Ở các huyện miền núi phía bắc, Tân Uyên là một trong những địa danh có diện tích trà công nghiệp lớn nhất với hơn 3.000 ha cùng một lịch sử hình thành ngành trà do công nhân thuộc Nông trường Quân đội Than Uyên tạo lập từ năm 1959, nay là Công ty cổ phần trà Than Uyên với nhà máy chế biến quy mô có thể xử lý và sản xuất đến 100 tấn trà tươi/ngày.
Dòng trà lạ, phát hiện trên núi Hô Tra những năm gần đây được truyền tai nhau về hương thơm và vị ngọt kỳ lạ, ít người biết đến, mở ra hành trình đi tìm cây trà với kỳ vọng khơi mở nhiều tiềm năng cho việc khai thác, bảo tồn và phát triển thế mạnh sẵn có từ sản vật thiên nhiên.
Hô Tra thuộc diện bản khó khăn nhất H.Tân Uyên, với tổng số 140 hộ gia đình người Mông sinh sống. Từ trung tâm H.Tân Uyên vào đến Hô Tra chỉ khoảng 20 km nhưng mất hơn 1 giờ đi đường. Ngày nắng ráo, nếu đi xe 4 bánh, phải là tay lái cứng điều khiển dòng xe hai cầu mới có thể tiếp cận; gặp ngày mưa, việc đến Hô Tra là điều không tưởng.
Hỏi chuyện tìm về rừng trà cổ thụ trên núi Hô Tra, Thào A Phành, trưởng bản, hiến kế: "Phải đi thật sớm, về trong ngày mới kịp; từ bản đến được vùng trà, dân bản đi mất hơn 4 tiếng mới tới, đường núi dốc lắm".
Khởi hành từ trung tâm H.Tân Uyên lúc 5 giờ sáng, trời còn mịt mù sương, mất đúng 1 giờ dằn xóc trên đường mà chưa rõ là đường, mới vào được Hô Tra. Bình minh lên thật đẹp, bản Hô Tra bình yên ngay dưới đỉnh núi có mỏm đá nhô cao, được người dân gọi là đỉnh Đầu Gà. Người dẫn đường là thanh niên Châu A Thào, dân bản Hô Tra, cũng là một tay đi rừng thuần thục. Hỏi về ý nghĩa của từ Hô Tra, Châu A Thào giải thích: "Em nghe kể ngày xưa tổ tiên người Mông chúng em từ Sa Pa sang đây khai hoang, rừng rậm rạp khó đi lắm, một gia đình bị lạc người cha nên cứ hô to lên để gọi cha về. Hô cha nghĩa là thế, sau mọi người chuyển thành Hô Tra như bây giờ".
Đường lên núi, càng đi sâu vào rừng càng gặp nhiều dốc đứng, hiếm hoi mới có đoạn bằng phẳng nghỉ chân. Sau hơn 4 giờ vượt núi, vùng trà vẫn đâu đó xa tít, nhưng đã thấy Hạng A Chơ phi xuống núi băng băng, vai mang khúc gỗ nặng, lưng đeo bao trà mới hái. Hỏi chuyện trà, A Chơ dừng lại kể: "Mình đi từ 4 giờ sáng, hái được ít trà rồi tranh thủ về. Trà trên rừng cây nhỏ thì nhiều, đi 4 tiếng là có, còn muốn gặp cây to 1 - 2 người ôm, phải đi xa hơn, 5 - 6 tiếng cơ".
Đường rừng vẫn dẫn lối lên cao, qua các nương thảo quả xanh mướt. Ở H.Tân Uyên, Hô Tra là vùng núi nổi tiếng với thảo quả. Còn theo kinh nghiệm qua các vùng trà hoang dã như ở địa bàn Hoàng Su Phì, hễ đến nơi có thảo quả, nghĩa là gần với trà. Nguyên do cây trà nguyên sinh luôn mọc ở những vùng núi cao, nơi có khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước… đạt đến thanh khiết, người Mông khi du canh trồng thảo quả cũng tìm đến nơi hoang sơ ấy khai khẩn, lập nương. Cây thảo quả nhờ vùng sinh thái ấy mà phát triển tối ưu.
Gần 6 giờ leo dốc núi, những cây trà dần xuất hiện, búp trà tím đặc trưng, bám một lớp tuyết mỏng. Đang là mùa đông, trà bắt đầu chớm vụ. Trong các dòng trà hoang dã, cây trà búp tím đang được giới sành trà ưa chuộng bởi lưu giữ làn hương thực sự quyến rũ, với những phẩm trà chế biến theo kỹ thuật trà xanh hoặc hồng trà, sẽ thấy ở đó hương hoa lan, hương các dòng hoa trắng, để qua thời gian sẽ lên thêm hương hoa hồng, hương các loại quả chín màu sậm. Tất cả những hương vị thiên nhiên ấy, chưa có dòng trà trồng nào có thể so sánh được.
Tin vui mỗi khi tìm ra thêm một vùng trà hoang dã, hương vị đặc biệt, đồng thời kéo theo nhiều nỗi lo, bởi nếu không kiểm soát chặt và khai thác hiệu quả, dễ dẫn đến hệ lụy đốn hạ các cây trà quý để việc thu hái tiện lợi, nhanh chóng như đã từng diễn ra ở rừng trà dưới đỉnh Chiêu Lầu Thi của Hà Giang. Hành trình tìm cây trà hoang dã trên núi Hô Tra cũng đã thấy rải rác một số cây bị đốn ngang thân.
Thống kê sơ bộ từ Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Uyên, có đến hơn 2.000 cây trà cổ thụ trên đỉnh Hô Tra được phát hiện, đây là nguồn tài nguyên lớn cần được bảo tồn, gìn giữ, khai thác hợp lý, hiệu quả. Dân bản cần được tuyên truyền để hiểu giá trị cây trà, trước mắt là việc thu hái không sử dụng biện pháp đốn hạ. Việc sản xuất hoặc kêu gọi đầu tư cũng cần thận trọng, người làm trà hoặc nhà đầu tư nên chú tâm tối ưu vào kỹ thuật sản xuất để đưa được phong vị đặc biệt từ dòng trà búp tím này thành sản phẩm ổn định. Có như thế, món quà tiên trên đỉnh Hô Tra mới thực sự đáng quý, vững bền; ngành trà Việt lại có thêm một tự hào, người yêu trà Việt lại có thêm một dòng sản phẩm giá trị để thưởng thức.
Theo Lam Phong (TNO)