Làm dâu, rể xứ người - Kỳ 2: Thương nhau sau đổ vỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tình cờ gặp gỡ, rồi chia sẻ, thấu hiểu và yêu thương nhau, hoa hậu doanh nhân Việt và người kỹ sư Đan Mạch quyết định về chung một nhà, xây dựng tổ ấm và làm thiện nguyện giúp đỡ cộng đồng.

Như "chim sợ cành cong", hơn 23 năm trước, bà Trương Ngọc Thọ (59 tuổi) dè dặt, không có ý định tái hôn sau khi đã "lỡ một lần đò". Tuy nhiên, nhờ phước lành của tình yêu, một lần nữa bà lại khoác lên mình chiếc váy cưới, sánh bước bên người chồng ngoại quốc sau cuộc gặp gỡ định mệnh. Những khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ không phải là trở ngại lớn trong tình yêu của hai người mà ngược lại, còn là gia vị cho cuộc hôn nhân thêm gắn kết.

Bà Ngọc Thọ hạnh phúc bên người chồng Đan Mạch. ẢNH: NVCC
Bà Ngọc Thọ hạnh phúc bên người chồng Đan Mạch. ẢNH: NVCC

Tìm được mảnh ghép cuộc đời

Cũng như bà Thọ, ông Erik Torndahl cũng từng có một cuộc hôn nhân không trọn vẹn.

"Tôi cảm thấy may mắn khi gặp được chồng hiện tại. Chúng tôi giống như có thiên duyên tiền định, ngay từ lần đầu gặp gỡ đã ấn tượng với ánh mắt, nụ cười của người kia. Nhưng hơn hết, điều mang chúng tôi lại gần bên nhau chính là sự đồng cảm, thấu hiểu, như tìm được mảnh ghép thật sự sau những dang dở đã qua", bà Thọ xúc động.

Khi kể về chồng mình, ánh mắt bà Thọ lấp lánh niềm tự hào. Bà chia sẻ suốt 20 năm qua, vợ chồng bà rất hòa hợp, ít xảy ra cãi vã. Theo bà, sống chung một nhà, quan trọng nhất là sự san sẻ, lắng nghe và học cách chấp nhận, bao dung những khuyết điểm của nhau. Bởi lẽ, con người không ai là hoàn hảo, những bất đồng, khác biệt trong suy nghĩ, lối sống là luôn có; nhất là với những cặp vợ chồng đến từ hai đất nước, hai nền văn hóa khác nhau.

Bà Thọ đoạt danh hiệu Hoa hậu Nhân ái Việt Nam 2019. ẢNH: NVCC
Bà Thọ đoạt danh hiệu Hoa hậu Nhân ái Việt Nam 2019. ẢNH: NVCC

"Vợ chồng tôi yêu thương nhau chính bởi những điều còn dang dở, khuyết thiếu trong đời. Tôi lấy ông xã không phải vì anh giàu có, vì anh là người ngoại quốc mà vì chính con người tử tế của anh. Chồng tôi là người hết mực chăm lo cho gia đình. Tuy không có con chung với nhau nhưng cả con riêng của tôi hay của anh đều được gia đình nội, ngoại hai bên yêu thương hết mực", bà Thọ nói.

Gia đình hai bên cũng yêu thương, quý mến vợ chồng bà Thọ. Bà kể ba mẹ chồng đã bày tỏ cảm ơn vì bà đã đến bên ông Erik. Ngược lại, gia đình bà Thọ cũng dành cho chàng rể "ngoại" sự cưng chiều, đôi lúc khiến bà phải ghen tị.

Có chồng đồng hành trên mọi hành trình, bà Thọ như được chắp thêm đôi cánh để theo đuổi đam mê, xây dựng sự nghiệp. Không chỉ là một nữ doanh nhân thành đạt, bà còn được biết đến với danh hiệu Á hậu Thần tượng Doanh nhân 2017 và Hoa hậu Nhân ái Việt Nam 2019.

Bà tâm tình luôn nỗ lực học tập, phát triển bản thân dù ở độ tuổi nào để có thể góp phần truyền cảm hứng cho những phụ nữ khác, kiến tạo giá trị cho cộng đồng. Tuy lấy chồng ngoại quốc và sang định cư ở Đan Mạch, bà Thọ vẫn thường xuyên về nước để quản lý công việc kinh doanh và làm thiện nguyện. Bà mong muốn được giúp đỡ thật nhiều các em nhỏ và cụ già có hoàn cảnh khó khăn, những người yếu thế trong xã hội.

Hai vợ chồng cùng các con. ẢNH: NVCC
Hai vợ chồng cùng các con. ẢNH: NVCC

Kể về một kỷ niệm đáng nhớ trên con đường làm thiện nguyện, bà chia sẻ lần mang chiếc váy dạ hội đăng quang hoa hậu của mình đi đấu giá. Số tiền nhận được, bà dùng tổ chức chương trình "Kết nối ước mơ" cho các em nhỏ khó khăn ở tỉnh Trà Vinh.

"Tôi rất thích ca hát, thích nghệ thuật nên cũng mong các bạn nhỏ có chung niềm đam mê được một lần tỏa sáng trên sân khấu, thể hiện tài năng của mình. Quê hương mình vẫn còn đó những hoàn cảnh khó khăn nên tôi cũng mong có thể góp chút sức nhỏ để cuộc đời có thêm một nụ cười, một tiếng hát hay", bà Thọ nói.

Giữ lửa hôn nhân bằng phở

Chia sẻ về bí quyết giữ lửa hôn nhân, bà Thọ cho hay nhiều năm qua, bà luôn giữ thói quen nấu đồ ăn Việt cho chồng và gia đình, đặc biệt là món phở bò. Bà bật mí thêm ông Erik rất thích phở bò nhưng phải là do tự tay vợ mình nấu.

"Những bữa cơm gia đình luôn là yếu tố quan trọng góp phần làm nên một cuộc hôn nhân hạnh phúc. Sau một ngày dài bôn ba làm việc, bữa cơm tối chính là cơ hội để cả gia đình lắng nghe, trò chuyện cùng nhau. Tôi rất hay nấu phở bò cho cả nhà, tuần nào cũng phải ăn một, hai lần mặc dù nguyên liệu ở bên đây rất khó mua", bà Thọ bộc bạch.

Gia đình chồng của bà Thọ. ẢNH: NVCC
Gia đình chồng của bà Thọ. ẢNH: NVCC

Ông Erik cho hay hơn 20 năm qua, nhờ sự đảm đang, vun vén gia đình của vợ mình nên ông rất an tâm mỗi lần công tác xa. Hai vợ chồng tuy ai cũng bận rộn công việc nhưng không quên dành thời gian cho nhau, cùng chăm lo con cái. Bản thân ông rất hãnh diện vì có một người vợ hiền, tự hào khoe với bạn bè những món ăn vợ nấu.

"Lấy một người chồng ngoại quốc, chắc chắn sẽ gặp phải những khó khăn, bất đồng trong ăn uống, sinh hoạt thường ngày. Nhưng quan trọng là mình phải chia sẻ với nhau. Chồng tôi thích phở và luôn dành lời khen cho món phở tôi nấu cũng là một cách để bày tỏ tình cảm của mình với đối phương. Dù ở độ tuổi nào đi nữa, điều đó cũng rất quan trọng để gìn giữ một mối quan hệ lâu bền", bà Thọ trải lòng.

Bản thân bà luôn cảm thấy may mắn và trân quý hạnh phúc mình đang có. Bà bày tỏ mong tất cả những người phụ nữ khác cũng tìm được bến đỗ cho đời mình.

"Là phụ nữ, nếu muốn có một gia đình nhỏ hạnh phúc thì nên ở cạnh một người yêu thương, sẻ chia, đồng cảm với mình. Muốn đi lâu dài cùng nhau thì sự bao dung, sẵn sàng chấp nhận những điểm chưa tốt của đối phương rất quan trọng. Phụ nữ cũng nên mạnh dạn cho mình cơ hội để thử sức, để tìm kiếm hạnh phúc, có đời sống độc lập, hạn chế phụ thuộc vào bất kỳ ai", bà nhắn nhủ.

Theo bà, phụ nữ Việt hiện nay đa số đều rất giỏi giang, độc lập, mạnh mẽ. Cho dù kết hôn với người Việt hay người nước ngoài, tất cả đều nên xuất phát từ tình yêu chân chính.

Bà ngẫm nghĩ: "Giày dép còn có số, con người cũng vậy. Gặp gỡ, yêu thương và ở bên nhau là cả một hành trình dài. Thế giới bây giờ là thế giới hội nhập, nơi mà vòng tròn kết nối được mở rộng vô biên. Vậy nên chuyện kết hôn với người nước ngoài cũng hết sức bình thường chứ không phải vì mục đích đổi đời hay tham lam", bà khẳng định.

Dù đã chạm tuổi 60, bà Ngọc Thọ vẫn đang tích cực học tập, phát triển bản thân. Bà nói khi sinh sống và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, bà luôn tự ý thức được tầm quan trọng của việc làm mới, rèn luyện mình mỗi ngày.

Bà học thêm tiếng Đan Mạch, học thiết kế thời trang… Đó cũng là cách để người phụ nữ tạo thêm niềm vui cho mình. "Nước Việt Nam của mình bây giờ rất văn minh, tiến bộ, tôi cũng muốn học hỏi thêm để có những đóng góp cho cả quê hương lẫn nước sở tại. Chồng tôi cũng hay nói một trong những lý do anh ấy yêu tôi chính là sự nỗ lực, cố gắng học hỏi không ngừng", bà Thọ chia sẻ. (còn tiếp)

Theo Thái Thanh - Hoài Nhiên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Người gieo ánh sáng yêu thương

Người gieo ánh sáng yêu thương

Bị khiếm thị từ nhỏ, song Lã Minh Trường, sinh năm 2001, nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khuyết tật TP Hà Nội, đã vươn lên trong học tập, thi đấu thể thao và tích cực hoạt động công tác xã hội trong 5 năm qua.

Sau khi mãn hạn tù trở về địa phương, anh Nguyễn Thành Nhân (tổ 9, thị trấn Kbang) được hỗ trợ vay 100 triệu đồng phục vụ sản xuất. Ảnh: H.T

Quan tâm hỗ trợ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng - Kỳ 2: Tạo điều kiện vay vốn sản xuất

(GLO)- Thực hiện chính sách hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, thời gian qua, lực lượng Công an cơ sở và các ban, ngành, đoàn thể địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tại Gia Lai đã tích cực rà soát, tạo điều kiện hỗ trợ họ được vay vốn sản xuất, ổn định cuộc sống.

Khát vọng bừng sáng đại ngàn

Khát vọng bừng sáng đại ngàn

Khát vọng khởi nghiệp và cao hơn là đổi thay đời sống dân bản vùng biên còn nghèo khó, Ríah Dung (32 tuổi, Bí thư Đoàn xã GaRy, huyện Tây Giang, Quảng Nam) trở thành người tiên phong ở vùng biên phía tây xứ Quảng.

Lửa và Chiêng

Lửa và Chiêng

Đêm ấy, trong buôn làng người Mạ, nằm giữa sàn nứa trong ngôi nhà dài của vợ chồng người già K’Noi - Ka Lý, tôi hiu hiu giấc trong âm hưởng đại ngàn. Bên ngoài vách nứa là tiếng gió vờn qua những trảng cỏ tranh, là tiếng thú đi hoang khắc khoải gọi bầy. Giữa khuya, tôi bất chợt tỉnh giấc.

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Người Ba Na và ước mơ sung túc

Dưới tiết trời se lạnh, gió đẩy từng hơi rừng mát lạnh, người dân làng Kon Ktonh tập trung lại dưới mái nhà Rông để mừng Tết ăn thịt dúi. Lâu lắm rồi, bà con mới có dịp tụ họp đông đủ, chúc nhau sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống may mắn, hạnh phúc.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lợi (thứ 2 từ phải sang)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Tân Điệp 1 (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) trao đổi với người dân về kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: N.M

Những đảng viên “miệng nói, tay làm”

(GLO)- Dù đảm nhận vị trí công việc khác nhau song điểm chung ở những đảng viên tiêu biểu chính là sự tận tụy, hết lòng với công việc được giao. “Miệng nói, tay làm”, họ trực tiếp vun bồi niềm tin của người dân với Đảng, chung sức xây dựng địa phương ngày một phát triển.

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Thác ghềnh muôn nỗi sơn khê

Từ bé tôi đã thuộc lòng câu ru của mẹ rằng: “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo đưa chồng, tiếng khóc nỉ non/ Nàng về nuôi cái cùng con/ Để anh đi trẩy nước non Cao Bằng”. Nghe chả hiểu gì nhưng tôi vẫn chìm trong giấc ngủ với những giọt nước mắt ngày ấy.

Tết về trên đảo Đá Tây A

Tết về trên đảo Đá Tây A

Với đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc trưng như trên đất liền, cộng với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi đã làm nên một cái Tết đầm ấm, sum vầy, ấm áp tình quân dân trên đảo Đá Tây A.

Xuân thêm vẹn tròn

Xuân thêm vẹn tròn

Khi sắc xuân sắp chạm ngõ mọi hiên nhà, bước chân mưu sinh của những người lao động dường như càng thêm hối hả, vội vã trên khắp phố phường. Bởi để đón mùa Tết đầm ấm hơn, họ phải vun vén, dành dụm trong ngoài để có thể đong đầy lu gạo, chắt tràn lọ mắm, thêm củ dưa hành…