Vào vương quốc thủy tùng - Kỳ cuối: Gian nan chữa bệnh 'vô sinh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quần thể thủy tùng nơi đại ngàn Tây Nguyên gần nửa thế kỷ qua không còn tái sinh tự nhiên.

Nhưng những năm gần đây, loài cây từng bị coi là “vô sinh” đã có những cây giống để trồng. Việc bảo vệ phát triển nguồn gen bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khả quan.

Ở rừng nhiều hơn ở nhà

Dưới cánh rừng thủy tùng nguyên sinh, chúng tôi cảm nhận được mùi hương nhẹ từ loại cây quý này. Anh Võ Thành Tám, Giám đốc Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước lý giải, thủy tùng có giá trị về mặt khoa học, có mùi thơm đặc trưng, không bị mối mọt và vân của lõi cây rất đẹp. Đặc biệt hơn, cây khô nằm dưới nước càng lâu thì vân của lõi từ màu vàng sẽ đổi thành màu xanh.

vao-vuong-quoc-thuy-tung-ky-cuoidd.jpg
Để bảo vệ và phát triển nguồn gen quý, cán bộ Ban thực hiện bằng 2 hình thức: Ghép trên rễ thở và giâm hom.

Đứng trên con đường tuần tra, bốn bề chỉ cây là cây. Gió lùa lên lán trại thông thốc, thi thoảng có tiếng thú hoang lạc bầy vọng lại từ thăm thẳm phía rừng già. Những chuyến tuần tra vẫn được nối dài. Thời điểm lễ, Tết cũng là lúc những người làm công tác bảo vệ rừng như các anh bước vào cao điểm thực hiện nhiệm vụ của mình. Cũng vì đây là loại cây gỗ quý nên lâm tặc nhòm ngó, thế nên hoạt động tuần tra, bảo vệ được tăng cường dày hơn.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, khu vực quần thể thủy tùng nằm sát nách khu dân cư, bao quanh nương rẫy của người dân nên đơn vị tuần tra túc trực 24/24, chỉ cần mất cảnh giác là rừng thủy tùng sẽ bị kẻ xấu xâm hại. UBND huyện Ea H’leo đã đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 về dự án đường bao quanh hồ Ea Ral 1, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo (hồ thủy tùng). Qua đó nhằm góp phần đảm bảo an toàn hồ đập, từng bước hiện thực quy hoạch chi tiết xây dựng chung của xã Ea Ral. Đây cũng là động lực phát triển kinh tế, xã hội, du lịch, thương mại của địa phương.

Lực lượng ở Ban chủ yếu là thanh niên trẻ. Ngày ngày quẩn quanh với cây rừng, đêm bóng tối bủa vây, chỉ nghe tiếng gió rì rào, ếch nhái ộp oạp… quả là thử thách lớn đối với người trẻ. Anh Nguyễn Văn Hiếu, cán bộ ban chia sẻ, mọi người hiểu rõ tầm quan trọng của việc giữ rừng, lại quen với nắng gió, màu xanh miên man nên muốn góp phần bảo vệ sự sống trên vùng đất sình lầy. Khi chọn công việc này, mọi người đã chọn cho mình ít nhiều mất mát. "Một năm dài, chúng tôi ở rừng nhiều hơn ở nhà. Cuộc sống trong rừng tuy vất vả, thiếu thốn nhưng anh em luôn xác định nhiệm vụ công việc lên hàng đầu, dẫu khó khăn đến đâu cũng bảo ban nhau vượt qua", anh Hiếu tâm sự.

Anh Võ Thành Tám kể, vào một đêm mưa gió năm 2014, kẻ xấu đã lẻn vào rừng cắt một ngọn cây thủy tùng. Khi nghe tiếng động, lực lượng bảo vệ rừng chạy ra thì đối tượng đã nhanh chân bỏ chạy. Sau đó 3 năm, rạng sáng một ngày mưa to gió lớn năm 2017, một nhóm đối tượng đã đột nhập cắt một đoạn của ngọn cây thủy tùng hơn 300 năm tuổi. Lực lượng quản lý bảo vệ rừng kịp thời phát hiện, bắt giữ 1 đối tượng và giao cho cơ quan chức năng xử lý. Quá trình xác minh, điều tra, cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ thêm 6 đối tượng có liên quan. Các đối tượng hầu hết đều là học sinh, chưa đủ tuổi vị thành niên.

Anh Tám có hơn 20 năm công tác trong ngành lâm nghiệp. Từ khi Ban thành lập cho đến nay thì từng ấy năm anh gắn bó với khu rừng này. Mấy mươi năm qua, anh luôn đau đáu công tác bảo vệ rừng. Trăn trở lớn nhất của anh là đời sống vật chất và tinh thần của anh em các trạm còn khá vất vả, thiếu thốn.

vao-vuong-quoc-thuy-tung-ky-cuoi2.jpg
Lực lượng bảo vệ rừng đi tuần tra.

Ghép trăm cây chỉ 5 cây sống

Những phần rễ xung quanh cây thủy tùng mọc nhô trên mặt nước, hàng chục chồi non được ghép cẩn thận, phát triển xanh tốt. Anh Tám cho hay, đặc thù của thủy tùng là rễ xung quanh mọc nhô lên mặt nước, hay còn gọi là rễ thở, giúp cây hô hấp. Hiện nay, các nhà khoa học trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, không ai biết được thủy tùng sinh sản bằng hình thức nào. Loài cây này có hoa, có quả nhưng quả không có noãn bên trong, dẫn đến “vô sinh”. Đây cũng là lý do, nhiều năm qua, đơn vị chưa từng phát hiện thủy tùng con nào. Từ năm 2014, Ban đã thử nghiệm phương pháp ghép chồi lên rễ thở của cây thủy tùng mẹ.

“Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỹ thuật cao. Chúng tôi phải lựa chọn những chồi có mắt ngủ phù hợp để ghép vào những rễ thở còn tươi, sống, khỏe mạnh. Tỉ lệ thành công khá thấp, chỉ đạt 2-3%. Đến nay, Ban đã ghép chồi trên hàng trăm rễ thở, nhưng chỉ có 5 cây sống, phát triển tốt”, anh Tám nói.

Trong vườn ươm được đặt sát lán trại, những bầu đất xếp thẳng đứng thành hàng ngang dọc chứa các nhánh thủy tùng xanh rì. Anh Tám cho biết, đây là phương pháp giâm hom. Đơn vị chọn một số chồi phù hợp để giâm hom. Phương pháp giâm hom cũng rất khó khăn và trải qua nhiều giai đoạn nhưng tỉ lệ sống thấp. Trước mắt, những cây thủy tùng nhân giống bằng các phương pháp này đang phát triển tốt. Đó cũng là tín hiệu vui trong công tác bảo tồn loài cây hiếm quý này. Theo anh Tám, để đánh giá chất lượng cây thực hiện từ những phương pháp này có gì khác thủy tùng nguyên chủng thì phải cần thêm thời gian. Mọi người trong Ban thường xuyên theo dõi những cây ghép trên rễ thở xem chúng phát triển thế nào nếu cây mẹ già hoặc trưởng thành...

vao-vuong-quoc-thuy-tung-ky-cuoi3.jpg
Những cây thủy tùng nhân giống bằng các phương pháp này đang phát triển tốt.

Bên cạnh gốc cây thủy tùng gần 700 tuổi, nơi lớp bùn đen nhô lên cơ man rễ thở lởm khởm. Thủy tùng như một loài cây “hóa thạch sống” trong khu rừng với những cây nắp ấm, cây son môi quấn trên thân cây cổ thụ, cành nhỏ rủ dài, điểm xuyết những chùm đỏ rực rỡ, khung cảnh trước mắt mang vẻ đẹp của rừng nguyên thuỷ đầy huyền bí. Có lẽ sự quý giá của thủy tùng ở Đắk Lắk là sinh cảnh đầm lầy tự nhiên cổ sơ còn được giữ lại nơi đây. Khu rừng gần như vẫn còn nguyên vẹn và hoang sơ như thuở ban đầu. Nếu như khu bảo tồn sinh cảnh thông nước có thêm vùng đệm để khôi phục sinh cảnh tự nhiên sẽ góp phần thuận lợi cho công tác bảo tồn báu vật đại ngàn.

Gió mát lồng lộng mang theo mùi cây lá, mùi bùn ngai ngái, tôi lại nhớ đến câu chuyện của những vị khách các tỉnh khác lên du lịch ở các tỉnh Tây Nguyên. Họ nói rằng, thấy nhiều quầy lưu niệm bày bán các lọ lục bình, tượng phong thủy... người bán giới thiệu được làm từ gỗ thủy tùng. Khi đến tham quan quần thể thủy tùng, thấy một thực tế hệ thống cầu phao chạy quanh co đến từng gốc thủy tùng, cho thấy chúng được bảo vệ rất nghiêm ngặt, điều đó đồng nghĩa phần lớn những quầy hàng họ giới thiệu là đồ giả chăng?

Theo Nguyễn Thảo (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Bừng thức gốm cổ M'nông

Bừng thức gốm cổ M'nông

Có thời điểm nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lăm ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng nơi ấy vẫn còn một vài nghệ nhân cố sức giữ nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Nhà máy chuyên sản xuất súng bộ binh

Để tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất súng tại nhà máy quốc phòng Z111 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) PV Thanh Niên phải được sự cho phép của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và tác nghiệp với sự hướng dẫn sát sao của các trợ lý an ninh tuyên huấn chính trị kỹ thuật...

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.