Lặng thầm “đong đếm” nắng mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dự báo viên khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum vẫn ngày đêm miệt mài với công việc “đong đếm” nắng mưa, nỗ lực đem đến cho người dân những thông tin chính xác nhất diễn biến của thời tiết.

Lặng lẽ, âm thầm, bất kể mưa hay nắng, gió hay bão, những quan trắc viên, dự báo viên khí tượng thủy văn tỉnh Kon Tum vẫn ngày đêm miệt mài với công việc “đong đếm” nắng mưa, nỗ lực đem đến cho người dân những thông tin chính xác nhất diễn biến của thời tiết để người dân biết, đề phòng và chủ động ứng phó.

Tôi đến thăm Trạm Khí tượng Kon Tum vào một ngày đầu tháng 12. Vừa thấy khách, chị Phạm Thị Nhi (sinh năm 1983) quan trắc viên của trạm đon đả ra chào hỏi. Có lẽ với chị Nhi, công việc thầm lặng này vốn rất hiu quạnh nên thấy tôi chị vui vẻ đến lạ. Trò chuyện với chị Nhi mới hay, Trạm Khí tượng Kon Tum có 2 người, hôm nay đến lịch trực của chị nên… chỉ có một mình.

Công việc hằng ngày của chị Nhi là đi “ốp” (thuật ngữ trong ngành khí tượng thủy văn nói về các ca trực), mỗi ngày có 4 “ốp” vào các khung giờ: 1, 7, 13, 19 giờ. Đó là quy tắc bất di bất dịch mà mỗi quan trắc viên phải ghi nhớ trong đầu.

Nói chuyện với chị Nhi một hồi lâu thì vừa hay đến 13 giờ, thế là chị Nhi dẫn tôi lên vườn quan trắc để tận mắt chứng kiến một “ốp” làm việc. Vừa lúi húi kiểm tra dụng cụ đo đạc, chị Nhi vừa nói, trình tự quan trắc thường gồm các công đoạn trước giờ tròn từ 11 đến 15 phút, đúng giờ tròn và sau quan trắc, với những việc như quan trắc gió, xác định trạng thái mặt đất, nhiệt độ mặt đất, xác định mây, đọc nhiệt kế khô.

lang-tham-1.jpg
Quan trắc viên Phạm Thị Nhi quan trắc nhiệt kế. Ảnh: TH

Từ số liệu thô ghi chép được, chị Nhi mã hóa dữ liệu và gửi về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên và Tổng cục Khí tượng Thủy văn không quá 5 phút sau giờ tròn để các chuyên gia phân tích thành bản tin dự báo thời tiết hàng ngày.

Thấy tôi hỏi công việc đặc thù như vậy thì được nghỉ những ngày nào, chị Nhi lắc đầu, rồi bảo: Nghề khí tượng thủy văn không có khái niệm ngày nghỉ. Công việc túc trực ngày đêm. Có những ca đêm không dám chợp mắt vì sợ trễ giờ, hay lúc mưa to gió lớn vẫn lao mình ra đo đạc.

Thế nhưng, điều chạnh lòng nhất của những người “đong đếm” nắng mưa chính là đêm 30 Tết. Lúc mọi người quây quần bên mâm cúng giao thừa đón năm mới thì phải trực tại Trạm. Đó cũng chính là câu trả lời cho thắc mắc, sáng mùng 1 Tết vẫn có bản tin dự báo mà nhà nhà vẫn luôn theo dõi để chuẩn bị cho những chuyến du xuân.

“Đêm 30 Tết, nhìn pháo hoa rợp trời, mọi người rôm rả cười nói tôi cũng có chút chạnh lòng. Thế nhưng khi nghe tiếng chuông báo thức báo đến giờ đi “ốp”, tôi lại kìm lòng, gác lại nỗi niềm riêng để hoàn thành công việc. Công việc dù thầm lặng, nhưng chẳng ai trong chúng tôi không yêu nghề. Đến phiên trực, không ai quên nhiệm vụ. Nhiều năm qua, cán bộ của Trạm đều hoàn thành tốt công việc được giao” - chị Nhi Tâm sự.

Nếu như công việc của trạm khí tượng là nhìn mây, đo gió thì trạm thủy văn lại làm nhiệm vụ gắn liền với sông nước. Trạm Thủy văn Kon Tum là trạm cấp 1, có 3 cán bộ. Trong đó, anh Nguyễn Tất Tý (sinh năm 1972) - Trạm trưởng có thâm niên công tác 25 năm, 2 người còn lại cũng ngót nghét hơn 10 năm.

Công việc hằng ngày của Trạm là đo mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa, lưu lượng nước, phù sa mỡ lưng... Ngày thường, Trạm thực hiện đo 4 “ốp”/ngày vào các khung giờ như 1, 7, 13 và 19 giờ. Vào những ngày có mưa to kéo dài, mực nước tăng mạnh thì chế độ quan trắc tăng lên 8 lần, 12 lần, 24 lần/ngày.

Tất cả công việc đều phải thực hiện ngoài trời, trên sông nước và bằng các dụng cụ chuyên biệt. Đặc biệt, vào những ngày mưa lũ lớn, cứ 30 phút một lần, cả 3 cán bộ của Trạm lại tròng trành trên chiếc thuyền nhỏ được móc vào dây cáp, chèo ra giữa sông thực hiện quan trắc. Cứ thế, một người lái thuyền, một người ghi chép, người còn lại thực hiện việc đo đạc.

Theo anh Nguyễn Tất Tý, khó nhất là đo tốc độ dòng chảy để tính lưu lượng nước. Bình thường thì không quá 15 ngày sẽ đo 1 lần, nhưng những ngày mưa lũ thì tùy theo biên độ của mực nước để đo liên tục. Ngoài đo đạc, quan trắc còn phải ghi, nhập số liệu, tính toán các con số về tình hình lũ trên sông và nhanh chóng gửi về Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum để đánh giá tình hình, triển khai phương án phòng, chống.

“Những ngày mưa lũ, sông Đăk Bla cuốn theo nhiều cây cối, bùn đất tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn túc trực, đo liên tục để kịp cung cấp số liệu. Với chúng tôi lúc đó, những con số vô cùng quan trọng. Nó chính là một trong những chất liệu quan trọng để cơ quan chức năng đưa ra những phương án phòng chống, nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra” - anh Nguyễn Tất Tý nói thêm.

Công việc của các quan trắc viên vất vả bao nhiêu thì công việc của những dự báo viên lại càng phức tạp bấy nhiêu. Để cho ra các bản tin dự báo thời tiết có độ chính xác cao đòi hỏi dự báo viên phải thu thập đầy đủ các số liệu cần thiết. Sau khi có đầy đủ số liệu, các dự báo viên sẽ tổng hợp, tính toán kỹ lưỡng để từ đó đưa ra các bản tin chính xác nhất.

2langtham.jpg
Dự báo viên Lại Ngọc Thắng thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: TH

18 năm gắn bó với nghề, anh Lại Ngọc Thắng (sinh năm 1984) - Dự báo viên Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh chia sẻ: Với tính chất công việc cần sự chính xác cao nên bất luận trong điều kiện thời tiết nào, chúng tôi đều phải có mặt đúng giờ để làm nhiệm vụ, đảm bảo thông tin nhanh nhạy, chính xác.

Cũng theo anh Thắng, những năm gần đây, các hiện tượng thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường. Để nâng cao chất lượng dự báo, bản thân anh cùng các đồng nghiệp thường xuyên học tập các khóa học công nghệ về dự báo, tăng cường tham khảo các mô hình trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn.

Ông Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum cho biết, Đài hiện có 22 cán bộ, trong đó có 5 dự báo viên, 17 quan trắc viên. Những bản tin dự báo thời tiết đưa ra hàng ngày, thậm chí hàng giờ là minh chứng sinh động nhất về sự cần mẫn, tình yêu nghề của những người làm công tác khí tượng thủy văn.

Công việc của những người “đong đếm” nắng mưa luôn âm thầm, lặng lẽ với niềm đam mê mãnh liệt. Chính sự cống hiến thầm lặng ít ai biết đến đó đã đóng góp to lớn vào công tác dự báo khí tượng thủy văn, nhằm giảm thiểu rủi ro do thiên tai gây ra.

Theo THU HIỀN (TPO)

Có thể bạn quan tâm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Thanh âm báu vật nghìn năm

Già làng cầm viên đá nhỏ bằng nắm tay gõ vào các thanh đá bỗng phát ra âm thanh trong trẻo như tiếng suối chảy, trầm hùng của núi rừng. Bà con người dân tộc M’nông vẫn thường dừng chân bên suối và kể cho con cháu nghe về huyền thoại của dòng suối cũng như sự xuất hiện của những bộ đàn đá cổ.

Khi người già đi học công nghệ

Khi người già đi học công nghệ

Đều đặn mỗi tháng một lần, nhiều cụ ông, cụ bà từ 60 đến 90 tuổi lại mang tập bút đến lớp học về sử dụng điện thoại thông minh, mạng xã hội nhằm bắt kịp được với thời đại 4.0 cũng như biết cách phòng tránh lừa đảo qua mạng.

Bừng thức gốm cổ M'nông

Bừng thức gốm cổ M'nông

Có thời điểm nghề làm gốm cổ của người M’nông R’lăm ở Đắk Lắk đứng trước nguy cơ lụi tàn, nhưng nơi ấy vẫn còn một vài nghệ nhân cố sức giữ nghề để giữ lấy nét văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.