, trước năm 1975, những lần đi học ngang qua ngôi nhà có tiếng dương cầm, ước mơ của thầy là lớn lên cố gắng mua cho được cây đàn có âm thanh kỳ diệu ấy. Bây giờ, GS Trần Văn Nam đã có đàn và có cả một sự nghiệp đáng để trầm trồ. Thầy Nam là người không những truyền đạt cảm hứng mà chính Thầy cũng là một thứ “đốt trong” miệt mài mấy chục năm cho cái động cơ ơn nghĩa cuộc đời.
Theo MAI LANG (baodanang)