Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai bị yêu cầu mở thủ tục phá sản lần 2: Chưa tìm được tiếng nói chung

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cho rằng Tòa án nhân dân tỉnh thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty cổ phần Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi) là chưa đủ điều kiện theo quy định pháp luật, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (gọi tắt là Công ty Đức Long Gia Lai) đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, đại diện được ủy quyền của Công ty cổ phần Lilama 45.3 lại cho rằng: Họ có quyền nộp lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đức Long Gia Lai vì nhận thấy doanh nghiệp này mất khả năng thanh toán.

Bị yêu cầu mở thủ tục phá sản lần 2

Ngày 12-7-2024, TAND tỉnh có Thông báo số 01/PS-TBTA về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đức Long Gia Lai và yêu cầu công ty này trong 30 ngày phải gửi cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản cùng các tài liệu kèm theo. Ngoài ra, trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận thông báo, Công ty Đức Long Gia Lai phải xuất trình những giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án.

Phản ứng với Thông báo số 01/PS-TBTA ngày 12-7-2024 của TAND tỉnh, đại diện Công ty Đức Long Gia Lai viện dẫn: Căn cứ khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014 về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì: “Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán”.

Do đó, Công ty Đức Long Gia Lai cho rằng Tòa án chỉ đứng về một phía; thiếu công tâm, khách quan và làm trái pháp luật, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu, tài chính của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng, việc Công ty cổ phần Lilama hết lần này đến lần khác gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây mất uy tín của doanh nghiệp. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai cho rằng, việc Công ty cổ phần Lilama hết lần này đến lần khác gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây mất uy tín của doanh nghiệp. Ảnh: M.P

Ông Nguyễn Tường Cọt-Tổng Giám đốc Công ty Đức Long Gia Lai-khẳng định: Công ty đang trả nợ theo lộ trình cam kết và thời gian trả nợ gần đây nhất chưa quá 30 ngày nên việc Công ty cổ phần Lilama 45.3 gửi đơn đến TAND tỉnh yêu cầu tiếp tục mở lại thủ tục phá sản đối với Công ty là không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Phá sản 2014.

Theo ông Cọt, sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh cho đến thời điểm TAND cấp cao tại Đà Nẵng ban hành Quyết định số 03/2023/QĐ-PT ngày 10-11-2023 về việc “Hủy Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS ngày 9-10-2023 của TAND tỉnh Gia Lai đối với Công ty Đức Long Gia Lai”, Công ty đã trả nợ 6 tỷ đồng (chiếm 41% số nợ gốc).

Trong đó, lần trả nợ gần đây nhất cho Công ty cổ phần Lilama 45.3 là vào ngày 27-6-2024 với 350 triệu đồng, thực hiện đúng theo Công văn số 151/ĐLGL-VP ngày 8-11-2023 của Công ty Đức Long Gia Lai về kế hoạch cam kết trả nợ cho công ty này.

Tổng Giám đốc Công ty Đức Long Gia Lai cho biết: Ngày 9-10-2023, TAND tỉnh đã ban hành Quyết định mở thủ tục phá sản số 01/2023/QĐ-MTTPS đối với Công ty Đức Long Gia Lai. Sau đó, Công ty có đơn kháng nghị. Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng nhận thấy Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập phiên họp để kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán và tạo điều kiện cho 2 công ty thương lượng thanh toán nợ.

Mặt khác, thời điểm này, Công ty Đức Long Gia Lai đang hoạt động kinh doanh bình thường, không mất khả năng thanh toán, chưa lâm vào tình trạng phá sản và có cam kết lộ trình thanh toán nợ theo thủ tục thi hành án dân sự nên đã hủy quyết định mở thủ tục phá sản của TAND tỉnh.

Vẫn chưa tìm được tiếng nói chung

Đại diện Công ty cổ phần Lilama 45.3 cho biết, doanh nghiệp không đồng tình với quyết định hủy mở thủ tục phá sản của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đối với Công ty Đức Long Gia Lai; đồng thời khẳng định pháp luật cho phép Công ty được quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản vì Công ty Đức Long Gia Lai chưa thanh toán hết nợ.

Luật sư Nguyễn Thị Sương (Công ty Luật Hợp Danh FDVN, đại diện được ủy quyền của Công ty cổ phần Lilama 45.3) khẳng định: Phía Công ty cổ phần Lilama 45.3 chưa được tiếp cận Công văn số 151/ĐLGL-VP nên không rõ cam kết của Công ty Đức Long Gia Lai là gì, cam kết với ai. Công ty cổ phần Lilama 45.3 yêu cầu Công ty Đức Long Gia Lai phải thanh toán toàn bộ nợ gốc và lãi suất theo bản án đã có hiệu lực của Tòa án.

Ông Nguyễn Tường Cọt-Tổng Giám đốc Công ty Đức Long Gia Lai:Theo bản án phúc thẩm của TAND tỉnh, Công ty Đức Long Gia Lai phải trả cho Công ty cổ phần Lilama 45.3 nợ gốc hơn 14,7 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán hơn 2,3 tỷ đồng. Từ tháng 10-2023 đến tháng 6-2024, Công ty Đức Long Gia Lai đã thanh toán nợ cho Công ty cổ phần Lilama 45.3 được 6 tỷ đồng.

“Giữa Công ty cổ phần Lilama 45.3 và Công ty Đức Long Gia Lai cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào về gia hạn hay chia đợt thanh toán. Công ty Đức Long Gia Lai tự “cam kết đơn phương”. Cho đến nay, Công ty Đức Long Gia Lai vẫn chưa thanh toán toàn bộ khoản nợ cho Công ty cổ phần Lilama 45.3.

Và, theo quy định của Luật Phá sản thì Công ty cổ phần Lilama 45.3 có quyền nộp lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Công ty Đức Long Gia Lai vì nhận thấy Công ty Đức Long Gia Lai là doanh nghiệp mất khả năng thanh toán”-luật sư Nguyễn Thị Sương nhấn mạnh.

Trao đổi với P.V, Thẩm phán Võ Văn Bình-Phó Chánh án TAND tỉnh-nhận định: Công ty Đức Long Gia Lai cho rằng họ thanh toán đúng lộ trình trả nợ theo cam kết nhưng phải được Công ty cổ phần Lilama 45.3 đồng ý. Bởi đây là bên có quyền và bản án đã có hiệu lực của Tòa án là thi hành ngay, đúng, đủ theo nguyên tắc pháp luật.

Theo bản án thì Công ty Đức Long Gia Lai không làm đúng và Công ty cổ phần Lilama 45.3 cũng không đồng ý giãn nợ nên Thẩm phán Tòa án đối chiếu quy định của pháp luật về điều kiện thụ lý đơn phá sản để ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu phá sản đối với Công ty Đức Long Gia Lai.

“Nếu giữa 2 doanh nghiệp có thỏa thuận gia hạn thời gian trả nợ và làm đúng cam kết đó mà Tòa án ra thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì lúc này Tòa án làm sai. Còn phía Công ty Đức Long Gia Lai đưa ra lộ trình cam kết trả nợ nhưng không được Công ty cổ phần Lilama 45.3 đồng ý thì đây chỉ là cam kết “đơn phương”-Thẩm phán Võ Văn Bình nêu quan điểm.

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.