Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều giải pháp thiết thực về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh đã được đưa ra tại hội nghị sơ kết công tác tháng 4 và 4 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác tháng 5-2024 do UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vào chiều 6-5.

Hội nghị được tổ chức tại trụ sở UBND tỉnh dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Thị Thanh Lịch, Nguyễn Hữu Quế. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các sở, ban, ngành.

Nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2023

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long đã biểu dương tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ tháng 4 cũng như 4 tháng đầu năm 2024 theo kế hoạch. Hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đều bằng và vượt so với cùng kỳ năm 2023.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy

Theo báo cáo của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa, vụ Đông Xuân 2023-2024, toàn tỉnh gieo trồng được 81.289,2 ha (tăng 405,1 ha); diện tích cây trồng bị sâu bệnh gây hại giảm đáng kể. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.194,3 tỷ đồng (tăng 7,6%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ là 42.395 tỷ đồng (tăng 15,21%); kim ngạch xuất khẩu đạt 474 triệu USD (tăng 52,9%); doanh thu vận tải đạt 1.816 tỷ đồng (tăng 7,2%). Tổng thu ngân sách nhà nước đến hết ngày 30-4 là 2.477 tỷ đồng (đạt 44% dự toán Trung ương giao, đạt 42,6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2023).

“Trong tháng 4, toàn tỉnh có 100 doanh nghiệp thành lập mới, lũy kế 4 tháng có 340 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 17,4%) với số vốn đăng ký là 3.520 tỷ đồng; nâng số doanh nghiệp hoạt động trên toàn tỉnh lên 9.699. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tỉnh triển khai kịp thời, đúng đối tượng”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Cùng với đó, các lĩnh vực giáo dục-đào tạo, y tế, thông tin-truyền thông, lao động-thương binh và xã hội, khoa học-công nghệ, dân tộc-tôn giáo, thể dục thể thao… cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm tiếp tục khởi sắc với khoảng 575 ngàn lượt khách đến tham quan, trong đó, khách quốc tế có 4.400 lượt (tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái); tổng thu du lịch đạt 315 tỷ đồng (tăng 17%).

Các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng được thực hiện đầy đủ, kịp thời; chú trọng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tri ân nghĩa tình đối với người có công với cách mạng. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; công tác đối ngoại được tăng cường.

Khơi thông những “điểm nghẽn”

Phấn khởi trước những kết quả đạt được, song lãnh đạo UBND tỉnh cùng các sở, ngành cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tháng 4 và 4 tháng đầu năm, nhất là đối với những “điểm nghẽn” chưa được khơi thông, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa nêu rõ: Đến nay, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 mới chỉ phê duyệt được 9/17 địa phương. Một số dự án xây dựng cơ bản theo kế hoạch năm 2024 chưa đủ điều kiện phân bổ vốn; chậm đề xuất kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh, Đề án phát triển kinh tế-xã hội gắn với bảo vệ an ninh-quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên. Hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống người dân. Tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, tai nạn giao thông, tội phạm về trật tự xã hội, ma túy còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn phức tạp…

Liên quan tiến độ triển khai các quy hoạch xây dựng trọng điểm, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch cho hay: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai việc lập các quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh đã được Trung ương phê duyệt.

Tuy nhiên, đến nay, chỉ mới có 7/14 địa phương đang trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng vùng huyện. Về quy hoạch chung đô thị, hiện TP. Pleiku đang triển khai các bước lập đồ án quy hoạch chung thành phố đến năm 2045; thị xã Ayun Pa chưa trình hồ sơ về điều chỉnh quy hoạch tổng thể, cục bộ; huyện Mang Yang đang tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư tại địa phương…

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T

Về quy hoạch phân khu đô thị, TP. Pleiku có 8/11 đồ án đã được Sở Xây dựng thẩm định, 3 đồ án còn lại thành phố đang hoàn thiện hồ sơ để trình thẩm định; thị xã An Khê đang hoàn thiện 4 đồ án, dự kiến tổ chức thẩm định, phê duyệt trong quý II-2024; thị xã Ayun Pa đã phê duyệt 3 đồ án.

Về quy hoạch chung khu chức năng, Sở Xây dựng đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Biển Hồ-Chư Đang Ya; riêng quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh đang chờ Bộ Xây dựng thẩm định đồ án.

Đề cập đến vấn đề thiên tai, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Mặc dù công tác phòng-chống thiên tai được quan tâm chỉ đạo, tuy nhiên, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong 4 tháng đầu năm khá lớn với trên 25,6 tỷ đồng (riêng tháng 4 là 12 tỷ đồng). Trong đó, thiệt hại do hạn hán, thiếu nước hơn 21,6 tỷ đồng và thiệt hại do mưa giông, gió mạnh gần 4 tỷ đồng.

“Hiện nay, Sở đang hướng dẫn các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp phòng-chống thiên tai; làm việc với các huyện và chủ hồ chứa thủy lợi, đập dâng nếu cần thiết sẽ yêu cầu xả nước xuống vùng hạ du để đảm bảo nước sản xuất nông nghiệp và nước uống cho vật nuôi; tiếp tục đẩy mạnh áp dụng tưới tiết kiệm nước cho cây trồng; đồng thời, hướng dẫn lập hồ sơ về thiệt hại do thiên tai để được hỗ trợ theo quy định”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm.

Đáng chú ý, trong tháng 4, toàn tỉnh xảy ra 30 vụ tai nạn giao thông, làm 19 người chết, 18 người bị thương. Theo Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh, mặc dù giảm 2 tiêu chí về số vụ và số người bị thương so với tháng 3, song nếu tính chung từ đầu năm đến nay thì lại tăng 2 tiêu chí.

“Qua rà soát và đánh giá, hiện nay, toàn tỉnh có 16 điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông, 292 điểm bất cập về an toàn giao thông; các tuyến đường tránh không duy trì việc chiếu sáng điện suốt ban đêm... Do đó, để ngăn ngừa tai nạn giao thông, ngoài tuyên truyền, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát thì cần tính toán đầu tư đảm bảo các điều kiện, đặt camera giám sát trên các tuyến, đoạn đường tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông”-Thiếu tướng Rah Lan Lâm đề xuất.

Quyết liệt thực hiện hiệu quả nhiệm vụ

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND tỉnh tại hội nghị chủ động khắc phục những hạn chế, tiếp tục đổi mới, hành động quyết liệt, tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu đạt vượt mức các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2024 đã đề ra.

Trong đó, tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện đúng quy chế làm việc của UBND tỉnh; bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy để triển khai nhiệm vụ. Tăng cường rà soát và kịp thời giải quyết dứt điểm, hiệu quả, đúng quy định các kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, những vấn đề được báo chí, dư luận và người dân, doanh nghiệp quan tâm, phản ánh, đề xuất; tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài và chủ động xử lý những vấn đề mới phát sinh.

Về xây dựng cơ bản, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, quản lý vốn đầu tư công, đảm bảo hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí và xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng; đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò 4 tổ công tác của UBND tỉnh về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách năm 2024. Các cơ quan thường trực của 3 chương trình mục tiêu quốc gia phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc triển khai của các sở, ngành, địa phương liên quan đến chương trình do mình phụ trách; kịp thời hướng dẫn, xử lý các vướng mắc và chủ động báo cáo, đề xuất lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách chương trình tổ chức họp để xử lý các vướng mắc theo quy định.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, đơn vị. Trong đó, lưu ý tăng cường thực hiện các giải pháp phòng-chống hạn hán, thiếu nước, thời tiết cực đoan; thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng-chống cháy rừng; phân bổ hết vốn đầu tư công năm 2024; rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ và dự thảo kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hướng dẫn, đôn đốc các địa phương đẩy nhanh việc lập quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm căn cứ quản lý phát triển và thu hút đầu tư; hoàn thiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2024 và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh 5 năm (2021-2025).

Bên cạnh đó, khẩn trương hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn quy trình đầu tư công và đầu tư ngoài ngân sách; đề xuất danh mục dự án kêu gọi đầu tư nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; triển khai hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh công tác thu ngân sách; triển khai phương án phát triển cụm công nghiệp theo Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, đề xuất phương án đầu tư xây dựng đường cao tốc Quy Nhơn-Pleiku.

Các sở, ngành liên quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ năm học 2023-2024, tập trung ôn tập kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024; triển khai tốt công tác phòng-chống dịch bệnh, tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm; triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số; tăng cường theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh. Song song với đó, tăng cường giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông ở cả 3 tiêu chí.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các tổ chức hội, đoàn thể tiếp tục đồng hành cùng UBND tỉnh trong thời gian tới để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024 đã đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Binh đoàn 15 động viên công nhân trước khi bước vào hội thi cạo mủ. Ảnh: V.H

Sáng mãi phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Kỳ cuối: Đẩy mạnh sản xuất kết hợp với xây dựng vùng biên vững mạnh

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tham gia sản xuất là một nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ giao cho Quân đội”, Binh đoàn 15 phối hợp cùng với cấp ủy, chính quyền và người dân tiến hành khai hoang, phục hóa, gieo mầm xanh nơi vùng đất khó biên giới Tổ quốc.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.