Hàng ngày, chúng ta coi các bản tin cảnh báo thời tiết trên truyền hình đều gặp những biên tập viên, người dẫn chương trình lịch lãm, duyên dáng cùng các thông tin thời tiết được cả triệu người quan tâm theo dõi.
Nhưng để có những số liệu quan trắc, thông tin cảnh báo dự báo cập nhật kịp thời thì ngày và đêm, hàng ngàn cán bộ khí tượng - thủy văn ở khắp mọi miền, từ non cao đến biển rộng, đang ngày đêm miệt mài đo mây, mưa, nắng, gió, bão, lũ, dông, lốc, sét…
Ngược dòng sông Năng
Để giúp cánh nhà báo được tận mắt thấy công việc lặng lẽ mà đầy nỗi niềm, gian khó của các cán bộ quan trắc, dự báo khí tượng thủy văn trên mọi miền đất nước, Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia (thuộc Bộ TN-MT) vừa tổ chức một đoàn đi thực tế tại các trạm quan trắc thời tiết ở 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Đó là Trạm Khí tượng - Thủy văn Đầu Đẳng thuộc Đài Khí tượng - Thủy văn vùng Việt Bắc. Từ TP. Bắc Kạn, chúng tôi ngược lên cửa Vườn quốc gia Ba Bể khoảng 100 km thì ô tô không thể đi thêm được nữa, cả đoàn phải xuống thuyền tại bến đò Khang Ninh, huyện Ba Bể để đi ngược dòng sông Năng lên Đầu Đẳng.
Sông Năng là cái tên nghe vừa lạ vừa quen nhưng rất bí ẩn đối với nhiều người, được hợp lưu bởi nhiều dòng suối trên địa bàn tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn, chia thành hai nhánh, một đổ thẳng về sông Gâm tại tỉnh Tuyên Quang (thuộc đầu nguồn thủy điện Na Hang), còn một nhánh nhỏ “rót” nước vào hồ Ba Bể. Vì thế, khúc sông từ hồ Ba Bể nối ra sông Năng rất lạ, vào mùa mưa lũ thì nước chảy xuôi vào hồ nhưng về mùa khô nước từ hồ lại chảy ngược ra (hiếm có sông nào như thế). Và từ bến đò Khang Ninh, chúng tôi phải đi thuyền khoảng 2 tiếng giữa hai bên là vực đá cheo leo, hang động như ở Tràng An (Ninh Bình) thì mới tới được trạm Đầu Đẳng nằm chênh vênh sát bờ sông dữ. Trong từ điển thành ngữ Việt Nam có câu “trứng để đầu đẳng” tức quả trứng đặt trên cái bàn chênh vênh không có thành đỡ thì sểnh tay là rơi vỡ.
Trạm Đầu Đẳng được xây kiên cố nhưng bên dưới làm kiểu nhà sàn để chống lũ. Trưởng trạm là anh Nguyễn Huy Hòa, 35 tuổi, nói với đoàn rằng khi có lũ lớn, ngôi nhà như một cái hộp nổi giữa tứ bề nước đỏ. Cả trạm chỉ có 5 anh em, toàn nam giới, nên có người đùa rằng thế này chẳng cần mặc quần áo, vì bốn bề u tịch giữa chốn thâm sơn cùng cốc. Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, người dẫn đầu đoàn thực địa, bảo: “Ngành khí tượng thủy văn của chúng tôi thường được viết tắt là KTTV, có nghĩa là… không tiêu tiền vặt hoặc không tiêu tiền vợ và thấy rất đúng đối với các anh em ở trạm Đầu Đẳng. Bởi vì ở đây có tiền cũng không có gì để mua. Mọi thứ đều khó khăn, thiếu thốn”. Anh trạm trưởng cũng nói thêm: “Từ trạm, chúng tôi phải đi bộ ngược 7 km sang đất Tuyên Quang mới có chợ. Nếu đi xuôi về thị trấn Ba Bể thì đầu tiên phải đi thuyền máy mất 45 phút, sau lại đón xe ôm đi thêm 20 km nữa. Cho nên ở đây, anh em phải tự trồng rau, chăn gà, nấu rượu uống”.
Mẹ con chị Hoàng Thị Tính, cán bộ trạm quan trắc KT-TV Chợ Rã, Bắc Kạn |
Theo ông Nguyễn Mạnh Thắng-Phó Giám đốc Đài Khí tượng - Thủy văn khu vực Việt Bắc (trụ sở đặt tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), đơn vị phụ trách 58 trạm khí tượng - thủy văn tại các tỉnh gồm Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Kạn thì chức năng chính của trạm Đầu Đẳng là quan trắc mưa và lũ lụt để truyền số liệu về đài khu vực và Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương (thuộc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn Quốc gia), qua đó các dự báo viên sẽ đưa ra các thông tin dự báo tình hình thời tiết, nguy cơ mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất đá… để cảnh báo cho các cơ quan chức năng và nhân dân ở địa bàn này. Thiên tai luôn rình rập. Tôi còn nhớ năm trước tại huyện Pắc Nậm, cách đó không xa, đã từng xảy ra đợt mưa lớn gây sập núi, đè chết hơn 10 mạng người trong hai bản, nhiều nạn nhân là thành viên trong một gia đình. Trạm Đầu Đẳng còn có chức năng nữa là quan trắc và cảnh báo về mực nước trên sông Năng cho Ban quản lý vườn quốc gia và hồ Ba Bể của tỉnh Bắc Kạn và công trình Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang ở thị trấn Na Hang - Tuyên Quang, sắp tới là hồ thủy điện Yên Sơn - Tuyên Quang và hồ thủy điện cột nước thấp tỉnh Phú Thọ. Để đảm bảo an toàn cho các làng bản ở hạ lưu, điều tiết mực nước đầu nguồn kịp thời thì việc quan trắc, theo dõi số liệu thủy văn rất quan trọng. Trạm trưởng Nguyễn Huy Hòa dẫn đoàn trở lại bờ sông, chỉ tay lên sợi cáp treo bằng cổ tay nối giữa hai bờ, từ cáp níu xuống con thuyền bằng một sợi dây, bảo: “Dù lũ dữ hay mùa kiệt, hàng ngày anh em chúng tôi đều phải thức khuya dậy sớm, bám vào sợi cáp dìu thuyền ra giữa sông để đo mực nước. Công việc không nặng nhọc nhưng cần bền bỉ và chính xác. Mùa khô thì ngày 4 lần còn khi có lũ mỗi tiếng phải đo một lần”. Theo Hòa, sợ nhất khi có lũ, đứt cáp là văng mất xác. Anh cán bộ thủy văn đu mình như khỉ giữa dòng nước xiết. Nguy hiểm rình rập nhưng đó là nghiệp và lòng yêu nghề. Mới 35 tuổi nhưng Hòa đã trải qua 5 trạm, vợ con bây giờ vẫn đang ở tỉnh Thái Nguyên, mỗi tháng tranh thủ về với vợ con một lần.
Trong ánh hoàng hôn, sông Năng và trạm Đầu Đẳng đẹp như bức tranh thủy mạc nơi cùng cốc nhưng đêm xuống là im lìm trong ánh đèn dầu vì ở đây chưa có điện. Anh trạm trưởng chân tình bảo: “Mỗi tháng chúng tôi được cấp vài chục lít xăng để chạy máy nổ nhưng mỗi ngày chỉ được phát 3 giờ để có điện bật máy tính, mở mail truyền nhận số liệu về đài trung tâm. Nếu các anh có phát hình lên tivi thì phải dặn chúng tôi trước một tuần để đi mua xăng về chạy máy nổ”.
Mẹ con và mây gió…
Sau một đêm ngủ lại Vườn quốc gia Ba Bể, sáng hôm sau đoàn chúng tôi đến thăm Trạm khí tượng Chợ Rã ở cách đó 14km, chuyên đo mây, mưa, bão, sét… Ba Bể là một huyện nghèo nên thị trấn cũng chỉ như thị tứ ở vùng đồng bằng. Bà con ở đây cho biết, giữa thị trấn có một quả đồi được gọi là “đồi khí tượng” ít ai dòm ngó. Leo lên, gió vi vút reo giữa tre luồng. Trên đỉnh ngọn đồi là vườn khí tượng với cột đo gió, phễu đo mưa, lều đo nhiệt độ… Điều làm cả đoàn, xúc động là cán bộ quản trạm này chỉ có hai người phụ nữ - lại chính là mẹ con chị Hoàng Thị Tính (trạm trưởng). Chị Tính e thẹn, không biết nói chuyện với đoàn thế nào vì cả đời ở trên đồi, chưa gặp khách lạ nhưng cô con gái xinh đẹp thì cả công việc và ăn nói đều tháo vát. Cô tên là Ma Minh Hảo, sinh năm 1994, người Tày, vừa tốt nghiệp Trường Đại học TN-MT ở Hà Nội năm 2016, ra trường về làm cùng mẹ luôn. Mặc dù lương hợp đồng chỉ có 2 triệu đồng/tháng nhưng Hảo nói khi còn học sinh phổ thông đã quyết tâm thi vào khoa khí tượng để ra trường làm nghề của mẹ. “Còn nhỏ, em không hiểu mẹ đo mưa đo gió để làm gì, nhưng bây giờ được học nguyên lý cũng như mục đích của công việc này thì em càng thêm yêu nghề, yêu mẹ em hơn”, Minh Hảo chia sẻ.
Hảo là một quan trắc viên nên nhiệm vụ là kiểm tra, ghi chép toàn bộ số liệu về lưu lượng mưa, nền nhiệt độ, thời gian có và không nắng, tốc độ gió cũng như các nhật trình thời tiết khác trong vườn khí tượng để nhanh chóng truyền về trung tâm dự báo đặt tại Việt Trì (Phú Thọ) và Hà Nội. Có một “ốp” phải truyền về vào 1 giờ sáng theo quy định nên Hảo cũng như hàng ngàn quan trắc viên khác phải đặt đồng hồ báo thức để dậy ra vườn quan trắc. “Đêm mưa thì mặc áo mưa nhưng sợ nhất là khi có sét. Trên vườn khí tượng có cột đo gió cao 12m thường bị sét đánh, điện truyền theo cáp về máy vi tính trong phòng thường trực, làm cháy cả máy tính lẫn điện thoại, internet cũng hỏng luôn. Ban đầu phát hoảng vì không làm sao chuyển số liệu về trung tâm được”, Minh Hảo cho biết. Tôi chợt rùng mình nghĩ đến chuyện con gái đêm hôm đội nón đi ra khỏi phòng để leo lên đồi kiểm tra số liệu, ở nhiều nơi cán bộ than xung quanh các đối tượng nghiện ma túy rất nhiều và hỏi: “Đêm hôm lên đồi quan trắc không sợ ma à?”. Hảo cười hài hước: “Em họ Ma rồi, sợ gì ma nữa”. Rồi dẫn cả đoàn lên đồi, cô bảo có nhiều chuyện để kể lắm, nhưng “lần đầu em nhìn thấy có máy ảnh xịn như thế này, các anh chị chụp cho mẹ con em một kiểu để em ghi lại kỷ niệm với mẹ”.
Thật tình mà nói, nghề quan trắc - dự báo viên lương thấp mà buồn, chẳng có khoản thu nhập thêm. Chị Hoàng Thị Tính đã có 25 năm trong nghề quan trắc khí tượng, sống với mây mưa bão gió tâm sự rằng cũng đã có những người không theo đuổi được nghề này, sau vài năm làm là bỏ. Phải có niềm say mê, chấp nhận hy sinh mới gắn bó được!
Trở về Hà Nội lại gặp xe cộ nườm nượp như suối nước lũ, dường như ai cũng vội vã, ngược xuôi toan tính... cảm thấy những nơi vừa đến như xa lạ. Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Quốc gia, chia sẻ: “Mỗi năm ngành khí tượng thủy văn thế giới đều chọn một chủ đề và năm nay câu khẩu hiệu được chọn là Understanding the cloud, tôi dịch ra có nghĩa là thấu hiểu cả những đám mây. Thời tiết mang tính quy luật, hơi nước từ đất bốc lên tạo thành mây rồi lại mang mưa tới cho cây trái, hình thành dòng chảy của các con sông. Cuộc sống là sự cộng hưởng. Chúng ta nên sống chậm lại một chút, lắng lại để hiểu sâu hơn về những con người thầm lặng, sống bằng niềm tin và nhiệt huyết với công việc, vì tình yêu nghề, họ chấp nhận thiệt thòi hơn để cống hiến cho xã hội, nhưng cần có sự chia sẻ”.
Theo sggp
Theo ông Lê Thanh Hải, ngành khí tượng - thủy văn hiện nay đang sử dụng hơn 3.100 người rải khắp đất nước do đặc thù khoa học kỹ thuật ở nước ta còn khó khăn, chưa có hệ thống máy móc tự động nên phải sử dụng nhiều nhân lực. Thêm nữa, mạng lưới trạm quan trắc ở nước ta rất thưa thớt, trong khi để dự báo tốt thì phải phủ kín dữ liệu nên còn phải sử dụng thêm cả các cộng tác viên đo mưa nhân dân và cán bộ ở địa phương, trong khi điều kiện chi trả có hạn, thù lao đã được cải thiện hơn so với trước nhưng còn khá thấp nên nhiều năm qua, rất khó thu hút nhân tài - nhân lực, các trường đào tạo cũng khó tuyển sinh “đầu vào”. Trong bối cảnh khó khăn cả nhân lực và công nghệ, những người làm nghề quan trắc, dự báo thời tiết cần sự đồng cảm và thấu hiểu của xã hội. |